Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Ngày hôm qua 02/08, Bộ Ngoại Giao Cộng hòa liên bang Đức đưa ra Thông cáo báo chí tuyên bố rằng nghi phạm tội tham nhũng kinh tế đang bị chính quyền Việt Nam truy nã là Trịnh Xuân Thanh đã bị các cơ quan chức năng Việt Nam “bắt cóc” tại thủ đô Berlin.
Trước đó vào năm ngoái ông Trịnh Xuân Thanh đã rời Việt Nam trốn sang Đức. Tháng 9 năm ngoái, Bộ Công an Việt Nam thông báo cho công luận trong nước rằng Bộ đã ra quyết định “truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế” ông Thanh.
Tuy nhiên, theo thông tin kiểm chứng qua website ngày 20/09 năm ngoái, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) vẫn chưa đăng truy nã ông Thanh. Vào kiểm chứng lại hôm nay cũng không có dấu hiệu là Interpol đã từng đăng tải truy nã ông Thanh.
Sau đó thì có thông tin là ông Trịnh Xuân Thanh đã xin được tỵ nạn chính trị tại Đức.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc đã làm thua lỗ “khủng” hơn 3.200 tỉ đồng ở TCty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) – Hình: Báo Tuổi Trẻ
Bẵng đi một thời gian, bất ngờ dư luận trong nước bắt đầu xôn xao lại từ ngày 30/07 vừa rồi sau khi có bật mí của một nhà báo được nhiều người theo dõi, là ông Thanh “đã về nước”.
Ngay trong hôm 30/07, Bộ trưởng Công An Việt Nam ông Tô Lâm lên tiếng xác nhận ông “chưa có thông tin gì” về việc ông Trịnh Xuân Thanh về nước.
Sang ngày 31/07, như một cơn mưa rào, các báo đài Việt Nam đồng loạt đưa tin ông Thanh “ra đầu thú” sau gần một năm bị truy nã.
Dư luận Việt Nam bây giờ đang nhốn nháo vì hai luồng tin đối nghịch từ chính quyền Việt Nam và từ chính quyền Đức: Cuối cùng thì ông Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về Việt Nam “đầu thú” hay là bị chính quyền Việt Nam “bắt cóc”?
Và động thái của chính phủ Đức công khai tố cáo thẳng thừng chính quyền Việt Nam “bắt cóc” công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh tại Đức sao lại có thể được xem là một “khủng hoảng ngoại giao”?
Có ba từ khóa mang đậm tính pháp lý trong bản tiếng Anh của Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao Đức (đã được trang tin BBC Vietnamese dịch ra tiếng Việt) có thể giúp chúng ta tìm được các câu trả lời cho những câu hỏi trên:
1. #Evidence
Danh từ mang nghĩa là “bằng chứng”, “chứng cứ”. Xuất phát từ gốc La Tinh tính từ evidentem mang nghĩa “có thể nhận thấy” (perceptible), “sáng” hay “rõ” (clear), “hiển nhiên” (obvious) và “rõ ràng” (clear). Dần chuyển hòa thành danh từ chỉ “cái (làm) sáng tỏ”, “cái (làm) rõ ràng”, “cái (làm) hiển nhiên”, là những nghĩa chính xác nhất để chỉ “bằng chứng”, “chứng cứ”.
Từ này được dùng trong ngay trong câu ghép trúc trắc dài dòng mở đầu Thông cáo:
“Following ever‑greater evidence and now no reasonable grounds to doubt that the Vietnamese agencies and the Embassy of the Socialist Republic of Viet Nam in Berlin were involved in the abduction of a Vietnamese citizen in Berlin, Markus Ederer, State Secretary at the Federal Foreign Office, summoned the Ambassador of the Socialist Republic of Viet Nam yesterday.”
“Sau khi có các chứng cứ ngày càng rõ ràng và hiện nay không còn có lý do/cơ sở hợp lý nào nữa để nghi ngờ việc các cơ quan Việt Nam và Đại sứ quán Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Berlin đã tham gia bắt cóc một công dân Việt Nam tại Berlin, Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức ông Markus Ederer đã triệu tập Đại sứ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Đức vào ngày hôm qua.”
Khi chưa có thông tin chi tiết hơn từ chính phủ Đức, và lạc giữa một đống nhiễu loạn thông tin trên mạng hiện nay, thật khó mà xác định các bằng chứng mà chính quyền Đức nói đến ở đây là bằng chứng gì.
Chỗ thì bảo có đến hai nhân chứng là người Đức thấy ông Thanh bị bắt cóc, chỗ thì kể “như đúng rồi” chuyện ông Thanh bị bắt ở công viên rồi đưa sang nước khác và cho lên máy bay bay đi, đúng màu sắc trinh thám hấp dẫn ai cũng thích đọc, mà cẩn thận kẻo đời thường khó tin hơn tiểu thuyết!
Thôi thì đành chỉ có thể tạm chắc chắn: việc chọn dùng từ “evidence” – chứng cứ ở đây, đi kèm “ever-greater” – ngày càng rõ ràng, cho thấy nhà chức trách Đức cũng không hẳn là khù khờ, ngơ ngáo như nhiều người Việt Nam vốn thích vỗ đùi đen đét chê Tây có thể nghĩ.
Bộ Ngoại giao Đức không hề bảo đơn thuần là họ có thông tin (having information), được thông báo (being informed). Họ không hề tỏ ra bí hiểm, bảo là có tin tình báo tuyệt mật (receiving top secret intelligence), hay thậm chí có thể tỏ ra “đồng bóng” hơn, đã thấy vài dấu hiệu (seeing/receiving some signs).
Họ bảo rằng họ có “bằng chứng”, cụm từ hay dùng trong môi trường pháp lý chỉ những cơ sở hiển nhiên nhất cho thấy một sự thật trong vụ việc.
Sự thật có thể có ở đây (chưa được chứng minh hoàn toàn) là việc ông Thanh bị “bắt cóc”. Và “bằng chứng” đó – bất kể là gì – đang “ngày càng rõ ràng”. Như vậy, đã có bằng chứng, và việc điều tra thêm vẫn đang tiếp diễn.
Ở đây cũng phải cẩn thận mà tham khảo nhiều chuyên gia tiếng Đức.
Một chuyên gia, nhà văn Phạm Thị Hoài – một người sinh sống và làm việc ở Đức lâu năm – cho rằng từ nguyên văn tiếng Đức “Hinweise” (một từ nhiều nghĩa) không thể được dịch sang tiếng Việt là “bằng chứng”, mà phải được dịch là “chỉ dẫn”. Tức là cách dịch từ khóa quan trọng này của nhà văn Phạm Thị Hoài khác cách dịch tiếng Anh của chính Bộ Ngoại giao Đức.
Công viên Sở Thú (Tiergarten) Berlin – Nơi ông Trịnh Xuân Thanh được cho là đã bị “bắt cóc” (Ảnh: awayplan.com)
2. #Extradition
Dịch nghĩa là “sự dẫn độ”.
Từ điển luật học Oxford (2009) định nghĩa extradition là “sự giao lại (surrender) một cá nhân từ một nước sang một nước khác khi mà cá nhân đó đã/đang bị buộc tội (accused) hay bị kết án (convicted) một tội nào đấy trong khu vực tài phán của nước thứ hai” (nước được giao người) và nước thứ hai, vốn “có khả năng xét xử và trừng phạt cá nhân đó”, đã có yêu cầu được giao lại cá nhân đó.
Tại Việt Nam có nhiều cách hiểu khái niệm “dẫn độ”. Tuy nhiên nói chung thì vẫn tương xứng với định nghĩa nói trên.
Theo nguyên tắc chung của luật quốc tế, hoạt động dẫn độ tội phạm giữa hai nước bất kỳ phải được thực hiện theo các nội dung điều khoản về dẫn độ mà hai nước này đã thỏa thuận và ký kết trước. Các điều khoản về dẫn độ đó có thể nằm trong các hiệp định dẫn độ hay trong các hiệp định “tương trợ tư pháp” giữa hai nước.
Tính tới tháng 07/2017, giữa Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức vẫn chưa có một hiệp định dẫn độ hay tương trợ tư pháp nào.
Trở lại nội dung Thông cáo, từ extradition được nhắc đến tại một trong những câu mấu chốt nhất của thông cáo, cho biết động thái của chính phủ Đức:
“He made it abundantly clear to the Ambassador that the German Government demands that Trinh Xuan Thanh be allowed to travel back to Germany immediately so that the application for extradition and the asylum application can be examined in full under due process.”
“Ngài Quốc vụ khanh nêu rõ ràng với ngài Đại sứ rằng Chính phủ Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để đơn yêu cầu dẫn độ và đơn xin tỵ nạn được xem xét theo đúng chuẩn mực pháp lý.”
Ở đây có hai đơn, hay hồ sơ, được đề cập: đơn yêu cầu dẫn độ (application for extradition) và đơn xin tỵ nạn (application for asylum).
Gộp chung vào một câu như thế, nhưng thực ra một đơn thì là của nhà nước Việt Nam, chính là đơn yêu cầu dẫn độ. Trong khi đơn xin tỵ nạn chỉ có thể là của ông Trịnh Xuân Thanh.
Hóa ra là nhà nước Đức đang cầm trong tay hai lá đơn. Một đơn là chính quyền Việt Nam xin cho dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh (mặc cho việc, như đã nêu trên, hai nước không có sẵn hiệp định về dẫn độ). Một đơn là ông Trịnh Xuân Thanh xin tỵ nạn ở Đức.
Mới cầm đơn thôi, chứ nhà nước Đức chưa xem xét quyết định gì hết. Nay để xem xét được các đơn này và cho quyết định rốt ráo, thì phía Việt Nam phải cho phép ông Thanh trở lại nước Đức.
Vậy có vẻ là một thông tin lan truyền trong công luận mấy ngày nay đã được xác nhận. Không rõ phía Việt Nam đưa yêu cầu dẫn độ cho phía Đức từ khi nào, nhưng có vẻ là Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc và phái đoàn Việt Nam khi tới Đức dự hội nghị G20 hôm 05/07 vừa rồi đã cùng lúc hoặc là chính thức đưa yêu cầu dẫn độ ông Thanh, hoặc là tác động thêm để nhà nước Đức xem xét đơn yêu cầu dẫn độ đã đưa từ trước.
Tức là phía Việt Nam đang dùng đường lối ngoại giao, extradition để đòi Trịnh Xuân Thanh. Đùng một cái lại thành abduction – bắt cóc. Khủng hoảng ngoại giao là đây chứ đâu!
Liên quan đến ‘nàng’ extradition phải nhắc đến một ‘nàng’ khác, chị em của ‘nàng’ extradition, cũng được nhiều luật sư Việt Nam nhắc đến mấy hôm nay: #rendition.
Extradition là “dẫn độ” thì rendition là gì? Sao thấy nhiều ông luật sư cũng dịch rendition là “dẫn độ” mà?
Cái này bất ngờ từ điển luật học Oxford (2009) lại bó tay. Không có định nghĩa nào riêng cho ‘nàng’ rendition.
Rendition hóa ra là một phiên bản Mỹ của extradition. Một số nguồn Mỹ, ví dụ như trang US Legal, xác định rendition hay được dùng để chỉ dẫn độ giữa các bang (state) của Mỹ với tính từ interstate (giữa bang, các bang) hay đi phía trước rendition, trong khi có vẻ extradition thì là dẫn độ giữa các quốc gia, và được dùng nhiều hơn trên trường quốc tế.
Khác biệt extradition ‘siêu mẫu quốc tế’ và rendition ‘hoa hậu địa phương’ này cũng được xác nhận trong một cuốn sách chuyên khảo viết năm 1891 của tác giả John Bassett Moore.
Bão trong tách trà, hay bão khủng? Trụ sở Bộ Ngoại giao Đức và Trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Đức (Ảnh: dktcdn.net, europeanwesternbalkans.com)3. #Due Process
Cụm từ cuối cùng trong câu mấu chốt nói trên “…so that the application for extradition and the asylum application can be examined in full under due process” cũng là cụm từ khó dịch nhất.
Nội trong Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, có mấy mống với nhau thôi mà cũng đã 4-5 cách dịch khác nhau cụm từ này.
Khi thì “chuẩn mực tố tụng” hay “trình tự pháp lý chuẩn mực”, khi thì “quy trình tố tụng đúng luật”, khi thì “quy trình tố tụng công bằng”, rồi thì “tố tụng đúng luật”. Ui chèng đéc ơi!
Dịch sao thì dịch, cuối cùng nói chung due process cũng chỉ là cái nguyên tắc… cấm đại tiện.
Chuyện luật pháp, chuyện quyền con người, chuyện quyết định xem có nên cho một con người ở lại nước mình để lánh nạn hay không, hay là vì tội con người đó lớn quá mà con người đó về nước quê nhà thì chắc chắn sẽ được xét xử đàng hoàng công bằng nên thôi nước mình không cần cho người ta lánh nạn làm chi.
Tất cả những chuyện đó, liên quan đến cuộc đời, cái sống cái chết của con người ta, đều phải quyết định từ từ, lớp lang, bài bản đàng hoàng, nói theo kiểu Việt Nam là “đúng quy trình”.
Kết quả cuối cùng đúng sai, sống chết chưa nói đến; cái quy trình với đầy đủ các chuẩn mực cho sẵn của nó phải được áp dụng nghiêm chỉnh ngay từ đầu cái đã. Chứ không phải là luống cuống chạy như cờ lông công để đốt gấp một cái lò củi ướt nào đó!
Ở đây cũng phải vời mấy chuyên gia tiếng Đức vô luôn cho nó ngọn ngành.
Cụm từ nguyên văn tiếng Đức của due process dài dòng hoa lá cành hơn nhiều: “rechtsstaatliches Verfahren”. Nhà văn Phạm Thị Hoài dịch là “theo chuẩn mực của nhà nước pháp quyền”.
Verfahren mới là tương đương process – quy trình, trình tự, còn Rechtsstaatliches lại là một tính từ khá đặc biệt có từ gốc Rechtsstaat.
Ghép từ hai từ Recht (luật pháp) và Staat (nhà nước), cái khái niệm Rechtsstaat của dân Đức này nó cũng phức tạp không kém cái khái niệm Rule of Law của dân Anh-Mỹ ấy.
Rechtsstaat có thể dịch ra tiếng Việt thành “nhà nước của pháp luật”, “nhà nước pháp quyền”. Rule of Law thì hay được dịch sang tiếng Việt là “pháp quyền”. Vậy hai cái phải chăng chỉ khác nhau hai từ “nhà nước”?
Không hẳn. Muốn nói về cái sự khác biệt sâu xa này đầy đủ cũng phải dài dòng mấy chục bài nữa. Thôi ở đây tạm chấp nhận là Rechtsstaat là một phiên bản triết lý Rule of Law rất riêng của người Đức, cái tinh thần pháp quyền đậm chất Đức, cái tinh thần của một nhà nước có bản chất đối nghịch với Machtstaat (nhà nước của quyền lực) hay Polizeistaat (nhà nước của cảnh sát).
Vậy chính ra Bộ Ngoại giao Đức dịch câu mấu chốt nói trên trong bản tiếng Anh Thông cáo báo chí của họ thành “…so that the application for extradition and the asylum application can be examined in full under due process” nghe có vẻ là khiêm tốn quá, không thoát hết ý.
Phải chơi cái gì đầm đậm lên chứ nhỉ. “…so that the application for extradition and the asylum application can be examined in full, in accordance with the due process of law, Oppa German-style”?
*Đính chính: Một phiên bản trước của bài này viết hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phái đoàn tham dự tại Đức hôm 05/07 là hội nghị APEC. Thực ra đó là hội nghị G20. Xin cáo lỗi cùng bạn đọc.
Về tác giả: Anh Cả Lý
Một logophile*. Chưa bao giờ lọt được vào một cái lớp “chuyên Anh” nào, nhưng rất yêu tiếng Anh. Bằng một cách may mắn khó hiểu nào đấy, đã đi du học. Bây giờ chuyên tám gió** chuyện tiếng Anh pháp lý và thời sự cho Luật Khoa. *Phối hợp hai từ tiếng Hy Lạp, logos (ngôn từ) và philos (người bạn). Dùng để chỉ những kẻ yêu chữ nghĩa, và dĩ nhiên, sính ngoại. **Phối hợp hai từ tiếng Việt, tám (nói chuyện phiếm) và gió (“những luồng không khí chuyển động trên quy mô lớn”, thứ duy nhất không bao giờ quá thiếu tại các hàng cà phê và quán nước vỉa hè Việt Nam). |