Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ngày 12/2/1912, Cách mạng Tân Hợi (Xinhai Revolution) đã chính thức kết thúc chế độ phong kiến tại Trung Hoa, mở ra cơ hội ngàn năm có một biến nước này thành một nền dân chủ.
Hoa Kỳ là nước đầu tiên công nhận chính phủ Trung Hoa Dân quốc (Republic of China) sau khi Woodrow Wilson trở thành tổng thống vào năm 1912.
Tháng 5/1913, một học giả danh tiếng về luật hiến pháp so sánh (comparative constitutional law), và cũng là giáo sư hàng đầu ngành khoa học chính trị tại Mỹ khi ấy, Frank Johnson Goodnow, đã hăm hở đến Trung Hoa. Ông mang theo nhiều hoài bão cùng một sứ mạng cao quý từ chính phủ Mỹ: giúp truyền bá các giá trị tự do, nhân quyền và dân chủ dựa theo tinh thần của bản Hiến pháp Mỹ.
Frank Goodnow là một người đã dành ra rất nhiều thời gian nghiên cứu và so sánh luật pháp các nước.
Ông cũng là một trong những người đầu tiên cổ xúy cho việc thực hiện các nghiên cứu về chính trị, luật pháp theo tinh thần khoa học biện chứng tại Mỹ.
Và vì lý do đó, Frank Goodnow là một trong những đồng sáng lập viên, và cũng là chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học Chính trị Hoa Kỳ (American Political Science Association) vào năm 1903.
Goodnow càng có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu về luật hiến pháp so sánh tại những vùng thuộc địa của phương Tây tại Châu Á – Thái Bình Dương, sau khi đã dành gần một thập kỷ (1902-1909) để hoàn thành hai nghiên cứu về sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ của Philippines.
Các tài liệu này vẫn được các nhà khoa học chính trị đánh giá cao cho đến tận ngày nay.
Tổng thống Woodrow Wilson đã mong rằng với kiến thức và kinh nghiệm dày dặn, luật sư Frank Goodnow có thể giúp hoàn thành bản Hiến pháp đầu tiên và đóng góp vào việc thành lập chính phủ lập hiến (constitutional government) tại Trung Hoa. Từ đó, Hoa Kỳ sẽ có được một đồng minh lớn mạnh tại châu Á.
Nhưng chỉ trong vòng một năm, người được kỳ vọng sẽ mang tinh thần dân chủ, tự do kiểu Mỹ đến Trung Hoa đã chắp bút cho một bản Hiến pháp cổ xúy cho chế độ quân chủ chuyên chế (monarchy) với một niềm tin mãnh liệt rằng, chỉ có một vị hoàng đế mới có thể ổn định và phát triển quốc gia này.
Tiếp theo, Frank Goodnow còn ra mặt ủng hộ Tổng thống Trung Hoa Yuan Shikai (Viên Thế Khải) đăng cơ làm hoàng đế vào năm 1915.
Mùa hè năm 1915, Goodnow đã gửi thư cho Hội Khoa học Chính trị Hoa Kỳ để giải thích cho quan điểm và hành động của mình như sau:
“Thật không có gì phải nghi ngờ nữa, một thể chế quân chủ phù hợp với Trung Hoa hơn là một nền cộng hòa. Lịch sử và truyền thống, tình trạng kinh tế và xã hội, các mối quan hệ với nước ngoài tại đây đều hướng đến một điểm chung, đó là, một bản hiến pháp ủng hộ một thể chế quân chủ có thể dễ dàng hoàn thiện và phát triển hơn một bản hiến pháp cộng hòa.”
Cũng vì quan điểm là xã hội Trung Hoa khi ấy chưa sẵn sàng để tiếp nhận một nền cộng hòa và các giá trị tự do, dân chủ phương Tây mà Goodnow đã gặp chỉ trích từ phía các học giả Trung Hoa thời bấy giờ. Một trong những người gay gắt nhất là một học giả cấp tiến hàng đầu tại đây, ông Hu Shih (Hồ Thích).
Trong khi Goodnow tin rằng một vị hoàng đế sẽ giúp Trung Hoa nhanh chóng ổn định cục diện chính trị và xã hội, thì Hu Shih đã phản bác:
“Lịch sử sẽ ghi nhớ rằng, khi những người như Giáo sư Goodnow cổ xúy cho một chế độ quân chủ được tái dựng lại tại Trung Hoa với lý do là nó sẽ giúp kiểm soát và ổn định đất nước, thì họ vốn không thể nào hiểu nổi, sẽ không có ngọn cờ của bất kỳ một vị hoàng đế nào có thể khiến tất cả người dân chúng ta đoàn kết và đứng chung dưới nó được nữa. Chưa nói đến, một chính quyền phản động (reactionary government) với những quyền lực tùy tiện còn làm cho đất nước càng thêm ly tán, cũng như sẽ khiến cho nhiều cuộc cách mạng khác đồng loạt bùng nổ.”
Lịch sử du nhập của triết học Tây phương vào Trung Hoa
Nhìn vào quá trình du nhập của các tư tưởng tự do và dân chủ Tây phương vào Trung Hoa cuối thế kỷ 19, chúng ta có thể phần nào hiểu được vì sao quan điểm và hành động của Frank Goodnow lại khiến những người như Hu Shih phẫn nộ.
Ông Hu Shih đã viết, công chúng Hoa Kỳ – kể cả những trí thức như Goodnow – có cái nhìn hết sức “hời hợt” về Trung Hoa.
Thật vậy, xã hội Trung Hoa đã bắt đầu tìm hiểu về các triết lý tự do và dân chủ từ phương Tây khi tinh thần của Kỷ Khai sáng (Age of Enlightenment) du nhập vào nước này trong những năm cuối thế kỷ 19.
“Khế ước xã hội” (Social Contract) của Rousseau (tên trong tiếng Hán là Lư Thoa) đã được dịch sang Hán ngữ vào năm 1898 với tên gọi “Dân ước”.
“Bàn về tự do” (On Liberty) của John Stuart Mills đã được dịch năm 1899, và tác phẩm của Adam Smith – “Tài sản Quốc gia” (The Wealth of Nations) được dịch một năm sau đó cùng với “Tinh thần pháp luật ” (The Spirit of Laws) – Vạn Pháp Tinh Lý – của Montesquieu (tên trong tiếng Hán là Mạnh Đức Tư Cưu). [Chính từ những bản Hán ngữ này mà các học thuyết chính trị căn bản của phương Tây về dân chủ, tự do, và nhà nước pháp quyền đã được dịch sang tiếng Việt vào đầu thế kỷ 20.]
Tuy được tiếp xúc chậm trễ tới hai thế kỷ sau khi những học thuyết này ra đời tại Châu Âu, thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu và sử gia cho rằng, chính những tư tưởng này – đã dẫn đến thành công của Cách mạng Tân Hợi 1911.
Trung Hoa đã có chuyển biến lớn trong nhận thức về chủ nghĩa lập hiến (constitutionalism)
Chỉ vài năm trước khi Frank Goodnow lần đầu đặt chân đến Trung Hoa năm 1913, tại đây đã có những chuyển biến liên tục trong nhận thức về thể chế chính trị, đặc biệt là về chính phủ lập hiến.
Đã qua rồi thời kỳ mà những người mang tư tưởng cải cách với các giá trị của Tây phương bị triều đình đàn áp thảm khốc như Kang Youwei (Khang Hữu Vi) và Liang Qichao (Lương Khải Siêu) trong Cuộc cải cách 100 ngày năm 1898 (Bách nhật Duy tân – 100 days Reform).
Sau những thất bại liên tiếp trước các thế lực nước ngoài trong hai cuộc Chiến tranh Nha phiến (Opium Wars) và cuộc Chiến tranh Thanh-Nhật (Sino-Japanese War 1894–95), triều đình nhà Thanh bắt buộc phải suy nghĩ về cải cách chính trị để duy trì quyền lực.
Đặc biệt, sau khi Nhật Bản chiến thắng trong Chiến tranh Nga-Nhật (Russo-Japanese War 1904-05), thì sức ảnh hưởng của bản Hiến pháp Minh Trị (Meiji Constitution) tại Trung Hoa cũng lớn mạnh theo.
Ngay tại triều đình, đã có nhiều phe nhóm lên tiếng về việc phải tiến hành cải cách theo hình mẫu Nhật Bản, yêu cầu triều đình chấp nhận giới hạn quyền lực của mình bằng hiến pháp và cho phép tổ chức bầu cử quốc hội. Vì vậy, vào năm 1908, triều đình nhà Thanh đã phê chuẩn việc thiết lập một bản hiến pháp cho chế độ quân chủ để hy vọng kéo dài thời gian cai trị của mình.
Tuy nhiên, những lực lượng cách mạng như Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) thì hoàn toàn phản đối chế độ quân chủ lập hiến (constitutional monarchy), và nhất quyết đi theo con đường thành lập một nền cộng hòa (republican form of government).
Đến tháng 11/1911, đứng trước tình hình nhân dân cả nước nổi lên, triều đình đã công bố bản hiến pháp của mình. Tuy nhiên, việc làm này đã quá muộn. Và vì sau đó Cách mạng Tân Hợi thành công nên bản hiến pháp quân chủ lập hiến của nhà Thanh chưa bao giờ được áp dụng trong thực tế.
Tâm huyết của các nhà cách mạng Trung Hoa đối với bản Hiến pháp đầu tiên
Frank Goodnow cũng không đưa ra bất kỳ nhận định hay ghi nhận gì về những nỗ lực tổ chức chính phủ lập hiến mà các nhà cánh mạng tại Trung Hoa đã tiến hành từ năm 1912-1913.
Ngày 10/10/1911, cuộc khởi nghĩa ở Wuchang (Vũ Xương) đã nổ ra, đánh dấu bước ngoặt của cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến tại Trung Hoa.
Tháng 12/1911, Sun Yatsen đã từ Hoa Kỳ trở về nước sau gần 16 năm sống lưu vong. Sun thành lập và lãnh đạo Chính phủ Cách mạng Lâm thời Trung Hoa Dân quốc (Provisional Constitution of the Republic of China), và trở thành Tổng thống Lâm thời với thủ phủ đóng tại Nanjing (Nam Kinh).
Đến tháng 1/1912, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã lên kế hoạch tổ chức một hội nghị lập hiến. Một bản Quy ước Hiến pháp tạm thời với 21 điều khoản đã được soạn thảo dựa trên mô hình tổng thống chế (presidential system) của Hoa Kỳ.
Điều 21 của Quy ước Hiến pháp quy định: Bản Quy ước này sẽ được sử dụng tạm thời như là Hiến pháp của quốc gia. Theo đó, chính phủ sẽ tổ chức một đại hội lập hiến để soạn thảo bản hiến pháp chính thức và tổ chức bầu cử Quốc hội. Sau khi Quốc hội tuyên thệ nhậm chức thì sẽ thông qua bản hiến pháp chính thức.
Chính phủ Lâm thời phải đối mặt với một nước Trung Hoa đang có vô số thế lực đang xâu xé nhau. Trong đó, Yuan Shikai là một thế lực lớn nhất. Vào thời điểm trước và sau khi Cách mạng Tân Hợi bùng nổ, Yuan Shikai đã là một tướng lĩnh có rất nhiều binh quyền tại triều đình nhà Thanh, nắm trong tay một lực lượng quân sự rất lớn tại phía Bắc Trung Hoa.
Để đổi lấy sự ủng hộ của Yuan Shikai và thống nhất đất nước, Chính phủ Lâm thời và Sun Yatsen đã đồng ý nhường chức vị tổng thống đầu tiên và chính thức của Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China) cho Yuan, với điều kiện Yuan phải tuyệt đối tôn trọng và tuân theo bản Quy ước Hiến pháp.
Ngày 15/2/1912, Yuan tuyên thệ nhậm chức tổng thống sau khi đồng ý với các điều kiện của Chính phủ Lâm thời. Sun Yatsen và những người ủng hộ ông tin rằng, với một bản hiến pháp hoàn chỉnh sau đại hội lập hiến cùng các điều khoản kiểm soát và phân chia quyền lực hợp lý, họ có thể kiềm chế quyền lực của Yuan.
Tháng 3/1912, Chính phủ Lâm thời tổ chức đại hội lập hiến.
Ngày 11/3/1912, bản dự thảo hiến pháp của Chính phủ Lâm thời được hoàn thành và công bố (Lâm thời Ước pháp). Nhằm giới hạn quyền lực của tổng thống và gia tăng quyền lực của Quốc hội cũng như của các vị dân biểu, bản Hiến pháp với 56 điều này đã chuyển từ mô hình tổng thống chế của Mỹ sang một mô hình gần giống với chế độ nội các (cabinet system) của Pháp.
Lâm thời Ước pháp tạm thời thay thế bản Quy ước Hiến pháp trở thành văn bản pháp lý cao nhất tại Trung Hoa. Một Viện lập pháp được bổ nhiệm (unicameral house) để ban hành các luật về bầu cử và tổ chức Quốc hội dựa trên Điều 18 và 53 của Lâm thời Ước pháp. Bản Hiến pháp chính thức sẽ do Quốc hội mới này ban hành.
Quốc dân đảng (Kuomintang) cũng được thành lập vào tháng 8/1912. Từ tháng 12/1912 đến đầu năm 1913, chính phủ tổ chức bầu cử Quốc hội. Dưới sự lãnh đạo của ngôi sao chính trị trẻ tuổi Song Jiaoren (Tống Giáo Nhân) , Quốc dân đảng trở thành đảng dành được số phiếu cao nhất trong kỳ tổng tuyển cử này.
Ông Song Jiaoren là một nhà cải cách được hưởng nền giáo dục tại Nhật Bản, và là một người tuyệt đối tin tưởng rằng dân chủ hóa là con đường duy nhất đưa Trung Hoa trở thành một nước phát triển. Ông đã được nhiều người kỳ vọng là sẽ mở ra một kỷ nguyên chính trị mới tại đây nếu trở thành thủ tướng.
Người Trung Hoa đầu thế kỷ 20 không chọn hoàng đế, mà chọn dân chủ
Frank Goodnow chưa bao giờ có cơ hội gặp Song Jiaoren vì ông này đã qua đời hai tháng trước khi Goodnow đến Trung Hoa.
Hai tuần trước khi Quốc hội chính thức tuyên thệ nhậm chức, Song Jiaoren đã bị ám sát vào ngày 20/3/1913. Ông Song qua đời hai ngày sau, khi chưa kịp tròn 31 tuổi.
Cũng không có nhiều tài liệu ghi chép lại để có thể biết liệu Goodnow có tiếp xúc với những người khác thuộc phe Quốc dân đảng, Sun Yatsen, hoặc các đảng phái đối lập với Yuan Shikai hay không. Trong khi đó, một loạt các dân biểu cũng gặp chung số phận như ông Song, và những cái chết này được cho là do Yuan Shikai gây ra nhằm phản đối bản Lâm thời Ước pháp 1912.
Có lẽ, khi đặt chân đến đây, Frank Goodnow đã phải đối diện với một xã hội và môi trường chính trị hoàn toàn khác biệt so với các nước Âu – Mỹ mà ông vốn quen thuộc. Tuy vậy, sự ủng hộ của Goodnow đối với Yuan Shikai là khá rõ ràng.
Cuộc bầu cử năm 1912-1913 ghi nhận đã có hơn 10% dân số Trung Hoa lúc ấy đủ tư cách tham gia bỏ phiếu, đó là khoảng 40 triệu người đàn ông có tài sản và tốt nghiệp tiểu học. Mặc dù cuộc bầu cử này gặp rất nhiều cáo buộc về gian lận, trong đó có cả tình trạng một số ứng viên đe dọa hoặc mua chuộc cử tri. Thế nhưng, lịch sử cũng công nhận đó chính là lần đầu tiên người Trung Hoa được quyền trực tiếp bầu ra người đại diện của mình để điều hành quốc gia.
Và đó cũng là lần đầu họ trải nghiệm dân chủ.
Vậy mà sau khi Frank Goodnow đến, Yuan Shikai trước tiên phản đối bản Lâm thời Ước pháp 1912 đã được Quốc hội sửa chữa và chuẩn bị thông qua trong kỳ họp vào tháng 11/1913 vì họ vẫn giữ nguyên các điều khoản về giới hạn quyền lực của tổng thống.
Tiếp đến, Yuan thẳng tay giải tán Quốc hội do người dân bầu ra – với đa số là người của Quốc dân đảng – vào ngày 4/11/1913 để họ không thể thông qua bản hiến pháp nói trên.
Ngày 1/5/1914, Yuan tổ chức đại hội lập hiến của riêng mình và Frank Goodnow chính là một trong các cố vấn và là người chắp bút cho bản Hiến pháp đầu tiên của chính quyền Yuan Shikai, là bước đệm để Yuan bước lên ngai vàng một năm sau.
Cũng như nhiều người Tây phương trong nhận xét của Hu Shih, Goodnow đã bị hình ảnh “đại tướng quân” của Yuan Shikai hoàn toàn thuyết phục. Để rồi cũng như họ, ông cho rằng Yuan chính là người duy nhất đủ bản lĩnh để lãnh đạo Trung Hoa tiến tới đoàn kết và ổn định.
Có lẽ, vì Frank Goodnow là một người ngoại quốc nên ông khó có thể hiểu hết tình hình thời cuộc như một người trí thức Trung Hoa, ví dụ như Liang Qichao (Lương Khải Siêu).
Tuy cùng nằm trong danh sách các cố vấn được Yuan mời tham gia vào việc phác thảo Hiến pháp năm 1915 như Goodnow, Liang đã thẳng thừng từ chức trong nội các của Yuan Shikai sau khi dã tâm làm hoàng đế của Yuan bộc lộ rõ ràng. Liang cũng không ngần ngại tiến thêm một bước, liên kết với Sun Yatsen để chống lại Yuan sau đó.
Yuan Shikai chỉ vừa bắt đầu giấc mộng đế vương thì đã qua đời vào ngày 6/6/1916. Sau khi Yuan Shikai chết, đất nước Trung Hoa lại càng trở nên chia cắt hơn bao giờ hết, khi các lực lượng tướng lĩnh, quân đội nổi lên khắp nơi. Chính quyền Trung Hoa Dân quốc chỉ đủ năng lực để kiểm soát ở phía Nam đất nước, và Sun Yatsen một lần nữa trở thành người lãnh đạo tối cao.
Frank Goodnow hoàn toàn có quyền tin tưởng vào học thức của mình để bày tỏ sự ủng hộ đối với Yuan Shikai. Nhưng như Hu Shih đã nói, sự hiểu biết của ông về Trung Hoa có thể là không đủ sâu.
Frank Goodnow làm sao có thể đặt mình vào vị trí của Hu Shih để hiểu rằng, người Trung Hoa đầu thế kỷ 20 đã không thể quay lại xưng thần và quỳ gối trước bất kỳ một vị hoàng đế nào nữa?
Lịch sử đã đứng về phía các ông Sun Yatsen, Song Jiaoren, và Hu Shih, những người đã kiên quyết phải dẹp tan chế độ phong kiến. Vì khác với những gì Frank Goodnow và một số người Tây phương ủng hộ Yuan Shikai tiên liệu, một vị hoàng đế đã không thể thống nhất Trung Hoa và mang lại sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng. Ngược lại, chính những việc làm của Yuan Shikai đã đẩy quốc gia này chìm sâu vào những cuộc nội chiến triền miên kéo dài suốt ba thập kỷ, và kết thúc bằng sự chiến thắng của những người cộng sản.
Sau khi đảng Cộng sản dành được chiến thắng tại Trung Hoa lục địa và lập ra một chế độ toàn trị mới tại đây vào ngày 1/10/1949, lực lượng Quốc dân đảng chỉ còn có thể cố thủ ở Đài Loan. Trải qua thêm gần 30 năm nữa dưới chế độ độc tài của Quốc dân đảng, Đài Loan mới có thể bắt đầu công cuộc dân chủ hóa hòn đảo này vào năm 1987.
Rất nhiều nhà cách mạng Trung Hoa đầu thế kỷ 20 đã đổi cả tính mạng để tranh đấu cho niềm tin vào một nền cộng hòa và các thiết chế dân chủ. Và ngày nay, có lẽ sự phát triển của nền dân chủ Đài Loan là niềm an ủi lớn nhất cho những người như Sun Yatsen, Song Jiaoren, và Hu Shih, khi bóng đêm của sự chuyên chế và toàn trị vẫn phủ trùm đất nước mà các ông đã hết lòng đấu tranh cho tự do của mỗi người dân.
Tài liệu tham khảo: