Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu đến bạn đọc bài tiểu luận của Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba) “Can It Be that the Chinese People Deserve Only “Party-Led Democracy?“, được ông viết vào năm 2006. Luật Khoa lược dịch tiểu luận này từ bản tiếng Anh do tổ chức Human Rights for China chuyển ngữ và ấn hành lần đầu vào ngày 9/4/2010.
***
Ngày 19/10/2005, Văn phòng Thông tin Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã công bố một “sách trắng” (white paper) với tiêu đề “Xây dựng nền chính trị dân chủ tại Trung Quốc”.
Mặc dù đây là lần đầu tiên đảng Cộng sản ban hành sách trắng về vấn đề này kể từ khi họ nắm toàn bộ chính quyền, thế nhưng ngoài việc công bố nó, thì bản thân nội dung của tài liệu này cũng chẳng chứa đựng thông tin gì mới mẻ.
Trọng tâm của sách trắng vẫn là những luận điểm dựa trên những học thuyết về: 1) bối cảnh và tình hình đất nước, 2) cơ sở cho quyền lãnh đạo của đảng, và 3) sự anh minh của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khi nói về “tình hình đất nước”, họ đã không còn nhắc đến sự lạc hậu của nền kinh tế Trung Quốc và cuộc sống thấp dưới chuẩn của một bộ phận dân chúng, mà chỉ nhấn mạnh đến sự lãnh đạo tối cao của đảng Cộng sản. Họ nghiễm nhiên cho đó vừa là một chọn lựa của lịch sử, vừa là ý nguyện của người dân.
Ý của họ rất rõ ràng, đảng Cộng sản đã được lịch sử trao cho sứ mệnh dẫn dắt người dân Trung Quốc, chứ không phải là do đảng ép nhân dân phải sống dưới sự cai trị của mình. Để phản bác lại những lời cổ xúy cho các giá trị phổ quát của dân chủ và lẩn tránh các vấn đề về tính chính danh của đảng Cộng sản, họ núp sau chiêu bài “tình hình và bối cảnh đặc biệt của đất nước”.
Họ công khai nhấn mạnh “sự lãnh đạo tối cao của đảng Cộng sản”. Mặc kệ là bạn đang muốn nói về những lý thuyết trừu tượng của việc xây dựng thể chế dân chủ bằng chủ quyền nhân dân, hay bàn về việc bảo vệ những quyền con người đã được ghi trong Hiến pháp; hoặc nói đến cơ quan Đại biểu Quốc hội và các vấn đề của một cơ chế cố vấn chính trị; cho đến cái gọi là dân chủ tập trung với các đặc tính của đảng Cộng sản Trung Quốc; và cũng bỏ mặc đó là các quy trình dân chủ ở cơ sở hay là việc dụng pháp trị quốc (rule by law) – tất cả những thứ này đều phải tuân thủ các đường lối và sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, chứ chẳng có gì là thuộc về chủ quyền nhân dân cả.
Mục đích của việc nhắc đến “đảng Cộng sản là anh minh tuyệt đối” thì lại còn có ý nào khác ngoài việc dùng để ghi điểm cho đảng đối với tất cả những thành tựu của Trung Quốc.
Thậm chí, họ đã chẳng ngại ngần mà đổi trắng thay đen, để cả những thất bại trong quá khứ đều trở nên thành tựu vĩ đại. Tương tự như thế, tất cả những chuyển biến dù là nhỏ nhoi nhất của việc dân chủ hóa đất nước từ khi tiến hành cải cách cũng đương nhiên được xem là đến từ tài lãnh đạo anh minh của đảng ta, chứ chẳng phải là kết quả của những nỗ lực đột phá nào từ người dân cả.
Vì vậy, sách trắng này thật ra là một bản tuyên cáo ầm ĩ đến cộng động quốc tế để khẳng định: quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc đứng trên tinh thần dân chủ của chủ quyền nhân dân. Nói cách khác, tại Trung Quốc, quyền lực này là tối thượng.
Có thể nói, tài liệu này đã nêu rất rõ một điều: “đảng quản lý toàn bộ người dân, cho nên đảng cũng quản lý nốt cả dân chủ”.
Và như thế, Quốc hội là con rối trong tay đảng, Uỷ ban Tư vấn Chính trị Quốc hội của Nhân dân Trung Quốc (Chinese People’s Political Consultative Conference) là một thứ đồ trang trí, cả ngành tư pháp cũng chỉ là một công cụ, còn những thứ ngôn ngữ về nhân quyền, dân chủ là những món hàng trưng bày trong tủ kính.
Cũng như sách trắng về nhân quyền được nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc công bố trước đây, sách trắng về dân chủ hóa tại đất nước này cũng toàn là những điều giả dối.
Ví dụ như, tài liệu này cho biết: “Tất cả quyền lực của Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa thuộc về toàn dân.” Nhưng 1.3 tỷ dân Trung Quốc trong thực tế là một bầy cừu khổng lồ được đảng chăn dắt và chẳng có tẹo cơ hội nào được tham gia vào việc bầu cử chức vụ Chủ tịch nước cả.
Một ví dụ khác là tuyên bố, “Đảng đang xây dựng môi trường dân chủ trong nội bộ”. Nhưng thực ra 68 triệu đảng viên có khác gì những tay nô lệ của đảng, và họ làm gì có quyền bỏ phiếu cho chức vụ lãnh đạo tối cao.
Đây chính là những điều mà sách trắng này tuyên xưng là, “Xây dựng cơ chế dân chủ trong chính trị Trung Quốc”!
Thực chất, vốn không hề có cái gì gọi là xây dựng cơ chế dân chủ trong chính trị ở Trung Quốc, mà chỉ có một bản tự bào chữa công khai nhằm bảo vệ một hệ thống cai trị độc tài, kết quả của sự lãnh đạo từ đảng Cộng sản tối cao.
Ngày 1/10/1949, sau khi Mao Zedong (Mao Trạch Đông) đăng cơ tại cổng lớn của Quảng trường Tiananmen (Thiên An Môn), một dàn đồng ca đã hân hoan cất tiếng chào mừng: “Người là đấng cứu chuộc nhân dân”, và thanh âm của nó lan tỏa khắp cả nước. Đó là một bài ca có sức bền bỉ với thời gian, nên đến giờ vẫn được người dân nhắc đến như là một loại công cụ mang đầy tính hoài niệm, giúp họ tiêu trừ những cơn bất mãn.
Ngày 1/10/1984, cũng tại Quảng trường Thiên An Môn, Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) đã xuất hiện trong buổi duyệt binh và được người dân nồng nhiệt chào đón bằng những câu chào hỏi thân mật theo kiểu: “Chào Tiểu Bình”. Với một tay vẫy chào đoàn người, vị “kiến trúc sư trưởng” vừa ban bố đến thần dân của ông ta một cơ hội hưởng thụ những thứ tiện ích nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày, bằng cách cho phép “một số người được làm giàu trước”, hầu được giải phóng một cách hạn hẹp về mặt kinh tế.
Đến 1/10/1999, Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) cũng cử hành lễ duyệt binh, và mặc dù bị tấn công từ nhiều phe nhóm, ông ta vẫn giữ vững được vị trí “nhà lãnh đạo tiếp nối truyền thống cách mạng của đảng ta, dẫn dắt người dân và đất nước hướng đến tương lai.”
Jiang đã phát động thêm một cuộc cải cách. Về mặt lý thuyết, nó mang đầy tính khai phóng khi tạo ra các ưu đãi của hoàng quyền cho một nhóm lợi ích mới, qua việc cho phép các tay đại tư bản và giới tài phiệt tham gia vào đảng Cộng sản. Từ đó, những người này đã nhận được thánh chỉ sắc phong từ đảng, giải phóng cho họ về mặt chính trị để họ thực sự có quyền lực trong đảng chứ không còn là những vật trang trí trong Quốc hội, Uỷ ban Tư vấn Chính trị, hay các tổ chức ngoại vi như Mặt trận Thống nhất.
Tôi không biết là liệu người chủ nhân mới của đảng hiện nay, ông Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào), đã lên kế hoạch để xuất hiện tại cổng Tiananmen và cử hành duyệt binh để tạo dựng một hình ảnh “thương dân như con” phiên bản riêng của ông hay chưa.
Tôi cũng không phủ nhận là trong vòng xoay quyền lực của nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có những người nắm vị trí lãnh đạo cấp cao thực sự yêu nước, thương dân. Ví dụ như các ông Hu Yaobang (Hồ Diệu Bang) và Zhao Ziyang (Triệu Tử Dương).
Khi nắm quyền, họ đã ban hành một số chính sách tốt, cũng như chấp nhận mạo hiểm để tạo ra các cuộc cải cách chính trị. Nhưng ngay cả khi điều này là sự thật, thì người dân vẫn phải mong chờ chính quyền ban cho họ những quyền con người và phúc lợi như là của bố thí. Chưa kể, những quan chức tốt trong đảng cũng không thọ được bao lâu trong cái hệ thống ấy.
Hãy cùng nhau lùi lại 10.000 bước vào quá khứ: Nếu người dân xứ ta có thể gặp được những vị quân chủ anh minh thường xuyên hơn, hoặc giả là việc ban ơn của hoàng ân không phải là những trường hợp ngẫu nhiên mà lại xuất hiện đều đặn hơn, thì sức ỳ của dân tộc này (do mãi chờ đợi những ơn huệ ấy) vẫn có thể lý giải được, dù vẫn là điều sỉ nhục đến nhân phẩm. Đó là bởi vì họ đã nhận được những lợi ích thực tế.
Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn ở nước ta là người dân luôn phải chịu đựng những nỗi thống khổ cùng cực và thường xuyên chết trong mòn mỏi đợi chờ để mong gặp gỡ được một vị minh quân khi ông Trời run rủi ban cho cơ hội, hoặc là may mắn nhặt được một của bố thí bủn xỉn nào đấy của lòng nhân đạo.
Mặc dù những thứ mà người dân nhận lại cho những khổ đau của mình bao giờ cũng là một khoản bồi thường ít ỏi và một chút an ủi nhỏ nhoi, muộn màng, nhưng tại sao họ vẫn tiếp tục chấp nhận chờ đợi được hoàng quyền ban ơn? Hơn thế nữa, xuyên suốt chu kỳ lịch sử của Trung Hoa, những lần mà hoàng ân ban phát thừa mứa một chút lại chỉ có thể là một trong hai trường hợp sau.
Thứ nhất là vào những buổi sơ khai khi triều đại mới vừa thành lập, và tình trạng hoảng loạn từ triều đại trước đó cần phải được ổn định lại. Hai là trong những năm cuối cùng đầy khủng hoảng, trước khi một triều đại sụp đổ. Thế nên, hoàng ân chưa bao giờ thật sự ban phát vì cơm no áo ấm của dân chúng, mà thực chất đó chỉ là một phương tiện chính trị nhằm củng cố, duy trì quyền lực, và hướng đến việc bảo vệ chế độ mà thôi.
Vậy đó, người dân nước ta vẫn mãi là những đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào sự bảo bọc của người lớn, luôn luôn trong tâm thế mong chờ một minh quân xuất hiện cứu rỗi họ.
Có lẽ nào người Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu lớn? Có lẽ nào căn tính của họ là vĩnh viễn yếu hèn và suy nhược như thế? Có lẽ nào người Trung Quốc chỉ có thể trao mệnh mình cho Trời, rồi cầu khẩn ngày đêm là minh chủ sớm xuất hiện để họ có thể khấu đầu, xin được ban ân?
Không nghi ngờ gì nữa là giai đoạn cai trị thời Hậu-Mao tại đại lục, nếu so sánh với thời đại Mao, thì người dân đã nhận được rất nhiều quyền lợi thiết thực trong vấn đề cái ăn và chỗ ở, cũng như có được một không gian cá nhân be bé.
Chủ thuyết “mèo nào cũng là mèo” [1] do Deng Xiaoping khởi xướng mang đầy tính thực dụng. Nên khi so sánh với lý tưởng hoàn toàn mang tính đấu tranh giai cấp của Mao, thì đương nhiên sẽ được xem là một chiêu thức chính trị mềm dẻo và linh hoạt hơn.
Thế nhưng, không có bất kỳ thay đổi nào có thể bật tận gốc rễ phương thức sinh tồn của người dân Trung Quốc. Quan hệ giữa hai giai cấp cai trị và bị trị tại đất nước này vẫn bất di bất dịch dù đã trải qua hàng chục thế kỷ và không biết là bao nhiêu triều đại rồi.
Nói trắng ra, cái quyền đưa ra những lời kêu gọi và các quyết định liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, đến số phận của đất nước, đến những đòi hỏi tiến bộ cho xã hội hay để cải thiện cuộc sống, tất cả đều nằm trong bàn tay của những kẻ độc tài.
Tất cả mọi điều tiến bộ trong xã hội luôn xuất phát từ ơn mưa móc bên trên ban xuống, bắt buộc thần dân phải dập đầu tung hô ba lần “vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế” để khẳng định lòng trung thành và biết ơn của họ đối với kẻ cai trị mình. Nó bắt buộc những nhân vật của công chúng phải đóng các vai nhà phê bình đồng thuận với các mục tiêu chung, bắt buộc những kẻ viết thuê phải dùng ngòi bút để bảo vệ và ca tụng, tất cả đều chỉ cho một mục đích duy nhất: tôn vinh trí tuệ và đạo đức của chế độ.
Cho dù đã có một số tiến bộ đây đó về những phong trào bảo vệ dân quyền trong những năm gần đây, chúng ta phải nhìn vào thực tế bi đát mà căn nguyên của những phong trào này phải đối mặt.
Đó là, nếu không phải được những kẻ độc tài tinh vi sử dụng như một công cụ cho mục đích cướp lấy chính quyền và kiến lập một triều đại mới, thì những phong trào đấu tranh từ phía người dân từ dưới lên – để đòi hỏi nhân phẩm và các quyền tự do cá nhân – sẽ bị các cỗ máy cai trị chuyên chế dọn dẹp sạch sẽ.
Sẽ không có chỗ để bất kỳ một phong trào bất tuân dân sự nào đến từ người dân đạt được thành công trên diện rộng, bất kể là theo kiểu cách mạng bạo lực truyền thống để lật đổ chính quyền hay là một phong trào chính trị đối kháng ôn hòa kiểu hiện đại. Bởi vì chúng sẽ không thể nào lay chuyển nổi những căn cơ thâm sâu của chế độ chuyên quyền, cộng với tư duy nô lệ tồn tại lâu đời trên đất nước này.
Thế thì lý do là vì sao?
Việc chính quyền độc tài đàn áp đương nhiên là một trong những nguyên nhân, nhưng thái độ lãnh đạm của số đông dân chúng lại là lý do lớn hơn.
Trong tư duy của những người trì độn, hèn nhát và mù quáng, thì giữa việc bị chính quyền lạm dụng và việc được hưởng một cuộc sống tự do cũng chả khác gì nhau là mấy.
Còn đối với những kẻ thông minh nhưng hèn nhát và vô sỉ, thì bị đàn áp đồng nghĩa với bị nô dịch hóa, vậy nên trở thành tay sai hay đồng lõa với chế độ hoặc cứ ù lì im lặng thì vẫn đỡ hơn.
Đã có khi nào mà người dân đất nước này được nếm trải tự do thuần khiết – thứ tự do thực sự đem đến cho mỗi người cái quyền tự quyết định cuộc đời mình? Trung Quốc đã bao giờ thực sự thoát khỏi vòng xoáy lịch sử, luân chuyển giữa ổn định và hỗn loạn của những triều đại chuyên quyền chưa?
Trải qua vài thế hệ đến nay trong chế độ cộng sản, những câu nói như “sau khi giải phóng”, “từ khi đất nước được thành lập”, và “sau khi một nước Trung Hoa mới được kiến thiết” cùng những lời biện giải theo kiểu “nếu không có đảng Cộng sản thì sẽ không có một nước Trung Hoa mới” đã trở thành kiến thức lịch sử cơ bản của chúng ta, và là thói quen ngôn ngữ ăn sâu vào tâm khảm của ký ức tập thể tại đất nước này – hằng ngày được người dân sử dụng trong giao tiếp, cũng như trong văn viết.
Ngay cả những trí thức và những người tương đối cởi mở trong đảng Cộng sản, biết rõ lịch sử đảng trong lòng bàn tay, vẫn có thói quen sử dụng những ngôn từ trên như là một loại tham chiếu lịch sử khi phải đối diện với các cáo buộc về tội ác mà chính quyền đã gây ra từ sau khi đảng nắm quyền.
Tương tự như vậy, khi người dân bình thường nhắc đến Phong trào Dân chủ năm 1989 và cuộc thảm sát ngày 4/6, số đông bọn họ vẫn ném ra những từ ngữ như “nổi loạn” hay “bạo động”.
Ngay cả những người đã sống ở Beijing năm ấy, trực tiếp chứng kiến những buổi tuần hành ôn hòa của sinh viên và cuộc thảm sát đầy máu tanh của quân đội, vẫn thản nhiên sử dụng thứ ngôn ngữ đại chúng do chính quyền ban hành. Cho dù các cơ quan tuyên truyền của chính phủ đã âm thầm sửa cách gọi từ “nổi loạn”, “bạo động” sang “biến động chính trị”, thì đáng tiếc là ngôn ngữ thị chúng vẫn không thay đổi là mấy.
Từ khi chính quyền Jiang Zemin bắt đầu đàn áp người của Falun Gong (Pháp Luân Công) vào năm 1999, thì cụm từ “giáo phái cuồng tín” (cult) đã trở thành một thuật ngữ được nhiều người sử dụng, đặc biệt rất thịnh hành ở các bạn sinh viên và học sinh, kể cả học sinh tiểu học.
Một vài năm về trước, mỗi lần nghe ai dùng hai từ “bạo động” để nói về Phong trào Dân chủ năm 1989 là tôi lập tức phản bác và chỉnh họ ngay. Lúc đầu, tôi làm điều đó một cách giận dữ, rồi chuyển sang thái độ trang nghiêm, và dần dần thì lại trở thành chịu đựng. Theo thời gian, tôi đã học được cách bỏ qua cho họ. Việc bị chính quyền ép nhồi sọ những giáo điều trong suốt một thời gian dài đã khiến cho tư duy nô lệ trở nên hằn sâu trong ký ức và ngôn ngữ của những người đó rồi.
Triết lý của tổ sư ngành ngôn ngữ học Ludwig Wittgenstein đã xác quyết rằng, ngôn ngữ chỉ là một công cụ dùng để diễn đạt – theo một cách truyền thống nhất – hành vi của một con người. Và rằng việc một người chọn lựa ngôn từ để diễn đạt cũng nói lên phương thức mà họ dùng để tư duy. Phương thức mà họ dùng để tư duy thì lại chính là cách mà một người chọn cho mình thái độ sống.
Và vì vậy, khi suy diễn rộng ra, nếu một người có thói quen sử dụng những ngôn từ mang đầy lòng biết ơn sâu sắc, thì người đó sẽ không thoát khỏi việc đã định sẵn cho mình tư duy mong chờ một đấng cứu chuộc xuất hiện. Tư duy ấy sẽ dẫn dắt họ trở thành một kẻ sống với tâm thức của một nô lệ, sẵn sàng dành cả đời chờ đợi được ban ơn và lo sợ rằng nếu đấng cứu chuộc vĩnh viễn không xuất hiện thì tình cảnh của bản thân sẽ càng bi đát và tuyệt vọng hơn là một con chó nhà tang.
Hết lần này đến lần khác, người dân luôn đặt hết niềm tin và hy vọng vào một cuộc cải cách chính trị từ trên xuống khi một nhân vật sáng giá nào đó vừa lên nhậm chức, để rồi lại thêm một lần thất vọng. Nhưng điều quái gở nhất là dù thất vọng rồi lại thất vọng, người dân lại chưa bao giờ dập tắt chút hy vọng nhỏ nhoi mà họ vẫn luôn ôm ấp, rằng đảng Cộng sản sẽ là nơi khởi xướng và tiến hành cải cách.
Tại sao ư? Câu trả lời thường gặp nhất đó là, tình cảnh đất nước ta buộc phải thế.
Một số người cho rằng, với một nước lớn như Trung Quốc thì chỉ có một chế độ chuyên chế mới có thể quản lý được nó.
Một số khác thì lại cho rằng đảng Cộng sản vẫn là lực lượng lớn nhất, nắm giữ nhiều tài nguyên quốc gia và độc quyền nhiều thứ trong xã hội, và nếu nó không tự chuyển hóa thì không có lực lượng nào có đủ sức chống lại nó cả.
Một số nữa thì lại cho rằng các nhóm chính trị đối lập không có cửa nào để đấu lại với đảng Cộng sản, và rằng nếu các nhóm này trở thành lực lượng lãnh đạo thì sẽ còn tồi tệ hơn cho đất nước.
Một số thì tin rằng cần phải phát triển kinh tế, trước khi tiến hành cải cách chính trị. Vì một nền kinh tế tăng trưởng tốt sẽ giúp xã hội bình ổn, nên chỉ có tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản thì mới có thể giữ được một xã hội bình an và ổn định.
Tiếp theo, một số người khác sẽ nói, với dân số khủng khiếp như Trung Quốc và đa số người dân thì thiếu hiểu biết và yếu kém, thì chỉ có một mô hình lãnh đạo với tài dẫn dắt đầy khoan dung độ lượng từ tầng lớp tinh hoa cùng những thay đổi từ trên xuống là phù hợp.
Tất cả những lập luận này thật ra chỉ để nêu lên một suy nghĩ chung và duy nhất: Nếu không có đảng Cộng sản hoặc là nếu đảng Cộng sản từ bỏ quyền lực, thì lực lượng nào đủ sức đối trọng để có thể thay thế nó?
Không phải các nhà đấu tranh dân chủ và những người mang tư tưởng chính trị đa nguyên cũng luôn gặp phải câu hỏi này hay sao? Và đó cũng là lý do vì sao mà đối với người dân bình thường, tiếp tục chờ đợi cho đến khi giai cấp cai trị ban cho họ món quà ấm no, hạnh phúc vẫn là chọn lựa tốt nhất.
Tại một thời điểm mà người dân không cần phải đánh đấm gì nữa, thậm chí cũng chẳng cần chuẩn bị cho việc có được các quyền tự chủ – một thời điểm mà họ đã buông bỏ mọi nỗ lực trước khi cuộc đấu tranh cho các quyền tự do và các lợi ích cá nhân thật sự được bắt đầu – thì khi ấy, con người rất dễ dàng để tiềm thức của mình dựng lên một giả định.
Thứ giả định đáng sợ đó là, nếu không có những kẻ cai trị hiện nay, cả đất nước này sẽ ngay lập tức hỗn loạn và sụp đổ.
Giả định này trước hết đến từ quá trình tuyên truyền các giáo điều của đảng Cộng sản trong quần chúng suốt một thời gian dài. Nhưng nó cũng đến chính từ tư duy nô lệ vốn chưa bao giờ thay đổi ở người dân nước ta.
Chúng ta dễ nhận ra được vì sao những kẻ độc tài luôn xem thường các tư liệu lịch sử khi dựng lên giả định này. Đó là vì mỗi quyết định về chính sách của họ và tất cả những gì họ tuyên truyền chỉ có duy nhất một mục đích: giữ vững quyền lực tối thượng của mình.
Nhưng không có một lý do nào cho phép người dân cứ tiếp tục tin vào cái giả định ấy để mà sống. Bởi vì cái cơ chế được dựng lên để bảo vệ cho nó chính là một cơ chế không đối đãi với công dân như những con người.
Khi mà người dân chấp nhận bỏ qua tất cả tư liệu lịch sử và chọn chỉ tin vào cái giả định nói trên, họ sẽ cảm thấy việc gì phải nôn nao bồn chồn khi chúng ta có thể ngồi há miệng từ từ chờ sung rụng? Và nếu có phải đốt đuốc chín, mười kiếp để có thể kiếm được một vị chủ nhân đầy đạo đức hay một minh quân nào đó thì cũng đáng chờ.
Họ cũng sẽ nhìn tất cả mọi nỗ lực thay đổi chính trị của phía người dân từ dưới vùng lên, cũng như những ai đấu tranh cho các quyền con người là những thứ cản trở tiến bộ xã hội và khiến cho tình hình càng rối ren hơn.
Họ sẽ bào chữa cho các hành động của chính quyền, cho dù những kẻ cai trị chỉ làm ra một phần trăm chuyện tốt trong khi gây ra 99 phần trăm thảm họa. Thế nhưng, người dân sẽ dùng cái một phần trăm tốt đẹp đó để biện minh cho 99 phần chính sách sai lầm của chính quyền.
Ngay cả khi bị thảm sát, bỏ đói, bỏ tù, lưu đày, tước đoạt đi các quyền tự do và bị phân biệt đối xử thì những người dân nhỏ bé đó vẫn luôn miệng cảm tạ là họ đời đời kiếp kiếp mang ơn những nhà độc tài, những kẻ mà đối với họ là vô cùng “vĩ đại, đáng kính và không bao giờ phạm sai lầm”.
Bạch Cư Dị [2] đã từng viết: “Dã hỏa thiêu bất tận, Xuân phong xuy hựu sinh.” Nghĩa là, mặc cho lửa đồng năm nay thiêu rụi cả, cùng với gió xuân năm mới lại hồi sinh. Tuy nhiên, tại Trung Quốc ngày nay, khi họ ca tụng những câu thơ này thì bản thân lại không bao giờ nghĩ là Bạch Cư Dị đã dùng chúng để diễn tả sức sống và lòng can đảm của những kẻ dám đứng thẳng làm người. Mà ngược lại, họ lại cho rằng ông ấy ca ngợi cái thái độ quỳ gối, cúi đầu hết sức thuần thục và tận tụy của dân ta trước kẻ cai trị.
Dưới thời phong kiến, các quan văn võ đều quỳ thẳng tắp rồi hô vang, “vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế” ba lần trước mặt hoàng đế. Quảng trường Tiananmen là nơi đã chứng kiến bao kẻ độc tài vẫy tay trong biển người tung hô chúng như là những đấng cứu thế. Sau khi triều đình nhà Thanh sụp đổ và đặc biệt là từ khi đảng Cộng sản cầm quyền, người dân chúng ta không còn phủ phục quỳ gối như trước kia nữa. Thế nhưng, chúng ta thật ra còn quỳ thấp hơn trong thâm sâu tâm hồn của mỗi người nếu phải so sánh với thế hệ cha ông.
Có một lời khuyên về việc làm thế nào để trở thành một người chính trực như thế này: Con người sinh ra vốn tự do và bình đẳng, việc nô lệ hóa đại chúng và tạo ra bất bình đẳng trong xã hội không phải là do quyền hành tối thượng hay trí tuệ của kẻ cai trị, mà là do người dân chịu quỳ xuống trước chúng.
Có lẽ nào ngày nay, sau hơn 100 năm kể từ khi chế độ phong kiến cáo chung tại đất nước này và cũng không còn ai bị ép phải tam khấu cửu bái (ba quỳ chín lạy) kẻ cai trị nữa, người dân tại đây vẫn tự làm cho bản thân hèn mọn đi bằng cách tìm ra đủ loại lý lẽ để biện minh cho tư thế khấu bái hiện tại của mình?
Có lẽ nào một chút ưu đãi, tỉ như một chuẩn mực sống khá hơn hay là lời hứa hẹn cứ giàu đi rồi sẽ được vào đảng, đã khiến cho người dân nước này chỉ còn có thể tiếp tục quỳ cúi mà sống, khấu đầu tuyên xưng lòng đại lượng và quang vinh của những kẻ độc tài?
Muốn cho hạt mầm của một nước Trung Quốc tự do nảy nở, thì việc đặt cược vào “những chính sách mới” của kẻ cai trị là một điều rất sai lầm. Chi bằng chúng ta hãy đặt niềm tin vào một “thứ quyền lực mới” đang dần trỗi dậy từ chính người dân.
Ngày mà phẩm giá của người dân được chính bản thân họ tự khẳng định trong mỗi người và đòi hỏi được pháp luật công nhận, thì đó mới chính là ngày mà quyền con người của mỗi chúng ta có được những thiết chế bảo vệ thật sự.
Ghi chú:
1. Khi Deng Xiaoping trở lại chính trường (sau thời gian bị thất sủng vì Cách mạng Văn hoá) vào những năm giữa thập niên 1970, ông ta đã rất nổi tiếng với câu nói: “Không cần biết mèo trắng hay mèo đen, miễn bắt được chuột đều là mèo tốt,” cho thấy ông là người chọn chủ nghĩa thực dụng chứ không cứng nhắc với lý tưởng cộng sản. Deng Xiaoping đã gặp rắc rối với Mao Zedong vì tuyên bố này và bị tước hết các chức vụ. Tuy nhiên, sau cái chết của Mao, chủ trương của Deng được ghi nhận là đã mang lại những thay đổi lớn cho nền kinh tế Trung Quốc vào những thập niên sau đó.
2. Bạch Cư Dị (Bai Juyi 772–846) là một trong những thi sĩ nổi tiếng nhất vào thời nhà Đường. Thơ của ông thường xuyên phản ánh những bất công trong xã hội như tham nhũng và việc lạm dụng quân sự hóa của chính quyền.