Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Một cuộc phỏng vấn với nhà văn, nhà phân tâm học người Anh Adam Phillips.
Chúng ta thực sự muốn bình đẳng sao?
Điều kỳ lạ về sự bình đẳng là có rất nhiều người tỏ ra đề cao nó và nỗ lực vì nó. Nhưng xét ở cấp độ cá nhân, người ta thực ra lại khá ghét bỏ nó.
Họ lo lắng sẽ bị mất đi cảm giác về tính đặc biệt và độc đáo của mình. Một trong những nguyên nhân của nỗi lo lắng ấy bắt nguồn từ thực tế rằng, hầu hết mọi người đều đã từng trải nghiệm cảm giác mình là một thứ gì đó đặc biệt với các bậc cha mẹ. Trải nghiệm ấy sau đó phát triển thế nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Vấn đề là, nếu xét trên cấp độ cảm xúc và phân tâm học, sự đặc biệt ấy thường có liên quan đến việc cá nhân có thể trở thành một thứ gì đó mà người khác cần.
Rất nhiều đứa trẻ phải cố gắng định vị hoặc tưởng tượng ra những gì bố mẹ chúng cần, rồi cố gắng trở thành hay chống lại những điều như thế. Đơn giản vì nó khiến bạn rất đặc biệt: bạn là người duy nhất có thể làm hài lòng bố mẹ mình hoặc là người duy nhất có thể chữa lành cho họ. Nhưng, điều này tự thân nó đã là một gánh nặng. Vậy nên, như thể luôn tồn tại một điều gì đó rất thiết thực nhưng cũng đầy chuyên quyền và hạn chế trong những kỳ vọng về sự đặc biệt mà cha mẹ đã tạo ra cho con cái của mình.
Và có một nhu cầu khác dường như đi ngược lại với nguyên lý bình đẳng: nhu cầu muốn tin rằng mình có một mối liên hệ nào đó với những người mà sự vượt trội của họ đã được khẳng định từ trước. Đó có thể là một vị thần hay một người nổi tiếng, một chủng tộc hay một quốc gia… Nhưng nếu thiếu đi cảm giác vượt trội tồn tại đâu đó trong quỹ đạo sống của cá nhân này, họ- hoặc chúng ta- sẽ thấy cực kỳ thiếu thốn.
Rõ ràng, chẳng có sự xung khắc nào giữa việc dự phần vào một nền dân chủ và việc sợ hãi bình đẳng, để rồi trên danh nghĩa dân chủ ấy mà hàm dưỡng danh tiếng cá nhân. Tư tưởng cấm kỵ có thể là: người ta sẽ hạnh phúc hơn nếu trở nên ít đặc biệt hơn; và việc tự -coi –mình –quan –trọng sẽ là kẻ thù của sự tự- hài- lòng với bản thân.
Sự bình đẳng liên quan đến nền dân chủ như thế nào?
Tôi nghĩ rằng, trên phương diện chính trị, ý tưởng về nền dân chủ phải được dựa trên nhận thức: ngay cả khi sự bất bình đẳng diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, tổ chức chính trị tốt nhất mà chúng ta có thể xây dựng được là một nơi có khả năng đem lại cho nhân dân quyền bình đẳng rõ ràng trong việc bầu cử. Do vậy, vẫn sẽ có những cách thức nào đó để tạo nên sự bình đẳng cho tất cả chúng ta, một trong số đó là quyền tự do đầu phiếu.
Bạn có thể luôn miệng nói rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng việc một triệu phú nhận một tờ giấy phạt vì đỗ xe không đúng chỗ sẽ khác nhiều so với một người bình dân cũng nhận một mức phạt tương tự. Vậy nên, có những lĩnh vực trong đó sự bình đẳng trông có vẻ thực hơn so với những lĩnh vực khác.
Tôi cho rằng Lênin đã đúng khi cho rằng điều dối trá nhất về nền dân chủ nằm ở cách nó tạo ra thứ mà ông gọi là sự ‘bình đẳng hình thức’(formal equality). Nó gây nên ảo giác về sự bình đẳng mà tất cả chúng ta đều ủng hộ dù ai cũng biết rõ rằng, đằng sau nó, trên tất cả mọi phương diện, các xã hội thực ra không bình đẳng.
Ý tưởng về xung đột nằm ở đâu?
Một trong những tín điều của lý thuyết xã hội dân chủ nằm ở chỗ: tất cả mọi người đều bình đẳng về quan điểm –cũng có nghĩa là, những xung đột là điều không thể tránh khỏi. Nói một cách khác, nền dân chủ cần đến một mức độ đồng thuận nào đó [giữa các cá nhân], nhưng cũng rất nên đề phòng về một sự đồng thuận thái quá. Từ góc nhìn dân chủ, chúng ta nên bắt đầu đặt nghi vấn về những gì đang diễn ra nếu như có quá nhiều người cùng nhất trí với nhau về một vấn đề gì đó.
[Nhưng] giờ đây, đối với tôi, đó dường như lại là một điều tốt. [Vì] nó cho thấy rằng thứ tổ chức chính trị tốt nhất mà chúng ta có thể xây dựng được đang đủ khả năng dung chứa những khác biệt, và trên hết, thích thú với những sự khác biệt giữa chúng ta. Tôi nghĩ rằng khi bạn gây nên sự khác biệt nào đấy trong một hệ thống chính trị, [cũng tức là] bạn đang gây nên một xung đột. Bạn sẽ luôn phải cố gắng để vặn lại những cáo buộc đối kháng.
Anh đã từng viết về nhu cầu của con người trong việc cần đến những kẻ thù –cụ thể là việc có những kẻ thù khiến chúng ta cảm thấy ưu trội hơn. Vậy thì ẩn ý của điều này nằm ở đâu trong những đối kháng chính trị và trong những phong trào công bằng xã hội, tức những nỗ lực nhằm theo đuổi mục tiêu bình đẳng?
Tôi cho rằng luôn tiềm ẩn những rủi ro chúng ta sẽ biến kẻ thù của mình thành những con quỷ. [Lẽ ra], thay vì [đơn giản] xem họ như những người bất đồng chính kiến, chúng ta lại biến họ thành những kẻ thù.
Thông thường, bôi nhọ hay lên án đều là những nỗ lực nhằm loại trừ xung đột. Cứ như thể rằng nếu chúng ta tống khứ được hết những người Do Thái, những người da đen hay phụ nữ, hoặc những nhóm người tương tự khác là sẽ không còn xung đột vậy.
Nhà phân tâm học Ernest Jones đã từng nói: “Chúng ta không muốn giết người mà chúng ta căm ghét nhất. Chúng ta [đơn giản chỉ] muốn giết người đã gây lên trong chúng ta những xung đột khó chịu nhất”.
Tôi nghĩ điều này rất cốt lõi. Thay vì cố gắng thủ tiêu xung đột, lẽ ra chúng ta nên tìm cách thích ứng với những xung đột ấy, vì tôi thấy, dường như cuộc sống và sự mạnh mẽ của nó nằm ngay trong chính những vùng xung đột như vậy. Điều tệ hại là nếu chúng ta không thể chịu đựng những xung đột, chúng ta thường cố gắng thủ tiêu chúng bằng cách hạ sát những gì chúng ta coi như kẻ thù.
Vậy nên, việc người ta luôn cần phải đổ tội [cho một ai đó] để trở nên vượt trội hơn thực rất có vấn đề. Đó là một trong những ví dụ cho thấy tác dụng của phân tâm học trong việc giúp con người trở nên nguôi dịu hơn. Thực chất, tác dụng tốt nhất của nó là cho phép con người duy trì được một nền dân chủ ở ‘bên trong’ mình, hơn là biến nó thành một nhà nước phát –xít.