Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Khi có tin Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Đức và đưa về Việt Nam, chúng ta được chứng kiến một hiện tượng tuy không mới mẻ gì nhưng luôn luôn nóng bỏng cả trên Internet lẫn ngoài đời.
Một mặt, nhiều người phản đối cách bắt người phi pháp của chính quyền Việt Nam. Họ cho rằng cách làm này vi phạm cả pháp luật nước sở tại lẫn pháp luật quốc tế. Chính phủ Đức đã phản ứng khá dữ dội, luật sư Lê Công Định cũng đã phân tích chi tiết về khía cạnh pháp lý của vụ việc ở đây.
Mặc khác, cũng có nhiều người phản đối những người… phản đối.
Một độc giả bình luận trên trang Facebook của Luật Khoa đại ý như sau: Không bắt được thì bảo là bao che, yếu kém; bắt được thì bảo là vi phạm pháp luật; tóm lại các vị muốn gì?
Một số người khác lấy ví dụ về việc Mỹ xâm phạm chủ quyền Pakistan khi mang quân đi truy lùng và sát hại Osama Bin Laden tại nước này hồi 2012 với ngầm ý rằng việc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức là chuyện bình thường.
Ý kiến phản đối những người phản đối này thoạt nghe có vẻ xuôi tai, nhưng kỳ thực nó lại vướng phải hai lỗi logic rất đơn giản. Bài viết này sẽ không bàn đến việc thông tin Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc là đúng hay không, mà bàn về cuộc tranh luận nêu trên.
“Ông nói gà, bà nói vịt” hay lấy mục đích biện minh cho phương tiện
Trong vụ Trịnh Xuân Thanh, vấn đề không chỉ là có bắt được hay không, mà còn là bắt như thế nào.
Những người cho rằng Việt Nam bắt cóc Thanh là vi phạm pháp luật là họ đang nói đến việc bắt như thế nào, trong khi phe phản đối họ thì lại dùng lý lẽ của việc bắt được hay không.
Ta hãy lấy ví dụ sau cho dễ hiểu.
Bạn sơ ý làm mất xe máy. Vợ bạn cực kỳ bực mình và yêu cầu bạn phải mang bằng được chiếc xe đó về vì nó là tài sản lớn nhất của gia đình. Một tuần sau bạn thấy chiếc xe của mình ở nhà một gia đình nọ cách đó mười cây số. Về mặt pháp lý, chiếc xe đó vẫn thuộc sở hữu của bạn, không ai nghi ngờ gì chuyện nó nên được trả lại cho bạn và kẻ nào lấy trộm chiếc xe đó phải bị xử lý hình sự. Bạn có thể tự tiện lẻn vào nhà người kia và mang chiếc xe đi không?
Giả sử bạn làm chuyện đó thật và mang được chiếc xe về nhà, vợ bạn lại nổi khùng lên nói như vậy là phạm luật và có thể đi tù như chơi. Bạn có thể cãi lại vợ rằng: không mang về được cũng cằn nhằn, mang về được cũng cằn nhằn, tóm lại bà muốn gì?
Nếu vợ bạn không vướng phải cái lỗi logic giản đơn mà tôi đã nói ở trên, cô ấy sẽ ân cần mà giải thích rằng: em cần anh mang xe về, nhưng không phải bằng cách của kẻ ăn trộm, rồi nhà kia tố cáo, anh đi tù ai nuôi mẹ con em?
Câu chuyện có thể diễn tiến đại khái như thế, theo cách tưởng tượng của một người chưa có vợ.
Trở lại vụ Trịnh Xuân Thanh, những người phản đối cách bắt Thanh chắc hẳn cũng là những người muốn Thanh phải bị bắt, phải trình diện trước toà để làm rõ trắng đen, nếu phạm tội tham nhũng thì phải trả lại tiền tham nhũng và đi tù mọt gông. Trên thực tế, họ không phản đối chuyện bắt Thanh, mà họ phản đối cách bắt Thanh, cũng như bà vợ trên kia không phản đối chuyện phải mang được chiếc xe về, mà phản đối cách ông chồng mang được chiếc xe đó về.
Nghĩa là, phe phản đối cách bắt Thanh đang nói đến phương tiện, còn phe phản đối họ thì lại nói đến mục đích. Ông nói gà, bà nói vịt, thế là choảng nhau.
Khi người ta kỳ vọng chính quyền mang được Trịnh Xuân Thanh về, đương nhiên không ai muốn chính quyền thực hiện việc đó bằng cách thức phi pháp. Còn nếu bạn ủng hộ việc đạt được mục đích bằng cách thức phi pháp, bạn phải trả lời được câu hỏi của tình huống bên trên: liệu có thể lấy trộm đồ của kẻ ăn trộm không?
Một vài câu hỏi khác cũng cần được trả lời:
Lấy cái sai của người biện minh cho cái sai của mình
Phe phản đối những người phản đối còn dùng vụ Mỹ truy sát trùm khủng bố Osama Bin Laden ở Pakistan để biện minh cho cách bắt Thanh.
Số là hồi năm 2011, sau 10 năm truy lùng kể từ vụ khủng bố 11/9, tình báo Mỹ phát hiện ra nơi ẩn náu của Bin Laden tại một thị trấn ở Pakistan. Lực lượng tinh nhuệ nhất của hải quân Mỹ, đội SEAL 6, đã sẵn sàng lên đường, chỉ còn chờ lệnh của Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh Barack Obama.
Obama khi đó phải giải một bài toán: đưa quân vào Pakistan mà không xin phép sẽ có thể bị cho là xâm phạm chủ quyền quốc gia, mà xin phép thì sợ rằng kế hoạch tác chiến sẽ bị lộ và Bin Laden sẽ trốn mất. Cuối cùng, ông quyết định bí mật triển khai quân truy sát Bin Laden mà không cho chính phủ Pakistan biết. Chiến dịch thành công, Bin Laden bị giết tại chỗ, và phía Pakistan phản ứng khá dữ dội.
Nhưng có thể dùng vụ việc này để biện minh cho vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức không?
Đây cũng là một vấn đề logic đơn giản nữa: chuyện Mỹ có vi phạm chủ quyền Pakistan và luật quốc tế hay không, không liên quan gì đến chuyện Việt Nam có vi phạm chủ quyền của Đức và luật quốc tế hay không. Hai chuyện này hoàn toàn tách bạch với nhau.
Cứ cho rằng Mỹ đã sai, thì cũng không thể lấy cái sai của người Mỹ để biện minh cho cái sai của người Việt Nam. Hàng xóm của anh trộm gà của người khác không có nghĩa việc anh đi trộm gà là đúng. Hàng xóm của anh đánh trọng thương ai đó không có nghĩa là việc anh vác dao đi chém người khác là đúng.