Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đã hơn 20 năm kể từ khi tôi có thần tượng chính trị đầu tiên trong đời mình – Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton. Bill được nhớ tới như một vị nguyên thủ sở hữu mái tóc bạch kim quyến rũ và thần thái khó cưỡng của một luật gia. Ông là một trí thức chuẩn mực. Bill, trong con mắt tôi lúc đó, là “thầy giáo” của địa cầu, người chuyên đi thuyết giảng về hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.
Khi con mắt lãng mạn đó của tôi chết dần theo năm tháng, tôi không còn nhìn Bill Clinton và những thành tựu của ông như cũ. Nhân sinh nhật 71 tuổi của ông, có lẽ đây là lúc thích hợp để chúng ta “xét lại” Bill Clinton trên phương diện sự thật lịch sử và chính sách pháp luật.
Tuổi thơ: Đặc quyền, năng lực và bất hạnh
Nếu chúng ta chỉ xét Bill Clinton (tên thật là William Jefferson Clinton) trên phương diện là một người đàn ông da trắng, không khó để thấy ông luôn được gia đình và xã hội tận tình quan tâm.
Sinh năm 1946, Bill Clinton được ông bà ngoại Eldridge and Edith Cassidy nuôi dưỡng trong một thời gian dài. Cả hai đều là giới da trắng trung lưu “Thời đại Vàng” của Hoa Kỳ. Họ cực kỳ chú trọng và dành cho Bill những thứ tốt nhất, từ môi trường sống, nền tảng giáo dục – kiến thức và đặc biệt là bài học về nỗ lực cá nhân. Bill ca ngợi ông bà Cassidy là những người có tác động lớn đến niềm yêu thích học tập từ nhỏ của ông. “Nhờ được họ hướng dẫn, tôi bắt đầu tập đọc sách khi mới ba tuổi” – ông kể lại.
Khi trở thành thiếu niên, Bill theo học tại trường trung học Hot Springs, một ngôi trường chỉ dành cho người da trắng theo chính sách “Tách biệt nhưng bình đẳng” (Segregation but equal) khét tiếng thời bấy giờ.
Nét điển trai, trí thông minh và tính cách hòa đồng đã giúp chàng trai trẻ Bill trở thành một học sinh ưu tú. Đặc biệt, ông còn là ngôi sao saxophone của dàn nhạc trường Hot Springs.
Không chỉ vậy, hiệu trưởng của Bill Clinton lúc đó – Johnnie Mae Mackey – đang chú trọng đến việc xây dựng trường Hot Springs trở thành lò đào tạo ra các nhân viên công quyền. Điều này khiến bà không thể không để ý đến cậu học trò Bill đầy tiềm năng, có thiên hướng yêu thích hoạt động chính trị và là một con chiên ngoan đạo (dù gia đình không ai theo đạo).
Năm 1963, ông được chọn đại diện trường tham gia Boys State, một chương trình được thiết kế để tăng cường ý thức của giới trẻ đối với mô hình, dịch vụ và hoạt động của chính phủ. Ông tiếp tục được bầu chọn là đại diện của tiểu bang Arkansas để tham gia chương trình toàn quốc – Boys Nation. Nhờ đó, chàng trai trẻ Clinton nhận được thư mời gặp mặt Tổng thống John F. Kennedy tại Nhà Trắng. Bức ảnh Clinton trẻ trung bắt tay với Tổng thống Kennedy nhanh chóng trở thành biểu tượng cho thế hệ măng non đầy hứa hẹn của nước Mỹ.
J. F. Kennedy có lẽ không thể ngờ được rằng, 30 năm sau cái chết của ông (1963), cậu học trò mà ông bắt tay trong bức ảnh này sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Ảnh: NBC News.
Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu đánh giá Bill Clinton chỉ trên phương diện là một người đàn ông da trắng mà quên đi các khía cạnh khác và những khó khăn mà ông gặp phải.
Cha ruột của Bill Clinton, ông William Jefferson Blythe, mất vì một tai nạn giao thông chỉ ba tháng trước khi ông được sinh ra. Để chu cấp cho gia đình, mẹ của Bill, Virginia Cassidy Blythe, phải chuyển đến New Orleans, Louisiana học về gây mê và y tá, gửi Bill nhờ ông bà trông nom.
Có cha dượng Roger Clinton, cuộc sống gia đình ông cũng chẳng khá hơn. Roger là một kẻ nghiện rượu và thường xuyên đánh đập mẹ và người em cùng mẹ khác cha của Bill. Bill Clinton đã chính thức thách thức và ngăn chặn được hành vi này của cha dượng bằng… vũ lực vào năm ông 14 tuổi; nhưng chúng cũng cho thấy, thời niên thiếu của Bill không chỉ có đặc quyền và thành công. Bằng cách nào đó, ông đã vươn lên bất chấp tuổi thơ tan vỡ trong một gia đình không hạnh phúc.
Sự nghiệp chính trị: Trốn quân dịch và dấu ấn trung lập của một nhà kỹ trị
Bill Clinton từng trốn lính vào năm 1969 bằng cách tham gia chương trình sĩ quan dự bị Reserve Officer Training Corps (ROTC) tại Đại học Arkansas. Mặc cảm với tội lỗi này của mình, Bill nộp đơn xin tham gia quân dịch không lâu sau đó. May mắn thay, ông lại trúng số độc đắc khi không phải tham gia chiến tranh Việt Nam.
Tuy vậy, về năng lực học hành của Bill Clinton, có lẽ không có quá nhiều thứ để chê. Tốt nghiệp tại trường đại học lừng danh Georgetown, được cấp học bổng danh tiếng Rhodes của Oxford và trở về vào năm 1970 chỉ để tiếp tục học luật tại… Yale, Bill Clinton là đại diện tiêu biểu cho giới tinh hoa trí thức Hoa Kỳ thuộc thế hệ mình.
Tại Yale, Bill Clinton gặp được một quý cô tham vọng vừa tốt nghiệp từ đại học Wellesley danh tiếng tên là Hillary Rodham, người rất hứng thú với tham vọng chính trị của Bill. “Cặp đôi số Một” tốt nghiệp Yale năm 1973 và kết hôn hai năm sau đó.
Đến đây, có lẽ đã đủ các câu chuyện về thành tựu cá nhân của Bill Clinton. Tìm hiểu về các chính sách thật sự được ông đỡ đầu trong hai nhiệm kỳ (1993 – 2001) sẽ cho chúng ta thấy nhiều điều thú vị về quan điểm chính trị của ông.
Một trong những thành công vang dội nhất của Bill Clinton là Đạo luật Nghỉ có hưởng lương vì lý do gia đình và sức khoẻ năm 1993 (Family and Medical Leave Act of 1993 – FMLA). Đây cũng là một trong những lời hứa tranh cử của ông. Mặc dù Clinton là đảng viên đảng Dân chủ, không quá khó để đạo luật này được lưỡng đảng thông qua khi ông cân nhắc lợi ích của cả hai phía người lao động và người tuyển dụng lao động.
Người lao động sẽ có quyền được nghỉ có hưởng lương đến 12 tuần trong một năm vì lý do sức khỏe nghiêm trọng của bản thân, ba mẹ, vợ chồng hoặc con cái, nghỉ trong thời kỳ thai sản hoặc nuôi con mới sinh, kể cả trường hợp nhận nuôi. Ngược lại, người lao động sẽ chỉ có thể yêu cầu những lợi ích này nếu làm việc tối thiểu 12 tháng với 1250 giờ (tương đương với chỉ khoảng 156 ngày làm việc tiêu chuẩn) và quy mô của đơn vị tuyển dụng là trên 50 nhân viên trong bán kính 75 dặm.
Tổng thống Clinton ký ban hành đạo luật FMLA nổi tiếng năm 1993 tại Vườn Hồng, Nhà Trắng. Ảnh: Medium.
Theo thống kê từ năm 1991 đến năm 1997, số lượng nhân viên sử dụng quyền lợi của FMLA trong các công ty vừa và lớn tăng từ 37 lên 93 phần trăm. Tại thời điểm Bill rời Nhà Trắng năm 2001, có hơn 35 triệu người lao động đã sử dụng quyền này. Theo một thống kê vào năm 2007 của Cơ quan Lao động Hoa Kỳ, trong tổng nguồn lực lao động 141 triệu người, có hơn 90 triệu người làm việc cho các nhà tuyển dụng cung cấp FMLA và 70 triệu người đủ tiêu chuẩn sử dụng FMLA.
Con số quy mô tuyển dụng 50 nhân viên thật ra cũng chỉ là quy định kiến nghị mức trần cấp liên bang. Các tiểu bang hoàn toàn có quyền quy định con số nhỏ hơn phù hợp với quy mô và quan điểm bảo vệ quyền lợi người lao động tại địa phương. Tại Maine và Maryland, con số này chỉ là 15. Tại Vermont, quy mô thậm chí chỉ là 10.
FMLA được Bill Clinton xây dựng và ủng hộ gần như là một ví dụ hoàn hảo cho quan điểm trung lập giữa cánh tả và cánh hữu, giữa giới ủng hộ quyền lực liên bang và bảo vệ quyền lực tiểu bang.
Một ví dụ khác cũng thú vị không kém là chính sách “Không hỏi, Không nói” (Don’t Ask Don’t Tell – DADT) liên quan đến việc bảo vệ giới LGBT khi tham gia quân ngũ. Là một người sùng đạo dòng Baptist, nhưng đồng thời cũng là một nhân vật xuất chúng của chủ nghĩa tự do, không quá khó khăn để Clinton thực hiện thành công chính sách sáng tạo này.
Theo DADT, các sĩ quan quân đội trong quá trình tuyển chọn sẽ không được phép điều tra thân thế, định hướng tính dục hay phân biệt đối xử đối với những cá nhân đồng tính không công khai muốn tham gia phục vụ quân đội, “nhằm tạo ra bước mở đầu cho chính sách bảo vệ người đồng tính mong muốn phục vụ quốc gia trong màu áo quân nhân”.
Mặt khác, chính sách này cũng đồng thời hạn chế các cá nhân đã tham gia quân đội muốn công khai hay thực hiện hành vi đồng tính luyến ái. Điều này được lý giải là nhằm duy trì “tiêu chuẩn về tinh thần, trật tự và kỷ luật, mối gắn kết quân ngũ, v.v. – bản chất thiết yếu của năng lực quân sự quốc gia”.
Dù là một bước tiến, DADT vẫn gặp phải phản ứng dữ dội của phong trào LGBT Mỹ vì ngăn cấm những người công khai là đồng tính tham gia quân đội. Ảnh: AP Photo/Charles Dharapak.
Tuy không hẳn là một chính sách được mọi phía hoan nghênh, ông giải quyết được hai vấn đề cơ bản: quyền được tham gia quân đội của người đồng tính và lo ngại từ phía quân đội. Quân đội khi đó cho rằng việc người đồng tính tham gia sẽ gây rối loạn quân ngũ, làm phức tạp hoá mối quan hệ giữa các quân nhân, hay có thể khiến cho quá trình điều động và bổ nhiệm quân nhân không còn được khách quan.
Chính sách này được Tổng thống Barack Obama kế thừa và tiến thêm một bước vào năm 2011, khi ông cho phép mọi cá nhân đồng tính, bất kể công khai hay không công khai, được phép tham gia quân đội. Thành quả này có thể bị “thất truyền” sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ cấm người đồng tính tham gia quân đội hồi tháng 7 vừa qua.
Một trong những ví dụ rõ nhất cho quan điểm trung lập và xem trọng hiệu quả hơn chính nghĩa, công lý của Bill Clinton là thái độ của ông đối với các chính sách an sinh xã hội. Khác với các chính trị gia Dân chủ thường dùng chính sách an sinh xã hội để ác quỷ hoá hình ảnh của các chính trị gia Cộng hòa (mà họ vẫn sử dụng đến tận ngày nay), Bill nhìn thấy sai lầm trong những vấn đề cốt lõi của chính sách phúc lợi thời ông.
Từ năm 1978, sau khi trở thành Thống đốc tiểu bang Arkansas, Clinton đã tham gia vào các chính sách của chính quyền Carter để khuyến khích người trong độ tuổi lao động tìm việc và ngừng hưởng trợ cấp. Sau đó, ông cũng làm việc với Tổng thống Reagan của đảng Cộng hoà để sửa đổi cơ bản Đạo Luật Hỗ trợ Gia đình 1988 (Family Support Act – FSA). Ông có vẻ hiểu và mong muốn giải quyết vấn đề hơn là dựa vào lời hứa phúc lợi để kiếm phiếu bầu.
Năm 1996, Bill Clinton chính thức đề xuất giới hạn phúc lợi FSA chỉ còn trong năm năm. Ông cũng cắt mạnh chi tiêu cho các chương trình tem phiếu thức ăn, dù phải đối mặt với phong trào đấu tranh dữ dội của những nhà hoạt động vì người nghèo.
Bill không phải là người hoàn hảo. Sự ngờ nghệch thiếu muối của ông trong vụ lùm xùm ngoại tình với thực tập sinh Monica Lewinsky có lẽ khiến nhiều người quên đi cuộc bùng nổ kinh tế những năm 90, tỷ lệ tội phạm giảm, tỷ lệ nghèo đói giảm, và nguồn lực lao động được tăng cường của Hoa Kỳ mà Bill Clinton là một thành tố quan trọng trong đó.
Tôi vẫn cho rằng Bill Clinton là một tổng thống thành công và đáng kính trọng về mặt lập pháp và hiệu quả chính sách.
Tài liệu tham khảo: