Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI – Federal Bureau of Investigation), một trong những cơ quan điều tra quyền lực nhất thế giới, có thể đã không ra đời nếu không có những nỗ lực của một vị tổng thống Mỹ bạo gan dám xem thường luật lệ, và… một người cháu của Hoàng đế Pháp Napoleon.
Nhân dịp ngày thành lập FBI 26/7, chúng ta hãy cùng nhìn vào gốc gác khá thú vị của cơ quan an ninh điều tra trực thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ này.
New York đầu thế kỷ 20. Ảnh: Wikipedia.
Hoa Kỳ bước vào thế kỷ 20 với hơn 76 triệu dân, một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng cùng với tình hình xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp, và đầy biến động. Chính phủ Mỹ phải đối mặt với các vấn đề lớn: quản lý an ninh trật tự trị an nội địa và đưa nền kinh tế đang trong thời kỳ “tư bản hoang dã” vào nền nếp.
Tổng thống William McKinley bị ám sát. Ảnh: mckinleydeath.com.
Một trong những hiểm họa an ninh lớn nhất của thế giới nói chung và của Mỹ nói riêng đầu thế kỷ 20 là chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism). Các nhóm tội phạm khủng bố theo chủ nghĩa vô chính phủ liên tục ám sát các lãnh đạo quốc gia trên toàn thế giới.
Năm 1901, nước Mỹ rúng động khi William McKinley, Tổng thống thứ 25, bị một công dân Mỹ gốc Ba Lan theo chủ nghĩa vô chính phủ dùng súng bắn chết trong một buổi triển lãm.
Tổng thống Theodore Roosevelt. Ảnh: publicbroadcasting.net.
Cái chết của McKinley buộc người phó của ông là Theodore Roosevelt phải lên nhậm chức Tổng thống.
Trở thành Tổng thống Mỹ ở tuổi 42, trẻ nhất trong lịch sử đất nước tính tới tận bây giờ, Theodore Roosevelt có cơ hội thực hiện các mục tiêu chính trị của riêng mình mà ông đã luôn đề cao trong suốt sự nghiệp, đặc biệt là việc tìm cách kiểm soát quyền lực của giới “tư bản hoang dã”. Các công ty đại tư bản trong các ngành khai mỏ, dầu khí, và đường ray xe lửa khi đó đang “làm mưa làm gió” trên cả nước, lợi dụng sức mạnh kim tiền và tình trạng luật lệ còn lỏng lẻo để lũng đoạn thị trường, chèn ép người lao động.
Để làm được việc này, Roosevelt cần có các công cụ hành pháp mạnh mẽ.
Các biểu tượng, huy hiệu của các cơ quan điều tra và hãng thám tử tư nhân Pinkerton. Ảnh: history.com, naplesnews.com, Wikipedia.
Điều đáng ngạc nhiên là tại thời điểm Roosevelt lên nắm quyền, nước Mỹ dù đã trải qua hơn cả trăm năm sau khi lập quốc, vẫn chưa hề có một lực lượng cảnh sát quốc gia, một “bộ công an” có quyền lực để làm công cụ giữ gìn trật tự trị an trên toàn quốc.
Mỗi bang có lực lượng cảnh sát địa phương riêng. Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ (U.S. Marshal Service) trực thuộc tòa án liên bang thì có nhiệm vụ chủ yếu là truy bắt tội phạm bị truy nã, không có chức năng điều tra vụ việc cụ thể, và cũng không có đủ nhân tài vật lực cho các vụ điều tra lâu dài cấp liên bang.
Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ (U.S. Secret Service), lúc đó còn trực thuộc Bộ Ngân khố (Treasury Department), thì chỉ có nhiệm vụ chính là điều tra… nạn làm tiền giả. Phải đến sau khi McKinley bị ám sát, Cơ quan Mật vụ mới được trao thêm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các lãnh đạo chính phủ.
Để thực hiện các hoạt động điều tra tội phạm, chống bạo loạn, và an ninh tình báo chống khủng bố khác, nhiều đời tổng thống Mỹ trước Roosevelt phải nhờ đến dịch vụ thám tử tư nhân Pinkerton – một công ty chuyên cung cấp dịch vụ thám tử, an ninh, tình báo.
Hoạt động như một đạo quân, hãng thám tử tư Pinkerson đã khiến chính phủ Mỹ đau đầu. Ảnh: Wikipedia.
Việc sử dụng một “đạo quân tư nhân” ít bị pháp luật kiểm soát và ràng buộc như Pinkerton gây ra nhiều hệ quả phiền phức.
Vấn đề lớn nhất là Pinkerton hoạt động theo cơ chế thị trường, ai thuê thì họ làm. Vì thế Pinkerton không chỉ phục vụ chính phủ Mỹ, trái lại, khách hàng chủ yếu của họ là các công ty đường sắt lớn và các chủ mỏ “sắt máu”. Pinkerton giúp các nhà đại tư bản Mỹ dùng gián điệp theo dõi, chống phá các phong trào công nhân đòi quyền lợi, đồng thời họ sẵn sàng gửi lực lượng đàn áp các cuộc đình công của công nhân khi cần thiết.
Trận đàn áp công nhân trong cuộc đình công Homestead năm 1892 dẫn đến cái chết của năm công nhân và ba nhân viên Pinkerton. Vụ bê bối này này khiến Quốc hội Mỹ phải ban hành đạo luật cấm các cơ quan chính phủ sử dụng dịch vụ an ninh thám tử tư nhân như Pinkerton.
Ảnh: Wikipedia, oregonencyclopedia.org.
Đối với Roosevelt, việc phải có một lực lượng điều tra liên bang chuyên trách giúp điều tra các tội phạm kinh tế tràn lan cấp liên bang của giới “tư bản hoang dã” ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là sau vụ lừa đảo đất công ở bang Oregon năm 1905.
Số là chính phủ Mỹ giao đất tại bang Oregon cho một công ty đường sắt tư nhân lớn là công ty Đường sắt Oregon & California để họ xây dựng tuyến đường sắt nối liền hai bang này. Để kêu gọi người dân đến khẩn hoang và sinh sống gần đường ray, chính phủ Mỹ quy định công ty đường sắt phải bán rẻ đất gần đường ray cho người dân khẩn hoang. Công ty đường sắt quyết định cấu kết với quan chức địa phương, thuê người giả làm dân khẩn hoang mua đất rồi bán lại với giá thị trường cho các công ty làm gỗ để họ khai thác gỗ rừng gần đường ray.
Phanh phui ra vụ này có công sức lớn đầu tiên của báo chí địa phương, và sau đó là của một nhóm nhân viên điều tra thuộc Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ mà cơ quan này cho Bộ Tư pháp “mượn” tạm thời. Tuy nhiên, nhiều lỗi nghiệp vụ của các nhân viên điều tra (bao gồm việc đe dọa, ép cung nhân chứng để dễ kết án hơn) dẫn đến việc vài tay trùm tư bản và chính trị gia ăn hối lộ trong vụ án này kháng cáo lên Tối cao Pháp viện thành công và được xử trắng án.
Thất bại này khiến Roosevelt cực kỳ giận dữ.
Tổng Chưởng lý Charles Joseph Bonaparte. Ảnh: Wikipedia.
Ngay sau vụ lừa đảo đất công ở bang Oregon, Roosevelt chỉ đạo cho Tổng Chưởng lý (Attorney General) trong nội các của ông là Charles Joseph Bonaparte phải lập tức tiến hành xây dựng một lực lượng liên bang có chức năng và chuyên môn điều tra tội phạm cấp liên bang.
Chức Tổng Chưởng lý chuyên tư vấn pháp lý cho tổng thống và cũng là chức lãnh đạo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (Department of Justice), vốn có nhiệm vụ điều hành công tác tố tụng cấp liên bang. Roosevelt muốn Bonaparte xây dựng một lực lượng điều tra hoạt động chặt chẽ dưới quyền Bộ Tư pháp để giúp cho công tác điều tra được thực hiện đúng kỹ thuật pháp lý, phục vụ hiệu quả cho công tác tố tụng về sau.
Charles Bonaparte được sinh ra tại Mỹ, tốt nghiệp trường luật Harvard, và là con trai của một người cháu gọi Hoàng đế Pháp Napoleon I là bác ruột.
Toà nhà Bộ Tư pháp và các lãnh đạo Bộ. Ảnh: history.com, siarchives.si.edu, collegerecruiter.com.
Bonaparte hoàn toàn tán đồng ý tưởng của sếp mình. Các điều tra viên ở đâu cũng thường có “khuynh hướng làm giả chứng cứ cần có“, vì vậy theo Bonaparte, chức vụ Tổng Chưởng lý phải đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp về mặt chuẩn tắc pháp lý đối với công tác điều tra của nhà nước Mỹ.
Vấn đề của Bonaparte và Bộ Tư pháp là vấn đề đầu tiên, tiền đâu? Mọi hạng mục chi tiêu của Bộ Tư pháp đều rút từ tiền thuế của dân và do đó phải được Quốc hội thông qua. Để mở cơ quan, thuê được các điều tra viên giỏi, và chi tiêu cho các hoạt động điều tra lâu dài thì cần rất nhiều tiền.
Sau một thời gian tìm hiểu và chuẩn bị, Bonaparte trình bày nhu cầu xây dựng lực lượng điều tra mới này tại Quốc hội Mỹ vào tháng 5/1908. Ông mong muốn được Quốc hội trao thẩm quyền và kinh phí để xây dựng một lực lượng điều tra “nhỏ, nhân sự có chọn lọc, và nhiều kinh nghiệm”.
Các nghị sĩ George E. Waldo và Walter I. Smith. Ảnh: Wikipedia.
Đề nghị của Tổng Chưởng lý Bonaparte bị cả hai đảng phái lớn nhất trong Quốc hội là đảng Cộng hòa (Republican Party) và đảng Dân chủ (Democratic Party) phản đối mạnh mẽ. Các chính trị gia hai đảng đều không thích ý tưởng chính phủ liên bang Mỹ có trong tay một lực lượng cảnh sát bí mật theo kiểu lực lượng cảnh sát mật của Sa Hoàng Nga.
Đại biểu Walter I. Smith đảng Cộng hòa (bên phải) phản đối việc hình thành một “hệ thống gián điệp” (system of espionage) tại Mỹ. Đại biểu George E. Waldo cũng thuộc đảng Cộng hòa (bên trái) thì nói rằng đó sẽ là “một đòn tấn công mạnh vào tự do và các thể chế của tự do nếu như tại đất nước này có một cơ quan siêu mật vụ như ở Nga”.
Tổng thống Theodore Roosevelt. Ảnh: history.com.
Gặp phải sự phản đối và cấm đoán của Quốc hội Mỹ, một vị tổng thống hiền lành rụt rè nào đó có thể im lặng bỏ cuộc. Nhưng Roosevelt, một cựu thiếu tá kỵ binh, từng chiến thắng bệnh hen suyễn thời bé và từng làm cảnh sát săn bắt cướp ở miền Viễn Tây hoang dã khi còn trẻ, không phải là một tổng thống như thế.
Đại văn hào Mỹ Mark Twain từng bình phẩm rằng Theodore Roosevelt “sẵn sàng đá đít Hiến pháp Mỹ nếu nó cản đường ông ta”. Và đó là thái độ mà Roosevelt lựa chọn trong cuộc chạm trán lần này với Quốc hội Mỹ.
Tổng chưởng lý Bonaparte “tiền trảm hậu tấu” luôn! ÔngStanley W. Finch (góc phải) trở thành Giám đốc đầu tiên của Cục Điều tra. Ảnh: secretservicehistory.blogspot.com, Wikipedia, Hood.de.
Quốc hội Mỹ vừa hết kỳ họp vào tháng 6 một cái thì ngày 26/7/1908, Bonaparte ký luôn quyết định dùng công quỹ hiện có của Bộ Tư pháp để thành lập Cục Điều tra (Bureau of Investigation). Bộ Tư pháp thuê hẳn tám cựu nhân viên Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ làm những điều tra viên đầu tiên của Cục. Stanley W. Finch (góc phải), một nhân viên Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ tổ chức điều hành, trở thành giám đốc đầu tiên của Cục.
Quốc hội Mỹ được Tổng Chưởng lý Bonaparte thông báo về việc thành lập Cục Điều tra vào tháng 12/1908. Tình thế “bắt buộc” Bộ phải thành lập ngay cục này để phục vụ công tác điều tra cấp bách, Bonaparte phân trần với Quốc hội. Ông cũng phân tích sự cần thiết của việc đặt một cục điều tra dưới sự giám sát của Bộ Tư pháp, do Tổng Chưởng lý đứng ra chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Bonaparte cũng đích thân hứa với Quốc hội Mỹ rằng Cục Điều tra sẽ không trở thành một cơ quan cảnh sát mật. “Người Tổng Chưởng lý biết và phải biết được là Cục đang làm gì vào mọi thời điểm.”
Vị Giám đốc đầy quyền lực của FBI J. Edgar Hoover. Ảnh: Wikipedia, Quora.com, Hood.de.
Cục Điều tra của Bộ Tư pháp đã không bao giờ giới hạn phạm vi của nó vào các tội phạm kinh tế của giới “tư bản hoang dã”. Khởi đầu với việc điều tra các tội phạm mại dâm và buôn rượu lậu những năm 1910-1920, Cục Điều tra dần mở rộng lực lượng và chức năng trong giai đoạn trước Thế chiến thứ II sang điều tra chống gián điệp và các phần tử chính trị quá khích.
Dưới cách điều hành khá độc đoán của vị giám đốc nhiều ảnh hưởng J. Edgar Hoover (ảnh giữa), người nắm Cục từ năm 1924 đến năm 1972, Cục Điều tra phát triển thành Cục Điều tra Liên bang (Federal Bureau of Investigation – FBI) và là một phần không thể thiếu trong lịch sử chính trị đầy sắc màu của Mỹ.
Ảnh: Wikipedia, taringa.net.
Ngày nay, tuy vẫn thuộc Bộ Tư pháp và vẫn chịu sự giám sát thường trực của Quốc hội Hoa Kỳ, FBI không còn tí bóng dáng nào của cái cục điều tra bé xíu được thành lập một cách lén lút năm 1908 nữa. Với hơn 35.000 nhân viên và ngân quỹ 8,3 tỉ USD (số liệu năm 2014), FBI là một trong những lực lượng an ninh điều tra lớn nhất và được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
Tài liệu tham khảo: