Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Quan sát vụ việc ở Đồng Tâm, có lẽ không ít người cảm thấy lạ kỳ khi chẳng thấy đâu bóng dáng của những ông bà nghị. Rốt cuộc thì, những người mà dân Đồng Tâm đã bầu lên từ đợt bầu cử năm ngoái, họ đã ở đâu và đã làm gì trong suốt ba tháng vừa qua?
Vào những ngày cuối tháng 4 khi vụ việc nóng lên, chỉ duy nhất ông nghị Nguyễn Văn Chiến có đến Đồng Tâm để gặp gỡ người dân. Trong khi đó, bà nghị Trần Thị Quốc Khánh chỉ phát biểu rằng “chúng tôi rất chia sẻ với những lo lắng, căng thẳng của người dân Đồng Tâm trong những ngày vừa qua”. Và việc của bà là chờ đợi: “chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, chúng tôi cũng công khai cả số điện thoại để dân có thể gọi điện bất cứ lúc nào”.
Tệ hơn, bà nghị Nguyễn Thị Lan Lan còn không hề đưa ra lấy một lời phát biểu.
Trong buổi tiếp xúc cử tri, cả ba ông bà nghị cũng không đả động gì đến vụ việc ở Đồng Tâm. Khi được các phóng viên hỏi đến, bà nghị Khánh trả lời: “Việc ở bên xã Đồng Tâm, TP. Hà Nội đang tập trung chỉ đạo giải quyết, nếu như gắn vào cuộc tiếp xúc cử tri đây nữa thành ra nhiều mối”. Bà còn lý giải rằng, “nếu có nói, chúng tôi cũng không đề cập chi tiết được, bởi nó liên quan đến nhiều vấn đề hiện đang được TP.Hà Nội tích cực giải quyết”.
Trước sự im lặng dửng dưng và vô trách nhiệm ấy, chúng ta hẳn không khỏi thắc mắc rằng liệu họ có dám hành xử như thế nếu vụ việc Đồng Tâm xảy ra trong một nền dân chủ.
Dân chủ là gì
Để trả lời câu hỏi ấy, trước tiên chúng ta cần làm rõ dân chủ là gì, và những người đại diện đóng vai trò thế nào trong một nền dân chủ.
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về dân chủ. Một trong những định nghĩa phổ biến nhất là “chính quyền của dân, do dân, và vì dân” mà Abraham Lincoln đã dùng để mô tả nền dân chủ Mỹ trong Diễn văn Gettysburg. Định nghĩa này cũng thường được chính quyền Việt Nam sử dụng để mô tả chính mình. [1]
Dù định nghĩa trên nghe như một thông điệp hùng hồn đầy ấn tượng, song nó lại rất mơ hồ bởi ta khó định nghĩa được thế nào là của dân, do dân, hay vì dân. Chính điều ấy khiến cho nó rất dễ bị lạm dụng trong các nền độc tài khoác áo dân chủ.
Do đó, chúng ta cần một định nghĩa thực tế và chặt chẽ hơn, và đây chính là điều mà nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Mỹ Joseph Schumpeter đã hướng đến khi giải thích thế nào là một nền dân chủ. Theo ông, dân chủ là “một hệ thống trong đó người cai trị được lựa chọn thông qua các cuộc bầu cử cạnh tranh”, và các cuộc bầu cử này phải được tổ chức đều đặn với phương thức phổ thông đầu phiếu. [2]
Định nghĩa của Schumpeter chứa đựng thành tố quan trọng nhất mà một thể chế dân chủ phải có, ấy chính là các cuộc bầu cử cạnh tranh để lựa chọn giới lãnh đạo. Tuy còn nhiều thành tố khác gắn liền với dân chủ (như bảo vệ các quyền của người dân, tư pháp độc lập, tự do báo chí), song nếu thiếu vắng các cuộc bầu cử tự do, sòng phẳng và định kỳ thì chắc chắn ta không thể nào gọi đó là một thể chế dân chủ.
Như vậy, trong một nền dân chủ, giới lãnh đạo được bầu chọn thông qua các cuộc bầu cử tự do, các ứng cử viên được tham gia một cách sòng phẳng, và các cuộc bầu cử định kỳ sẽ diễn ra minh bạch mà không bị thao túng.
Trách nhiệm của người đại diện trong nền dân chủ
Sở dĩ thể chế dân chủ được ưa chuộng vì nó có nhiều ưu điểm. Theo như Robert Dahl, giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Yale, thì dân chủ có thể ngăn chặn khả năng chuyên chế, bảo vệ các quyền của người dân, thúc đẩy cá nhân phát triển, mang lại thịnh vượng, đồng thời cổ vũ, xây dựng và củng cố hòa bình. [3]
Căn nguyên mấu chốt của những ưu điểm trên chính là nhờ người dân có thể chọn ra những người đại diện thông qua các cuộc bầu cử cạnh tranh. Nhà lý thuyết chính trị Pitkin đã khẳng định rằng, “sinh mệnh chính trị của một người đại diện phụ thuộc vào ý kiến của những cử tri đã bầu ra họ”. [4] Tại sao lại như vậy?
Thứ nhất, người đại diện phải hành động đúng với cái nghĩa đại diện. Họ cần thực thi nguyện vọng của người dân, ra quyết định dựa trên nhu cầu của người dân, và hành động theo những gì họ đã cam kết, bởi nếu không thì chẳng ai bỏ phiếu cho họ nữa.
Thứ hai, họ không thể tùy tiện lạm quyền và coi thường người dân, lại càng không thể vi phạm các quyền căn bản của người dân, bởi nếu thế, họ vừa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, vừa khiến cho đảng phái của mình bị mất tín nhiệm và khó lòng cạnh tranh với các đảng khác trong những kỳ bầu cử kế tiếp.
Và cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất, họ phải thực sự là người có năng lực, vì trước tiên chỉ những người như vậy mới có khả năng thắng được trong các cuộc bầu cử cạnh tranh. Trong trường hợp những con người giỏi giang ấy muốn đưa ra một quyết định mà họ tin là đúng đắn nhưng lại trái với nguyện vọng ban đầu của người dân, thì họ phải giải thích để thuyết phục người dân tiếp tục ủng hộ họ.
Với cách vận hành này, rõ ràng dân chủ là một cơ chế giúp mang lại những người lãnh đạo có năng lực và đầy trách nhiệm, từ đó có thể mang đến tự do và thịnh vượng cho người dân.
Những ông bà nghị của Đồng Tâm
Vậy chúng ta hãy xem, ở một đất nước tự nhận là dân chủ, những ông bà nghị do người Đồng Tâm bầu lên đã làm gì trong suốt thời gian diễn ra vụ việc tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân?
Với tư cách là những người đại diện, đáng lý ra những ông bà nghị này phải thực thi vai trò đại diện để nói lên nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Đồng thời, họ phải bảo vệ các quyền giám sát và quyền tiếp cận thông tin của người dân, đảm bảo rằng các cuộc điều tra được tiến hành một cách công bằng. Và trên hết, họ phải thể hiện tinh thần trách nhiệm vì chính bổn phận “đại diện” của họ. Tuy nhiên, họ đã không làm như vậy.
Có lẽ là bởi sự nghiệp chính trị của họ không phụ thuộc vào lá phiếu của người dân. Những lý giải về trách nhiệm của người đại diện mà chúng ta nhắc đến ở trên đã không còn phù hợp khi áp dụng vào một quốc gia phi dân chủ. Và câu nói của Abraham Lincoln đơn thuần chỉ là một khẩu hiệu không hơn không kém.
Chú thích: