Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Nhà văn bất đồng chính kiến Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba) đã từng viết:
“Tôi mong mình sẽ là tù nhân chính trị cuối cùng trong công cuộc trù dập người bất đồng chính kiến – một loại văn tự ngục thời nay – mà chính quyền đã tiến hành triền miên ở Trung Quốc, và rằng từ nay sẽ không còn ai bị bỏ tù vì thực thi quyền tự do ngôn luận của mình nữa.”
Xuyên suốt chiều dài lịch sử của trên dưới 2.000 năm phong kiến, và đặc biệt trong các đời nhà Minh và nhà Thanh, người dân Trung Hoa đã luôn run sợ khi nghe đến ba từ “văn tự ngục”(wen zi yu文字獄 – literary inquisition).
Cho đến tận hôm nay, tại Trung Quốc, đúng như lời ông Liu Xiaobo đã nói, văn tự ngục vẫn được chính quyền sử dụng để đàn áp tự do ngôn luận mà trường hợp của ông Liu là một ví dụ tiêu biểu. Cho đến khi qua đời ngày 13/7/2017 vừa qua, ông Liu Xiabo vẫn là một người tù, và tội của ông là đã viết bản Hiến chương 08.
“Văn tự ngục” là gì?
Văn tự ngục không phải là “nhật ký trong tù” hay thơ văn viết ở trong ngục. Văn tự ngục là những bài văn, thơ, tấu chương, v.v. đã khiến tác giả của chúng lâm vào cảnh tù đày và chết chóc. Đó chính là hình thức kiểm duyệt ngôn luận một cách cực đoan và tàn khốc nhất.
Vậy thì thứ văn chương gì lại có thể khiến cho bao nhiêu người phải mất đi mạng sống của mình?
Chỉ có một loại duy nhất: tất cả những gì có thể bị triều đình hoặc nhà vua cho rằng người viết đã dám đưa ra những tư tưởng, ý kiến, quan điểm mà họ – giai cấp cai trị – cho là ảnh hưởng trực tiếp và nguy hại đến quyền lực tuyệt đối của mình.
Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 4/2017, hai giáo sư Kinh tế học, Melanie Meng Xue – Đại học Brown và Mark Koyama – Đại học George Mason University, Hoa Kỳ đã đưa ra giả thuyết, là các bản án văn tự ngục (wen zi yu文字獄 – literary inquisition) từ các triều đại phong kiến đã trực tiếp ảnh hưởng đến vốn xã hội (social capital) và vai trò của xã hội dân sự (civil society) tại Trung Quốc cho đến tận thời điểm hiện tại.
Hai tác giả này đã cho biết, giới nghiên cứu từ trước đến giờ vẫn nhận định, các bản án văn tự ngục được các hoàng đế Trung Quốc sử dụng để gieo rắc một nỗi sợ hãi kinh hoàng đến giới văn nhân, nhân sĩ ở thời đại phong kiến bằng cách tạo ra một môi trường đàn áp hết sức khắc nghiệt đối với người cầm bút.
Những người nào bị phán là có tội trong các bản án văn tự ngục, bản thân phải chịu tội lăng trì và toàn bộ gia quyến (có khi lên đến ba đời) sẽ bị sung quân, lưu đày khổ sai vĩnh viễn.
Các bản án này luôn được thi hành một cách công khai và thông tin về hình phạt thì luôn được phổ biến trên toàn quốc. Bộ máy cai trị muốn thông qua đó để nhắc nhở dân chúng rằng, họ có quyền lực vô hạn và khủng khiếp, có thể khiến cho hàng trăm, hàng nghìn người mất mạng chỉ vì một hai câu chữ.
Từ đó, những người cầm bút không dám viết và thể hiện quan điểm của mình nữa. Tiếp đến, họ trở nên đa nghi hơn đối với những người xung quanh. Dần dần, điều này dẫn đến một xã hội mà con người không thể tin tưởng lẫn nhau, và nó kéo theo một hệ lụy khác.
Đó là, người dân không còn đặt niềm tin vào giới tinh hoa nữa. Nó khiến cho giai cấp này mất đi vị trí khai phóng để có thể dẫn dắt các phong trào cải cách trong xã hội, vĩnh viễn không có cơ hội cạnh tranh với quyền lãnh đạo tối cao của nhà vua và triều đình.
Một ví dụ cho điều này đã được dẫn chứng trong nghiên cứu. Đó là khi một địa phương xảy ra một vụ án văn tự ngục, thì con số các hội cứu trợ và tương tế – những mô hình sơ khai của xã hội dân sự – lập tức giảm xuống đáng kể. Có khi, con số các hội đoàn chỉ còn lại dưới 2/3 so với trước khi vụ án xảy ra.
Giáo sư Xue và Koyama đã nghiên cứu 88 hồ sơ vụ án văn tự ngục vào thời nhà Thanh, tìm kiếm các thông tin về gia đình, bạn bè, và những người liên quan đến các bị cáo. Từ đó, họ đã cố gắng xây dựng lại xã hội Trung Hoa thời bấy giờ, liên kết nó với thời cận đại và hiện đại để đưa ra những kết luận sau.
Ảnh hưởng của văn tự ngục trong thế kỷ 20 và hiện tại
Văn tự ngục đã có một ảnh hưởng tâm lý to lớn đến xã hội Trung Hoa vì những bản án này đã góp phần giúp cho một thể loại văn chương chỉ sử dụng những chủ đề “không phạm húy” (inoffensive literary objects), trỗi dậy và dẫn dắt xã hội. Để giảm tối đa nguy cơ bị bỏ tù vì những gì mình viết có thể bị xem là tư tưởng “phản Thanh”, giới văn nhân, học giả chỉ dám viết về những vấn đề không liên quan gì đến triều đình, đắm chìm trong thi ca, nhạc, họa thuần túy để tô đậm tính chất học thuật của bản thân.
Khai dân trí không được khuyến khích, và chính sách ngu dân được thực thi để dễ bề cai trị. Bản nghiên cứu đã thống kê và kết luận, việc khai dân trí dừng ở mức rất thấp tại các tỉnh thành Trung Hoa thời nhà Thanh trong thời kỳ văn tự ngục được sử dụng mạnh mẽ nhất để trấn áp, vì triều đình không có chế độ khuyến khích giáo dục.
Ngoài ra, từ những dữ liệu thu thập được, nghiên cứu của Xue và Koyama còn đi đến kết luận là người dân ở những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của các bản án văn tự ngục còn có một thái độ né tránh chính trị rất cao, không muốn tham gia việc quan.
Chế độ cai trị chuyên quyền và cuộc trù dập giới văn sĩ bằng văn tự ngục của thời phong kiến đã dẫn đến một xã hội mà người dân tạo ra một vỏ kén để thu mình vào đó để tránh né bàn luận đến chính trị. Thái độ này kéo dài đến tận thời kỳ cận hiện đại ở Trung Hoa.
Chế độ cai trị độc tài của đảng Cộng sản Trung Quốc trong thế kỷ 20 lại là một môi trường màu mỡ, giúp cho thái độ vô cảm với chính trị đó được tiếp tục sinh sôi, nảy nở, và tồn tại cho đến ngày nay. Trong khi người cầm bút vẫn tiếp tục bị trù dập, giam cầm nếu dám chỉ trích chính quyền.
Văn tự ngục, như Liu Xiaobo đã nói, vẫn tiếp diễn. Mà đáng buồn hơn, ông Liu chắc chắn không phải là nạn nhân cuối cùng của nó như ông từng mong mỏi.
Liu Xiaobo qua đời ngày 13/7/2017 khi vẫn bị quản thúc trong bệnh viện. Ảnh: NBC.
Văn tự ngục có liên quan gì đến Việt Nam?
Hình thức cai trị bằng việc sử dụng văn tự ngục của xã hội phong kiến Trung Quốc có ảnh hưởng của đến xã hội phong kiến Việt Nam, và rộng hơn là đến xã hội hiện đại của chúng ta hay không?
Lịch sử Việt Nam đã có nhắc đến một số vụ án “văn tự ngục” nổi tiếng. Ví dụ như vụ việc của Trạng nguyên Đoàn Xuân Lôi, người đã chỉ trích sách Minh Đạo của Hồ Quý Ly để rồi bị biếm và lưu đày.
Trong lịch sử hiện đại, vụ án Nhân văn Giai phẩm năm 1967 cũng được đánh giá là một dạng văn tự ngục thời nay. Rất nhiều người trong giới trí thức đã bị bắt giam, và một số đã bị bỏ tù nhiều năm mà không thông qua xét xử. Tất cả chỉ vì họ bị nhà nước đánh giá là có những tư tưởng “phản động”, và đã tỏ vẻ nghi ngờ đến sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản Việt Nam. Rất nhiều người thuộc giới tinh hoa của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng của vụ án chính trị này, như triết gia Trần Đức Thảo và luật gia Nguyễn Mạnh Tường.
Chưa có một nghiên cứu nào về văn tự ngục và về sự đàn áp tự do ngôn luận từ thời kỳ phong kiến cho đến giai đoạn hiện tại ở Việt Nam để chúng ta có thể kết luận đó có phải là một công cụ hữu hiệu của giới cầm quyền, đã góp phần gây ra thái độ vô cảm chính trị ở người dân như đã xảy ra ở Trung Quốc hay không.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tự đặt một số câu hỏi cho bản thân. Chẳng hạn như, ta có luôn luôn đồng ý với quan điểm của chính quyền rằng, nước mình có quyền tự do ngôn luận đấy, nhưng có một số ngôn từ cần phải bị kiểm duyệt và những ai dám viết về những điều nhạy cảm hoặc không đúng ý nhà nước thì đều đáng bị bỏ tù?
Khi đọc về những vụ án chính trị trong hay ngoài nước, chúng ta có dễ dàng chấp nhận rằng, những người bị nhà nước cáo buộc về tội xâm hại an ninh quốc gia, tuyên truyền chống nhà nước, hay âm mưu lật đổ chính quyền, thì đều là những kẻ tội phạm thật sự? Từ đó, ta né tránh, và không quan tâm đến các vấn đề tương tự như thế nữa?
Có lẽ, khi tự trả lời những câu hỏi trên, thì mỗi chúng ta đều đã có thể đưa ra kết luận cho riêng mình, là liệu văn tự ngục thời nay có xuất hiện trong đời sống của người Việt hay không, và chúng ta có vì vậy mà trở nên vô cảm với chính trị hay không.
Tài liệu tham khảo: