Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với một thế giới nơi các thế lực độc tài ngày càng mạnh hơn, trong khi dân chủ ngày càng bất ổn hơn lúc nào hết trong suốt mấy thập kỷ qua. Ông sẽ phải làm gì? – Đây chính là một trong những thách thức lớn nhất đối với ngài tổng thống.
Trong khoa học chính trị, các nhà nghiên cứu cho rằng dân chủ hóa xảy ra theo làn sóng. Làn sóng lớn nhất và cũng xảy ra gần đây nhất chính là “làn sóng thứ ba” dân chủ hóa, bắt đầu vào giữa những năm 1970 và lên đến đỉnh điểm vào những năm 1990, sau đó bắt đầu suy giảm vào năm 2005. Kể từ đó, tự do và tham dự chính trị ngày càng suy giảm. Đáng kể nhất là trong cỡ một hai năm qua, vài diễn biến đã làm người ta thêm lo lắng cho tương lai của nền dân chủ toàn cầu.
Xu hướng độc tài đang lên
Thứ nhất là xu hướng độc tài đã xuất hiện trong một số nền dân chủ mới nổi, tiêu biểu như Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Philippines trong mấy năm vừa qua.
Thổ Nhĩ Kỳ mới trải qua tình trạng báo động kể từ cuộc đảo chính quân sự thất bại vào tháng bảy năm ngoái. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã bắt giữ khoảng 32 nghìn người được cho là có liên quan đến đảo chính và hơn 100 nhà báo. Ông cũng thanh lọc hàng chục nghìn công chức, nhân viên quân sự và cảnh sát ra khỏi chính phủ.
Tới tháng tám cũng năm 2016, quân đội Thái Lan đã đưa ra một hiến pháp mới – trong đó cấm phe đối lập vận động phản đối – điều này làm đe dọa nền dân chủ khi trao quyền lực quá lớn cho quân đội.
Nghiêm trọng hơn, kể từ Rodrigo Duterte nhậm chức tổng thống Philippines hồi tháng sáu cùng năm, hàng nghìn người tình nghi buôn ma túy đã bị giết mà không thông qua xét xử. Duterte cũng đàn áp những người phản đối trong nước. Trước những chỉ trích của quốc tế, Duterte thậm chí còn so sánh mình với Hitler, nói rằng trong khi nhà độc tài nước Đức đã “giết chết ba triệu người Do Thái”, thì ông “vinh hạnh khi giết chết” ba triệu người nghiện ma tuý của Philippines.
Thêm nữa, trong khi các nền dân chủ đang rơi vào khó khăn, thì các chế độ độc tài lại thêm gây hấn khi đưa các chuẩn mực phản dân chủ lên sân khấu quốc tế, đồng thời bóp nghẹt đa nguyên chính trị bên trong quốc gia.
Trong chuyện này thì Nga là nguy hiểm nhất: Nga biết sử dụng các biện pháp truyền thông xã hội phức tạp để tạo ra những hỗn loạn, chia rẽ, và nghi ngờ trong các cộng đồng dân chủ, và khiến người ta phải hoài nghi dân chủ. Đồng thời, hai cường quốc độc tài là Nga lẫn Trung Quốc đã và đang dùng tới sức mạnh vũ lực để can thiệp vào các vấn đề quân sự, kinh tế và địa chính trị.
“Thành phố chiếu sáng trên đỉnh đồi”…
Tuy nhiên, có lẽ xu hướng đáng lo ngại nhất chính là những vấn đề ngày càng thể hiện rõ trong nền dân chủ Mỹ và các quốc gia phát triển khác ở châu Âu.
Trước kia, nhân tố quyết định trong thành công của làn sóng dân chủ hóa thứ ba là sức mạnh vô song của mô hình dân chủ Mỹ – mà tổng thống Reagan, phỏng theo lời thống đốc Mỹ John Winthrop, đã gọi là “thành phố chiếu sáng trên đỉnh đồi” – thứ đã truyền cảm hứng cho lòng ngưỡng mộ và noi gương trên toàn thế giới.
Tất nhiên, dân chủ ở Mỹ luôn có nhiều điều chưa hoàn hảo. Nhưng trong những năm 1980 và 1990, cả thế giới đã chứng kiến nước Mỹ với một nền kinh tế năng động, một nền chính trị vận hành trơn tru, lại thêm sự tự tin về mặt đạo đức và siêu cường về mặt quân sự. Và rồi, bức tường Berlin sụp đổ còn Liên Xô tan rã, tất cả đã khiến Mỹ trở thành siêu cường duy nhất vào thời điểm các đồng minh dân chủ ở Liên minh châu Âu đang cố gắng thống nhất lục địa này thành một thị trường chung dựa trên các giá trị và thể chế tự do.
Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, các giá trị dân chủ trở nên phổ quát – tức là chúng đã thu hút được phần lớn nhân loại ở hầu như mọi khu vực trên thế giới – trong khi tất cả các ý thức hệ đối địch dần rút lui, hoặc bị giới hạn về mặt địa lý (như ở Iran).
Nhờ nguồn hỗ trợ tài chính và chính trị từ châu Âu và Mỹ trong suốt hai thập kỷ, tự do đã nảy nở, thị trường mở rộng, xã hội dân sự gia tăng, các thiết chế đại diện được củng cố. Và lần đầu tiên trong lịch sử loài người, nền dân chủ đã trở thành hình thức chính phủ phổ biến nhất trên thế giới.
Trong “làn sóng thứ ba” này, dân chủ đã có được chỗ đứng vững chắc ở châu Phi, châu Á, và hiện diện rộng khắp ở châu Mỹ Latin. Nhưng chính chất lượng và sự ổn định của nó ở phương Tây mới là nền tảng cho thành công toàn cầu của nó.
Châu Âu và Mỹ đã trở thành biểu tượng mà các nền dân chủ mới nổi hướng đến, và các cường quốc dân chủ ở hai xứ này cũng là lực lượng hỗ trợ để giúp các nền dân chủ non trẻ vươn lên. Do đó, người ta đã mường tượng rằng thời điểm bước ngoặt của thiên niên kỷ chính là bình minh của một thế kỷ dân chủ mới.
… đã chìm vào bóng tối?
Giờ đây, cái viễn cảnh ấy đã bắt đầu trở nên rõ ràng hơn. Dẫu mọi người không hẳn đồng thuận về những gì họ đang chứng kiến, nhưng thật chẳng có gì phải tranh cãi về tình trạng chủ nghĩa dân túy và các khuynh hướng phi tự do đang nổi lên ở phương Tây.
Các sự kiện gần đây ở châu Âu quả rất đáng lo ngại – trên toàn lục địa, các đảng dân túy tìm cách huy động “nhân dân” chống lại tầng lớp tinh hoa bị cho là tham nhũng. Ở Hungary và Ba Lan, các chính phủ dân túy cánh hữu đã tiến hành phá hoại tính độc lập của ngành tư pháp, dịch vụ dân sự và truyền thông. Các đảng chống dân chủ đã giành được nhiều phiếu bầu ở Hungary và Cộng hòa Séc, trong khi các đảng chống tự do, chống nhập cư, chẳng hạn như Mặt trận Quốc gia của Pháp và Alternative für Deutschland của Đức, đã đạt được những thành tựu bầu cử ấn tượng.
Tháng sáu năm ngoái, Brexit đã gây ra một cú sốc nữa – ấy là cuộc trưng cầu dân ý của Anh quốc về việc rời khỏi Liên minh châu Âu với gần 52% cử tri Anh bỏ phiếu thuận. Đối với những người Anh theo chủ trương quốc tế, cũng như đối với phần lớn người châu Âu từ lục địa, thì Brexit là một bước ngoặt khiến cho cái viễn cảnh về một châu Âu dân chủ tự do, hợp nhất, và toàn diện bỗng trở nên xa vời.
Vào ngày 8 tháng 11, các cử tri ở Mỹ còn gây choáng váng hơn khi bầu Donald Trump trở thành tổng thống.
Trong thực tế, các nhóm cử tri cốt lõi bỏ phiếu ủng hộ Brexit và Trump khá tương đồng với nhau: họ là những cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động với kỹ năng nghề nghiệp và điều kiện giáo dục hạn chế, những người cảm thấy bị lấn lướt về văn hóa và bị đe doạ về kinh tế bởi các yếu tố như nhập cư, toàn cầu hóa, sự đa dạng về chủng tộc và văn hoá.
Cả hai cuộc bỏ phiếu đã phô ra mối xung đột giữa một bên là các thành phố đa dạng văn hoá, bên kia là các khu vực nông thôn nơi có phần đa dân cư là người da trắng. Cả hai đã khiến các quốc gia của chúng phân cực hơn trước. Và cả hai đã khoét sâu thêm nỗi lo lắng về tương lai của trật tự dân chủ tự do.
Quan điểm thực dụng về thế giới
Đứng trước bức màn u ám ấy, liệu chính quyền mới của Trump có khả năng đối đầu với một cuộc khủng hoảng toàn cầu về dân chủ? Hay là một làn sóng sụp đổ mới sẽ quét đi những thành tựu dân chủ của hàng thập kỷ vừa qua?
Còn tùy.
Nếu Trump có thể mang những mưu chước của mình tới Đồi Capitol để tạo ra sự đồng thuận lưỡng đảng, từ đó giải quyết những thách thức lớn như sự trì trệ kinh tế, bất bình đẳng về thu nhập và nhập cư, thì thế giới sẽ được chứng kiến nền dân chủ Mỹ vận hành trở lại – ngay cả khi nhiều chính sách của Trump gặp phải phản đối trong và ngoài nước.
Thật vậy, nếu tân Tổng thống theo đuổi các đề xuất ít được chú ý nhưng tiến bộ về cải cách vận động hành lang (lobby), thì các cựu quan chức Nhà Trắng và Quốc hội khó có thể sử dụng tầm ảnh hưởng của họ để làm lợi cho các tập đoàn, đặc biệt là làm lợi cho các chính phủ nước ngoài. Nhờ đó, chất lượng của nền dân chủ Mỹ có thể cải thiện. Và nếu tính thực dụng của Trump trong chính sách đối ngoại khiến ông nhận ra giá trị của việc hỗ trợ các đồng minh dân chủ, thì chính quyền của ông có thể giữ cho nền dân chủ khỏi bị thụt lùi.
Tuy nhiên người ta vẫn còn cảm thấy hoài nghi: trong suốt chiến dịch của mình, Trump đã nói rõ rằng ông sẽ thực thi một chính sách đối ngoại thực dụng, trong đó đặt lợi ích của Mỹ lên đầu – chứ không phải là các can thiệp để lan tỏa giá trị dân chủ.
Các nhà lãnh đạo độc tài như Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah el-Sisi giờ đây có thể cho rằng dưới thời Trump, áp lực dân chủ hóa như dưới chính quyền Obama sẽ biến mất. Duterte, người đã chào mừng Trump nồng nhiệt sau đợt bầu cử, rõ ràng đang cảm thấy bớt căng thẳng khi thoát khỏi Obama, người mà ông gọi là “con của một con điếm” sau khi các quan chức Mỹ bày tỏ mối quan tâm về các vụ giết người không thông qua xét xử ở Philippines. Sự im lặng của chính quyền Trump khi đối mặt với những vi phạm nhân quyền như vậy sẽ làm giảm đáng kể triển vọng dân chủ toàn cầu.
Tuy nhiên, ta vẫn có thể hy vọng. Mỹ đã trở thành một đất nước vĩ đại có phần nhờ vào địa vị quốc tế của nó: một nền dân chủ dẫn dắt thế giới. Ronald Reagan hiểu rằng người Mỹ không thể làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa, nếu họ không chịu bảo vệ và phát triển các nguyên tắc của chính họ trên trường quốc tế. Liệu Trump có hiểu rằng đây chính là một trong những thử thách quan trọng nhất đối với chính sách đối ngoại của mình?