Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nhưng vẫn có một khe thoát hiểm cho chính quyền.
Sau nhiều ngày căng thẳng ở trạm thu phí BOT Cai Lậy, chủ đầu tư đã chính thức lên tiếng và để ngỏ khả năng khởi kiện chính quyền.
Ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết nếu họ bị buộc phải di dời trạm thu phí trên Quốc lộ 1 thì công ty này sẽ trả dự án cho Bộ GT-VT và tiến hành khởi kiện Bộ này ra tòa.
Tiền lệ nhà đầu tư kiện chính phủ ra toà
Việc một nhà đầu tư khởi kiện chính quyền ra tòa để đòi quyền lợi cho mình không phải là việc hiếm trên thế giới. Tại Việt Nam trước đây cũng đã từng có tiền lệ.
Một tiền lệ thường được nhắc đến là vụ nhà đầu tư quốc tịch Mỹ South Fork khởi kiện Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận vì thu hồi dự án của nhà đầu tư này trước Hội đồng Trọng tài Quốc tế. Trong vụ việc này, Hội đồng Trọng tài đã phán quyết cho UBND tỉnh Bình Thuận thắng kiện (bác mọi yêu cầu khởi kiện của South Fork). Một cách không ngẫu nhiên thì báo chí trong nước đưa tin khá rầm rộ về vụ kiện này suốt một thời gian dài.
Nhưng Việt Nam cũng không phải là không có tiền lệ thua kiện các nhà đầu tư. Nổi tiếng nhất có lẽ là vụ doanh nhân Hà Lan gốc Việt Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam để đòi lại tài sản bị tịch thu trong thập niên 90 và khôi phục danh dự cho bản thân ông (ông Bình bị chính quyền Việt Nam kết án hình sự).
Kết quả của vụ án Trịnh Vĩnh Bình tại phiên tòa ở Stockholm (Thụy Điển) cho đến nay vẫn là bí ẩn, nhưng những động thái kế tiếp của chính quyền Việt Nam như miễn chấp hành hình phạt cho ông Bình, trả lại một phần tài sản, và cho ông Bình được ra vào Việt Nam lại ngụ ý một thỏa thuận ngoài tòa có phần thắng nghiêng về ông Bình.
Tuy nhiên, đến năm 2017 thì ông Bình tuyên bố sẽ tái khởi kiện chính quyền Việt Nam do “không thực hiện các cam kết đã thỏa thuận trước trọng tài Stockholm”.
Khá nhiều vụ chính phủ bị kiện khác cũng đã và đang được tiến hành mà công chúng hầu như ít biết đến. Nhưng đa số các vụ kiện này đều là do người nước ngoài, hoặc nhà đầu tư có vốn nước ngoài thực hiện trên cơ sở các hiệp định bảo vệ nhà đầu tư mà Việt Nam đã ký.
Chẳng hạn trong vụ Trịnh Vĩnh Bình, cơ sở để ông Bình yêu cầu hội đồng trọng tài giải quyết đó chính là quy định về bảo hộ nhà đầu tư quốc tịch Hà Lan trong Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư mà Việt Nam đã ký kết với Hà Lan vào năm 1994.
Trong một số trường hợp khác, cơ chế Giải quyết Tranh chấp giữa Nhà đầu tư và Chính phủ (Investor – State Dispute Settlement – ISDS) được viện dẫn để các nhà đầu tư tiến hành khởi kiện. Cơ chế này cũng được chính Luật Đầu tư Việt Nam công nhận trong cả hai lần sửa đổi năm 2005 và 2014.
Đặc biệt, trong vụ vỡ nợ của Vinashin, tuy các ngân hàng nước ngoài chỉ tiến hành kiện chính Vinashin ra tòa án để đòi nợ nhưng người ta vẫn nhận thấy chính quyền xông xáo cứu vãn tình thế. Điều này được giải thích là vì Vinashin tuy là một công ty có tư cách pháp nhân độc lập với chính phủ Việt Nam, nhưng trong các hợp đồng vay vốn nước ngoài, chính quyền Việt Nam luôn cung cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay kể trên (GGU – Governmental Guarantee Undertakings). Điều này có nghĩa là nếu Vinashin từ chối trả nợ vì lý do phá sản, các ngân hàng có quyền yêu cầu chính phủ Việt Nam trả nợ, hoặc họ sẽ khởi kiện chính chính phủ này ra tòa. GGU cũng là một tài liệu quan trọng trong hồ sơ vay vốn đối với các dự án đặc biệt quan trọng ở Việt Nam.
Căng thẳng diễn ra hơn hai tuần qua tại trạm thu phí BOT Cai Lậy khi nhiều tài xế trả phí bằng tiền lẻ để phản đối trạm thu phí này. Ảnh: Zing.
Vũ khí của nhà đầu tư
Trường hợp của công ty BOT Tiền Giang có lẽ sẽ khác một chút vì theo thông tin báo chí có hiện nay thì nhiều khả năng công ty này không có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Luật Đầu tư 2014 hiện hành thì công ty BOT Tiền Giang chỉ có thể khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam ra tòa án hoặc trọng tài tại chính Việt Nam. Việc khởi kiện ra trọng tài có được hay không còn tùy thuộc vào hợp đồng BOT hai bên đã ký với nhau. Điều này cũng tạo nhiều bất lợi cho công ty BOT Tiền Giang nếu họ muốn khởi kiện Bộ GT-VT ra tòa, trong bối cảnh tư pháp Việt Nam không thực sự độc lập như hiện nay.
Cho dù bị khởi kiện ở bất cứ nơi nào (trong nước hay nước ngoài) thì các chính phủ vẫn thường sử dụng cái cớ rằng họ đại diện cho chủ quyền quốc gia vì thế họ được miễn trừ các trách nhiệm pháp lý dân sự lẫn hình sự (sovereign immunity). Trung Quốc là một ví dụ cụ thể cho việc sử dụng lập luận này.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường vẫn có các biện pháp khác để ép buộc một quốc gia phải thực hiện cam kết pháp lý của mình, bên cạnh vai trò của tòa án. Chỉ số tín dụng quốc gia là một biện pháp như vậy.
Trong trường hợp vỡ nợ của Argentina vào năm 2001, hãng xếp hạng tín dụng Standard and Poor đã đánh tụt hạng tín dụng quốc gia này xuống B- khiến cho Bộ trưởng Kinh tế nước này là Domingo Cavallo phải thực hiện rất nhiều các biện pháp tái cơ cấu trái phiếu chính phủ, giãn nợ, tăng lãi suất nhằm giúp Argentina tiếp tục mượn nợ trên thị trường.
Hy Lạp trong khủng hoảng tài chính cũng bị đánh tụt hạng dẫn đến việc sụp đổ của nhiều chính phủ nước này. Các vụ kiện của nhà đầu tư cũng có sức ép tương tự như các khoản nợ đến hạn mà chính quyền không trả được. Rốt cuộc khi chính quyền thua kiện, bản án được đưa ra sẽ làm tăng gánh nặng nợ công cho chính quyền đó.
Bên cạnh các tổ chức xếp hạng tín dụng, cần lưu ý rằng vai trò của những luật sư tư vấn cũng sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế của một quốc gia. Vụ việc ở BOT Cai Lậy nếu bị đem ra tòa thì hệ lụy sẽ rất lớn.
Nếu công ty BOT thắng kiện, chính quyền sẽ phải lựa chọn hoặc tiếp tục để công ty BOT khai thác trạm thu phí và chịu sự phản đối của người dân như hiện nay, hoặc phải bồi hoàn chi phí đầu tư cho công ty này (và tăng gánh nặng nợ công).
Nhưng nếu công ty BOT thua kiện, bộ mặt đầu tư của Việt Nam sẽ cực kỳ xấu. Những hãng luật tư vấn đầu tư sẽ xem đây là một tiền lệ không tốt về việc chính quyền Việt Nam không bảo vệ hiệu quả cho nhà đầu tư khi có tranh chấp xảy ra. Và tiền lệ đó chắc chắn sẽ xuất hiện trong những lá thư tư vấn gửi cho những nhà đầu tư đang muốn vào Việt Nam, vừa về thái độ của chính quyền Việt Nam trong việc bảo vệ nhà đầu tư, vừa liên quan đến tính minh bạch của hệ thống tư pháp. Chắc chắn những lá thư tư vấn như vậy sẽ khiến các nhà đầu tư dè chừng hơn trong việc bỏ tiền vào Việt Nam.
Như vậy, nếu để xảy ra kiện tụng, dù thắng hay thua kiện thì chính quyền đều phải đối mặt với những hậu quả ghê gớm sau đó. Nói chung, tình thế của Bộ GT-VT hiện nay rất tiến thoái lưỡng nan trên nhiều phương diện.
Trong cuộc họp báo chiều 17/8, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng không có việc nhà đầu tư sẽ kiện tụng”. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Lối thoát cho chính quyền
Việc một chính quyền kí kết các hợp đồng đầu tư nhà nước – tư nhân (PPP) nói riêng và các thỏa thuận nhà nước – nhà đầu tư nói chung bị “hớ” là điều không quá hiếm gặp trên thế giới. Khi các hợp đồng “hớ” đó được thực hiện và đặc biệt là khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và khiến họ phản đối, việc sửa sai cho nó càng khó hơn.
Những động thái, trao đổi qua lại giữa UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ GT-VT, và những ngậm ngùi của các quan chức đương nhiệm rằng họ đang giải quyết “hậu quả” của “nhiệm kỳ trước” ngụ ý rằng đâu đó trong thỏa thuận BOT ở Cai Lậy có phần thiệt thòi cho cho người dân.
Theo kinh nghiệm của các luật sư chuyên trong lĩnh vực PPP thì nguyên nhân chủ yếu cho việc “hớ” này thường là do “tham nhũng” (nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất). Đàm phán PPP tính ra lại là một việc nguy hiểm vì nó phần nào cho phép chính quyền nhượng một phần nào “chủ quyền” (concession) cho nhà đầu tư mà không có tiếng nói trực tiếp của người dân.
Trong vụ việc BOT Cai Lậy, ba đơn vị cùng thống nhất phương án đặt trạm thu phí là Bộ GT-VT, Bộ Tài Chính, và UBND tỉnh. Đây đều không phải là các cơ quan dân cử. Tiếng nói của người dân rất hạn chế trong việc quyết định này.
Chính vì thế, việc sửa sai sẽ phải bắt đầu bằng việc truy cho được nguyên nhân nào dẫn đến bản hợp đồng “hớ” này. Trong nhiều trường hợp, chính quyền có thể lật ngược thế cờ bằng chính đe dọa sẽ truy tố nhà đầu tư đã đưa hối lộ cho quan chức nhiệm kỳ trước để được hưởng bản hợp đồng “hớ” này, khiến cho nhà đầu tư phải nhượng bộ và thay đổi phương án kinh doanh.
Tất nhiên, phương án này chứa đựng nhiều rủi ro về mặt ổn định chính trị, điều mà rất nhiều quốc gia luôn coi trọng đến mức cứng nhắc.
Chống nạn thu phí ở BOT Cai Lậy – mẫu mực về phản kháng dân sự phi bạo lực