Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Năm 2010, khi Ủy ban giải Nobel Hòa Bình trao giải cho Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba), người vừa qua đời hôm thứ Năm tuần trước ở Trung Quốc, Fang Lizhi, nhà vật lý học thiên thể và là một người bất đồng chính kiến đang sống lưu vong ở Mỹ đã viết:d
“Giải thưởng được trao cho Liu Xiaobo bắt buộc thế giới Tây phương phải tự vấn lại cái khái niệm đầy nguy hiểm ngày càng thịnh hành và ăn sâu vào trí óc họ sau cuộc thảm sát năm 1989. Đó là, phát triển kinh tế sẽ nhất định khiến Trung Quốc dân chủ hóa”.
Giải thưởng Nobel năm ấy cũng cùng lúc thách thức những khái niệm khác, vốn cũng rất được giới học giả, chiến lược gia và doanh nghiệp phương Tây ưa chuộng. Họ luôn cho rằng những kẻ “nổi loạn” như ông Liu Xiaobo là một nhóm ít ỏi, sống chệch khỏi văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Trong khi người Mỹ đã rất xem trọng những người bất đồng chính kiến ở Nga, như Andrei Sakharov, và ở Nam Phi, như Nelson Mandela, thì ngược lại, họ chưa bao giờ thật sự xem trọng những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc.
Trung Quốc ư? Đó là một nơi với hàng nghìn năm truyền thống đi ngược lại với các giá trị tự do và dân chủ, người Âu Mỹ thường hay có suy nghĩ như thế. Người Trung Quốc thích cuộc sống cộng đồng, thế nên, văn hóa của họ chẳng chú tâm gì về tự do cá nhân đâu. Họ không chia sẻ những giá trị của phương Tây. Người Trung Quốc tôn thờ những “giá trị Á Đông” (Asian values).
Lập luận này nghe ra thật bất cần đạo lý, khi nó được các doanh nghiệp và chính trị gia phương Tây dùng để phớt lờ những câu hỏi về những khoản đầu tư khổng lồ của họ ở Trung Quốc. Những người này lấp liếm rằng, người Trung Quốc không đếm xỉa gì đến nhân quyền, thế thì tại sao chúng tôi lại cần quan tâm chứ?
Luận điểm này của họ là vô cùng sai lầm vì hai lý do.
Thứ nhất, nếu chính quyền Trung Quốc thật sự tin rằng các tư tưởng tự do, dân chủ đều là các giá trị Tây phương không ai quan tâm đến, thế thì tại sao họ lại phải dùng rất nhiều nhân tài vật lực để đàn áp những ai cổ xúy cho những tư tưởng ấy? Mà cũng chẳng phải là mới gần đây chính quyền mới ra tay đàn áp. Công cuộc đàn áp người ủng hộ dân chủ đã bắt đầu từ thập niên 1950. Liu Xiaobo chỉ là gương mặt mới trong danh sách dài đằng đẵng của những người đã tử vì đạo cho lý tưởng tự do, bởi sự bách hại của chính quyền cộng sản.
Ngày nay, cái loa tuyên truyền của chính quyền về “thế lực thù địch phương Tây” càng ầm ĩ hơn bao giờ hết. Từ khi Xi Jinping (Tập Cận Bình) nắm quyền lãnh đạo đảng năm 2012, đảng Cộng sản Trung Quốc đã gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Cứ y như là những năm của thập niên 50 và 60, rất nhiều người đã bị bỏ tù không phải vì họ đang xây dựng lực lượng lật đổ chính quyền, mà chỉ đơn giản là họ bày tỏ chính kiến, quan điểm của bản thân.
Nạn nhân mới nhất của Beijing là ông Liu Xiaomin, người vừa lãnh án bốn năm rưỡi tù giam vào đầu tháng 7 này vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền.” Ông ta đã làm gì? Liu Xiaomin đã đăng trên mạng một bài viết kể về những gì bản thân đã chứng kiến tại cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Và cũng gần đây thôi, năm nạn nhân khác của bàn tay sắt Xi Jinping cũng vào tù. Tội của họ ư? Họ là những người hoạt động về nữ quyền, muốn tổ chức một phong trào chống sàm sỡ phụ nữ trên các phương tiện giao thông công cộng.
Lý do thứ hai có thể bác bỏ toàn bộ cái luận điểm cho rằng người Trung Quốc không quan tâm đến tự do dân chủ đến từ lịch sử của chính đất nước này.
Liu Xiaobo thuộc về một trường phái triết gia với tư tưởng tự do, vốn có truyền thống lâu đời tại Trung Quốc. Triết lý của những người như Liu cho là, nếu Trung Quốc muốn tìm lại được sự huy hoàng trong quá khứ, thì nó cần phải biết trân quý tự do cá nhân và các quyền con người trong công cuộc hiện đại hóa đất nước.
Trong thời buổi giao thoa của đầu thế kỷ trước, đã có rất nhiều thanh niên nam nữ ưu tú được đào tạo tại Mỹ. Và khi trở về, suốt những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, họ đã được xã hội xem là tiếng nói đại diện cho lương tâm của đất nước.
Nhưng cũng như Liu Xiaobo, những nhà tư tưởng tự do Trung Quốc này đã gặp rất nhiều trắc trở, không phải chỉ với giới cầm quyền tại Trung Quốc, mà còn bởi những triết gia Tây phương – những kẻ xem rẻ tầm ảnh hưởng của họ.
Hu Shih. Ảnh: Pinimg.
Một trong những nhà tư tưởng vĩ đại của Trung Quốc là ông Hu Shih. Ông Hu học Triết tại đại học Columbia, Hoa Kỳ trong những năm 1910.
Vào năm 1915, ông Frank Goodnow – một nhà khoa học chính trị Mỹ, khi nhận giúp soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên của Trung Quốc đã chọn trao những quyền lực độc đoán vào tay Yuan Shikai, Tổng thống Trung Hoa lúc ấy. Để biện minh cho hành động của mình, Goodnow đã viết, sở dĩ ông quyết định như thế là vì “người Trung Quốc quá tụt hậu về mặt nhận thức để có thể hiểu dân chủ là gì”.
Ông Hu Shih quá phẫn nộ với quan điểm đầy bi quan của Goodnow về dân tộc của mình, nên ông đã đáp trả rằng, “Con đường duy nhất để có dân chủ là phải có dân chủ. Vận hành một nhà nước là một nghệ thuật, và vì vậy, nó cần được trui rèn. Tôi sẽ không bao giờ nói được tiếng Anh nếu như bản thân không chịu mở miệng nói tiếng đầu tiên.”
Lin Yutang là một nhà tư tưởng tự do nổi tiếng khác của Trung Quốc, và cũng luôn phải đối đầu với các trí thức Tây phương. Vào những năm của thập niên 1930, Lin là một trong những nhà văn gốc Á nổi tiếng tại Hoa Kỳ. Tác phẩm bán chạy nhất của ông, “Điều quan trọng của cuộc sống” (The Importance of Living), vẫn là một trong những cuốn sách hàng đầu về tinh thần tự-lực (self-help) ngày nay.
Thế nhưng, vào cuối thập niên 1940, hình ảnh Mao Zedong (Mao Trạch Đông) dẫn dắt Trung Quốc tiến theo chủ nghĩa cộng sản đã ru ngủ khá nhiều trí thức Hoa Kỳ trong giấc mơ thế giới đại đồng. Lin Yutang đã đập tan mộng đẹp của những người này bằng những lời lẽ sắc bén, kể rõ chi tiết về những cuộc thanh trừng đẫm máu và cách cai trị bằng khủng bố của Mao ở Trung Quốc.
Một nhà báo Hoa Kỳ khi ấy, Edgar Snow, lên án Lin Yutang là một kẻ ăn tiền của chính quyền Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) – phe bại trận trước Mao – để múa bút.
Đáp trả lại, Lin Yutang viết: “Ồ, chỉ có người Mỹ mới có quyền xem tự do là máu thịt của họ à? Còn người Trung Quốc lại là những kẻ chỉ cần được sống là đủ rồi, tự do là cái quái gì cho những người này chứ? Hãy cứ mặc xác 500 triệu người dân Trung Quốc sống trong một thể chế toàn trị, chả có ai cảm thấy đó là điều đáng phỉ nhổ cả”.
Lin Yutong cũng là người Trung Quốc đầu tiên theo chủ nghĩa tự do đã cổ xúy cho tinh thần phi bạo lực trong các cuộc thay đổi chính trị. Thù hận và bạo lực, theo Lin, không bao giờ được trở thành vũ khí cho những cuộc cách mạng.
Liu Xiaobo cũng là người ôm ấp cùng một tư tưởng như thế, qua câu nói, mà nay đã thành bất hủ của ông: “Tôi không có kẻ thù, và cũng không có hận thù.”
Cuối cùng, dành riêng cho những cái đầu hạt dẻ suốt ngày lải nhải về một thứ gọi là “giá trị Á đông”, tôi có điều này muốn chia sẻ. Có một cái tên Trung Quốc, P.C. Chang, đã đứng vững chải ở ngay giữa lòng bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (United Nations Universal Declaration on Human Rights).
Ông P.C. Chang là một nhà soạn kịch Trung Quốc được đào tạo tại Mỹ, và là một triết gia, một nhà ngoại giao nổi tiếng. Chang là đại diện của Trung Hoa Dân quốc (Republic of China) vào năm 1946 tại Liên Hiệp Quốc, và đã cùng với cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Eleanor Roosevelt, đồng tham gia soạn thảo văn bản pháp lý quan trọng nhất về quyền con người.
P.C. Chang, một trong những đồng tác giả của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Ảnh: weaicolumbia.
Những học giả nghiên cứu về bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đều thừa nhận sự đóng góp của P.C. Chang vào việc giúp khẳng định những quyền được nêu lên trong văn bản này có thể thật sự xứng đáng là những giá trị phổ quát, đúng như tên gọi của nó.
Chính ông Chang là người kiên quyết phải đưa vào bản tuyên ngôn những quyền tự do cá nhân (individual rights) mà mỗi người từ khi chào đời đã có, nhưng không phải là do một “Đấng Toàn năng” hay một “Đại tự nhiên” nào trao cho họ.
Ông đã thuyết phục ủy ban soạn thảo rằng, không phải ai trên đời cũng tin vào Thượng Đế, Thiên Chúa hay một Đấng toàn năng nào đấy. Và rằng, một bản tuyên ngôn về quyền con người không chỉ khẳng định quyền của mỗi người, mà nó còn phải khẳng định những nghĩa vụ mà một người phải gánh vác trong xã hội.
Liu Xiaobo là một hậu duệ xuất sắc của một truyền thống về tư tưởng tự do lâu đời tại Trung Quốc. Và cũng như những người đồng chí hướng của mình, một ngày nào đó, những đóng góp của ông sẽ nhận được sự kính trọng và ngưỡng mộ mà chúng đáng được nhận lãnh – không chỉ ở Trung Quốc, mà trên toàn thế giới.