“Thần chú” Latinh pháp lý

“Thần chú” Latinh pháp lý

Chắc hiếm có nhà văn nào giúp các độc giả trẻ Việt Nam làm quen với ngôn ngữ cổ Latinh được hơn nhà văn người Anh J.K.Rowling, tác giả bộ truyện Harry Potter nức tiếng.

Từ Wingardium Leviosa lắt nhắt cơ bản cho đến Expecto Patronum trung hậu mạnh mẽ, mỗi khi được háo hức biết thêm về một bùa chú kỳ diệu mới lạ trong truyện, độc giả Harry Potter Việt Nam cũng được biết thêm ngôn ngữ cổ xưa Latinh được dùng trong các bùa chú.

Không lạ gì với lựa chọn sử dụng tiếng Latinh làm phần lớn bùa chú trong truyện của tác giả J.K.Rowling (ngoài tiếng Latinh, tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác cũng được ‘xào nấu’).

Bà J.K.Rowling học văn chương tiếng Latinh và Hy Lạp cổ điển tại đại học. Trong tiếng Anh nói riêng và ngôn ngữ Tây Âu nói chung, các từ ngữ Latinh luôn mang lại một sức diễn tả ấn tượng, đầy trọng lượng. Khi được “mix” với âm nhạc, điều đó lại càng rõ nét hơn!

Sức mạnh của ngôn ngữ Latinh là sức mạnh của thời gian, của lịch sử: Ngôn ngữ Latinh phát triển theo chân Đế quốc La Mã cổ, trở thành thứ ngôn ngữ quốc tế đầu tiên của thế giới suốt vài thế kỷ đầu tiên của Thiên niên kỷ đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

Tiếng Latinh tiến hóa thành tiếng nói các nước Châu Âu hiện đại: tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh v.v. phần nhiều đều có gốc gác từ tiếng Latinh cổ.

Ngôn ngữ viết Latinh cổ thì là thứ ngôn ngữ của trí thức, được sử dụng cùng tiếng Hy Lạp cổ trong phân loại khoa học và trong xây dựng một số những nền tảng khoa học, triết lý có hệ thống đầu tiên của loài người.

Sức mạnh của ngôn ngữ Latinh ngoài ra còn là khả năng, trong nhiều trường hợp, gói ghém tư tưởng, kiến thức, cảm xúc một cách gọn ghẽ, khúc chiết.

Tính chất đa biến tố (inflected) của ngôn ngữ Latinh cho phép từ vựng Latinh có thể tự biến hóa mà không phải đi chung với những từ khác.

Chuẩn soái ca La Mã trước Công nguyên (Ảnh: 8tracks.com)

Ví dụ, động từ chỉ việc “đi đến”, “đi tới” là venire.

Chia thì quá khứ ngôi thứ nhất, “tôi đã đến” là veni. Nghe veni là biết luôn chủ ngữ của hành động đi, đến là “tôi” ngôi thứ nhất, không cần thêm “I” như tiếng Anh hay “tôi” như tiếng Việt; cũng biết luôn là hành động này diễn ra trong quá khứ, không cần đến “đã”, “từng” như trong tiếng Việt.

Tới thì tương lai, “tôi sẽ đến” là venium. Chả phải thêm “will”, “shall” như tiếng Anh hay thêm “sẽ” như tiếng Việt.

Nhờ đó, ngôn ngữ Latinh có một khả năng đặc biệt như túi thần kỳ Doraemon: nói ít hiểu nhiều, nhỏ mà đựng được nhiều.

Ví dụ như câu nói nổi tiếng của nhà độc tài La Mã cổ Julius Caesar Veni Vidi Vici, ý nghĩa: “Ta đã đến, ta đã thấy, ta đã chinh phục.”.

Trong khi bản gốc Latinh gồm ba từ gọn gàng đến mức khốc liệt, nghe ngang nhiên và xấc xược; thì bản tiếng Anh và bản tiếng Việt đều phải kéo dài lê thê ra thêm từ 3 đến 7 từ nữa để thể hiện cùng cái thái độ kiêu dũng đó của người nói.

Nhìn nhận được các sức mạnh của tiếng Latinh và tính hữu dụng của nó trong thời hiện đại, ngoài các nhà văn và phù thủy, chắc là các luật sư và luật gia.

Tối cao pháp viện Hoa Kỳ và “thần chú” Bona Fide

Hôm 26/06 vừa rồi, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết, một phần của lệnh cấm nhập cảnh thứ hai của Tổng thống Donald Trump (ban hành ngày 06/03 năm nay) sẽ tạm thời có hiệu lực, trước khi Tối cao Pháp viện chính thức xem xét và quyết định tính hợp pháp của toàn bộ lệnh cấm nhập cảnh này trong phiên xử vào tháng 10 năm nay.

Khi đưa ra quyết định trên, các thẩm phán Tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã phải dùng đến một cụm từ Latinh trong phán quyết: bona fide.

Tổng thống Trump muốn tạm thời cấm nhập cảnh vào nước Mỹ (trong vòng 90 ngày) tất cả những ai là công dân sáu nước Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria, và Yemen. Quyết định này đã bị kiện ra một số các tòa án cấp quận và liên bang ở Mỹ. Vì các phán quyết từ các tòa đó đều bất lợi cho họ, phe chính phủ Trump kháng án lên Tối cao Pháp viện, là tòa án cao nhất tại Mỹ.

Lệnh cấm nhập cảnh của Trump gặp phải nhiều phản đối ở Mỹ (Ảnh: tedzee.com)

Trong khi chờ đợi phiên xử chính thức của vụ kiện, Tối cao Pháp viện tạm thời can thiệp bằng cách cho phép có hiệu lực một phần lệnh cấm của Trump trong thời gian này.

Tuy nhiên, tòa cũng đồng thời hạn chế không cho lệnh cấm này tác động đến những công dân nào từ sáu nước nói trên, nếu họ có một thỉnh cầu khả tín, là họ có một mối quan hệ mang tính bona fide với bất kỳ người dân hay tổ chức nào ở Mỹ (“foreign nationals who have a credible claim of a bona fide relationship with a person or entity in the United States”).

Bona fide là hai từ Latinh đi với nhau: bona – một biến thể của tính từ gốc bonus (tốt, lương thiện, trung thực, dũng cảm, cao cả, tử tế), và fide – một cách chia tính từ gốc fidus (đáng tin cậy, trung thành).

“Lương thiện” Bona và “đáng tin” Fide đi cùng nhau trở thành tên gọi một khái niệm quan trọng trong tư tưởng và luật pháp Tây Âu, hay được dịch tiếng Anh là “in good faith” hay “good faith”, và được dịch Hán-Việt là “thiện ý”.

Bona fide trong ngôn ngữ thời hiện đại xuất hiện nhiều nhất trong ngôn ngữ pháp lý thương mại (commercial), hợp đồng (contract) và ngôn ngữ pháp lý liên quan đến luật tín thác (trust law). Từ này thường dùng để nói đến việc các bên giao dịch, làm việc cùng nhau một cách chính trực và công bằng nhất cho cả hai.

Một số hợp đồng thương mại dựa theo luật Anh-Mỹ có thể có điều khoản “bona fide, good faith” áp đặt lên cả hai bên, bắt buộc họ phải làm ăn với nhau không những là bằng một cách hợp pháp – đúng theo câu chữ hợp đồng giấy trắng mực đen – mà còn phải chính trực, “công bằng” nhất cho cả hai bên.

Ở đây, chúng ta không phải nói đến “công bằng” chung chung, mà là “công bằng” theo cách phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ thị trường thông thường của loại hình kinh doanh, và của lịch sử quan hệ kinh doanh nhất định giữa hai bên (Nói bình dân, đúng lẽ giang hồ!).

Thành ra, có một số trường hợp hạn hữu mà điều khoản “thiện ý” này ngăn cản việc một bên khôn lỏi, chơi trò Trạng Quỳnh lợi dụng câu chữ hợp đồng “ăn bẩn”, “chơi xấu” một cách “trái lẽ giang hồ” với bên còn lại.

Trong bối cảnh luật tín thác, liên quan đến việc ủy quyền quản lý tài sản của mình cho người khác, khái niệm bona fide cũng quan trọng vì dĩ nhiên người ta ai chả muốn cái người mình giao quản lý tài sản của bản thân thì phải hành xử đàng hoàng, trung thực, bất vị lợi nhất.

Sang bối cảnh luật nhập cư, hành chính như trong vụ kiện lệnh cấm của Trump, bona fide cũng có thể có cách hiểu như trong luật thương mại hợp đồng và luật tín thác: trung thực, chân thành, lương thiện.

Các mối quan hệ (relationships) được phép thoát khỏi lệnh cấm của Trump cũng bắt buộc phải là những mối quan hệ có những yếu tố đó.

Trong phán quyết, các thẩm phán Tối cao Pháp viện giải thích rõ thêm về các mối quan hệ bona fide được thoát lệnh cấm.

Với các cá nhân (individuals) thì phải là những mối quan hệ gia đình gần gũi (“close familial relationship”).

Với các tổ chức (organisations) thì phải là những mối quan hệ có nghi thức, thủ tục (formal), có ghi chép, giấy tờ (documented), và được hình thành một cách bình thường thay vì là để lách lệnh cấm nhập cảnh (“formed in the ordinary course, rather than for the purpose of evading”).

Khái niệm các mối quan hệ phải được thoát lệnh cấm của Trump trong đầu các thẩm phán phe đa số đã đưa ra phán quyết của Tối cao Pháp viện như vậy là khá phức tạp, dài dòng.

Các thẩm phán phải chọn dùng một cụm từ nào đó để xác định các mối quan hệ nói trên mà không phài dùng một rổ tiếng Anh chung chung, dài dòng mà lôm côm nào đó.

Ví dụ như “good, sincere, trustworthy, honest relationships which are close familial relationships, and/or unfamilial relationships that are formal, documented and formed in the ordinary course rather than for the purpose of evading

(Các mối quan hệ lương thiện, chân thành, đáng tin, trung thực, bao gồm các mối quan hệ gia đình gần gũi, và/hoặc các mối quan hệ không phải quan hệ gia đình nhưng có nghi thức thủ tục, có ghi chép giấy tờ, và được hình thành một cách bình thường thay vì là để lách lệnh cấm).

Lựa chọn “Bona fide relationship(s)” khúc chiết gọn gàng hơn mà hoàn toàn có thể chứa đựng tất cả các ý trên, vừa bao trùm cả những mối quan hệ với cá nhân, gia đình, lẫn những mối quan hệ hành chính, thương mại với các tổ chức Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên, gọn gàng cho người nói không nhất thiết cũng là gọn gàng cho người nghe. Đặc biệt trong bối cảnh pháp lý khi người ta lúc nào cũng phải chẻ cọng tóc làm tư, phân tích mọi thứ rành rẽ ngọn ngành.

Ẩn trong “túi thần kỳ” bona fide của Tối cao Pháp viện trong vụ việc này là nhiều vấn đề cần phân tích thêm, ví dụ: “close familial”, quan hệ gia đình gần gũi là gần gũi đến đâu? Chính phủ Mỹ cho rằng quan hệ gia đình gần gũi không bao gồm quan hệ với ông bà nội ngoại (grandparents) và với vợ chồng chưa cưới (fiancés).

Thẩm phán Clarence Thomas, một trong ba thẩm phán phe thiểu số trong Tối cao pháp viện phản đối phán quyết ngày 26/06, có lẽ đã đúng khi ông viết trong phần ý kiến phản đối rằng. giải pháp bona fide của phe đa số thẩm phán sẽ làm khó dễ thêm nhà chức trách Hoa Kỳ và dễ dẫn đến “một cơn lũ kiện tụng” (“a flood of litigation”).

Thần chú Habeas Corpus đã cứu thoát Nguyễn Ái Quốc.

Vài “thần chú” Latinh pháp lý đáng nhớ khác

Trong vụ trên, bona fide (và khái niệm “good faith”, “thiện ý” kèm theo) được sử dụng làm tính từ. Một số cụm danh từ pháp lý Latinh khác cũng hay được sử dụng như tính từ:

Habeas Corpus – Habeas là một dạng chia của Habeo, gốc từ habere – chỉ hành vi cầm, nắm giữ, sở hữu, Corpus chỉ thân xác. Dịch sát thành “Ấy/Mi/Nhà ngươi giữ cái thân xác”. Nay được hiểu là thể hiện khái niệm luật “bảo thân” quan trọng trong luật pháp Thông luật (Common law) liên quan đến thẩm quyền giam giữ người dân chính đáng của nhà chức trách.

Một đơn kiện, vụ kiện tố cáo giam giữ người bất hợp pháp được gọi là “a habeas corpus claim” (hay “a habeas corpus suit/lawsuit”).

Một lệnh tòa yêu cầu giải trình lý do giam giữ người là “a writ of habeas corpus” ((habeas corpus ở đây lại được dùng như danh từ).

Câu “thần chú” này còn được cho là từng cứu sống một nhà cách mạng tên Nguyễn Ái Quốc.

***

Amicus curiae – Amicus gốc từ Amo (“tôi yêu”, “tôi thích”), dịch là “người bạn” (người tôi thích mà!) cùng đi với Curiae chia từ Curia mang nghĩa “tòa án”.

Vậy là “người bạn của tòa”. Amicus curiae hay được dùng cùng danh từ tiếng Anh brief (nghĩa là lời chỉ dẫn, văn bản pháp lý, bản tóm tắt) thành “amicus curiae brief” hay gọn là “amicus brief“.

Amicus brief là văn bản, lời góp ý của một bên thứ ba, không liên quan quyền lợi trực tiếp đến vụ việc nhưng có “quan ngại sâu sắc”, gửi cho tòa án để giúp tòa có thêm thông tin để xử lý vụ việc. Có thể dịch là “góp ý amicus curiae”.

***

Cũng hay được các sinh viên luật mới học hào hứng sử dụng là De jure De facto.

Giới từ De mang nghĩa “của”, “liên quan đến”, “về”. Jure là “luật” chia từ gốc jus/ius chúng ta đã biết. Facto là một dạng của factum mang nghĩa “dữ kiện”, sau này vào tiếng Anh làm thành từ “fact” quen thuộc.

Cặp ‘đề đề’ này hay dùng để phân biệt những gì thuộc về luật, dựa trên luật (de jure) và những gì là thực tế không đúng theo luật, hay không dựa theo luật lệ (de facto).

De facto chính ra hay được dùng nhiều hơn trong tiếng Anh để, chỉ những thứ tồn tại trong thực tế nhưng không dựa vào luật pháp, ví dụ một chính phủ làm đảo chính lên nắm quyền có thể được gọi là một chính phủ de facto.

***

Một cụm tính từ Latinh rất dễ gây hiểu nhầm là In camera.

Có bao nhiêu camera ở đây? Ba!

Thấy camera ai cũng nghĩ ngay đến cái camera quay phim, chụp ảnh.

Ủa vậy chắc khi nói “hearing in camera” là nói phiên tòa được quay phim truyền hình trực tiếp như Ngoại hạng Anh phải hông?

Hổng phải! Camera ở đây là từ Latinh chứ không phải từ tiếng Anh, và nghĩa là “căn phòng”. Khi nói “session in camera” hay “hearing in camera” là người ta nói phiên tòa, phiên xử án được xử kín, không có người dân hay nhà báo nào được vào hết.

Các phiên tòa, phiên xử in camera ở Anh-Mỹ thường diễn ra trong những vụ đặc biệt, dính dáng đến an ninh quốc phòng, có nhiều chuyện thiên cơ bất khả lộ nên phải giữ kín, hay một trong hai bên của vụ việc vì lý do riêng tư đặc biệt nào đó mà muốn phiên tòa được xử kín.

Vì quyền tiếp cận tòa án của công chúng ở các xứ Thông luật rất quan trọng, nên thường là trước khi xử một phiên tòa in camera, các tòa án Anh-Mỹ phải xử riêng một phiên tòa trước để xác định chắc chắn là tòa án có lý do chính đáng để xử in camera.

Biết lý do chính đáng là gì rồi, đồng ý về mặt pháp lý rồi thì thẩm phán chủ tọa của vụ việc mới thay tòa ban hành quyết định công khai là sẽ xử phiên tòa chính thức sắp tới in camera.

Phe nào trong vụ việc thấy lý do không chính đáng có thể làm đơn kháng quyết định xử in camera này của tòa.

Ai mà dịch “hearing in camera thành “phiên tòa được truyền hình trực tiếp” đúng là… trớt quớt!

***

Tiếng Latinh cũng hay được biến thể thành danh từ và các dạng từ khác trong tiếng Anh.

Veto, chia từ gốc vetare, mang nghĩa gốc là “Tôi cấm”, “Tôi cản”. Sang tiếng Anh lại biến thành danh từ chỉ quyền ngăn cản, quyền chặn quá trình đưa ra một quyết định hay một luật nào đó.

Dùng riết rồi người ta quen dùng veto như một động từ luôn. Xem ti vi hay nghe chính phủ Nga veto cái này, chính phủ Trung Quốc veto cái kia trên trường quốc tế là vậy đó.

***

Tương tự là Subpoena, thực ra gốc là hai từ La Tinh viết riêng sub – “bên dưới” và poena – “hình phạt”. Đi cùng nhau thì thành “chịu phạt”. Nghĩa pháp lý gốc, ý là bắt ai đó phải làm cái gì đó đi, không thì sẽ phải chịu phạt từ tòa án.

Nhảy sang tiếng Anh hai anh chàng dính cứng nhau luôn thành Subpoena, danh từ chỉ một lệnh tòa yêu cầu bắt buộc một nhân chứng nào đó phải trình diện trước tòa để tòa tra hỏi, và cũng thành động từ chỉ hành vi, trạng thái bị tòa “kêu” lên.

Nghe ai bảo “I’ve been subpoenaed” là biết người ta bị tòa mời lên, không lên coi chừng bị tòa phạt coi thường tòa án, bắt giam, phạt chết tiền luôn!

***

Ai hay xem phim hình sự, tòa án Mỹ chắc cũng biết từ Alibi chỉ “lý do ngoại phạm”, hay “chứng cứ ngoại phạm”.

Thực ra từ gốc không hề chứa “chứng cứ” hay “tội phạm” gì sất. Đây là alius (“khác”, “kia”) đi cùng ibi (“ở đó”). Trộn lại là “ở nơi khác/kia”.

Ở nơi khác tức là không ở đây nơi án mạng xảy ra chứ còn gì nữa!

Riết người ta dùng thành danh từ riêng chỉ việc một nghi phạm chứng minh được là mình không phải thủ phạm nhờ đưa ra được bằng chứng ngoại phạm.

***

Bên cạnh khả năng biến thành tính từ, danh từ, động từ, từ Latinh trong ngôn ngữ pháp lý tiếng Anh cũng hay tồn tại dưới dạng các câu châm ngôn (maxim) pháp lý ngắn gọn mà sâu sắc.

Nhà rẻ, cần bán gấp. Miễn đổi hoặc trả lại. (Ảnh: kulfoto.com)

Ví dụ hay được xài nhất chắc là Caveat Emptor. Caveat là chia từ gốc cavere – “cẩn thận”, “đề phòng”, “tránh”. Emptor nghĩa là “người mua”. Đứng chung thì trở thành: “Người mua kia, cẩn thận!”.

Caveat Emptor là một nguyên tắc trong luật hợp đồng Thông luật, xác định người mua bất động sản phải chủ động tìm hiểu về bất động sản đang mua trước và bắt người bán phải đưa ra các bảo đảm pháp lý về chất lượng bất động sản trước khi ký hợp đồng.

Người bán không có nghĩa vụ tự đưa ra bất kỳ bảo đảm gì, và Thông luật không phải lúc nào cũng tự động bảo vệ người mua.

Vậy nên, người mua muốn người bán thề, hứa, bảo đảm điều gì thì phải chủ động đề xuất, thương lượng. Không đồng thuận được, thấy rủi ro không đáng chịu thì thôi người mua người bán bái bai. Đồng thuận được rồi thì cùng ghi ra hợp đồng cho nhau ký.

Những bảo đảm có thể bảo vệ người mua như vậy sẽ có hiệu lực pháp lý dựa trên hợp đồng, sau này có vấn đề gì người bán phải giải quyết hay đền bù cho người mua, và người mua như thế tự bảo vệ được mình.

Cũng do được dùng nhiều mà từ caveat dần được hiểu trong tiếng Anh là chỉ chung các “cảnh báo”, “dặn dò trước”.

Đọc và nghe tiếng Anh hay thấy người ta bảo “trước khi tôi viết tiếp, có cái caveat này”, “tôi có cái caveat này cho anh” tức là người ta có một nhắc nhở, cảnh báo quan trọng nào đó cho người đọc, người nghe, chứ không phải rủ đi ăn nhậu ca ve à nha!

Các nguồn tìm hiểu tiếng Latinh pháp lý:

Về tác giả: Anh Cả Lý

 

Một logophile*. Chưa bao giờ lọt được vào một cái lớp “chuyên Anh” nào, nhưng rất yêu tiếng Anh. Bằng một cách may mắn khó hiểu nào đấy, đã đi du học. Bây giờ chuyên tám gió** chuyện tiếng Anh pháp lý và thời sự cho Luật Khoa.

*Phối hợp hai từ tiếng Hy Lạp, logos (ngôn từ) và philos (người bạn). Dùng để chỉ những kẻ yêu chữ nghĩa, và dĩ nhiên, sính ngoại.

**Phối hợp hai từ tiếng Việt, tám (nói chuyện phiếm) và gió (“những luồng không khí chuyển động trên quy mô lớn”, thứ duy nhất không bao giờ quá thiếu tại các hàng cà phê và quán nước vỉa hè Việt Nam).

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.