Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Giải Nobel Hoà Bình năm 2010 sẽ vĩnh viễn vắng mặt người nhận giải.
Ông Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba), đã trút hơi thở cuối cùng ngày 13/7/2017 sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư gan trong nhà tù Trung Quốc.
Ngày 26/06/2017, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin Liu Xiaobo được đưa đi chữa bệnh ngoài trại giam, sau khi ông được chẩn đoán là đã đi vào thời kỳ cuối của căn bệnh ung thư gan. Ông qua đời khi mới 61 tuổi.
Liu Xiaobo là một anh hùng trong mắt nhiều người, nhưng cũng là kẻ thù của chế độ.
Con đường từ học giả đến nhà bất đồng chính kiến
Theo Yang Jianli, một người bạn thân đang sống lưu vong của Liu Xiaobo, khát vọng mang đến công lý và kiến thiết đất nước của ông Liu bắt đầu từ rất sớm. Ông sinh năm 1955 tại Jinlin, phía Bắc của Trung Quốc trong một gia đình trí thức, có cả bố lẫn mẹ là đảng viên đảng Cộng sản. Lớn lên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Liu từng tham gia chương trình đưa trí thức trẻ về lao động ở nông thôn.
“Rất nhiều người cùng chịu khổ trong thời kỳ ấy cho rằng, họ có quyền được hưởng thụ cuộc sống về sau như là một sự đền bù. Nhưng Liu Xiaobo thì khác, ông xem đó là trải nghiệm quý báu giúp mình thực sự hiểu nổi khốn khổ của người dân dưới sự lãnh đạo của chính quyền Trung Quốc”, ông Yang cho biết.
Năm 1977, Liu được nhận vào học Văn chương tại Đại học Jinlin (tỉnh Cát Lâm – Đông Bắc Trung Quốc), nhưng ông lại sớm say mê Triết học phương Tây. Ông nhận bằng thạc sĩ năm 27 tuổi và trở thành giảng viên tại Đại học Jinlin. Ông bắt đầu thu hút sự chú ý của giới trí thức Trung Quốc bằng những phản biện sắc bén về các lý thuyết xã hội. Liu nhanh chóng trở thành một hiện tượng trong giới trí thức Trung Quốc.
Sự nghiệp khoa bảng của Liu thuận buồm xuôi gió cho đến năm 1989.
Ngày 27/04/1989, Liu đổi chuyến bay từ Tokyo đi Mỹ quay về Trung Quốc khi nghe tin chính quyền kiên quyết “dẹp loạn” những cuộc biểu tình của sinh viên đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận, kiểm soát tham nhũng tại Quảng trường Thiên An Môn.
“Tôi không có thời gian để do dự, hoặc là sống hoặc là chết, tôi sẽ trở về”, Liu nhớ lại.
Ông Liu Xiabo (thứ hai từ trái sang) cùng với ba người bạn đã tham gia tuyệt thực tại Thiên An Môn năm 1989. Ảnh: AP.
Ngày 02/06/1989, Liu và ba người bạn tuyệt thực trong ba ngày để kêu gọi chính quyền dỡ bỏ thiết quân luật và đối thoại một cách hòa bình với sinh viên.
Rạng sáng ngày 04/06/1989, những con đường ở Quảng trường Thiên An Môn ngập đầy máu của người biểu tình sau các cuộc đàn áp của quân đội. Liu và nhiều trí thức khác đã kiên quyết tìm cách thỏa thuận với chính quyền để số sinh viên còn lại có thể rút lui an toàn ra khỏi đó.
“Trong những giờ phút cuối cùng, Liu đã cầm loa và nói: ‘Chúng ta phải đi thôi'”, Robin Munro, một người từng là nhà hoạt động nhân quyền tại Bắc Kinh tại thời điểm đó kể lại. Trong khi các lãnh đạo sinh viên đòi sẽ “chết ở đó cho dân chủ”, Liu Xiaobo đã nói, “chúng đã làm hết sức có thể rồi”. Robin chia sẻ rằng, anh luôn cảm thấy phải mang ơn cứu mạng của Liu Xiaobo.
Mà đúng như thế, những cựu sinh viên có mặt tại Quảng trường Thiên An Môn, như bà Rose Tang, cũng cho rằng, ông Liu Xiaobo đã cứu hàng trăm, nếu không phải là hàng nghìn sinh viên, trong đó có bản thân bà.
Sau khi phong trào Thiên An Môn bị dập tắt, Liu Xiaobo đã bị bắt và bị giam giữ bí mật từ năm 1989 đến tháng 01/1991 vì tội “tuyên truyền phản cách mạng và kích động”.
“Sau năm 1989, nhiều người chọn cách lãng quên, chọn sống ở nước ngoài và kể cả làm việc cho chính phủ. Liu Xiaobo thì không”, ông Liao Yiwu, một người bạn của ông Liu nói.
Năm 1996, Liu bị đưa đi cải tạo ba năm sau khi thảo “Các đề xuất chống tham nhũng” và kêu gọi điều tra làm rõ cuộc đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn năm 1989.
Một bức ảnh ông Liu Xiaobao và vợ chụp năm 2000 tại Bắc Kinh. Ảnh: http://liuxiaobo.eu/.
Cũng trong trại cải tạo, ông kết hôn với Liu Xia (Lưu Hà), người duy nhất có thể giúp ông nắm bắt tình hình bên ngoài. Sau khi ông Liu Xiaobo bị bắt lần cuối cùng vào tháng 6/2009 cho đến ngày hôm nay, bà Liu Xia vẫn còn bị an ninh khủng bố tinh thần, giam lỏng tại nhà.
Nhưng có một việc Liu Xiaobo vẫn luôn kiên trì, đó là viết lách. Tính đến năm 2008, ông đã viết khoảng 800 bài viết và xuất bản nhiều cuốn sách.
Liu Xiaobo có vẻ đã thật sự trở thành nỗi sợ hãi của chính quyền. Họ cấm ông xuất bản sách tại Trung Quốc. Những cuốn sách của ông sau từ năm 2000 chỉ được xuất bản ở Đài Loan và Hong Kong. Ông cũng không thể giảng dạy hay diễn thuyết về bất cứ điều gì.
Ngòi bút là thứ mạnh nhất và cũng là thứ duy nhất mà ông có thể dùng để đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ.
Hiến chương 08
Trong suốt 20 năm, ông Liu đã tranh đấu cho một Trung Quốc tự do và cởi mở hơn. Ông yêu cầu chính quyền Trung Quốc tuân thủ Điều 35 Hiến pháp, vì ghi rõ người Trung Quốc được hướng “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do hội họp, tuần hành và biểu tình”.
Năm 2008, ông Liu cùng với một số người khác soạn thảo Hiến chương 08 (零八宪章). Hiến chương được công bố ngày 10/10/2008 với hơn 300 người ký tên đầu tiên là các cựu đảng viên đảng Cộng sản, luật sư, nhà hoạt động nhân quyền và biên tập viên của các tờ báo.
Trong lời nói đầu, Hiến chương 08 nói:
“Cho đến ngày hôm nay, tiến trình cải cách chính trị vẫn còn nằm trên giấy: có luật pháp nhưng không có pháp quyền (rule of law), có một bản hiến pháp nhưng không có chính thể lập hiến (constitutional goverment), đây vẫn là thực tế chính trị mà ai cũng có thể thấy.
Hiến chương 08 là lời kêu gọi cải cách toàn diện về nhân quyền, hệ thống chính trị và pháp lý tại Trung Quốc. Đến tháng 9/2010, hơn 10.000 người ký tên trực tuyến vào bản Hiến chương này.
Chính quyền Trung Quốc coi đó là những yêu cầu bất thường và không thể chấp nhận. Ông Liu Xiaobo bị giam giữ và thẩm vấn hai ngày trước khi Hiến chương 08 được công bố.
Tuần hành ở Hồng Kong sau khi Liu Xiaobo được trao Giải Nobel Hòa bình 2010. Ảnh: AP.
Ông bị bắt giam chính thức vào ngày 23/6/2009, và bị biệt giam, không được tiếp xúc với luật sư và bất kỳ thân nhân nào trong một thời gian dài.
Phiên tòa sơ thẩm tuyên phán ông 11 năm tù giam vì tội “tổ chức kích động nhằm lật đổ chính quyền” (Điều 105, Bộ luật Hình sự 1997 của Trung Quốc).
Luật sư của ông cho rằng, “bản án của Liu Xiaobo là vi hiến. Bởi vì Hiến pháp Trung Quốc cho phép công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản và tự do biểu đạt”.
“Độc đảng hay đa đảng chỉ là một quan điểm về thể chế nhà nước, đòi hỏi đa đảng không đồng nghĩa với mong muốn lật đổ chính quyền”.
Còn bản thân mình, Liu Xiaobo đã phát biểu trong phiên tòa phúc thẩm tháng 02/2010 như sau: “Tôi chỉ phản đối thể chế chính trị độc tài hay toàn trị. Điều đó không phải là lật đổ chính quyền. Bất đồng không có nghĩa là lật đổ”.
Ông không bao giờ có cơ hội thấy được tự do và dân chủ trên quê hương mình.
Tài liệu tham khảo: