Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Năm 2002, có một người đàn ông gốc Phi Châu bỡ ngỡ đặt chân đến trạm xe điện ngầm tại trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ông đã đi lạc hai ngày từ sân bay Incheon vì không biết đường.
Và khi ông bắt chiếc taxi từ bến phà trở về Seoul, ông đã điếng người khi người tài xế cho biết thủ đô của đất nước này là Seoul, chứ không phải là Pyongyang (Bình Nhưỡng), Bắc Hàn – vốn là nơi ông nghĩ mình sẽ đến.
Với một số tiền ít ỏi và một túi con đựng quần áo, ông co ro trong căn phòng trọ cạnh đấy suốt ba ngày, mắt nhìn ra cửa sổ và dõi theo những con người với vẻ ngoài khác hoàn toàn với mình.
Chỉ vài tháng trước thôi, ông vẫn còn nằm trong một nhà tù bị theo dõi nghiêm ngặt nhất tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Châu Phi với tội danh phản quốc. Không thể nằm chờ chết, ông đã vượt ngục. Một hành trình đầy nguy hiểm, phải cải trang thành phụ nữ và dùng một hộ chiếu giả để lẩn tránh sự truy đuổi của chính quyền, ông đã may mắn thoát được.
Nhưng ông vốn không hề biết gì về quốc gia có tên gọi là Nam Hàn mà ông đã xin visa du lịch để nhập cảnh với hy vọng có thể xin hưởng quy chế tỵ nạn tại đây.
15 năm sau, tôi đã có cơ hội ngồi trước mặt người đàn ông đó, nhưng hôm nay ông đã trở thành người tị nạn nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc, một giáo sư danh tiếng tại Đại học Gwangju.
Tên ông là Yiombi Thona.
Là một trong những nhà hoạt động hàng đầu về quyền của người tị nạn (refugees) ở Hàn Quốc, một chuyên gia về vấn đề tị nạn trong khu vực và quốc tế, ông Yiombi Thona đang giữ chức Chủ tịch Mạng lưới Quyền của người tị nạn Châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Refugee Rights Network – APRRN).
Thế nhưng, những công việc về quyền của người tị nạn không làm ông quên những gì đã bỏ dở ở quê nhà. Khi được hỏi về quê hương Congo, giáo sư Thona đã nhìn tôi bằng một ánh mắt quyết liệt và mạnh mẽ rồi nói, “gần 16 năm qua, chưa một ngày nào mà tôi không nghĩ về Congo và cũng chưa bao giờ ngừng làm một điều gì đó cho đất nước. Tôi vẫn có những mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với người trong nước và làm việc cùng họ. Vì tôi tin là dân chủ và tự do sẽ sớm đến với quê hương tôi”.
Vị trí của Cộng hoà Dân chủ Congo trên bản đồ Châu Phi. Ảnh:bonoboconservation.com
Từ nhân viên tình báo quốc gia trở thành kẻ đào tẩu
Giáo sư Thona tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế tại Đại học Kinshasa của Congo vào năm 1997. Sau đó, ông bắt đầu làm việc tại Cơ quan Tình báo Quốc gia Congo (Congo’s National Intelligence Agency – NIA). Nhiệm vụ chính của ông là truy tìm thông tin về các tổ chức “chống nhà nước” và các đảng chính trị đối lập.
Congo vốn là một vùng thuộc địa của Vương quốc Bỉ (Belgium) và trở thành một quốc gia độc lập vào ngày 30/6/1960. Kể từ đó đến nay, nó liên tục chìm trong các cuộc nội chiến và bị các nhà độc tài cai trị.
Vào năm 2002, đúng một năm sau khi Joseph Kabila trở thành Tổng thống Congo, Thona và sáu nhân viên tình báo khác bắt đầu nắm được một số thông tin khiến cho họ nghi ngờ là Tổng thốnng Kabila đã liên hệ với các phiến quân để củng cố quyền lực.
Con đường chính trị của Tổng thống Kabila vốn khá phức tạp vì ông ta trở thành tổng thống sau khi cha ruột của mình bị ám sát. Vì quyền lực, Kabila có vẻ như đã bán đứng sự tin tưởng của người dân khi hợp tác với phiến quân.
Thona và sáu người đồng sự quyết định bí mật điều tra Kabila và báo tin cho đảng chính trị đối lập Liên hiệp Dân chủ và Xã hội Tiến bộ (Union for Democracy and Social Progress). Hai ngày sau khi Thona chuyển các tài liệu đó, chính quyền Kabila đã bắt giữ ông. Ông bị cáo buộc tội phản quốc, bị giam giữ, đánh đập, và tra tấn trong tù.
Lo lắng cho sự an toàn và tính mạng của ông, những người bạn vẫn còn là quan chức trong chính quyền đã giúp Thona vượt ngục. Từ sân bay quốc tế duy nhất ở Congo, ông đã sang Trung Quốc. Tuy nhiên, vì quan hệ thân thiết giữa chính phủ hai nước này, Thona quyết định không thể xin tị nạn tại đây mà đi tiếp đến một quốc gia thứ ba. Chính phủ Thailand và Ethiopia từ chối cấp visa cho ông, nhưng ông lại xin được visa du lịch đến Hàn Quốc.
Và, sự nghiệp đấu tranh cho quyền của người tị nạn của giáo sư Thona cũng bắt đầu từ ngày hôm đó, với hồ sơ của chính bản thân mình.
GS Thona vẫn phản đối TT Kabila tại Nam Hàn. Ảnh: NV cung cấp.
Tìm cơ hội tị nạn ở một đất nước hầu như không có người tị nạn
Trước tiên, ông phải nộp đơn xin công nhận tư cách tị nạn qua email đến Cao ủy tị nạn LHQ phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương (UN Asia-Pacific Regional Center) vì không có một cơ quan đại diện nào về di trú của LHQ ở Seoul cả.
“Hàn Quốc không phải là một đất nước thân thiện đối với người nhập cư và người tị nạn”, giáo sư Thona thẳng thừng chia sẻ với chúng tôi. Ông nhận xét, xã hội Hàn Quốc có một sự kỳ thị rõ rệt và đậm nét đối với những người di dân, đặc biệt là người gốc Châu Phi.
Giáo sư Thona cho biết, khi vừa đến Hàn Quốc năm 2002, tuy đã nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Cục Di trú ở Seoul, nhưng ông không hề nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào. Ông không có chỗ ở, tiền bạc, bảo hiểm sức khỏe, cũng không thể xin việc làm vì luật Hàn Quốc lúc ấy không cho phép.
Hàn Quốc tham gia Công ước Quốc tế về người tị nạn 1951 (Refugee Convention of the United Nations) từ năm 1992, và tiến hành cải cách luật di trú để công nhận quyền của người tị nạn tại đây vào năm 1994 (Việt Nam không tham gia Công ước này).
Tuy nhiên, từ năm 1994-2014, chỉ có 471 đơn trong tổng số 9.539 đơn xin tị nạn được chính phủ Hàn Quốc chấp nhận cho phép định cư.
Riêng với Thona, ông đã phải đấu tranh pháp lý trong vòng sáu năm trời chỉ để chứng minh mình là người được hưởng quy chế tị nạn theo luật Quốc tế.
Ảnh: Dữ liệu về tái định cư người tị nạn toàn thế giới (UNHCR).
Gian nan chứng minh tư cách tị nạn chính trị
Yiombi Thona kể lại, luật Hàn Quốc bắt buộc ông phải liên hệ với Đại sứ quán Congo để xác nhận thông tin của mình khi còn sống ở Congo, ví dụ như về lý lịch nhân thân, trình độ học vấn và cả lý do đào thoát khỏi đất nước. Giáo sư Thona đặt vấn đề với chúng tôi:
“Bạn có thể nghĩ ra điều gì bi hài hơn là yêu cầu một người tị nạn chính trị liên hệ với chính quyền của đất nước mà họ vừa trốn thoát để xác minh lý do mà họ phải bỏ trốn không? Nếu tôi có thể liên hệ với Đại sứ quán như những công dân bình thường khác, thì tôi cần gì phải bỏ nước ra đi và xin tị nạn chính trị?”
Giáo sư Thona đã nhận được sự trợ giúp của ông Abraham Lee và tổ chức PNAN, là một tổ chức tôn giáo giúp đỡ những người tị nạn tại Hàn Quốc. Cũng chính đích thân ông Lee đã bay sang tận Congo để tìm kiếm thông tin về Yiombi Thona nhằm cung cấp cho Cục Di trú để họ sớm chấp nhận tư cách tị nạn của Thona.
Vậy mà sau 15 lần phỏng vấn, nhân viên Cục Di trú Hàn Quốc vẫn từ chối đơn của giáo sư Thona với lý do: các giấy tờ chứng minh có thể bị làm giả. Không còn đường chọn lựa nào khác, Yiombi Thona nhờ đến các luật sư nhân quyền hỗ trợ ông nộp đơn phản đối quyết định bác tư cách tị nạn của mình đến tòa án.
Với sự giúp đỡ của luật sư Kim Jong-chul, giám đốc điều hành tổ chức Luật sư Trợ giúp Pháp lý (Advocates for Public Interest Law – APIL), cùng một số luật sư nhân quyền khác, Thona yêu cầu tòa công nhận tư cách tị nạn của mình.
Cuối cùng, vào tháng 2/2008, Yiombi Thona đã thành công. Tòa tuyên bố ông là một người tị nạn chính trị. Vài tháng sau, gia đình của ông cũng được phép đến Nam Hàn đoàn tụ và định cư cùng ông.
Gia đình GS Thona sau khi đoàn tụ cùng ông tại Nam Hàn. Ảnh: GM Korea
Chưa bao giờ ngừng đấu tranh cho người tị nạn
Năm 2010, Yiombi Thona tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành về các tổ chức phi chính phủ (NGO studies) tại Đại học Sungkonghoe – Hàn Quốc. Ông hiện đang làm luận án tiến sĩ tại Đại học Ottawa, Canada.
Ông đã được một số nhà văn, nhà báo giúp đỡ để viết sách về kinh nghiệm của bản thân với tựa đề Tôi tên là Yiombi – Cuộc đời của một kẻ tị nạn ở Nam Hàn (My name is Yiombi – The life of a refugee in South Korea).
Sự thành công của cuốn sách đầu tay đã khiến ông được công chúng biết đến nhiều hơn. Ông được các đài truyền hình phỏng vấn, và đài KBS còn làm cả một bộ phim tài liệu về ông. Thona đã tận dụng sự nổi tiếng của mình để cùng các nhà hoạt động nhân quyền khác đấu tranh cho quyền của người tị nạn tại Hàn Quốc và trên khắp thế giới.
Đạo Luật về người tị nạn năm 2013 (Refugee Act of the Republic of Korea 2013) đã có nhiều thay đổi tiến bộ rõ rệt. Ví dụ, người tị nạn được phép làm việc, đoàn tụ cùng thân nhân, cũng như nhận được sự trợ giúp tối thiểu từ chính phủ. Đây là một số tín hiệu khả quan, và là một phần kết quả của những tháng ngày đấu tranh của Yiombi Thona.
Tài liệu tham khảo: