Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Công khai, thẳng thắn một cách chuẩn mực khoa học, và không cấm đoán.
Đó là thái độ mà người Đức thế kỷ 21 đã chọn vào năm ngoái khi đối mặt với thực tế là cuốn hồi ký Mein Kampf của nhà độc tài phát-xít Adolf Hitler có thể được tự do xuất bản trở lại lần đầu tiên sau Thế chiến thứ II.
Vụ việc gây tranh cãi này liên quan mật thiết đến di sản lịch sử đen tối đầy tội lỗi mà Hitler và chính phủ phát-xít đã để lại cho nước Đức.
Mein Kampf – một di sản đầy tranh cãi
Dày hơn 700 trang với 27 chương, Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi) được Adolf Hitler viết năm 1924 trong thời gian chín tháng ngồi tù vì tội đảo chính chống chính quyền Cộng hòa Weimar của Đức. Nó được xuất bản lần đầu vào ngày 18/7/1925.
Cuốn sách, do Hitler sáng tác bằng cách đọc cho các thủ hạ thân tín ngồi cùng tù viết lại, vừa là một hồi ký kể chuyện đời, vừa là một tác phẩm triết lý chính trị đúc kết và trình bày tư tưởng phát-xít của bản thân ông.
Mục đích ban đầu của Hitler là muốn viết để tuyên truyền úy lạo các thành viên cùng đảng Quốc Xã với mình, cho dù Hitler cũng có chia sẻ với quản giáo nhà tù là thực ra ông ta muốn… bán được càng nhiều sách càng tốt để có tiền trang trải chi phí đã tiêu tốn cho việc ra tòa vì tội đảo chính trước đó.
Xét về mặt kinh tế, Hitler đã khá thành công. Cho đến trước khi tự sát năm 1945, Hitler được cho là đã thu được đến 7.6 triệu Mark Đức từ việc bán cuốn Mein Kampf tại Đức.
Trong cuốn sách, Hitler trước hết kể chuyện đời mình từ lúc sinh ra cho đến lúc hoạt động chính trị và đi tù. Sau đó ông ta đi sâu vào chi tiết về các tư tưởng chính trị của bản thân bao gồm hai tư tưởng chính là tư tưởng đề cao chủng tộc Aryan da trắng của người dân Đức và tư tưởng bài Do Thái.
Hitler phân tích các vấn đề của nước Đức thời Weimar sau thất bại nhục nhã trong Thế chiến thứ I, những vấn đề mà ông ta cho là lỗi của hệ thống chính trị dân chủ nghị viện của chính phủ Weimar và của nhiều phe nhóm chính trị tại Đức bao gồm các phe nhóm Cộng sản, Marxist, Dân chủ Xã hội, v.v.
Trên hết, Hitler cho rằng nguyên nhân lớn nhất cho tất cả các vấn đề của nước Đức là do người Do Thái trong và ngoài nước đang có một âm mưu kiểm soát và thống trị thế giới.
Qua việc đề cao “chủng tộc dân Aryan thuần khiết, ưu việt” của Đức, Hitler cũng đồng thời lập luận bảo vệ cho việc xâm lược và đồng hóa các dân tộc Đông Âu (được xem là thấp kém, ngu dốt hơn) nhằm tạo “không gian sống” (lebensraum) cho người Đức sinh tồn và phát triển.
Có thể thấy rõ Mein Kampf chính là tác phẩm đầu tiên Hitler công khai một cách có hệ thống các tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, và chủ trương bành trướng quân sự hiếu chiến của mình. Tất cả đều sẽ hợp thành chủ nghĩa phát-xít – thứ chủ nghĩa sau đó kéo nước Đức vào vòng xoáy diệt chủng Do Thái oan nghiệt, và cuộc Thế chiến thứ II khủng khiếp vốn đã cướp đi 60 triệu mạng người trên toàn thế giới.
Cho dù Hitler và nhà nước Đức Quốc Xã đã bị tiêu diệt năm 1945, chủ nghĩa phát-xít phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn đề nan giải cho các nước phương Tây trong suốt các thập kỷ qua. Hitler vẫn được xem là một thần tượng đối với các nhóm tân-phát-xít chuyên cổ xúy chủ nghĩa dân tộc cực hữu và thực hành phân biệt chủng tộc.
Cho dù chỉ là thiểu số, các nhóm này vẫn đang tồn tại ở nhiều nước và luôn có thể đe dọa tinh thần dân chủ đề cao hòa hợp chủng tộc của các nước phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa với các vấn đề nhập cư quốc tế nghiêm trọng như hiện nay.
Luật và nhu cầu kiểm duyệt, giữa lý tưởng và thực tế
Không như người ta thường nghĩ, thực sự là nước Đức hậu chiến, trong nhiều thập niên qua tới hiện nay, không hề có luật kiểm duyệt quy định cụ thể việc cấm xuất bản cuốn Mein Kampf.
Hiến pháp năm 1949 của Đức đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt. Tuy nhiên, như nhiều nước khác, Hiến pháp Đức cũng ghi rõ là các quyền tự do này bị giới hạn theo luật định.
Trừ một số trường hợp khá gây tranh cãi, thường thì việc xác định các giới hạn tự do ngôn luận và tự do biểu đạt tại Đức xoay quanh một nguyên tắc, đó là Streitbare Demokratie (dân chủ tự bảo vệ).
Nền dân chủ lập hiến của Đức, trong đa số trường hợp, giới hạn các quyền tự do trong Hiến pháp trong chừng mực và cho mục đích bảo vệ sự tồn tại của chính nền dân chủ này và bản hiến pháp của nó.
Như vậy, một số quyền tự do tại Đức có thể bị giới hạn, không phải với các “kẻ thù của đất nước” hay “kẻ thù của đảng cầm quyền”, mà là với các kẻ thù của Hiến pháp Đức, hay các tổ chức phản hiến pháp (verfassungswidriger organisationen) – những đối tượng nào muốn phá hoại hay tiêu diệt nền dân chủ lập hiến của Đức.
Liên quan đến các đảng phái phản hiến pháp, luật hình sự Đức giới hạn quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt bằng cách nghiêm cấm hành vi phát tán (verbreiten) các tài liệu tuyên truyền của các tổ chức phản hiến pháp (điều 86).
Quyền quyết định một tổ chức có “phản hiến pháp” hay không không thuộc về chính quyền mà thuộc về Tòa Hiến pháp Liên bang Đức.
Theo đó, việc chứng minh trước tòa rằng một tổ chức là “phản hiến pháp” là một bước bắt buộc mà nhà chức trách Đức phải làm trước tiên, nếu họ muốn giới hạn quyền tự do ngôn luận, biểu đạt của tổ chức đó. Việc này hoàn toàn không đơn giản trong thực tế.
Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là luật hình sự Đức nói chung không cấm hay hình sự hóa việc xuất bản sách vở, tài liệu chính trị.
Việc ngăn cản xuất bản Mein Kampf sau Thế chiến thứ II tại Đức hóa ra không đến từ luật hình sự mà từ một thứ luật vốn dĩ hiền hòa hơn nhiều: Luật Sở hữu Trí tuệ.
Quyền sở hữu trí tuệ với tác phẩm Mein Kampf thuộc về nhà xuất bản của đảng Quốc Xã Đức, Eher-Verlag. Chính sách Giải phát-xít (denazification) của phe Đồng Minh ép buộc nhà xuất bản này phải đóng cửa. Mọi tài sản của nhà xuất bản bao gồm quyền sở hữu trí tuệ được chuyển về cho bang Bavaria của Đức.
Là chủ sở hữu quyền tác giả với tác phẩm Mein Kampf, chính quyền bang Bavaria có toàn quyền cho phép xuất bản cuốn này hay không tại Đức thể theo luật bảo vệ sở hữu trí tuệ nước này, và họ đã kiên quyết không cho phép xuất bản Mein Kampf trong suốt nhiều năm vì lo ngại nội dung gây tranh cãi của nó.
Tuy nhiên, thời hạn bảo hộ quyền tác giả tại Đức chỉ kéo dài 70 năm tính từ khi tác giả qua đời.
Như vậy, hết ngày 31 tháng 12 năm 2015, bang Bavaria không còn sở hữu quyền tác giả với Mein Kampf nữa, cuốn sách trở thành tác phẩm thuộc phạm vi công cộng (public domain) và theo đó bất kỳ ai ở Đức cũng có thể xuất bản.
Mein Kampf có thể được một nhóm chính trị cực hữu nào đó, cuồng Hitler nhưng chưa tới mức phản hiến pháp, đầu tư xuất bản để đem ra tuyên truyền cho chủ nghĩa phát-xít hay kêu gọi sự cảm thông với chủ nghĩa này. Đó là một rủi ro có thật trong mắt nhiều người Đức.
Không thể dùng luật hình sự để ngăn cản việc xuất bản Mein Kampf, những người Đức lo lắng về ảnh hưởng xấu của tác phẩm này đã làm gì?
Giải pháp trí thức: Chủ động xuất bản.
Có thể thấy là tranh luận về việc phải làm gì khi hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả với Mein Kampf đã diễn ra từ rất sớm.
Ngay từ năm 2007, giới trí thức Đức đã bàn luận về vấn đề này và một nhóm các nhà sử học của Viện Sử học Đương đại (The Institute of Contemporary History – IfZ) ở Munich, một viện nghiên cứu nhà nước của Đức, đã quyết định chọn một giải pháp trí thức thay vì giải pháp pháp luật để xử lý di sản đầy rủi ro này của Hitler.
Không chỉ không đòi cấm, các nhà sử học còn giúp xuất bản Mein Kampf.
IfZ chủ động nghiên cứu, biên khảo cuốn sách này để xuất bản nó ngay vào cuối năm 2015 dưới dạng một cuốn sách có chú thích chi tiết (annotated) và mang tính phê bình (critical).
Các chú thích của các sử gia sẽ góp phần đặt những gì Hitler đã viết vào bối cảnh lịch sử, chỉ ra những gì là quá khích, vớ vẩn, hay chí ít là gây tranh cãi trong những lập luận của ông ta.
Người đọc ở Đức vẫn sẽ được tiếp cận cuốn sách một cách đầy đủ, không cắt xén che đậy, nhưng theo một cách có phản tư, được thông tin đầy đủ hơn.
“Một phiên bản uyên bác của Mein Kampf có thể giúp giải tỏa những huyền thoại lạ lùng xung quanh nó. Đó sẽ là một công tác làm trong sạch mang tính chính trị nếu có thể chứng tỏ được chất lượng thấp kém của tác phẩm tuy ngờ nghệch nhưng lại có ảnh hưởng này”, nhà sử học Horst Möller, giám đốc IfZ phát biểu năm 2007.
Quyết định của IfZ có vẻ là một quyết định sáng suốt khi phiên bản Mein Kampf có chú thích và phê bình xuất bản tháng 1/2016 của họ trở thành một trong những bộ sách bán chạy nhất tại Đức, bất kể độ dày 1948 trang với 3700 chú thích và giá bán lên đến 59 Euro (tương đương 68 USD).
Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với phương án này của IfZ.
Mein Kampf trần trụi hay khoác áo?
Ẩn sau phương án trí thức của các nhà sử học IfZ là một giả định: Mein Kampf tự nó là nguy hiểm, có thể gây hại nếu được xuất bản trần trụi, không chú thích.
Với một số người Đức, đây là một giả định có vẻ mang giọng “cha chú”.
Phải chăng các nhà sử học cho rằng độc giả Đức không đủ giáo dục, không đủ tư duy phê phán độc lập để có thể tự đọc Mein Kampf và tự quyết định giá trị cuốn sách này? Mein Kampf phải được xuất bản nguyên văn không chú thích diễn giải, để độc giả tự độc lập phán xét!
Đó chính là quan điểm của nhà xuất bản Der Schelm, một nhà xuất bản mang tư tưởng cực hữu của Đức.
Giữa năm ngoái, sáu tháng sau khi bản Mein Kampf có chú thích của IfZ được xuất bản, Der Schelm tung ra một phiên bản không chú thích của cuốn sách với giá 30 Euro.
Việc này lập tức gây ra lùm xùm trong công luận tại Đức và khiến nhà chức trách Đức phải vào cuộc.
Văn phòng công tố thành phố Leipzig, nơi Der Schelm có trụ sở, quyết định điều tra nhà xuất bản này dựa trên luật chống phát tán tài liệu tuyên truyền của tổ chức phản hiến pháp.
Không rõ kết quả điều tra cụ thể thế nào, nhưng hiện nay Der Schelm vẫn công khai bán phiên bản Mein Kampf không chú thích của họ trên mạng nhưng có kèm một “chú giải” dài dòng trên trang web:
“Nhà xuất bản không chấp nhận các quan điểm [của cuốn sách] vốn chỉ có thể được hiểu trong [bối cảnh] giai đoạn đó, và chúng tôi tuyên bố không liên quan đến bất kỳ hành vi phỉ báng, thù hận, nhục mạ nhân phẩm, đặc biệt là các hành vi lăng mạ Do Thái giáo nào ở đây. Chúng tôi hoàn toàn chỉ đưa ra các báo cáo lịch sử không kèm đánh giá và chúng tôi đặt nặng tầm quan trọng của thực tế là chúng tôi không chia sẻ các diễn tả [như trong sách] này.”
***
Nhưng cuối cùng thì cuốn sách Mein Kampf có thật sự nguy hiểm khi đứng một mình không?
Nhà sử học chuyên nghiên cứu về Đức Quốc Xã William Shirer từng có bình luận rất nổi tiếng hồi những năm 60 rằng:
“Không phải người Đức nào mua một cuốn Mein Kampf về cũng nhất thiết là đọc nó. Tôi từng nghe nhiều tay đảng viên phát-xít cứng cựa than phiền là nó khó đọc và không ít kẻ còn thú nhận – khi nói chỗ riêng tư – rằng họ chưa bao giờ đọc hết được 782 trang sách đầy sự huênh hoang đó.
Nhưng có thể tranh luận rằng nếu như nhiều người Đức không theo chủ nghĩa phát-xít đã chịu đọc nó trước năm 1933, và nếu như nhiều chính khách nước ngoài trên thế giới đã chịu nghiên cứu nó kỹ càng trong khi vẫn còn thời gian, thì nước Đức và thế giới đã có thể được cứu khỏi thảm họa.”
Gần đây hơn, nhà báo Adam Gopnik, một người đã đọc cả bản tiếng Anh và tiếng Đức của cuốn sách, cho biết:
“…Điều ấn tượng nhất [về Mein Kampf] như một văn bản chính là nó không hiểm ác hay quỷ quyệt, mà ‘tơm tởm sởn gai ốc’ (creepy). Người ta khó mà có thể hình dung là nó đã được viết bởi một nhà độc tài phát-xít tương lai.
Hitler, kẻ mà chúng ta nghi ngờ là một con người cay đắng, một kẻ ganh tức, một kẻ thất bại bị thương tổn về tâm lý, đã phơi bày bản thân ông ta đúng như thể là… một con người cay đắng, một kẻ ganh tức, một kẻ thất bại bị thương tổn về tâm lý.”
Gopnik cũng bình phẩm là quyết định cho phép xuất bản Mein Kampf công khai không cấm đoán có một tác dụng đặc biệt: giúp tước đoạt khỏi cuốn sách đó vẻ hào nhoáng của việc bị cấm đoán (“the glamour of the forbidden”).
Đúng là có một số thứ trên cõi đời chỉ trở nên lấp lánh, đáng mong đợi, đáng thèm thuồng hơn khi chúng bị cấm đoán.
Sau cùng, có lẽ cũng nên nhớ đến những lời sau đây của bản thân tác giả Mein Kampf, tâm sự với luật sư Hans Frank của ông ta năm 1933:
“Nếu năm 1924 tôi mà biết mình rồi sẽ trở thành Thống chế nhà nước, tôi sẽ không bao giờ viết quyển sách đó.”
Tài liệu tham khảo: