Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Tất cả chúng ta phải thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật làm trọng” – Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa đưa ra tuyên bố trên trong vụ việc ở Đồng Tâm. Song có lẽ chúng ta nên làm rõ một số khái niệm trong cái câu nói nghe quen thuộc đến mức tưởng như chẳng cần phải bàn cãi này.
Rằng: Luật là gì? Và đã bao giờ chúng ta tự hỏi, hà cớ chi mà phải thượng tôn pháp luật?
Luật là gì?
Khi nói đến luật, ta thường liên tưởng đến một thiết chế khách quan, phổ quát, gắn liền với sự công chính – một điều mà con người luôn hướng đến. Chính vì dựa trên mong muốn như vậy, mà lịch sử nhân loại đã tiến hóa từ các hình thức cai trị kiểu nhân trị (dựa trên ý chí tùy tiện của người cai trị) sang hình thức pháp quyền (dựa trên luật pháp), với niềm tin rằng chỉ khi luật pháp được thượng tôn thì công lý mới hiện hữu.
Từ thuở sơ khai nguyên thủy, con người sống với nhau bằng luật lệ của họ. Ấy là thứ luật tự nhiên bất thành văn, được xây dựng trên một cảm quan chung về những ý niệm như công lý và tự do. Như vậy, luật lệ đã tồn tại từ trước khi có nhà nước, và nó được gọi là luật đạo đức (moral law).
Sự ra đời tất yếu của nhà nước đã dẫn đến việc phải ban hành luật thành văn, hay còn gọi là luật pháp (legislated law). Nếu nhà nước được tạo dựng đúng với tinh thần của một thiết chế độc lập, khách quan nhằm bảo vệ công lý và tự do, thì có thể tin tưởng rằng, luật pháp của nhà nước ấy sẽ tuân theo luật đạo đức. Và khi đó, cũng chính luật pháp sẽ giúp người dân xác quyết những ý niệm trong luật đạo đức thành văn bản.
Thượng tôn pháp luật để làm gì?
Tuy nhiên, trong viễn cảnh đương đại, luật pháp ngày càng được đề cao và người ta sinh ra thói quen đồng nhất nó với luật đạo đức. Từ đó, với niềm mong mỏi công lý như một bản năng, thay vì kêu gọi tôn trọng luật đạo đức trước hết, thì ta lại đòi hỏi bản thân và người khác phải thượng tôn thứ luật pháp do nhà nước ban hành.
Và một điều rất tệ hại sẽ âm thầm diễn ra khi ta mặc nhiên coi hai khái niệm này như một. Hãy thử nhìn lại lịch sử của những quốc gia cộng sản, các nước độc tài hay chính quyền phát xít trước đây, nơi các lực lượng chính trị độc tôn quyền lực nhà nước nhân danh ý tưởng về giai cấp và chủng tộc, và cả ở những quốc gia dân chủ nơi nhóm đa số giữ địa vị tối cao. Trong các xã hội như vậy, nhà nước không còn là một thực thể độc lập khách quan nữa, mà nó bị chi phối để phục vụ cho lợi ích của một nhóm người, và nhóm này có thể là đa số hoặc thiểu số trong xã hội.
Đức Quốc xã đã sử dụng luật pháp để giết hại hàng triệu người Do Thái. Ảnh: Hulton/Getty
Bất kể những nhà nước ấy có hình thành các thiết chế như lập pháp, hành pháp và tư pháp như một biểu hiện của nhà nước pháp quyền, thì luật pháp của nó đã không còn mang tinh thần của luật đạo đức. Và khi ấy, hiến pháp và luật pháp chỉ đơn thuần là công cụ của lực lượng cai trị để hợp pháp hóa cũng như củng cố quyền lực.
Hãy tự hỏi, chúng ta có sẵn lòng tuân theo luật pháp không, nếu đó là Đạo luật Nuremberg – luật chống người Do Thái do Đức Quốc xã ban hành? Và chúng ta có muốn lấy luật pháp làm trọng không, nếu ta đang sống vào thời đại lên ngôi của Đạo luật truy nã nô lệ bỏ trốn (Fugitive Slave Act) ở một số tiểu bang của nước Mỹ hồi thế kỷ mười tám?
“Luật bất công không phải là luật”
Câu nói trứ danh ấy của Augustine xứ Hippo đã khiến cho những người của 16 thế kỷ về sau phải hoài nghi bản thân. Chính tâm lý đồng nhất luật pháp với luật đạo đức đã trở thành kim bài miễn tội cho “vương quốc tham lam” trong dụ ngôn của Augustine: “khi công lý bị tước đi, thì vương quốc chẳng khác gì một băng cướp”. [1]
Rõ ràng, việc đồng nhất hai khái niệm này có hại cho công lý, vì nó thúc đẩy quá trình dịch chuyển từ một loại trật tự xã hội dựa trên luật đạo đức sang một thứ trật tự lạm dụng việc lập pháp để hướng đến toàn trị.
Do đó, ta phải xem xét lại thuật ngữ “pháp luật” trong cái cụm từ thân quen “thượng tôn pháp luật”. Bởi một logic hết sức đơn giản: trong một chế độ mà ta tin là cần phải thượng tôn pháp luật, thì trước tiên, công lý phải hiện hữu. Mà để công lý hiện hữu, thì luật đạo đức phải hiện hữu. Tức là, thượng tôn pháp luật chỉ đồng nghĩa với sự tồn tại của luật đạo đức.
Và vì vậy, để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, thì luật pháp – một thứ không thể chối bỏ trong đời sống hiện đại – phải phục tùng luật đạo đức.
Để đạt được điều ấy, thứ nhất, luật đạo đức phải được định hình trong hiến pháp để làm nền tảng cho luật pháp; và thứ hai, cơ quan lập pháp phải được kiểm soát chặt chẽ để tránh ban hành những đạo luật tùy tiện.
Bạn đọc có lẽ vẫn thường nghe đến phát chán về những cách thức giới hạn quyền lực của cơ quan lập pháp, như là “phân chia và kiểm soát quyền lực”, “tư pháp độc lập”, hay “báo chí tự do”. Quen thuộc đến vậy, mà Việt Nam lại chưa hề có được một điều gì trong số ấy.
Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra đất Đồng Tâm. Ảnh: Báo Hà Nội Mới
Lời kêu gọi của ông Chung
Nhà nước vẫn đang giải quyết vụ việc ở Đồng Tâm bằng cái gọi là thủ tục pháp lý và “thượng tôn pháp luật” như cách hiểu của ông Chung. Song rõ ràng, người dân vẫn chưa cảm nhận được gì về công chính.
Thử hỏi làm sao có được công chính khi cái mô thức pháp quyền giả tạo vẫn đang ngự trị và khái niệm “luật pháp” thì bị lập lờ? Khi mà chính quyền vừa là cơ quan ban hành luật, vừa là cơ quan thực thi luật, vừa là người phán xử, thậm chí lại còn dính dáng đến những sai trái mà chính họ cũng đã thừa nhận? [2]
Cho dù chúng ta có một quốc hội ban hành luật, một hệ thống tòa án để xét xử nhằm đảm bảo mọi thứ theo đúng thủ tục pháp lý, thì cái niềm tin vào luật pháp thực sự chỉ là một thứ ảo tưởng về công chính. Bởi việc “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” trong một hệ thống mà Đảng nắm giữ quyền lực độc tôn không hề mang nghĩa bảo vệ lý tưởng pháp quyền, mà thực chất là phục tùng sự cai trị của Đảng.
Và như thế, lời kêu gọi của ông Chung chỉ phản ánh một trong hai khả năng: hoặc là ông đang cố sử dụng cái gọi là “thượng tôn pháp luật” để củng cố tính chính danh cho các hành động bất nhất của mình, hoặc là ông không thực sự hiểu thượng tôn pháp luật là gì cả.
Chú thích