Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Yêu nước, miễn là không ảnh hưởng tới quyền lợi cá nhân.
Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu đến bạn đọc bài tiểu luận The Spiritual Landscape of the Urban Young in Post-Totalitarian China của nhà văn bất đồng chính kiến Liu Xiaobo. Bài được đăng trong sách “
Không có kẻ thù, không có hận thù: Tuyển tập thơ và tiểu luận của Liu Xiaobo“ (No Enemies, No Hatred: Selected Essays and Poems by Xiaobo Liu) do Nhà xuất bản Đại học Harvard xuất bản năm 2012.
***
Nước Trung Quốc thời hậu toàn trị có hai đặc điểm nổi bật.
Đầu tiên, các nhà cầm quyền vẫn muốn níu giữ lấy hệ thống độc tài của họ một cách tuyệt vọng giữa một cuộc khủng hoảng về tính chính danh của nó.
Thứ hai, xã hội đã không còn chấp nhận một hệ thống độc tài như thế nữa.
Một xã hội dân sự phát triển theo một cách tự phát đang dần thành hình. Và cho dù xã hội đó chưa có được sức mạnh để thay đổi hệ thống hiện có, thì tính đa nguyên ngày càng cao của nền kinh tế và những giá trị của xã hội, như nước đang nhỏ từng giọt lên đá, dần dần ăn mòn hệ thống chính trị nhất nguyên cứng nhắc của chúng ta.
Trong đời sống tinh thần, nước Trung Hoa hậu toàn trị đang bước vào Kỷ nguyên Bất cần Đạo lý (Age of Cynicism).
Trong thời kỳ này, con người không còn tin vào bất kỳ điều gì. Và lời nói của mỗi người thì không tương xứng với hành động của họ. Bởi vì họ nói một thứ, trong khi đầu thì nghĩ một thứ khác. Nên ngay cả các quan chức cấp cao và các thành viên đảng Cộng sản cũng không còn tin vào những lời dông dài của đảng.
Sự trung thành với những niềm tin từng được trân quý đã bị thay thế bằng sự trung thành với bất cứ điều gì đem lại lợi ích về vật chất.
Nguyền rủa đảng khi ở chốn riêng tư, phàn nàn về đảng và chế giễu những lời mà nó tự nhận là “vĩ đại, huy hoàng, và đúng đắn”, đã trở thành thú tiêu khiển chính sau bữa ăn của người dân.
Tuy thế, trong không gian công cộng, vì những quyền lợi trước mắt, thì sự dụ dỗ lôi kéo của việc được hưởng bổng lộc vẫn khiến một số đông người dân tụng ca đảng bằng thứ ngôn ngữ của Nhân dân Nhật báo.
Thứ ngôn ngữ nghênh hợp (pandering) công khai này được thốt ra cũng hùng hồn như những lời nguyền rủa trong chốn riêng tư của chính họ. Cả hai kiểu điệu bộ đều đã trở thành tập tính quen thuộc của người dân.
Tính đa nhân cách ở những người làm việc “bên trong hệ thống”, đặc biệt là ở giới tinh hoa trung niên đang nổi lên, có thể được nhìn thấy qua sự tràn lan của “hiện tượng cán bộ bí mật” (covert operator phenomenon).
Khi công khai, những người này nghiêm cẩn tuân theo quy định và không bao giờ bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để thăng tiến trong sự nghiệp. Nhưng khi riêng tư, ngôn ngữ của họ trở nên hoàn toàn khác biệt.
Họ nói những thứ như là, “Tôi làm trong chính phủ còn anh thì ở bên ngoài, nhưng suy nghĩ nội tâm của chúng ta như nhau; chỉ là các phương pháp của chúng ta khác nhau – bọn anh thì ở ngoài la hét biểu tình, bọn tôi thì ở trong triệt phá hệ thống…”
Họ cho bạn một số thứ gọi là các thông tin nội bộ và phân tích thời cuộc chính trị. Hoặc họ bảo cho bạn biết những điểm đặc biệt của tất cả những người lãnh đạo chóp bu, rồi nói với bạn tay nào trong đám đó có khả năng lớn nhất sẽ trở thành một phiên bản đại lục của Chiang Chingkuo (Tưởng Kinh Quốc), người đã mở ra bước ngoặt lớn trong tiến trình dân chủ hóa ở Đài Loan những năm 1980.
Họ còn có thể bật mí cho bạn một thứ chiến lược đáng ngạc nhiên nào đó nhằm đạt được diễn biến hòa bình bên trong hệ thống, v.v. và v.v.
Bọn họ dám chắc rằng nguồn thúc đẩy vĩ đại nhất dẫn đến diễn biến hòa bình chính là từ một phe phái có tư tưởng được khai sáng ở bên trong hệ thống, những người “ở trong doanh trại Tào Tháo nhưng chiến đấu vì nhà Hán” (ND: theo kiểu một anh hùng huyền thoại trong tiểu thuyết kinh điển Tam Quốc).
Bọn họ cũng tin rằng càng có chức vụ cao thì “vỏ bọc” của họ càng chắc chắn, và rằng càng lặn sâu vào bên trong hệ thống, thì sẽ càng có nhiều khả năng cho các lực lượng “bên trong” và các lực lượng “bên ngoài” hợp tác thành công.
Có một điểm mà tất cả bọn họ đều đồng ý: có rất nhiều người với những ý tưởng tốt đẹp bên trong hệ thống, và những việc họ đang làm vì cải cách chính trị thì ý nghĩa giá trị hơn những gì đám người “bên ngoài” có thể đạt được.
Lần nào nói chuyện với những người “bên trong hệ thống” xong, khi ra về tôi cũng có cảm giác là mỗi người trong số họ đều đang mong mỏi đóng một vai trò vĩ đại như Gorbachev, là mỗi người trong số họ đều có khí chất để chịu khổ đau trong im lặng vì sự nghiệp chung, và mỗi người trong số họ đều có nhiều bản lĩnh khôn ngoan chính trị.
Có lẽ là trí óc tôi đã bị ô nhiễm vì ba cái bộ phim cách mạng tôi xem khi còn trẻ, nhưng tôi luôn có khuynh hướng xem những người đó như những cán bộ nằm vùng xuất sắc (brilliant underground operatives).
Hiện tượng này không chỉ giới hạn trong giới quan chức; chúng ta cũng có thể thấy được nó trong các giới truyền thông, giáo dục, văn hóa, và kinh tế.
Một số người quen của tôi, biết nhau từ những ngày tham gia biểu tình năm 1989, đã tham gia kinh doanh và trở nên giàu có sau cuộc thảm sát. Bây giờ, sau khi đã trải qua một đoạn kha khá thời gian, họ đã bắt đầu mời gọi tôi cùng tham gia vào những bữa yến tiệc thịnh soạn.
Tại những dịp tiệc tùng đó, họ bàn tán cởi mở về những chuyện thời sự thế giới, và họ thề rằng họ không hề làm kinh doanh chỉ để trở nên giàu có. Họ muốn mang tới những khác biệt trên thế giới.
Họ liệt kê những cách mà chuyện kiếm tiền của họ đang giúp ích cho xã hội Trung Quốc:
(1) Đóng góp trực tiếp vào các tiến trình thị trường hóa và tư nhân hóa, vốn là những viên gạch cơ bản về kinh tế cho việc dân chủ hóa chính trị sắp tới;
(2) Tạo điều kiện cho họ giúp đỡ bạn bè đang còn hoạn nạn, và đồng thời, tạo điều kiện cho họ cung cấp các nguồn tài lực kinh tế cho những ai nằm ngoài hệ thống để những người này trở lại chính trường (họ rất thích nói rằng một cuộc cách mạng cần phải có tiền, và họ đang làm càng nhiều tiền càng tốt vì lẽ đó);
(3) Hơn hết, họ cho rằng một cuộc cách mạng được tiến hành bởi những người giàu có chắc chắn sẽ là cuộc cách mạng ít tốn kém nhất, bởi vì thị trường đã dạy cho người giàu – chính bọn họ – cách tính toán chi phí – lợi ích một cách đúng đắn. Cuộc cách mạng mới sẽ không như cuộc cách mạng của Mao, tốn kém mà mang lại ít lợi ích. Họ tranh luận rằng, khi người giàu nắm quyền, khả năng cách mạng bạo lực sẽ được giảm thiểu và khả năng cách mạng chậm rãi, ôn hòa sẽ là lớn nhất.
Vì những lý do đó, họ không hoàn toàn phản đối những câu khẩu hiệu trống rỗng của giới lãnh đạo gần đây, như thuyết “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân (là đảng Cộng sản đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến, và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc), hay thuyết “Tam Dân chủ nghĩa mới” của Hồ Cẩm Đào (là người dân tận hưởng quyền, đảng đảm bảo lợi ích người dân, và quan tâm của đảng là vì người dân).
Những phương thức vạn năng này, trong cái nhìn của họ, ít ra cũng đỡ hơn thứ chủ nghĩa cách mạng bạo lực và tư tưởng Marx-Lenin của Mao Trạch Đông, hay “Bốn Nguyên tắc Cơ bản” và sự kiên định tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa của Đặng Tiểu Bình.
Một số người trong đám nhà giàu mới nổi này (nouveaux riches) còn tin rằng những thuyết nói trên thể hiện bước đầu tiên của đảng Cộng sản trong việc chuyển đổi tư tưởng từ thù địch sang tiệm cận nhân bản (thay vì giai cấp). Họ suy nghĩ thật đơn giản, cứ như thể là cứ gói phương châm cứng rắn của đảng bằng một lớp vỏ mỏng của văn hóa đại chúng, thì nói chung là cũng tốt đẹp hơn những câu khẩu hiệu lạnh lùng sắt thép, trần trụi lấp lánh.
Điều đáng buồn nhất về sự suy đồi của thế hệ trẻ của chúng ta cũng chính là điều này. Cái thứ thái độ “Bất cần Đạo lý” như vậy đã trở thành triết lý đời sống của giới trẻ.
Đã có nhiều người bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản trong cuộc thanh trừng sau thảm sát Thiên An Môn. Nhiều người tự nguyện rời đảng. Vì thế đã có vài năm số người vào đảng giảm mạnh.
Thế nhưng, sau 10 năm của sự đồng hóa và chứng mất trí nhớ chính trị (political amnesia), số người trẻ tìm cách vào đảng hiện đang tăng trở lại.
Để quảng cáo sự hấp dẫn của đảng với người trẻ, chính quyền những năm gần đây đã sử dụng dịp kỷ niệm thành lập đảng ngày 1/7 để tung ra một tràng tuyên truyền là số đơn xin vào đảng của người trẻ đã tăng cao đến như thế nào.
Bọn họ đặc biệt nhấn mạnh con số ngày càng nhiều sinh viên đại học xin vào đảng. Một bản tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho rằng có đến 60% sinh viên đại học xin vào đảng. Con số thống kê này cũng tương ứng với một báo cáo truyền thông gần đây cho thấy 65% giới trẻ Trung Quốc ủng hộ đảng Cộng sản.
Dù không nói trắng ra, bản tin truyền hình này vẫn phản ánh lý do thực sự tại sao người trẻ tham gia và ủng hộ Đảng: đã có một sự chuyển biến triệt để từ chủ nghĩa lý tưởng sang chủ nghĩa thực dụng.
Bản tin đó không nói gì về những nguyên tắc của đảng Cộng sản, những lý tưởng Cộng sản cao xa, hay tinh thần tranh đấu của đảng.
Nó bỏ qua tất cả những thứ đó để nhấn mạnh “những thành tựu huy hoàng” của đảng – từ lời tuyên ngôn của Mao Trạch Đông, rằng người Trung Quốc “đã đứng dậy”, cho đến lời Đặng Tiểu Bình rằng người dân đã “giàu lên”, cho tới ngay bây giờ, khi thuyết “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân và thuyết “Tam Dân chủ nghĩa mới” của Hồ Cẩm Đào đã giành được tất cả.
Tất cả những lời tuyên truyền này đều nhắm đến việc nhắn nhủ với người dân rằng, đảng Cộng sản, từ khi bắt đầu “cải cách và mở cửa”, đã đạt được những thành tựu chính trị rực rỡ. Đó là sự tăng cường sức mạnh quốc gia, nâng cao thanh thế đất nước, và làm giàu cho nhân dân cả nước. Thế nên, đó chính là lý do tại sao đảng có một sức hấp dẫn đến vậy với giới trẻ trong nước.
Ai đó có thể nghi ngờ những thống kê này của chính phủ, nhưng bất kỳ ai có tìm hiểu và quen thuộc với giới trẻ thành thị ngày nay sẽ cảm thấy là họ không có nhiều nghi ngờ về những thống kê đó.
Thế hệ hậu-Thiên An Môn, được nuôi dạy với những triển vọng về điều kiện cuộc sống tương đối tốt bên trong một thứ văn hóa thực dụng, không quan tâm lắm tới những thứ như minh tưởng (ND: tư duy, tư tưởng sâu sắc), nhân cách cao quý, chính phủ trong sạch và tề chỉnh, giá trị nhân văn, hay là những quan tâm về đạo đức mang tính siêu nghiệm.
Họ tiếp cận cuộc sống một cách thực tế và đầy tính cơ hội chủ nghĩa. Họ có mục tiêu trở thành quan chức, làm giàu, hay ra nước ngoài. Quan tâm bậc nhất của họ, thú vui bậc nhất của họ là dõi theo những trào lưu thời trang, bắt chước cái sự “cool”, “ngầu” của những người nổi tiếng, và duy trì một mức mua sắm cao. Bọn họ nghiện game Internet và tình một đêm.
Tất cả những điều này xảy ra vì ngay cả trước khi người trẻ ra sống tự lập, môi trường của họ – cả trong gia đình và ngoài xã hội nói chung – đã làm họ thấm nhuần thái độ tận hưởng, thái độ đặc quyền, và một sự chăm chăm mưu cầu tư lợi.
Sự khắc sâu ghi nhớ giáo điều của đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạo ra những đứt gẫy trong lịch sử và sản sinh ra hàng thế hệ con người với ký ức trống rỗng.
Người dân Trung Hoa đại lục đã phải hứng chịu những thảm họa không thể tưởng tượng được trong quá trình bước lên ngai quyền lực của chủ nghĩa cộng sản.
Tuy nhiên, thế hệ hậu-Thiên An Môn không hề có một ấn tượng sâu đậm nào về những thảm họa đó. Họ thiếu trải nghiệm trực tiếp với sự đàn áp của nền công an trị (police-state oppression). Những kinh nghiệm cá nhân của họ chỉ cho họ thấy tính thực tế của những khẩu hiệu như “Kiếm tiền” và “Quyền lực mang lại giàu sang”.
Họ thấy rằng “mục đích biện minh cho phương tiện” trong tất cả mọi thứ xung quanh họ. “Thành công”, trong mắt họ, là trở nên giàu có sau một đêm hay trở thành siêu sao điện ảnh hay ca nhạc đại chúng. Họ không hề có chút kiên nhẫn nào cho tất cả những ai đang nói về những khổ đau trong lịch sử hay những cái xấu trong xã hội ngày nay.
Chiến dịch Vận Động Chống Cánh Hữu (Anti-Rightist Campaign – Phản Hữu Vận Động 1957-1959) đồi bại? Nạn đói trong thời kỳ Đại Nhảy vọt? Cuộc Cách mạng Văn hóa khủng khiếp? Cuộc thảm sát Thiên An Môn?
Tất cả những màn phê bình chính phủ và bộc lộ “mặt đen tối” của xã hội này, theo quan điểm của họ, hoàn toàn không cần thiết. Họ ưa thích dùng những lối sống hưởng thụ của mình, cùng những câu chuyện giới quan chức đút mớm cho họ làm bằng chứng cho thấy rằng, Trung Quốc đã phát triển vượt bậc.
Chính sách “một con” của Trung Quốc cũng đóng góp vào vấn nạn này. Phần đông giới trẻ thành thị ngày nay không có anh chị em, và họ đã lớn lên với tư cách hạt nhân trung tâm của cả gia đình, là “những hoàng đế nhỏ”, như người ta hay nói.
Họ đã quá quen với việc nhìn thấy những mong muốn của mình được đặt vào trung tâm của mọi thứ. Họ đã quen không phải lo lắng gì về đời sống vật chất. Họ không thể hiểu được những khốn khó của mà thế hệ cha mẹ họ đã phải hứng chịu, những khốn khó mà những ai đang sống dưới đáy xã hội hiện nay vẫn đang chịu.
Họ phát triển một thứ thế giới quan “tôi trước hết” và thiếu cảm giác quan tâm lo lắng cho người khác. Khi họ thi đậu vào đại học, họ càng trở thành những đứa con cưng của gia đình và niềm tự hào của cộng đồng. Gia đình nuông chiều họ trong sự ích kỷ tuyệt đối. Sau đó, xã hội cuốn họ vào những cuộc đua tranh đầy thèm thuồng cho giàu sang, danh vọng, và những khoái lạc của thói tiêu dùng phô trương.
Cũng theo cách đó, đại đa số trẻ em nông thôn đi thi đạt điểm đủ cao để lên đại học cuối cùng trở thành những người chả quan tâm mấy đến việc giúp đỡ nông dân thoát khỏi kỳ thị và nghèo đói.
Trái lại, họ nhắm tới việc thành công như những dân thành thị, gia nhập giai cấp tinh hoa, và hoàn toàn trốn thoát khỏi cái thân phận làm nông từ đời này sang đời khác. Việc họ phải nghĩ như thế, thì dĩ nhiên là cũng dễ hiểu thôi.
Trong những năm gần đây, chủ nghĩa dân tộc (nationalism) ở Trung Hoa đại lục, trong nhiều bộ phận dân chúng, đang trở nên ngày càng độc địa hơn là từ bên trong chính quyền.
Đặc biệt với các phiên bản chống Mỹ, chống Nhật, và chống Đài Loan độc lập, chủ nghĩa dân tộc đã trở thành thứ cảm xúc xã hội to lớn nhất trong giới trẻ.
Nó là một phương cách không chỉ để thể hiện sự quan tâm đến Trung Quốc mà còn để trút căm ghét lên những nước khác: “sự kiện máy bay do thám” Hoa Kỳ, chuyện người Nhật “mua dâm ở Châu Hải”, chuyện một sinh viên Nhật Bản tại trường đại học Tây Bắc “nhục mạ Trung Hoa”, chuyện thủ tướng Nhật Koizumi đến thăm đền Yasukuni, chuyện nữ doanh nhân Triệu Yến bị cảnh sát Mỹ đánh, trận chung kết Cúp Châu Á giữa Trung Quốc và Nhật Bản…
Tất cả những sự kiện này, bị thổi phồng quá mức, đều đã giúp kích thích sự phẫn nộ tập thể của giới trẻ “ái quốc” Trung Hoa.
Những lời công kích mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa trên mạng Internet đang ngày càng trở nên bạo lực, thậm chí là côn đồ. Những lời nguyền rủa chém giết xuất hiện khắp nơi, rải rác giữa chúng là những hành vi khoa trương làm dáng ra vẻ “hy sinh tính mạng bản thân vì đất nước”.
Mặt khác, cho dù những “người trẻ giận dữ” này có “ái quốc” đến mức nào đi nữa, họ cũng không hề để cho tinh thần ái quốc của mình can thiệp vào tư lợi của bản thân.
Bọn họ không chỉ im lặng về những hành vi bạo lực của chính quyền, họ còn tránh nói đến cả bạo lực trong xã hội.
Sự tê liệt khả năng thông cảm với người khác trong xã hội, và sự héo mòn các cảm giác về công lý đã trở thành những căn bệnh xã hội tràn lan tại Trung Quốc.
Chả ai thèm quan tâm đến một cụ già ngã bệnh giữa đường, không ai thèm cứu một cô gái nông dân trượt ngã xuống sông. Một tên côn đồ đánh đập và hãm hiếp một người phụ nữ trên xe buýt trong khi không có một ai trong đám đàn ông trai tráng trên xe nhấc, dù chỉ là một ngón tay, để giúp cô ấy; còn một tên côn đồ khác thì kéo hai người phụ nữ trẻ diễu hành trên phố “làm gương cho công chúng” trong khi mọi người đứng xung quanh tận hưởng khung cảnh và cũng không ai tới giúp.
Những bản tin lạnh người như thế rất hay xuất hiện trên truyền thông, ngay cả trên truyền hình quốc gia. Thế ra là có hai mặt của “chủ nghĩa ái quốc” trong “giới trẻ giận dữ” tại Trung Hoa: nói năng yêng hùng dữ dội chống lại người nước ngoài, trong khi hèn nhát thụ động trước những xấu xa do chính người trong xã hội của họ gây ra.
Bạn có nhớ người phụ nữ trẻ “ái quốc” đã thách thức Tổng thống Clinton bằng một câu hỏi tương đối không thân thiện trong một lần ông ta ghé thăm đại học Bắc Kinh năm 1998? Cô ta bây giờ kết hôn với một người Mỹ. Bản tin đầy kịch tính này đã khuấy động lên những lời bình phẩm nóng giận từ “giới trẻ ái quốc”.
Tuy nhiên, điều đáng buồn chính là sự bất nhất vô tận giữa lời nói của người phụ nữ đó và hành vi của cô ta lại không hề dẫn dắt những người chỉ trích cô, dù chỉ là chút ít thôi, đến việc phân tích tâm lý, hay tự tra vấn bản thân mình. Bọn họ chỉ chửi rủa người phụ nữ, một cách không hề có sự phản tư (ND: tự vấn bản thân), rồi sau đó cũng tự nhiên như thế, họ đi Mỹ du học.
Khi những người sinh viên này chửi rủa nước Mỹ, họ cảm thấy bản thân tràn ngập sự phẫn nộ chính đáng, nhưng khi ngồi trên máy bay đáp xuống Boston, Hoa Kỳ thì trái tim của họ càng ngập tràn hơn trong niềm vui sướng.
Vài ngày trước, tôi đọc một bài trên mạng Internet của một người dùng tên là “leonphoenix”. Bài đó thế này:
“Tôi thích sản phẩm thương mại Mỹ, và phim bom tấn Mỹ. Tôi thích tự do kiểu Mỹ. Tôi ganh tị với sự giàu có và quyền lực của Mỹ, nhưng thường thì tôi cũng hô hào, cùng với những người khác, ‘Đả đảo Hoa Kỳ!!!’. Đây là một phản ứng không tránh được, nó là thứ cảm giác bản năng của kẻ yếu thế.”
Giấu mình phía sau một bút danh, leonphoenix đã bóc trần sự thật về thứ chủ nghĩa ái quốc theo kiểu “bất cần đạo lý” mà tôi nói ở trên.
Chúng ta có thể thấy tại sao đám giáo sư “tự do chủ nghĩa” (liberal) thường phàn nàn là công tác tẩy não của nhà nước những năm 1990 đã có tác động lớn nhất lên giới sinh viên đại học.
Giới trẻ có học cũng có một thái độ “bất cần đạo lý” như thế khi họ gia nhập đảng. Số lượng người xin gia nhập là sinh viên đại học đã tăng lên, tuy nhiên, những sinh viên thật sự tin vào chủ nghĩa cộng sản cũng hiếm như lông phượng hoàng và sừng kỳ lân.
Cũng hiếm hoi tương tự là những sinh viên nói “không” với sự man rợ của hệ thống chính quyền, hay nói “không” với những thứ bạo lực diễn ra xung quanh họ.
Tôi không biết là cô sinh viên đại học Bắc Kinh đã cưới một người Mỹ kia có phải là một đảng viên hay không.
Nếu cô không phải là đảng viên, thì hành vi của cô thể hiện một tâm lý sinh tồn thực dụng của phần lớn giới trẻ Trung Quốc.
Nếu cô là đảng viên, thì những gì cô nói tại trường đại học và những gì cô lựa chọn khi tốt nghiệp đã hợp thành một ví dụ hoàn hảo cho thứ chủ nghĩa cơ hội bất cần đạo lý (cynical opportunism) trong giới trẻ Trung Quốc ngày nay.
Đó là thứ “lý tính của con người kinh tế” kiểu lồng lộn. Tăng tối đa lợi nhuận cho cá nhân trở thành giá trị cốt lõi. Nếu chúng ta muốn nói dễ nghe hơn, có thể gọi nó là sự thức tỉnh tính độc lập của cá nhân. Nói một cách thẳng thừng hơn, nó tuyệt đối chỉ là sự mưu cầu lợi ích cá nhân.
Tìm cách vào đảng trong khi không tin chủ nghĩa cộng sản, và lên án Hoa Kỳ trong khi nghiện ngập các lạc thú kiểu Hoa Kỳ, thì là một chuyện.
Tuy nhiên, quái lạ hơn chính là bản thân những người trẻ này có vẻ đặc biệt hoàn toàn không nhận ra được những sự tự mâu thuẫn đó, và hoàn toàn cảm thấy không có chút lo lắng nào về mặt đạo đức.
Trái lại, họ còn cảm thấy hài lòng với bản thân mình: nếu họ đạt được những gì họ muốn có, thì những lựa chọn của họ là đúng đắn. Bất cứ sinh viên Trung Quốc nào muốn tạo được chút ảnh hưởng nào lên thế giới đều muốn gia nhập đảng.
Đó không phải là lý tưởng, mà chỉ là nhu cầu khi bản thân cần có một thứ công cụ.
Tại Trung Quốc dưới quyền đảng Cộng sản, bất kể công việc khi tốt nghiệp của bạn là gì, bạn sẽ thăng tiến tốt hơn nếu bạn là đảng viên.
Hơn thế nữa, khảo sát nguyện vọng của sinh viên đại học những năm gần đây cho thấy lựa chọn số một về nghề nghiệp bây giờ là một vị trí quan chức trong bộ máy đảng-nhà nước.
Khi nói về việc gia nhập đảng, các sinh viên nói mà không cần giấy tờ gì cả. Những lời nói của họ là những lời nói hoàn toàn thực dụng, và khá hùng hồn.
Một sinh viên đại học năm ba đã nổi giận đùng đùng khi anh ta tranh luận với tôi về những chuyện này. “Tại Trung Quốc”, anh ta nói, “một người phải tham gia đảng Cộng sản nếu anh ta muốn làm nên bất kể chuyện gì. Đó là con đường duy nhất để thăng tiến và có được quyền lực, và không có quyền lực thì anh ta chả đi được đến đâu cả. Gia nhập đảng thì có gì sai? Làm quan và làm giàu thì sai chỗ nào? Anh ta và gia đình được sống đàng hoàng, và có thể cống hiến cho xã hội nhiều hơn những gì người khác có thể làm”.
Phương thức sinh tồn của bản thân đảng Cộng sản Trung Quốc cũng giống với phương thức sinh tồn của những người sinh viên đó.
Bề ngoài thì cách tiếp cận của đảng, qua tất cả những rao giảng ý thức hệ của nó, có thể trông khá khác biệt.
Nhưng bất kỳ ai quen thuộc với lịch sử chiếm đoạt, sử dụng, và duy trì quyền lực của đảng Cộng sản Trung Hoa, đều sẽ dễ dàng thấy được những điểm giống nhau.
Nguyên tố chính là chủ nghĩa cơ hội đặt tư lợi lên trên tất cả và cho phép sử dụng bất kỳ một phương tiện nào, bất kể là vô lương tâm, trong cuộc mưu cầu mục tiêu.
Những kỹ thuật sinh tồn xảo quyệt giấu mình bên trong những sáo ngữ truyền thống như “giấu thực lực chờ thời cơ”, “chọn chịu nhục chứ không chịu thua”, “ai cho tôi sữa thì là mẹ tôi”, và “không quỷ quyệt thì không vĩ đại được”, đã trở thành những khẩu hiệu dành cho quan hệ cá nhân của các lãnh đạo đảng. Chúng cũng trở thành khẩu hiệu cho cách họ đối xử với toàn thế giới.
Trong thời hậu-Mao, tuyên ngôn của Đặng Tiểu Bình rằng “mèo đen mèo trắng gì cũng được, miễn là bắt được chuột” đã từng được xem là mang đến một “sự suy thoái lý tưởng cộng sản”. Nhưng thực ra thì ngay cả những chiến lược sinh tồn của chính Mao Trạch Đông cũng đã luôn luôn là vì quyền lực.
Đã bao giờ Mao trung thành với một lý tưởng, hay duy trì một lằn ranh giới hạn đạo đức nào chưa?
Những lời hùng biện khoa trương của ông ta về giải phóng toàn thế giới chưa bao giờ ngăn ông ta ngược đãi hay giết người. Đến mức mà Mao phải cho cả thế giới biết rằng, ông ta sẽ không hề nuối tiếc việc hy sinh một phần ba nhân loại để biến cả địa cầu thành màu đỏ.
Nói một cách ngắn gọn, tất cả những nhóm người trên – sinh viên đại học và trí thức trẻ muốn gia nhập đảng, quan chức “làm việc từ bên trong hệ thống”, những người quen của tôi đã đi kinh doanh để làm giàu – đều có vị trí khá giống nhau.
Gần như không ai trong số họ ủng hộ hệ thống chính trị hiện nay trên bất kỳ phương diện đạo đức thực sự nào, thế nhưng vai trò thực tế mà họ đảm nhận đều giúp cho hệ thống duy trì sự vững vàng của nó.
Việc những con người đó có thể sống dễ dàng với sự đa nhân cách của họ, và cảm thấy không hề phiền toái gì với sự đa nhân cách đó, là một minh họa tốt cho thứ ý thức phân liệt đang ngập tràn trong toàn xã hội.
Những chuyện ngồi lê đôi mách đường phố, những bài hát vè chính trị chế nhạo, và những chuyện đùa tục tĩu đều đã phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc từ sau vụ thảm sát năm 1989. Và tất cả những thứ này đều hoạt động theo hai cách: một mặt, chúng bày tỏ sự bất mãn và công kích chế độ, mặt khác chúng giúp người ta chấp nhận những thực tế hiện nay bằng cách xả bớt stress và thư giãn thần kinh.
Trung Quốc đã tiến vào “Kỷ nguyên Chế nhạo” (Age of Sarcasm). Bất kỳ ở đâu, bên lề những bữa tiệc do nhà nước tài trợ, những chương trình giải trí, hay tấu hài trên truyền hình, những nhà lãnh đạo Trung Quốc và tình trạng quan chức tham nhũng đang trở thành chất liệu chính cho tinh thần hài hước chế nhạo đang tuôn chảy trong xã hội.
Gần như người nào cũng có thể kể một câu chuyện cười chính trị có điểm xuyến chút bóng gió khiêu dâm, và gần như thị trấn làng mạc nào cũng có những kho bài hát vè của riêng họ. Các dịp tụ họp ăn tối riêng tư trở thành những sân khấu không chính thức cho việc xả những bất bình và kể chuyện hài chính trị; chuyện càng hài, vè càng hay thì lại càng được kể lại, hát lại, truyền tải xa hơn, rộng hơn.
Thứ chất liệu này chính là diễn ngôn công cộng thực chất nhất của Trung Hoa đại lục, và nó tương phản với những gì xuất hiện trên truyền thông nhà nước.
Nếu chỉ nghe xem truyền thông nhà nước, bạn có thể nghĩ mình đang sống ở thiên đường; nếu bạn chỉ nghe những trao đổi riêng tư, bạn có thể kết luận là mình đang sống ở địa ngục. Một bên cho thấy sự ngọt ngào và ánh sáng, một bên chỉ có bóng đêm không mặt trời.
Với những con người ở tầng đáy của xã hội, những lời phàn nàn cay đắng về khốn khổ và bất công thể hiện thật nhất những cảm xúc bên trong của họ.
Nhưng với những kẻ đang hưởng lợi từ hệ thống – những kẻ nắm quyền, đám tinh hoa có liên kết, và giới trung lưu thị thành – sự chế nhạo bên trong những câu chuyện hài và bài vè đã trở thành một cách để họ tự giải trí khi đánh bài hay ăn cơm. Lời phàn nàn từ lâu đã mất đi sự sắc bén tựa lưỡi dao ngọn giáo, và cũng chả còn tí sức mạnh đạo đức nào.
Sự châm chọc chấm dứt khi bữa liên hoan chấm dứt, và sự châm chọc đó hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tới những sân khấu khác nơi mà những con người đó biểu diễn chốn công cộng.
Sự giải trí đại chúng có thể có một khả năng gần giống như thuốc phiện. Giữa cơn ồn ào ăn uống, chè chén, đập lá xì dách lên mặt bàn, hay xáo bài mạt chược – trong khi vẫn đang “tiêu thụ” mọi thứ trong tầm mắt – những kẻ dự cuộc hưởng thụ những câu chuyện hài hay ho về khó khăn, tham nhũng, hay bất công.
Khi tiếng cười dứt, mọi thứ trở lại chế độ hoạt động bình thường cho những kẻ đó: khi họ cần nói dối, họ nói dối; khi họ cần tàn nhẫn, họ tàn nhẫn; khi họ cần vồ lấy lợi ích cá nhân, họ chẳng có chút đắn đo nào.
Đã có nhiều năm nhảy qua nhảy lại giữa những mâu thuẫn khổng lồ, chẳng còn tí cảm giác ngại ngùng nào nữa.
Và thế đó, chế độ cộng sản, trong khi vẫn bị chửi rủa liên tục chốn riêng tư, vẫn xuôi chèo mát mái, hoàn toàn “vững chãi”. Và thế đó, đám quan chức cấp cao, mục tiêu của mọi sự nhạo báng chốn riêng tư trên khắp cả nước, tiếp tục diễu hành trong vẻ oai vệ, bước đều bước.
Đất nước này sống với hai tấm rèm đen. Các quy định cấm đoán của chính phủ, công khai hay không công khai, tạo ra một bức màn đen chính thức. Phía sau nó, thành viên của đám tinh hoa quyền lực tranh đua kèn cựa với nhau để chia chác tài sản vốn đúng ra thuộc về tất cả người dân Trung Quốc.
Trong khi đó, người dân đã tạo ra cho chính họ một bức màn đen không chính thức. Phía sau nó, họ trút xả những bất bình mà họ không được thể hiện một cách công khai, và tìm đến những thứ tiêu khiển.
Nhưng tất cả mọi người, phía sau cả hai tấm rèm đen, đều bị bắt buộc phải sống với một bộ nguyên tắc duy nhất – những nguyên tắc bất thành văn của chế độ Đảng-Nhà nước.
Chúng ta chỉ còn có thể đi tới một kết luận đầy nghịch lý nhưng không thể chối cãi, đó là tình trạng tinh thần của Trung Quốc hậu-toàn trị vừa phân liệt, vừa thống nhất.
Các phân liệt giữa “bên trong hệ thống” và “bên ngoài hệ thống”, giữa ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ bình dân, giữa điệu bộ công khai và bình phẩm riêng tư, giữa thực tế khủng khiếp và những màn biểu diễn khôi hài – tất cả những thứ này chắc là phải làm người ta rất xoắn não.
Thế mà, kỳ diệu thay, “chế độ sinh tồn bất cần đạo lý” của chúng ta lại là thứ thống nhất tất cả những thứ đó lại: thực tại cay đắng biến thành những vở tấu hài ăn khách; phàn nàn xả van biến thành nghệ thuật tự gây mê; việc chế giễu giới tinh hoa quyền lực suy đồi thành trò giải trí mạt hạng.
Ngoài truy cầu khoái lạc và chủ nghĩa tiêu dùng, có vẻ rằng thứ thành quả duy nhất trong phát triển xã hội của chúng ta là một cơn tăng trưởng quá khổ như thể ung thư, của “con người kinh tế duy lý tính”: tăng tối đa lợi lộc cá nhân, và thế là đủ.
Viết tại nhà ở Beijing ngày 15 tháng 9 năm 2004.
Xuất bản lần đầu trên tạp chí Kaifang (Khai Phóng – Open Magazine) tháng 10 năm 2004.
Dịch sang tiếng Anh bởi Michael S. Duke.