Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tháng 6/2017, Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh công khai điểm thi vào lớp 10 của từng thí sinh lên mạng. Chỉ một cái nhấp chuột, bất cứ ai cũng có thể xem điểm thi của mình. Nhưng người ta không chỉ xem điểm của mình, mà còn xem điểm của nhiều người khác. Và câu chuyện không dừng lại ở đó.
T, 15 tuổi, là một người khá nổi tiếng trên mạng xã hội. Trang Facebook của T có hơn một triệu người theo dõi. Năm nay, T cũng thi vào lớp 10 ở Hà Nội, giống như các học sinh khác.
Từ trang web của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, ai đó đã nhập số báo danh và đăng điểm thi của T lên Facebook. Điểm thi của T khá thấp. Những ngày sau đó, trang Facebook của T tràn ngập hàng ngàn bình luận ác ý. Ví dụ:
“Thôi thôi ngay, em ngu nhận là ngu, đổ lỗi dư luận làm gì, học sinh giỏi 9 năm á? Nhà em bỏ tiền ra mua danh cũng hiểu được. Văn hay chữ tốt không bằng học dốt mà nhiều tiền”.
“Thôi em ạ. Nhờ có em mà anh đã hiểu ra rằng em còn đ** bằng rác rưởi nữa cơ”.
Các trang báo từ chính thống đến “lá cải” tường thuật việc T bị cộng đồng mạng tấn công. Họ chạy tít: “Bị chửi sấp mặt vì điểm thi be bét”; “Tận mắt chứng kiến điểm thi vào lớp 10 ‘hoành tráng’ của idol 9 năm học sinh giỏi”; “Hot girl 10x’ đạt… “.
Tự ý công khai điểm thi của thí sinh
T chỉ là một trong hơn 150.000 thí sinh bị công khai điểm thi ở ba khu vực tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Tại Cần Thơ, nhiều trường trung học phổ thông (THPT) công khai điểm thi lên website. Trường THPT Châu Văn Liêm (Cần Thơ) không những đăng công khai điểm thi và mà còn cả kết quả học tập năm lớp 9 của hơn 700 thí sinh thi tuyển vào trường này lên website của trường.
Một thí sinh thi vào lớp 10 trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói với Luật Khoa tạp chí: “Em không được nhà trường hỏi ý kiến về việc công khai điểm thi. Nhà trường tự đưa thông tin lên, chỉ cần có số báo danh là có thể xem điểm”. Một thí sinh khác thi vào trường THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết tương tự.
Một thí sinh ở quận 5 (TP. Hồ Chí Minh) cho hay: “Em xem điểm trên một trang web tuyển sinh. Em nghĩ tốt nhất nên giữ bí mật cho học sinh. Cảm giác bị săm soi điểm rất khó chịu”.
Tại Đà Nẵng, một học sinh mới thi vào lớp 10 cho biết: “Em không biết điểm thi là thông tin cá nhân cần phải xin phép. Nhà trường không hề hỏi ý kiến của em. Theo em thì không nên công khai điểm thi vì nhiều bạn có điểm không như ý muốn”.
Mục tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT, vào lớp 10 và lớp 6 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa trên Báo Thanh Niên. Ảnh: Chụp màn hình.
Tác động tâm lý tiêu cực
Trao đổi với Luật Khoa tạp chí, cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Đinh Thiện Lý (TP. Hồ Chí Minh) không đồng ý công khai điểm thi của học sinh.
Cô Ngọc nói: “Thứ nhất, kết quả học tập cá nhân cần được tôn trọng và bảo mật. Thứ hai, công khai điểm thi là cơ hội để so sánh bậc trường, thành tích của học sinh này với học sinh kia; trong khi điểm thi không thể nói hết chất lượng giáo dục của một trường, một giáo viên và khả năng học tập của học sinh. Thứ ba, học sinh bị áp lực tâm lý từ sự so sánh, cảm giác dằn vặt bản thân vì điểm thấp”.
“Nhiều trường tư thục hiện nay đều in phiếu điểm gửi cho phụ huynh, không công khai kết quả học tập khi họp lớp”, cô Ngọc cho biết.
Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy cho rằng ảnh hưởng của việc công bố điểm thi tùy vào từng cách tiếp nhận và phản ứng của trẻ, tuy nhiên điều này là không bình thường và không nên được khuyến khích.
Ông nói: “Nó có thể tạo ra một áp lực, lo sợ và xấu hổ đối với những em đạt điểm thấp. Cha mẹ và những người liên quan cũng sẽ bị tác động, chẳng hạn chúng ta biết một số người cảm thấy xấu hổ khi con họ có điểm thấp”.
“Với những trẻ điểm cao cũng chẳng mang lại điều tốt đẹp gì, vì ngay tức thì có thể khiến đứa trẻ sung sướng vì hơn người khác, nhưng lâu dài sẽ tạo nên thái độ cao ngạo hoặc tự tạo cho mình áp lực: luôn phải đứng nhất, luôn phải hơn người khác”, ông nói tiếp.
Theo ông Uy, việc công khai điểm số như hiện nay là không cần thiết.
“Dù trong bối cảnh văn hóa và xã hội của chúng ta có vẻ đón nhận việc này rất tốt, nhưng người lớn cũng nên xem lại để tránh những hệ quả xấu sau này. Và quan trọng hơn chúng ta có thể xây dựng trong xã hội này những chuẩn mực mới và nhân văn hơn”, ông nói.
Công khai điểm thi lớp 10 là phạm luật
Tồn tại một quy định cấm tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em trong Luật Trẻ em 2016, có hiệu lực ngày 01/6/2017, tức là trước khi các Sở GD&ĐT ở Hà Nội, Đà Nẵng, và TP. Hồ Chí Minh công khai kết quả thi.
Các hành vi bị nghiêm cấm: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”, Khoản 11, Điều 6, Luật Trẻ em 2016.
Nghị định 56/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Trẻ em khẳng định “kết quả học tập” là một trong những thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em. Việc đưa thông tin này của trẻ lên mạng phải có sự đồng ý của phụ huynh và trẻ em từ 7 tuổi trở lên.
Các học sinh, phụ huynh có quyền yêu cầu Sở GD&ĐT, các trường THPT gỡ bỏ điểm thi đã bị công khai trên mạng theo Luật Trẻ em, Điều 36 của Nghị định trên.
Tuy nhiên, điểm thi của học sinh đã bị phát tán khắp nơi trên mạng. Trên trang điện tử của báo Thanh Niên không chỉ cung cấp điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi lớp 10 mà còn cả điểm thi Lớp 6 vào Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh). Ngoài ra, các trang web, tổng đài điện thoại cũng đang kiếm tiền từ dịch vụ tra cứu điểm thi.
Bên cạnh đưa điểm thi lên mạng, nhiều nơi còn dán bảng điểm của tất cả thí sinh tại các trường. Ảnh: Lize.
Điểm tốt nghiệp trung học phổ thông (cấp 3) có được pháp luật bảo vệ?
Trả lời trên báo Zing, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng công khai điểm thi tốt nghiệp THPT như hiện nay là đúng theo các quy định của Bộ.
Những thí sinh thi tốt nghiệp THPT đã trên 16 tuổi nên khó áp dụng Luật Trẻ em 2016.
Tuy nhiên, việc cấm công bố kết quả học tập của học sinh là quy định mới trong Luật Trẻ em 2016. Nó cho thấy tinh thần của các nhà làm luật: Công khai kết quả học tập mà chưa được sự đồng ý sẽ ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của trẻ, nên mới cần phải cấm.
Mặt khác, khi sửa đổi Luật Trẻ em 2016, một số nhà làm luật đã đề xuất tuổi của trẻ em nên là dưới 18 tuổi để đảm bảo quyền lợi cho cả học sinh cấp 3. Tuy nhiên, đến khi Quốc hội thông qua luật thì vẫn giữ như cũ, tuổi của trẻ em vẫn được quy định là dưới 16 tuổi.
Chưa có luật không có nghĩa là quyền lợi của học sinh cấp 3 không được đảm bảo.
Điểm thi không phải là một thông tin công cộng. Nó liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân. Một khi học sinh không muốn công khai điểm thi thì phải xem đó là một thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân.
“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”, Điều 21, Hiến pháp 2013.
Chưa nói đến việc công khai, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc thu thập, lưu giữ, sử dụng thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, cá nhân phải được người đó đồng ý. Điều luật này còn quy định cơ sở dữ liệu điện tử của cá nhân phải được đảm bảo an toàn và bí mật. Nhưng hiện nay, điểm thi của các học sinh đã xuất hiện khắp nơi trên mạng.
Theo Điều 21 Luật Công nghệ thông tin 2006, việc thu thập, xử lý, sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên mạng phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Điều luật này quy định ít nhất bên sử dụng phải thông báo cho người đó biết thông tin cá nhân của họ bị sử dụng vào mục đích gì, như thế nào và trong thời gian bao lâu.
Tài liệu tham khảo: