Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ở bài trước, chúng tôi đã giới thiệu về các bằng cấp luật học có gốc từ Châu Âu. Lần này, chúng ta cùng tìm hiểu các bằng cấp có nguồn gốc từ lịch sử học thuật rất đặc thù của Mỹ.
JD, JSD
Cùng với việc ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam học và tốt nghiệp ngành luật tại Mỹ, hai loại bằng luật ít lâu đời hơn hệ thống bằng LLB, LLM, LLD gốc Châu Âu Trung cổ bắt đầu được công chúng biết đến. Đó là JD và SJD.
JD là viết tắt tiếng La Tinh Juris Doctor. Juris nghĩa là của luật, thuộc về luật, đi kèm Doctor – người dạy mà ta đã biết. Bằng JD là bằng luật đầu tiên trong hệ thống giáo dục luật pháp của Mỹ.
Hệ thống này khác nhiều hệ thống trên thế giới qua việc bắt buộc người học luật phải tốt nghiệp một bằng cử nhân (bachelor) trước, rồi mới học luật ở cấp độ hậu đại học (postgraduate).
Những sinh viên tốt nghiệp với bằng JD sau 3 năm học được xem là đã được trui rèn các kỹ năng thực tế để trở thành luật sư.
Thử thách cuối cùng của họ trước khi được phép hành nghề luật chính là phải vượt qua kỳ thi vào luật sư đoàn (Bar Exam). Mỗi bang ở Mỹ có quy định riêng về tiêu chuẩn vào luật sư đoàn, và nhiều bang có kỳ thi riêng vào luật sư đoàn của bang.
Cựu TT Barack Obama nhận bằng JD tại Harvard năm 1991 (Ảnh: nydailynews.com)
Người Tàu và người Nhật dịch Juris Doctor là Pháp Luật (Học) Bác Sĩ (法律博士), trong khi người Việt hiện nay tại nhiều nơi dịch theo một cách gây tranh cãi là Tiến Sĩ Luật.
SJD viết tắt cho Juridicae Scientiae Doctor. Juridicae là tính từ có gốc Latinh: juridicus hay iurisdicus (cũng bắt nguồn từ ius) mang nghĩa quản trị công lý hay tư pháp. Scientiae là tính từ mang nghĩa thuộc về khoa học. Gộp lại dịch sát là Tiến Sĩ Khoa Học Tư Pháp. SJD là bằng tương tự LLD và PhD trong hệ thống Mỹ, dịch sang tiếng Việt cũng là… Tiến Sĩ Luật.
Khi dịch tiếng Anh trong tình huống này, có thể thấy người Tàu cũng hoang mang không kém người Việt: họ cũng dịch SJD là Pháp Học Bác Sĩ (法學博士), và họ thường phải chú thích dài dòng thêm để phân biệt ông Bác Sĩ này khác ông Bác Sĩ JD!
Khác biệt giữa JD và SJD chính là JD là một bằng, tạm gọi là Bác/Tiến Sĩ… Nghề (professional doctorate), trong khi SJD là một bằng Bác/Tiến Sĩ Nghiên Cứu (research doctorate).
Một người học bằng professional doctorate phải thi cử, viết tiểu luận v.v., để có thể đáp ứng được các yêu cầu định sẵn, trước khi được hành nghề trong một ngành nghề chuyên biệt nào đó.
Một người học bằng research doctorate thì bên cạnh thi cử, tiểu luận này nọ, họ còn phải nghiên cứu và hoàn thành một luận án cấp bậc “doctor”, sau đó bảo vệ thành công luận án này trước các chuyên gia trong ngành.
Một bằng professional doctorate có thể chỉ cần 2-3 năm, trong khi research doctorate cần nhiều thời gian hơn thế.
Nhìn vào lịch sử hình thành của JD, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn việc dịch JD thành Tiến Sĩ Luật gây tranh cãi như thế nào.
Nguồn gốc JD: Cuộc cách mạng về dạy và học luật tại Mỹ cuối thế kỷ 19
Ban đầu nghề luật sư được người Anh mang vào 13 xứ thuộc địa Hoa Kỳ. Hệ thống giáo dục luật pháp truyền thống của người Anh chính là hệ thống 3 cấp bậc LLB, LLM, LLD từ Châu Âu.
Tuy nhiên, vấn đề là trong hệ thống đó, luật pháp được dạy như một ngành học thuật (academic subject), thay vì là một nghề (profession).
Tại Anh thời đó, việc dạy nghề luật, kỹ năng thực tế trong công việc luật sư không do các trường đại học đảm nhận mà được ‘khoán’ cho các ‘trường nghề’ là các Inns of Court.
Đại sảnh của Lincoln’s Inn (thành lập năm 1422) một trong các Inn of Court của Anh (Ảnh: lincolnsinnbanqueting.com)Xuất thân là các nhà trọ nơi các luật sư lưu trú và sinh hoạt cộng đồng, Inns of Court dần phát triển thành các trường đào tạo nghiệp vụ cho giới luật sư Anh. Những người muốn theo nghề luật tại Anh có thể chọn học và tốt nghiệp LLB trước, rồi tìm đường vào các Inns of Court “mài sắt nên kim” một thời gian nữa, trước khi trở thành luật sư.
Vấn đề đặc thù với hoàn cảnh nước Mỹ trước và sau thời thuộc địa chính là, các xứ thuộc địa non trẻ không có đủ số lượng luật sư dày dặn kinh nghiệm để hình thành các Inns of Court.
Giáo sư Christopher Columbus Langdell (1826-1906) (Ảnh: hls.harvard.edu)Việc đào tạo kỹ năng thực tế, vì thế phần lớn được ‘khoán’ cho bản thân các luật sư hay các công ty luật lẻ tẻ tại Mỹ.
Thông qua các khóa học nghề, thực tập (clerkship) kéo dài nhiều năm, những người muốn làm luật sư sẽ phải vừa học vừa làm mà thành tài.
Hệ thống clerkship này đã không đáp ứng được nhu cầu của thị trường pháp lý Mỹ, vì nhiều luật sư bận việc không có thời gian để hướng dẫn chu đáo cụ thể cho các thực tập sinh.
Để giải quyết vấn đề đào tạo luật sư thiếu thực tế và kém bài bản này, vào những thập niên cuối thế kỷ 19, một nhóm các giáo sư, học giả luật tại trường đại học hàng đầu của Mỹ là Harvard quyết định ‘làm cách mạng’.
Nổi bật nhất trong số những nhà cách mạng giáo dục này là giáo sư Christopher Langdell, người giữ chức Hiệu trưởng trường Luật Harvard suốt 25 năm.
Năm 1870, Langdell và đồng nghiệp tạo ra một khóa học luật mới tại Harvard, khác với mô hình LLB học thuật truyền thống. Họ cố gắng mô phỏng theo thay đổi của mô hình chương trình đào tạo bác sĩ y khoa, MD (Doctor of Medicine – Medicinae Doctor) của Harvard.
Chương trình MD của Harvard khi đó đang trải qua một cuộc cách mạng, chuyển đổi từ cách học nặng lý thuyết sang cách học nặng thực nghiệm, bắt buộc các bác sĩ y khoa tương lai phải vừa học lý thuyết vừa học thực hành/lâm sàng (clinical training), đến tận các bệnh viện trong khu vực Boston lân cận tiếp xúc với người bệnh, với tình huống y khoa thực tế.
Hình dung là các luật sư tương lai cũng phải được đào tạo như thế, Langdell và đồng nghiệp tiến hành cải cách ở nội dung và cách dạy học luật tại Harvard. Không ‘cách mạng’ tới mức quăng sinh viên ra các tòa án để lăn lộn bươn chải, mà ‘cách mạng’ vừa đủ trong khuôn viện học thuật Harvard.
Thay vì giới hạn việc học luật vào các lý thuyết, lịch sử, và nghiên cứu học thuật về luật, cách dạy học luật mới của Harvard đã chuyển hướng.
Theo đó, cách dạy mới nhắm đến việc chuẩn bị cho việc hành nghề luật của các sinh viên, thông qua việc áp dụng phương pháp học qua án lệ/vụ việc thực tế cụ thể (Case Method), và học bằng phương pháp biện luận của triết gia Hy Lạp cổ Socrates (Socratic Method) – học qua tra hỏi và tranh luận miệng.
Việc bắt sinh viên tự nghiên cứu án lệ trước, sau đó cho phép các giáo sư tra hỏi và tranh luận miệng thường xuyên với sinh viên hướng tới việc rèn luyện sinh viên cách suy nghĩ như những luật sư thực thụ, với một số các kỹ năng thực tế nhất định: kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng phân tích tình huống thực tế, kỹ năng tìm các điểm mấu chốt, kỹ năng phê phán, và kỹ năng tranh luận.
Triết gia Socrates nổi tiếng với phương pháp dạy học mang tên ông: tra hỏi, chất vấn học trò để họ tự lộ ra những khiếm khuyết lập luận và tri thức của mình (Tranh: Gustav Adolph Spangenberg)Cách dạy luật mới này của Harvard nhanh chóng được các trường luật khác tại Mỹ học hỏi và áp dụng. Hiện nay, đây là cách dạy và học luật phổ biến nhất tại Mỹ.
Chương trình dạy luật mới của Harvard đưa vào hệ thống giáo dục luật pháp của Mỹ nhiều yếu tố mới.
Song song với cách dạy học mới là cải cách về tiêu chuẩn đầu vào. Chương trình luật của Harvard, giống chương trình MD, không còn chấp nhận sinh viên thẳng từ trung học nữa, mà chỉ chấp nhận sinh viên đã có một bằng đại học. Cải cách đầu vào này dần được các trường luật khác áp dụng và trở nên phổ biến.
Vì vậy, bằng học thuật ngành luật cấp đầu tiên trong hệ thống giáo dục của Mỹ đã dần trở thành một bằng hậu đại học, thay vì cấp đại học như bằng LLB truyền thống.
JD đầu thế kỷ 20: Cuộc cách mạng về hình thức
Khi giải thích về nguồn gốc bằng JD một số người thường cho rằng, khi tiến hành cải cách của mình tại Harvard, Langdell và các đồng nghiệp đã khai sinh ra một loại bằng cấp hoàn toàn mới là bằng JD, như là một sự thay thế bằng LLB truyền thống.
Điều này không hoàn toàn chính xác.
Thực sự là cuộc cải cách chương trình luật tại Harvard cuối thế kỷ 19, về bản chất là một cuộc cải cách về nội dung, thay vì hình thức. Chương trình luật mới của Harvard, sau khi có các cải cách của Langdell và đồng nghiệp, vẫn được gọi là chương trình LLB.
Trong thực tế, vào giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ngay cả khi đã áp dụng nghiêm túc chính sách chỉ nhận sinh viên đã có bằng đại học vào học luật, Harvard và một số trường lâu đời khác như Yale vẫn luôn gọi các chương trình dạy luật hậu đại học cấp đầu tiên của họ là các chương trình LLB.
Những sinh viên tốt nghiệp được xem là những ‘ông cử hai bằng’, bằng đã có trước đó và bằng cử nhân luật LLB mới có.
Theo nhà nghiên cứu David Perry, việc ‘đổi tên’ bằng luật cấp đầu tiên sau bậc đại học của Mỹ sang thành bằng JD chỉ bắt đầu diễn ra từ đầu thế kỷ 20, và nó bắt nguồn từ lực lượng các cựu sinh viên LLB tại Mỹ.
Có tên viết bằng chữ Latinh cổ xưa, nhưng bằng Juris Doctor thực ra rất trẻ (Ảnh: vault.com)Đầu tiên là các sinh viên luật Harvard bức xúc về việc vì sao họ học bằng hậu đại học, cũng y như các sinh viên y khoa và các khoa khác, mà khi tốt nghiệp họ không được gọi bằng cái tên nào oai hơn…ông cử LLB.
Năm 1902, các sinh viên luật Harvard chính thức yêu cầu trường luật Harvard đổi tên bằng từ LLB sang JD – Juris Doctor: Các sinh viên tốt nghiệp phải được xem là những bác/tiến sĩ luật, chứ không phải cử nhân luật.
Đề xuất này lúc đó không được Harvard chấp nhận và cũng không được nhiều trường đại học khác hồ hởi đón nhận.
Phải đến năm 1962, việc dùng tên JD để chỉ bằng học thuật ngành luật cấp đầu tiên trong hệ thống giáo dục của Mỹ mới được đưa ra bàn thảo lại và lần này lại được đón chào một cách nhiệt liệt, đặc biệt bởi các trường luật ít tiếng tăm hơn Harvard và Yale.
Các trường luật chủ trương đổi tên sang JD, đã tranh luận ủng hộ cho thay đổi này và đưa ra lý do, là tên bằng phải phản ánh được bản chất “hậu đại học” của chương trình học.
Bên cạnh đó, nhiều người chỉ ra rằng, tên bằng JD mang lại triển vọng tìm việc và thăng tiến tốt hơn, vì đã có sẵn sự phân biệt đối xử trong xã hội Mỹ. Đó là, những người có bằng doctor được tôn kính, trọng vọng hơn những người có bằng cử nhân đơn thuần (Hóa ra người Mỹ cũng háo danh, sĩ diện như dân Á mình!).
Năm 1964, Hiệp hội Luật sư Mỹ (American Bar Association – ABA) lên tiếng ủng hộ việc đổi tên bằng sang JD, và từ đó chính thức bắt đầu một trào lưu đổi tên mạnh mẽ tại Mỹ.
Việc một số trường đã cho phép các cựu sinh viên LLB đổi bằng sang JD (chỉ cần trả một khoản phí) càng tạo thêm áp lực cho các trường chưa đổi tên bằng, bắt buộc họ phải suy tính đến việc thay đổi này.
Sang đầu những năm 1970, vị thế thống lĩnh của bằng LLB chính thức cáo chung tại Mỹ. Bằng JD với danh xưng ‘oai’ hơn và nội dung tân tiến hơn, đã hoàn toàn thế chân bằng LLB truyền thống tại Mỹ.
Ba thẩm phán cao tuổi nhất hiện nay của Tối cao pháp viện Hoa Kỳ Anthony Kennedy, Stephen Breyer, và Ruth Bader Ginsburg, đều có bằng LLB thay vì JD (Ảnh: wikipedia.org)
Việc đổi tên này tạo ra nhiều tranh cãi khác, ví dụ luật sư có nên được gọi là tiến/bác sĩ hay không. Ví dụ, ông luật sư Smith có bằng JD có nên được gọi là tiến/bác sĩ Smith (Dr. Smith)?
Nhiều ý kiến tại Mỹ phản đối việc cho phép luật sư dùng danh xưng như thế, vì điều đó dễ tạo điều kiện cho một số người nhập nhằng danh vị đi đánh lừa người khác, hoặc dễ gây ra hiểu nhầm với những người là bác sĩ y khoa (MD) hay tiến sĩ học thuật (PhD).
Nhiều bang ở Mỹ phải đưa ra quy định rõ ràng những tình huống nào thì người luật sư được dùng danh xưng tiến/bác sĩ.
Hiện nay có thể quan sát chung là, không phải người luật sư nào ở Mỹ cũng tự hào với danh xưng doctor và hứng thú với chuyện được gọi là bác/tiến sĩ.
Hiệp hội Luật sư Mỹ hiện nay cũng chính thức đưa ra quan điểm của họ về các tranh cãi này. Theo ABA, bằng JD phải được xem là một bằng chuyên nghiệp/bằng nghề cấp bậc đầu tiên (professional first degree), và trong tương quan với bằng PhD – bác/tiến sĩ học thuật, JD phải được xem là tương đương nhưng chỉ trong hoàn cảnh, hay cho mục đích, công ăn việc làm học thuật (educational employment purposes).
Nghĩa là, nếu người có bằng JD muốn tìm kiếm một công việc giảng dạy, hay nghiên cứu học thuật, thì việc dùng danh xưng doctor, và xem bằng JD tương đương PhD, mới là phù hợp. Còn việc dùng JD để xưng là bác/tiến sĩ trong các trường hợp khác thì không.
Dịch JD tại Việt Nam
Không nên dịch JD lệch cho thành Cử Nhân Luật, nhưng cũng không thể cứng nhắc đòi hỏi JD phải được dịch sát nghĩa, đúng nghĩa là Bác Sĩ Luật Học (về sự nhập nhằng Bác Sĩ-Tiến Sĩ, mời người đọc xem bài trước).
Vì danh xưng Bác Sĩ với nghĩa Bác Sĩ Y Khoa đã ăn sâu vào ngôn ngữ và tiềm thức của người Việt, cứ nghe Bác Sĩ thì biết là đang nói về cái ông bảo cưới là phải cưới, bảo bó tay là chỉ còn biết khóc chứ còn ông nào nữa.
Dịch JD là Tiến Sĩ Luật Học thì vấn đề là tạo ra sự nhập nhằng với nhóm học vị nghiên cứu.
Từ góc nhìn quản lý, việc định nghĩa rõ JD, và phân biệt JD với nhóm SJD, LLD, PhD chỉ quan trọng đối với nhu cầu của các nhà tuyển dụng và các thân chủ, vì cả hai nhóm này đều cần biết rõ trình độ của người họ trả tiền thuê.
Các nhà tuyển dụng hay thân chủ có thể đơn thuần đang muốn tuyển một người luật sư tốt nghiệp luật tại Mỹ với bằng JD, hay họ có thể đang muốn thuê hẳn một học giả luật uyên thâm, đã có nghiên cứu về một mảng luật phức tạp nào đó.
Các nhà tuyển dụng là các trường đại học, viên nghiên cứu, vốn đặt năng thành tích nghiên cứu và chất lượng giảng dạy, nhiều khả năng sẽ quan tâm hơn đến nhóm SJD, LLD, PhD.
Tùy vào nhu cầu mà chức danh “tiến sĩ luật” sẽ đánh những tín hiệu rất khác nhau tới những nhóm tuyển dụng, thân chủ khác nhau.
(Tin đi, tôi là Bác sĩ) – Không dễ như rứa! (Ảnh: etsystatic.com)Xét về việc thuê luật sư hành nghề nói chung, một số nhóm những nhà tuyển dụng hay thân chủ có thể suy nghĩ đơn giản, coi trọng bằng cấp hơn thực tài.
Tuy nhiên, một số nhóm khác, rành rẽ và khó tính hơn, có thâm niên tuyển dụng hay sử dụng dịch vụ của luật sư lâu dài hơn, thì lại có thể nghĩ khác.
Các nhóm này sẽ chú trọng đến việc người luật sư đã có kinh nghiệm chuyên biệt đến đâu trong việc xử lý vấn đề, khúc mắc của họ. Nếu kinh nghiệm chuyên biệt khó tìm, thì họ nhìn vào khả năng nắm bắt vấn đề thực tế. Trình luật sư đến đâu, chỉ sau một hay vài ba cuộc chuyện trò chi tiết về thực tế công việc, là có thể rõ.
Như vậy, trong mắt các nhà tuyển dụng, các thân chủ khó tính, dày dặn kinh nghiệm trận mạc, việc JD dịch là tiến sĩ hay học sĩ không hẳn là quan trọng. Làm ăn không đàng hoàng, ra ngô ra khoai thì LLB cũng chỉ là Luật làu bàu, LLM – Luật lờ mờ, và LLD – Luật lờ đờ.
Nhưng, trong điều kiện một thị trường luật non trẻ chưa có nhiều những nhóm nhà tuyển dụng và thân chủ như vậy, rất nên có một chính sách phổ biến rộng rãi việc phân biệt các bằng doctorate nghiên cứu và doctorate nghề nghiệp.
Đồng thời, cũng nên có quy định yêu cầu các luật sư phải nêu/ghi rõ nguyên văn tiếng Anh của học vị sau phần dịch tiếng Việt.
Một luật gia mới đậu bằng JD, chưa thi vào luật sư đoàn nào, hoàn toàn có thể tự giới thiệu theo một cách an toàn, ví dụ là Trần Thị A – Cao học Luật Mỹ (Juris Doctor).
Nếu một người luật sư đã thi đậu vào luật sư đoàn ít nhất một bang tại Mỹ thì có thể giới thiệu, ví dụ, Lê Văn B – Bằng hành nghề luật sư Mỹ (Juris Doctor) – Thành viên luật sư đoàn bang Texas.
Trong bối cảnh chưa có quy định nhà nước cụ thể, các luật sư mang bằng JD hoàn toàn tự lựa chọn việc dùng học vị gì trong danh xưng của họ.
Chắc hẳn những luật sư JD nào có đủ tự tin để xưng là tiến sĩ luật, thì cũng có đủ tự tin để khéo léo và gọn gàng trả lời khi một vị khách tò mò ngồi cùng bàn tiệc hỏi: “Ủa thế anh/chị làm luận án tiến sĩ về đề tài luật gì?”.
Về tác giả: Anh Cả Lý
Một logophile*. Chưa bao giờ lọt được vào một cái lớp “chuyên Anh” nào, nhưng rất yêu tiếng Anh. Bằng một cách may mắn khó hiểu nào đấy, đã đi du học. Bây giờ chuyên tám gió** chuyện tiếng Anh pháp lý và thời sự cho Luật Khoa. *Phối hợp hai từ tiếng Hy Lạp, logos (ngôn từ) và philos (người bạn). Dùng để chỉ những kẻ yêu chữ nghĩa, và dĩ nhiên, sính ngoại. **Phối hợp hai từ tiếng Việt, tám (nói chuyện phiếm) và gió (“những luồng không khí chuyển động trên quy mô lớn”, thứ duy nhất không bao giờ quá thiếu tại các hàng cà phê và quán nước vỉa hè Việt Nam). |