Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ngày 21/8/1959, Tổng thống Dwight D. Eisehnhower ký tuyên bố (Proclamation) công nhận Hawaii, từ một lãnh thổ tự trị thuộc Hoa Kỳ (U.S. territory), chính thức trở thành tiểu bang thứ 50 của Hiệp chúng quốc.
Trong cùng một năm, Hawaii đã nối bước Alaska, trở thành hai “ngôi sao” cuối cùng trên lá cờ Mỹ. Chúng ta hãy tìm hiểu về một quá trình khá thú vị, để xem làm thế nào mà một quần đảo nằm chơi vơi giữa Thái Bình Dương có thể trở thành một tiểu bang chính thức của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ vốn không phải lúc nào cũng muốn có thêm tiểu bang hay các vùng lãnh thổ
Lịch sử lập quốc của Hoa Kỳ có một chút đặc biệt trong việc hình thành lãnh thổ quốc gia. Đó là từ 13 cựu thuộc địa của Anh quốc lúc bắt đầu thành lập, lãnh thổ Hoa Kỳ đã từng bước mở rộng khi các khu vực tự trị được khai khẩn, hoặc thông qua các cuộc chiến với các quốc gia khác mà giành được quyền cai trị, rồi dần dần tiến đến thiết lập mối quan hệ (incorporated) với chính quyền liên bang.
Sau đó, tiến xa hơn, các khu vực này lại từng bước trở thành các tiểu bang, ví dụ như Khu tự trị Tây Bắc (Northwestern Territory) đã trở thành các bang Ohio, Indiana, Illinois, Michigan, Wisconsin, và một phần của bang Minnesota ngày nay; hay Khu tự trị Dakota (Dakota Territory) chính là hai bang Nam và Bắc Dakota và phần lớn của các bang Wyoming và Montana ngày nay.
Cũng có những phần lãnh thổ là do Hoa Kỳ dùng tiền để mua, ví dụ như Louisiana đã được mua lại từ nước Pháp vào năm 1803. Ngày nay, vùng lãnh thổ này không chỉ có bang Louisiana mà còn bao gồm một phần diện tích của 15 tiểu bang lớn nhỏ khác.
Bản đồ quá trình mở rộng lãnh thổ của Hoa Kỳ. Ảnh: LA Times.
Đó là cách mở rộng lãnh thổ Hoa Kỳ tại Bắc Mỹ, còn đối với các lãnh thổ nằm ở các châu lục khác, tình hình có nhiều khác biệt. Trái với suy nghĩ của nhiều người, không phải lúc nào Hoa Kỳ cũng hăng hái thu nhận các lãnh thổ mới.
Khi các nước châu Âu đã đi đến gần hết giai đoạn mở mang bờ cõi bằng cách thuộc địa hóa các châu lục khác thì Hoa Kỳ mới bắt đầu công cuộc này. Tuy nhiên, đối với việc sáp nhập các lãnh thổ cách quá xa lục địa Bắc Mỹ thì chính người dân Hoa Kỳ có lúc cũng tỏ vẻ không mấy mặn mà cho lắm.
Ví dụ như với trường hợp của quần đảo Philippines. Là phe thắng cuộc trong cuộc chiến với Tây Ban Nha năm 1898, Mỹ được chuyển nhượng quyền sở hữu Philippines – một thuộc địa của Tây Ban Nha.
Thế nhưng, cũng có nhiều người dân Mỹ phản đối việc Philippines trở thành một phần lãnh thổ Hoa Kỳ. Một trong những lý do là vì họ không muốn người “nước ngoài” có đại diện tại Quốc hội Hoa Kỳ. Theo luật, các lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ được phép có đại diện tại Quốc hội, nhưng không có quyền bỏ phiếu.
Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha 1898 và trận chiến tại Vịnh Manila, Philippines. Ảnh: Wikiwand
Ngoài ra, còn có một lý do là ngay trước thời điểm chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha nổ ra, người dân Philippines đã bước vào giai đoạn đấu tranh hết sức cam go trong công cuộc giành độc lập từ Tây Ban Nha từ năm 1895 đến năm 1898. Nếu nhận lấy “củ khoai nóng” Philippines thì nước Mỹ có thể phỏng tay khi đối mặt với một cuộc chiến mới.
Quả đúng như thế, công cuộc đấu tranh giành độc lập của người Philippines do Emilio Aguinaldo lãnh đạo vẫn tiếp diễn sau khi quần đảo này bị sang nhượng cho Mỹ. Cuộc chiến Mỹ – Philippines đã khiến cho quân lực Hoa Kỳ bị tổn hại không ít, và các cuộc tranh cãi trong xã hội Mỹ về vấn đề này cũng leo thang theo.
Giằng co vài thập niên, cuối cùng, Hoa Kỳ quyết định sẽ để Philippines phát triển theo hướng trở thành một khối thịnh vượng chung (commonwealth) vào thập niên 1930, với ý định sẽ trao trả độc lập cho đất nước này sau đó. Vì Chiến tranh Thế giới thứ Hai nổ ra nên đến tận năm 1946 việc trao trả độc lập mới chính thức diễn ra.
Trong cùng một hòa ước được ký sau khi thua trận năm 1898, Tây Ban Nha cũng trao cho Hoa Kỳ quyền sở hữu Cuba. Khác với tình hình ở Philippines, chỉ bốn năm sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt đã công nhận Cuba độc lập vào năm 1902.
Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha còn mang đến cho nước Mỹ một số lãnh thổ tự trị mới vào năm 1898, trong đó có đảo Guam và Puerto Rico được nhiều người biết đến. Nhưng đến tận ngày nay, Puerto Rico hay đảo Guam cũng không hề trở thành các tiểu bang, cho dù thời gian sáp nhập và trở thành lãnh thổ của Mỹ cũng suýt soát như Hawaii. Không phải là tiểu bang, thì tuy các công dân ở những nơi này là công dân Mỹ, nhưng họ không có quyền bỏ phiếu trong các cuộc tổng tuyển cử. Và những người này cũng gặp một số giới hạn về quyền di cư đến các tiểu bang Mỹ để làm việc và sinh sống.
Vậy thì lý do nào lại khiến Hawaii có thể trở thành bang thứ 50 của Mỹ?
Có thể nói, cũng chính là do chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha năm 1898 mới khiến cho quần đảo có tên gọi Hawaii có được một sức ảnh hưởng khá quan trọng đối với Mỹ. Vị trí chiến lược về mặt quân sự của Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) đã khiến Hawaii đã trở thành lãnh thổ tự trị của Mỹ trong năm 1898.
Tuy nhiên, phải thêm hơn 40 năm nữa, đến sau Thế chiến thứ Hai thì Hawaii mới có đủ sức gắn kết với nước Mỹ để trở thành tiểu bang thứ 50.
Trận Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) năm 1941 đã hoàn toàn thay đổi lịch sử Hawaii. Ảnh: National Geographic.
Lịch sử Hawaii và con đường trở thành một bang của Hoa Kỳ
Hawaii vốn là một quần thể các hòn đảo núi lửa, và cho đến tận ngày nay, vẫn còn các miệng núi lửa đang hoạt động. Người gốc Polynesian đã đến sinh sống tại đây trước tiên, vào khoảng thế kỷ thứ tám. Mãi đến thế kỷ 18 thì những thương buôn Hoa Kỳ mới bắt đầu khám phá ra các hòn đảo này.
Người Mỹ trước tiên phát hiện vùng đất này rất phù hợp với việc trồng gỗ đàn hương, là một sản phẩm bán rất chạy ở Trung Hoa. Vào những năm 1830, mía đường được trồng thử tại đây và đã nhanh chóng trở thành nông sản được trồng nhiều nhất. Đến giữa thế kỷ 19, các đồn điền trồng mía được người Mỹ ồ ạt khai khẩn và con số người Mỹ cư ngụ tại đây cũng tăng theo.
Vì vậy, chính quyền Mỹ cũng bắt đầu phải để mắt đến công dân và tài sản của họ ở Hawaii nhiều hơn. Năm 1840, Mỹ giúp thành lập một chế độ quân chủ lập hiến (constitutional monarchy), nhưng cũng đồng thời xóa bỏ rất nhiều quyền lực của hoàng gia Hawaii. Liên tục trong bốn thập niên tiếp theo, Hawaii và Mỹ đã ký kết nhiều hiệp định thương mại và chính trị.
Vào năm 1887, Hawaii sửa đổi Hiến pháp, cho phép Hoa Kỳ xây dựng căn cứ hải quân tại Trân Châu Cảng. Việc xuất khẩu đường từ Hawaii vào Mỹ cũng theo đó mà tăng lên. Điều này đã khiến cho tầm ảnh hưởng chính trị và xã hội của người Mỹ tại Hawaii cũng tăng theo.
Tuy nhiên, sau khi Vua Kalakaua qua đời và Nữ hoàng Liliuokalani đăng cơ vào năm 1891, tình hình chính trị tại Hawaii có biến đổi. Liliuokalani từ chối công nhận Hiến pháp 1887 và tìm cách gia tăng hoàng quyền.
Tháng 1/1893, Sanford B. Dole, một người Mỹ sinh trưởng tại Hawaii, đã lãnh đạo một cuộc đảo chính lật đổ chế độ cai trị của Liliuokalani để thiết lập một nền cộng hòa.
Đến tháng 2/1893, Mỹ quyết định cấp quy chế bảo hộ cho Hawaii và công nhận Dole là Thống đốc. Dole cũng đệ trình đơn xin được sáp nhập (annexation) Hawaii vào Liên bang Hoa Kỳ trong cùng năm.
Sanford B. Dole (trái) và Nữ hoàng Liliuokalani (phải). Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Một lần nữa, người Mỹ không đồng ý sáp nhập thêm lãnh thổ. Tuy việc sáp nhập được đa số cư dân Hawaii đồng ý, nhưng nó lại bị phản đối ở Quốc hội Mỹ. Dưới sức ép chính trị, Tổng thống Grover Cleveland trong năm 1893 đã gửi Đại sứ mới đến Hawaii để hy vọng có thể thiết lập lại vương quyền cho Nữ hoàng Liliuokalani, với điều kiện là bà ta phải đồng ý tuân thủ Hiến pháp 1887.
Tuy nhiên, Sanford Dole không phải là một người thiếu bản lĩnh chính trị để mặc người điều khiển. Ông đã thẳng thừng từ chối hợp tác với Mỹ, tuyên bố thành lập Cộng hòa Hawaii (Republic of Hawaii) vào cùng năm và trở thành tổng thống đầu tiên. Tổng thống Cleveland lâm vào một tình cảnh khó xử, vì ông không thể điều động quân đội để trấn áp chính quyền của Dole vì ông có cha mẹ là công dân Hoa Kỳ. Do đó, hai bên lâm vào thế giằng co trong vài năm.
Sau khi Tổng thống William McKinley lên nhậm chức, vào năm 1897, Hoa Kỳ và Cộng hòa Hawaii đã ký hòa ước chấm dứt khúc mắc này.
Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha nổ ra vào năm 1898, Mỹ cần sử dụng Trân Châu Cảng như một vị trí mang tính chiến lược về quân sự ở Thái Bình Dương. Và vì vậy, Quốc hội Hoa Kỳ đã đồng ý với đề nghị của Sanford Dole, sáp nhập Hawaii thành một lãnh thổ tự trị của mình.
Lòng kiên trì của Sanford Dole đã chiến thắng. Ngày nay, chúng ta vẫn còn nhìn thấy ông hiện diện đâu đó trong đời sống của người dân Hawaii khi nhìn vào nhãn mác của các quả dứa đến từ sản nghiệp của dòng họ “Dole”.
Đồn điền của dòng họ Dole ngày nay và sản phẩm nổi tiếng dứa hiệu Dole.
Từ năm 1898 đến năm 1941, Hawaii vẫn giữ nguyên tình trạng của một lãnh thổ tự trị. Là một quần đảo cách xa đại lục Bắc Mỹ non 2.500 dặm, Hawaii khó có thể được đa số người Mỹ xem như một phần máu thịt của lãnh thổ quốc gia. Thế nhưng, điều này đã hoàn toàn thay đổi vào ngày 7/12/1941 khi quân đội Nhật tấn công và ném bom Trân Châu Cảng.
Chính những gì xảy ra với Hawaii và các cư dân của họ, cũng như sự hy sinh của những người lính Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ Hai tại đây, đã kéo Hawaii lại gần với nước Mỹ hơn bao giờ hết. Liên tục từ năm 1946 đến 1959, các cuộc vận động yêu cầu Quốc hội thông qua đạo luật cho phép Hawaii trở thành một bang của Hoa Kỳ được đưa ra ở nhiều cấp, với nhiều mức độ khác nhau.
Năm 1959, một cuộc trưng cầu dân ý tại Hawaii cho thấy, có hơn 90% dân số ủng hộ phần lãnh thổ này chính thức trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ.
Ngày 18/3/1959, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Gia nhập (The Act of Admission), đồng ý để Hawaii trở thành một bang của nước này.
Sau khi Tổng thống Eisenhower tuyên bố Hawaii trở thành tiểu bang thứ 50 vào tháng 8/1959, thì vào ngày Lễ Độc lập năm 1960 tại Mỹ, lá cờ hoa đã chính thức có thêm ngôi sao thứ 50.
Tài liệu tham khảo: