Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước miền tây thanh bình với những con người đôn hậu, nhưng thực lòng tôi lại không dành nhiều tình cảm cho nơi ấy. Từ bé tôi chỉ nghĩ cho gia đình, bình an nhất vẫn là nồi cơm của mẹ, giọt mồ hôi của cha, nụ cười hạnh phúc của ông bà. Với tôi khi ấy, chỉ cần vậy là đủ.
Rồi tôi may mắn có điều kiện du học tại một quốc gia khác. Ở đó, tôi được gặp gỡ những người bạn đồng hương xa xứ ngày ngày vẫn nghĩ đến quê hương Việt Nam. Họ không hề từ bỏ, họ vẫn cứ tha thiết và đầy hoài bão mong muốn làm nhiều điều cho đất nước. Tôi chợt nhìn lại và tự tra vấn chính mình. Rằng trái tim tôi có thể ôm cả một Việt Nam trọn vẹn, nhưng sao tôi chỉ dành vừa đủ chỗ cho một gia đình nhỏ?
Tôi hiểu rằng, tôi chỉ lo lắng cho một cái nhà, còn nơi đặt cái nhà đó hoàn toàn bất ổn thì tôi lại chẳng mảy may quan tâm. Người ta có thể đến nơi tôi ở bất cứ lúc nào để đạp đổ nơi bình yên nhất của gia đình tôi, rồi quăng cho chúng tôi một lý do đơn giản: “đất công”. Trong chớp mắt tôi sẽ bị mất sạch công sức của cả một quãng đường tuổi trẻ tích góp.
Tôi chỉ lo lắng cho một bữa ăn ngon nhưng lại quên mất người ta đã và đang đầu độc vào từng miếng thịt, con cá, mớ rau tôi mua ngoài chợ.
Tôi lo cho sức khỏe cả nhà tôi nhưng lại quên mất khi người thân của tôi bệnh tật, tôi không thể với tay qua một đất nước khác mà hốt thuốc đem về.
Tôi cứ mãi say đắm với thứ hạnh phúc cỏn con của một gia đình mà quên mất chẳng ai trưởng thành được khi cứ mãi ru rú trong nhà mà nước mất không hay, dân tộc bị đem bán cũng không biết.
Và khi bắt gặp câu hỏi “Như thế nào là một quốc gia đáng sống” của Luật Khoa Tạp chí, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những điều ấy. Nước mất thì nhà tan, tôi cần phải buông bàn tay vốn đang khư khư giữ một mái nhà để mà dang rộng cánh tay ôm lấy cả quê hương mình. Thay vì cất công đi tìm một quốc gia của người khác, của dân tộc khác để cả đời mãi là kẻ di trú thì tại sao không làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia đáng sống?
Dẫu biết rằng dải đất hình chữ S này là nơi mà những thứ như bình đẳng, tự do, nhân quyền cứ như những “đứa trẻ” èo uột mãi không thể lớn. Nhưng nó đáng sống vì nó là quê hương của tôi, là nơi tạo nên nên màu da sắc tộc người Việt, là nơi tôi có thể đi về chỉ vì nhớ gương mặt của mẹ, tiếng ngáy ngủ của cha hay tiếng khóc lạ mà quen của mấy đứa trẻ nhà hàng xóm.
Song, quốc gia đáng sống phải là nơi chúng ta tự do với tất cả các quyền lựa chọn của chính bản thân mình. Chúng ta có quyền phản bác lại mọi sự sắp đặt vô lý lên cuộc đời chúng ta, dẫu từ cha mẹ hay từ thể chế chính trị. Cha mẹ sinh ra chúng ta nhưng cách sống là do chúng ta chọn. Quốc gia cho chúng ta một vùng lãnh thổ để được gọi là công dân, nhưng chúng ta có sức mạnh thay đổi thể chế nếu nó bất công.
Đất nước nào cũng có (hoặc từng có) những vết thương, đã thấy được sự lở loét đến tàn nhẫn của dân tộc sinh ra mình thì tôi sẽ không từ bỏ, không cúi đầu thầm lặng. Tôi sẽ đứng lên như một công dân bình thường nhưng không tầm thường. Đưa từng thớ thịt để nối liền da cho một Việt Nam lành lặn.
Việt Nam nhỏ bé nhưng sẽ trưởng thành.
Việt Nam đau ốm nhưng sẽ được chữa lành.
Việt Nam đáng sống dành cho người Việt biết cách sống.
Người Việt sống xứng đáng trên đất Việt.