Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Một trong ba yếu tố định hình một nhà nước pháp quyền (rule of law) ở Âu – Mỹ, theo luật gia Anh Quốc Albert Venn Dicey, là tinh thần bình đẳng trước pháp luật (equality before the law) giữa nhà nước và công dân, cũng như giữa các công dân với nhau.
Tinh thần bình đẳng trước pháp luật được xem là nền tảng cho việc đảm bảo mỗi người dân sẽ được xét xử công bằng (fair trial).
Điều 10 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền khẳng định, mỗi bị cáo đều có quyền được xét xử công bằng bởi một tòa án công khai (public trial) với một hội đồng xét xử độc lập và không thiên vị (independent and impartial tribunal).
Không được mang ra xét xử, không được xét xử công khai, hoặc quy trình xét xử không được công bằng như những công dân khác chính là sự vi phạm tinh thần bình đẳng trước pháp luật.
Mô hình pháp quyền XHCN đã từng loại bỏ tinh thần bình đẳng trước pháp luật
Trong quá trình hình thành mô hình nhà nước pháp quyền XHCN tại các nơi như Việt Nam và Trung Quốc, công cuộc đấu tranh giai cấp (class struggle) đã tạo ra một loại công dân hạng hai của chế độ, trực tiếp phá vỡ nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật ở những nơi đó.
Giáo sư Daniel C.K. Chow, nhà nghiên cứu pháp luật Trung Quốc tại Đại học Bang Ohio đã nhận xét, trong thời kỳ Mao Zedong (Mao Trạch Đông), tất cả những ai bị chính quyền liệt vào giai cấp “tư sản” hoặc những người bị xem là “tàn dư của chế độ phong kiến cũ” đều là “kẻ thù giai cấp” (the enemy class). Những người thuộc “kẻ thù giai cấp” hoàn toàn không được đối xử như những công dân bình thường với đầy đủ các quyền, trong đó có quyền được xét xử công bằng.
Kết quả của việc phân loại công dân đã dẫn đến việc xóa bỏ toàn bộ yếu tố “bình đẳng trước pháp luật” trong Bộ luật Hình sự của Trung Quốc trong thời kỳ đó. Hơn nữa, Bộ luật Hình sự TQ năm 1979 còn liệt kê những phương pháp xử lý mang đầy tính phân biệt đối xử đối với “kẻ thù giai cấp”.
Còn tại miền Bắc Việt Nam, giai đoạn từ năm 1953 đến 1956 của thời kỳ Cải cách ruộng đất (1945-1956), chính quyền phát động phong trào xoá bỏ chế độ phong kiến và chiếm hữu đất đai của giai cấp địa chủ một cách triệt để dựa trên Luật Cải cách Ruộng đất ban hành tháng 12/1953.
Điều này đã dẫn đến việc tịch thu tài sản, đất đai áp dụng đối với những người bị chính quyền xác định là thuộc vào “giai cấp địa chủ” hoặc “tiểu tư sản công thương nghiệp”, mà không cho phép những người đó được biện hộ để bảo vệ tài sản của mình trước bất kỳ một tòa án nào.
Việc xếp loại công dân để từ đó tạo ra một hệ thống pháp luật mang tính phân biệt đối xử đối với những người bị cho là thuộc vào thành phần “chống lại chế độ” càng được thể hiện rõ hơn qua việc ban hành Nghị quyết 49 năm 1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nghị quyết 49 cho phép chính phủ tập trung cải tạo những thành phần “ngoan cố phản cách mạng”, và có thể giam giữ vô hạn định những người này mà không thông qua bất kỳ quy trình tố tụng nào.
Trong khi đó, luật pháp quốc tế lại quy định chính phủ phải cho phép bị cáo được tiếp xúc với luật sư để bảo vệ quyền của mình. Ngoài ra, bị cáo được sử dụng quyền im lặng mà không sợ bị bức cung hay nhục hình, cũng như được gặp gỡ thân nhân, tiếp nhận thăm nuôi và được nhanh chóng mang ra tòa xét xử.
Sau khi hai miền Nam Bắc thống nhất, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng Nghị quyết 49 để giam giữ và tập trung cải tạo hàng chục nghìn cựu quân nhân, công chức và quan chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa mà không thông qua xét xử. Ân xá Quốc tế đã nhận định việc giam giữ những người đó là hành vi vi phạm quyền được xét xử công bằng của họ.
Nhà nước Việt Nam hiện tại vẫn không thể đảm bảo mỗi bị cáo sẽ được xét xử công bằng.
Các tổ chức quốc tế cũng như chính Cao ủy Nhân quyền LHQ đã rất nhiều lần lên tiếng về việc các tù nhân lương tâm tại Việt Nam hiện nay bị giam giữ ròng rã hàng tháng, có khi hàng năm trời, mà không được tiếp xúc với luật sư – như trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài. Họ cũng không được gặp thân nhân, và không được nhận quà thăm nuôi, v.v.
Luật sư Nguyễn Văn Đài. Ảnh: Đất Việt
Đặc biệt là trong các phiên tòa chính trị, thân nhân, bạn bè, người dân, hoặc thậm chí là tham tán chính trị của các Đại sứ quán tại Việt Nam cũng không thể trực tiếp tham dự phiên xử.
Gần đây nhất, vào ngày 29/6/2017, blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – đã bị đưa ra xét xử với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 BLHS. Theo luật sư Võ An Đôn, một trong những luật sư của bà Quỳnh, thì ông và thân chủ chỉ được chính quyền cho phép gặp mặt vài ngày trước khi phiên tòa diễn ra.
Bà Quỳnh cũng chỉ được gặp mẹ ruột của mình vỏn vẹn trong 5 phút vào một ngày trước phiên xử. Đây cũng là lần đầu tiên bà Quỳnh gặp được người nhà kể từ khi bị bắt giam vào tháng 10/2016.
Mẹ của bà cũng đã không được vào phòng xử án mà phải xem buổi xét xử qua một màn hình ở phòng bên cạnh. Bạn bè và ngay cả những người đã làm đơn xin tham dự với tư cách nhân chứng của vụ án như blogger Trịnh Kim Tiến cũng không được tham gia, cho dù nhà nước Việt Nam khẳng định đây là một phiên xử công khai.
Sau khi phiên tòa kết thúc, các luật sư của bà Quỳnh cũng lên tiếng phản đối việc tòa án đã không cho phép họ thực hiện toàn bộ phần biện hộ hay tuyên triệu nhân chứng giám định của phía Viện Kiểm sát để đối chất.
Trùng hợp là trong cùng một ngày, tại một phiên tòa hình sự khác, không chỉ mẹ ruột của bị cáo được phép tham gia, mà báo chí và người dân cũng dễ dàng tiếp cận được phiên xử. Thậm chí, họ còn có thể sử dụng mạng xã hội để ghi hình và đưa tin tại chỗ. Ngoài ra, phần tranh biện của các bên đều được tòa cho phép tiến hành mà không gặp bất kỳ cản trở gì. Đó là hình ảnh tại phiên xử cựu hoa hậu Trương Hồ Phương Nga.
Hình ảnh trái ngược tại hai buổi xử án ngày 29/6/2017 chính là ví dụ đơn giản nhất giúp chúng ta thấy rằng, mô hình nhà nước pháp quyền được áp dụng tại Việt Nam hiện nay vẫn thiếu yếu tố bình đẳng trước pháp luật giữa công dân với công dân.
Bình đẳng trước pháp luật là quyền của mỗi công dân
Theo tổ chức nhân quyền Châu Âu Fair Trials, quy trình tố tụng hình sự không phải được lập ra để giải quyết các vụ án theo từng hồ sơ một. Ngược lại, hệ thống pháp luật phải xác lập bằng được các chuẩn mực tuyệt đối khách quan để có thể xử lý tất cả các vụ án với cùng một thái độ công bằng như nhau.
Vì vậy, quyền được xét xử công bằng không phải là đặc quyền của bị cáo trong một phiên tòa nào cả. Mà đó là quyền của mỗi chúng ta, kể cả những người có chính kiến, tư tưởng chính trị trái ngược với nhà nước.
Các thế lực chính trị hay dùng lập luận là quyền được xét xử công bằng chỉ đem lại lợi ích cho những kẻ tội phạm. Nhưng tổ chức Fair Trials gọi đó là một sự ngụy biện nhằm giúp cho các chính phủ phớt lờ việc thực hiện các chuẩn mực về nhân quyền, cũng như gia tăng cơ hội cho các nhân viên công quyền lạm dụng chức vụ và sử dụng tư hình.
Trong khi đó, càng thuộc về tầng lớp nghèo, không có địa vị trong xã hội, thì nguy cơ bị đối xử bất công, bị chèn ép bởi những kẻ có quyền thế lại càng lớn.
Khi đối diện với nhân viên công quyền, mỗi một người đều mong tính mạng, phẩm giá và danh dự của mình sẽ không bị tước đoạt bằng nhục hình, tra tấn. Khi phải đối mặt với tòa án, ai chẳng mong sẽ nhận được một phán quyết công tâm, không thiên vị từ thẩm phán? Khi thường xuyên bị đối xử bất công trong xã hội, người dân càng mong rằng ít nhất họ cũng được đối xử bình đẳng trước pháp luật.
Những mong muốn rất đỗi bình dị này của người dân chính là cơ sở cho quyền được xét xử công bằng ra đời và trở thành một quyền con người trong luật pháp quốc tế.
Cũng theo tổ chức Fair Trials, nếu quyền xét xử công bằng của mỗi công dân đều được đảm bảo và thực thi thì điều đó sẽ giúp cho xã hội càng vững tin là tòa án chỉ bỏ tù những kẻ thật sự phạm tội.
Và chỉ khi có được quyền căn bản này, chúng ta mới có thể đặt trọn niềm tin vào hệ thống pháp luật.
Tài liệu tham khảo: