Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tôi gặp Lester Shum vào một buổi chiều tháng 5 tại Gwangju, Hàn Quốc trong dịp kỷ niệm 37 năm phong trào nổi dậy ngày 18/5/1980 của sinh viên Gwangju.
So với các cựu thủ lĩnh của phong trào Dù vàng Hong Kong (Umbrella Movement) mà tôi đã gặp qua, Lester trầm tĩnh và mang dáng dấp già dặn hơn rất nhiều.
Lester có vẻ là một người hướng nội, và đó có thể là lý do mà truyền thông khu vực và quốc tế ít nhắc tới anh. Thế nhưng, trong giới hoạt động dân chủ khu vực Đông Á, Lester là một nhà hoạt động trẻ năng nổ, được nhiều người yêu mến.
Lester không nói với tôi về những thành tựu của phong trào hay bản thân. Anh dành phần lớn thời gian để chiêm nghiệm và trăn trở về những gì chưa làm được, và về tương lai của Hong Kong.
Lester Shum năm nay chỉ suýt soát 23-24 tuổi. Khi phong trào Dù vàng nổ ra, anh chỉ vừa 21 và là Phó Tổng thư ký Liên hội Sinh viên Hong Kong (deputy secretary-general of the Hong Kong Federation of Students) lúc ấy.
Cùng với Joshua Wong, Alex Chow, Nathan Law, Lester Shum đã tham gia từ những ngày đầu tiên của phong trào đòi hỏi quyền đầu phiếu phổ thông (universal suffrage) của người dân Hong Kong vào tháng 9/2014.
Joshua Wong, Lester Shum (giữa), và Alex Chow trong thời kỳ đỉnh điểm của PT Dù vàng 2014. Ảnh: TODAY Online
Lý do phong trào Dù vàng nổ ra.
Kể từ sau khi Hong Kong được trao trả vào năm 1997, người dân tại đây luôn yêu cầu Trung Quốc cho phép họ có quyền được bầu trực tiếp – mỗi người dân một lá phiếu – đối với các chức vụ lãnh đạo cao cấp của Đặc khu này.
Thế nhưng, đến khoảng năm 2013, chính quyền Trung Quốc đã công khai tuyên bố, họ sẽ không chấp nhận điều đó.
Mà tệ hại hơn, thay vào đó sẽ là một cuộc bầu cử theo kiểu “đảng cử dân bầu”. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ chọn ra các ứng cử viên cho chức vụ đấy, và sẽ để đại diện Lập pháp của người dân bỏ phiếu bầu.
Điều nay đã làm người dân Hong Kong bất bình, và đã có gần 510.000 người xuống đường vào ngày 1/7/2014 để phản đối, nhiều hơn lần mít tinh lớn nhất trước đó vào năm 2003 với xấp xỉ nửa triệu người tham gia.
Hình ảnh so sánh giữa cuộc mít tinh ngày 1/7 về quyền phổ thông đầu phiếu năm 2003 và 2014 tại HK. Ảnh: EJ Insight
Năm 2014, các nhà hoạt động xã hội kỳ cựu ở Hong Kong, trong đó có giáo sư Benny Tai, đã phát động chiến dịch Chiếm giữ Trung tâm (Occupy Central) để phản đối Trung Quốc.
Bắt đầu từ tháng 7, 2014, nhiều sự kiện đòi hỏi quyền phổ thông đầu phiếu đã nổ ra.
Đến tháng 9/2014, phong trào này trở thành cuộc cách mạng của sinh viên vì số sinh viên, học sinh tham gia đã trở thành lực lượng chính. Từ đó, công cuộc đòi hỏi dân chủ qua việc đòi quyền được bầu trực tiếp các chức vụ lãnh đạo của người Hong Kong đã được thế giới biết đến với tên gọi Dù vàng (Umbrella Movement).
Với cương vị là Phó Tổng thư ký của Tổng hội Sinh viên – một tổ chức Xã hội Dân sự đầy uy tín với lịch sử hơn 50 năm – Lester Shum trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào.
Vào tháng 10/2014, Lester và Alex Chow (Tổng thư ký Tổng hội) đã cùng Joshua Wong, Nathan Law, Agnes Chow đại diện cho giới sinh viên tham gia thương thảo với chính quyền Hong Kong.
Tuy nhiên, cuộc thương thảo thất bại vì hai bên không đạt được điểm đồng thuận.
Lester Shum phát biểu tại buổi thương thảo với chính quyền vào tháng 10/2014. Ảnh: The Epochtimes.
Bỏ thương thảo, chính quyền dùng mánh khóe chính trị để dẹp bỏ PT Dù vàng
Lester Shum kể lại, ngay sau khi cuộc thương thảo thất bại, một công ty xe buýt nhỏ của Hong Kong đã đệ đơn lên tòa xin ban hành một lệnh cấm tạm thời (injunction) đối với người biểu tình của phong trào Dù vàng. Trong đó, nguyên đơn yêu cầu không cho phép người biểu tình được tiếp tục tụ tập tại khu Mongkok.
Yêu cầu này đã được tòa án chấp thuận, và lệnh cấm tạm thời được ban hành.
Tổng hội sinh viên và những người lãnh đạo phong trào Dù vàng tin rằng, lệnh cấm đó vốn có bàn tay của chính quyền đứng sau.
Họ cho rằng chính quyền Hong Kong, do không thể trực tiếp cấm người dân biểu tình – vì như thế là vi phạm Bộ luật Căn bản (Basics Law) của Hong Kong và là hành vi vi hiến – nên họ đã “đi đêm” với một công ty tư nhân để biến vụ việc trở thành tranh chấp dân sự giữa người dân với nhau.
Các thủ lĩnh sinh viên đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Nếu tiếp tục biểu tình thì sẽ vi phạm lệnh của tòa án và có thể bị công chúng xem là những kẻ vi phạm pháp luật. Còn nếu tuân theo, thì có nghĩa là đối với sự tin tưởng của những người tham gia phong trào, họ đã khuất phục trước chính quyền.
Lester Shum và Joshua Wong họp báo tại Mong Kok khi lệnh cấm của tòa bắt đầu được cảnh sát sử dụng để giải tán người biểu tình tháng 11/2014. Ảnh: Apple Daily.
Chống lệnh tòa, chấp nhận bị bắt để bảo vệ pháp quyền
Đến cuối cùng, các sinh viên đã quyết định là nếu chính quyền thực sự ngay lập tức dùng đến nhân viên công lực để giải tán người biểu tình, thì họ sẽ “bám trụ” tại Mongkok để phản đối lại lệnh cấm do tòa ban hành.
Vì điều đó chứng minh rằng, chính quyền đã đứng sau lưng công ty tư nhân kia, và đã dùng những biện pháp bất minh để có được một kết quả pháp lý bất công (unjust legal decision) cho mục đích chính trị.
Và nếu như thế, họ sẽ phải thực hành bất tuân dân sự để phản đối việc chính quyền đã lợi dụng các thủ tục pháp lý nhằm tước đi quyền tụ tập và biểu tình của công dân.
Sau đó, họ sẽ chịu trách nhiệm trước tòa về hành vi của mình để tỏ rõ tinh thần bảo vệ pháp quyền (rule of law).
Vào ngày 26/11/2014, cảnh sát Hong Kong đã tiến hành bắt giữ Lester Shum cùng với Joshua Wong và một số sinh viên khác tại Mongkok, với lý do họ đã vi phạm lệnh cấm nói trên.
Lester Shum (áo đen), Joshua Wong, và Rafael Wong tại Mongkok ngay trước khi bị bắt ngày 26/11/2014. Ảnh: Demotix/Corbis
Bảo vệ nền pháp quyền KHÔNG đồng nghĩa với việc tuân thủ tuyệt đối tất cả luật lệ
Lester Shum và các bạn của anh đã phải làm ra một quyết định khó khăn. Nhưng họ đã chọn thực hành bất tuân dân sự và chấp nhận ngồi tù vì nó. Vì chỉ như thế, họ mới có thể đánh tan sự mập mờ của chính quyền giữa hai định nghĩa của pháp quyền – rule of law, và dụng pháp trị – rule by law.
Theo Lester, chính quyền Hong Kong và Trung Quốc luôn cổ súy việc đánh đồng khái niệm “xây dựng nhà nước pháp quyền” với việc phải tuân thủ tuyệt đối hệ thống pháp luật (theo kiểu quốc có quốc pháp, gia có gia quy).
Nhưng sử dụng pháp luật để cai trị và bắt buộc mọi người dân phải tuân thủ theo nó là ỷ pháp trị quốc, là “rule by law”.
Còn một nhà nước pháp quyền thật sự thì phải là một nhà nước biết bảo vệ đầy đủ các quyền con người căn bản của người dân, cũng như không sử dụng luật pháp một cách tùy tiện để đạt được mục đích cai trị.
Vì vậy, Lester cho rằng hành động của anh chỉ là thực thi bất tuân dân sự đối với chính quyền (the administration), chứ không phải là anh không tôn trọng nền pháp quyền của Hong Kong.
Theo anh, chính quyền đã lợi dụng tòa án để thực hiện các toan tính chính trị của họ. Thế nên chính những người lãnh đạo Đặc khu mới là những kẻ không tôn trọng tinh thần nhà nước pháp quyền.
Và để tỏ rõ thái độ tôn trọng tinh thần pháp quyền, vào ngày 15/6/2017 vừa qua, Lester Shum cùng Joshua Wong và 9 người khác đã nhận tội (plead guilty) đối với cáo trạng khinh miệt tòa án (contempt of court).
Lester Shum (áo xanh đậm) cùng Joshua Wong và những người khác tại phiên xử ngày 3/7/2017. Ảnh: FB 蕭雲
Tiếp tục đấu tranh cho dân chủ, vì đó là tương lai
Lester Shum thường chia sẻ với mọi người, anh và các bạn của mình chỉ là những sinh viên rất bình thường, không phải anh hùng hay thủ lĩnh gì cà. Thế nhưng, họ đã bị ép phải đứng lên đấu tranh bảo vệ nền dân chủ của Hong Kong, vì đó chính là tương lai của họ.
Lester Shum kể với tôi là anh đã thường xuyên bị mất ngủ hậu phong trào Dù vàng, và đôi khi anh cũng cảm thấy bản thân đang rơi vào trạng thái trầm cảm.
Anh không lo lắng cho an nguy cá nhân, dù cho chính quyền Beijing có thể cho rằng anh và các bạn của anh là kẻ thù của chế độ. Mà anh cảm nhận được mối nguy hiểm từ sự đe doạ ngày một lớn và rõ nét của Trung Quốc đối với nền dân chủ của Hong Kong.
Viễn cảnh một Hong Kong không có tự do, dân chủ nếu người dân bỏ cuộc và ngừng đấu tranh đã tiếp cho anh thêm sức mạnh, để anh tiếp tục dấn thân trên con đường hoạt động của mình.
Ngày 3/6/2017, Tòa Cao đẳng Pháp viện Đặc khu Hong Kong (High Court of the Hong Kong Special Administrative Region) đã mở phiên xử đầu tiên đối với vụ án của Lester Shum.
Lester đã chuẩn bị tinh thần để an nhiên đối mặt với bản án vì anh sẵn sàng gánh trách nhiệm cho hành vi của mình. Hơn nữa, đây chỉ là một chút hy sinh cá nhân để đổi lấy cơ hội cho một Hong Kong dân chủ được tiếp tục tồn tại trong tương lai.
Tài liệu tham khảo: