Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Ngày này cách đây 19 năm, 17/8/1998, Tổng thống Mỹ Bill Clinton trình diện và cung khai trước một Đại Bồi thẩm đoàn (Grand Jury), vốn được lập ra để điều tra một vụ bê bối tình dục của chính ông. Clinton là vị tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị một Đại Bồi thẩm đoàn thẩm vấn như thế.
Vậy Đại Bồi thẩm đoàn là gì? Vì sao vụ điều tra một cáo buộc bê bối kinh tế cá nhân của Bill Clinton và vợ ông là bà Hillary Clinton lại “góp gió thành bão”, biến thành một cuộc điều tra phanh phui một trong những vụ bê bối tình dục nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ, để rồi cuối cùng dẫn đến một phiên luận tội phế truất (impeachment) đầy tranh cãi dành cho ông Clinton?
Hãy cùng Luật Khoa tìm hiểu.
Đầu nguồn mọi rắc rồi của nhà Clinton là một vụ kinh doanh bất động sản thất bại.
Trong những năm 1970-1980, khi còn làm Thống đốc bang Arkansas, ông Bill Clinton và bà Hillary Clinton chung tay với cặp vợ chồng nhà McDougal (cũng là bạn thân của gia đình Clinton), cùng đầu tư vào một doanh nghiệp mua bán và phát triển bất động sản tên là Whitewater. Vợ chồng nhà McDougal trực tiếp điều hành, nhà Clinton chỉ góp vốn.
Công ty này ban đầu tập trung vào việc mua rẻ một vùng đất sông núi phong cảnh hữu tình của bang Arkansas để làm khu nhà ở và nghỉ mát.
Vụ đầu tư này cuối cùng thất bại. Doanh nghiệp Whitewater tiếp tục đầu tư vào các dự án bất động sản khác và vẫn thất bại.
Túng quá làm liều, nhà McDougal bèn lén dùng tiền từ một tổ chức tín dụng mà ông ta quản lý để sớt qua chữa cháy cho Whitewater. McDougal còn dùng nhiều chiêu trò khác để hút tiền cho “hụi” bất động sản của mình.
Vụ việc bị phanh phui vào năm 1989 khiến cả McDougal và các dây mơ rễ má bị chính quyền liên bang điều tra về tội lừa đảo tín dụng. Doanh nghiệp Whitewater chính thức “bể sô” năm 1992 khiến nhà Clinton lỗ mấy chục nghìn đô.
Các điều tra ban đầu về lừa đảo tín dụng tại Whitewater của chính quyền liên bang không dẫn đến bất kỳ một cáo buộc nào chống lại nhà Clinton.
Năm 1992, Bill Clinton ra tranh cử tổng thống khá thành công và cuối cùng chiến thắng trước Tổng thống đương nhiệm George Bush (cha) với cách biệt 43% so với 37% số phiếu phổ thông của Bush.
Trong lúc Bill Clinton tranh cử, một phóng viên điều tra của tờ The New York Times là Jeff Gerth lần ra được mối dây liên kết giữa nhà Clinton với vụ bê bối Whitewater. Loạt bài điều tra phê phán mạnh mẽ nhà Clinton của Jeff Gerth gây được tiếng vang trong công luận.
Bill Clinton bước vào Nhà Trắng năm 1993 với nhiều điều tiếng về việc lợi dụng chức quyền làm ăn phi pháp khi còn ở bang Arkansas, và thậm chí đã lạm dụng quyền lực để cản trở việc điều tra vụ Whitewater.
Áp lực từ đảng Cộng hòa (rất hăng hái vì vừa để mất Nhà Trắng vào tay đảng Dân chủ của Clinton), cộng thêm việc truyền thông Mỹ liên tục nhắc đến vụ Whitewater càng tạo áp lực chính trị cho việc điều tra nghiêm túc các cáo buộc chống lại nhà Clinton.
Nhiệm kỳ tổng thống của Clinton cũng bắt đầu trong năm 1993 một cách đầy sóng gió với một số cáo buộc lạm dụng quyền lực và thất lạc hồ sơ tài liệu quan trọng khác. Ngoài ra còn có cái chết bất ngờ khá mờ ám của một luật sư làm việc cho Nhà Trắng là Vince Foster.
Giờ điều tra đã điểm.
Tháng 8/1994, một ủy ban đặc biệt gồm ba thẩm phán liên bang, phối hợp với Bộ Tư pháp Mỹ dưới quyền Tổng Chưởng lý Janet Reno (do Clinton bổ nhiệm), quyết định giao chức công tố viên độc lập (independent counsel) cho Kenneth Starr (ảnh).
Công tố viên độc lập Starr sẽ điều tra các cáo buộc liên quan đến vụ bê bối Whitewater và các cáo buộc khác.
Starr là một cựu thẩm phán tòa án liên bang và là một đảng viên Cộng hòa. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm hành nghề luật và từng làm Luật sư trưởng của Bộ Tư pháp (Solicitor General) dưới thời chính phủ của Tổng thống Bush (cha).
Trong khi công tố viên đặc biệt Kenneth Starr làm việc thì chính phủ Mỹ và Nhà Trắng vẫn phải hoạt động bình thường.
Bill Clinton cũng chẳng có thời gian rảnh mà ngồi lo. Tháng 10 năm 1995, chính phủ Mỹ phải thông qua kế hoạch ngân sách cho năm sau.
Cãi nhau như mổ bò mà hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn không thống nhất được ngân sách. Thỏa thuận tiền nong không được khiến cho nhánh hành pháp Mỹ phải tạm ngừng hoạt động. Cháy túi, các cơ quan chính phủ, trong đó có Nhà Trắng, buộc phải kêu nhiều nhân viên ăn lương tạm nghỉ ở nhà.
Tay chân ít đi mà việc thì vẫn nhiều, các cơ quan chính phủ Mỹ phải quay qua đón nhận các cô cậu 7x đang vừa hai mấy xuân xanh cần kinh nghiệm hơn cần tiền vào làm việc không lương.
Tháng 11/1995, một cô cử nhân tâm lý học 21 tuổi vừa tốt nghiệp đại học xin được một chân tập sự không lương trong Phòng Lập pháp Sự vụ (Legislative Affairs) của Nhà Trắng.
Cô nàng tên là Monica Lewinsky. Cô không hề e lệ chút nào về việc cô là một trong những “fan cuồng” của vị Tổng thống đẹp trai Bill Clinton.
Monica Lewinsky đã gặp sơ qua và chào hỏi Bill Clinton từ hồi tháng 8/1995 khi cô cùng nhiều bạn bè và người hâm mộ đến dự sinh nhật ông.
Ngày 14/11 Lewinsky nhận việc thì ngay ngày hôm sau cô và Bill Clinton đã lần đầu tiên “động chạm xác thịt”.
Hết khủng hoảng ngân sách năm 1995, Lewinsky vẫn xin được một vị trí khác có lương trong Nhà Trắng, tạo điều kiện cho cô tiếp tục qua lại với Clinton.
Lai rai nhiều lần từ tháng 11/1995 đến tháng 3/1996, Lewinsky thực hiện các hành vi tình dục với Clinton (mà theo lời khai sau này của cả hai, “bao gồm quan hệ tình dục bằng miệng, nhưng không có giao cấu”).
Thái độ vô tư cùng với tác phong quần áo thường xộc xệch của Lewinsky không thoát khỏi tầm mắt của Evelyn Lieberman, Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng, đồng thời là bạn thân của Đệ nhất Phu nhân Hillary Clinton.
Lieberman than phiền về Lewinsky với thuộc cấp và yêu cầu phải “tống” cô nàng này khỏi Nhà Trắng càng sớm càng tốt.
Trong thời gian cả gan “tòm tem” với Lewinsky trong Nhà Trắng, Tổng thống Clinton còn phải gánh một vụ kiện dân sự từ Paula Jones (ảnh), một nhân viên chính phủ bang nhà Arkansas của Clinton.
Theo cáo buộc trong đơn kiện năm 1994 của Jones, ba năm trước đó, tức năm 1991, khi Jones đang tháp tùng ngài Thống đốc bang Clinton tại một khách sạn nọ, Clinton đã cởi quần ra “khoe hàng” và đề nghị Jones quan hệ tình dục với ông.
Jones giữ kín việc này cho đến năm 1994 mới tiết lộ cho báo chí và đồng thời đâm đơn kiện Clinton tội xâm hại tình dục, đúng ba ngày trước khi hết thời hiệu khởi kiện. Jones đòi Clinton bồi thường 750,000 đô-la.
Luật sư của Bill Clinton và Paula Jones phải “kèn cựa” mấy năm trời, lôi nhau lên tận Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ để cãi là Clinton có quyền đòi hoãn vụ kiện cho đến khi ông mãn nhiệm tổng thống hay không.
Các thẩm phán Tối cao Pháp viện bảo không và vụ kiện chính thức ra tòa vào năm 1997.
Trong khi đó thì phe bà Hillary Clinton cuối cùng cũng đã đẩy được cô Monica Lewinsky ra khỏi Nhà Trắng.
Tháng 4/1996, Lewinsky được thuyên chuyển sang làm việc tại Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Vừa nhận việc, Lewinsky kết bạn ngay với một đồng nghiệp, cũng là cựu nhân viên Nhà Trắng: Linda Tripp (ảnh phải). Tripp lớn hơn Lewinsky những 24 tuổi nên đóng vai trò đàn chị chỉ bảo, tâm sự, chia sẻ nhiều với Lewinsky. Lewinsky rất vô tư chia sẻ với Tripp về chuyện tình dục với Bill Clinton.
Tripp nghe được chuyện này mà như bắt được vàng. Bà từng làm việc trong Nhà Trắng cho Tổng thống Bush (cha) và cho cả Bill Clinton đến tháng 3/1994 thì bị đám trợ tá của Clinton trong Nhà Trắng “đẩy” qua Bộ Quốc phòng làm một công việc lương cao hơn.
Tripp tự nhận mình không có thành kiến đảng phái gì hết nhưng bà cực kỳ không thích thái độ hợm hĩnh, “xem mình đứng trên tất cả, kể cả pháp luật” của vợ chồng nhà Clinton.
Tripp chia sẻ chuyện Lewinsky tâm sự với một người bạn là Lucianne Goldberg, một chuyên gia quan hệ công chúng có tư tưởng bảo thủ, chống đảng Dân chủ rất quyết liệt. Goldberg khuyên Tripp lén đặt băng ghi âm thu lại các đoạn Lewinsky tâm sự chuyện tình dục với Clinton.
Từ mùa thu năm 1997, Tripp bắt đầu lén thu âm Lewinsky.
Cuối năm 1997, có một loạt các cuộc điện thoại nặc danh gọi đến đội luật sư của Paula Jones trong đơn kiện quấy rồi tình dục của cô chống lại Bill Clinton.
Các cuộc gọi này “bật mí” chuyện tình dục giữa Lewinsky và Clinton trong Nhà Trắng, đồng thời cho biết vai trò của Linda Tripp trong vụ này.
Đội luật sư của Paula Jones nhận ra ngay hướng xử lý rất có lợi này: nếu buộc được Lewinsky xác nhận chuyện tình dục với Clinton, phe Jones có thể chứng minh được là Clinton thật sự có xu hướng tình dục mạnh mẽ và đó chính là động cơ cho hành vi quấy rối tình dục với Jones.
Jones xin toà triệu tập cả Tripp và Lewinsky làm nhân chứng quan trọng trong vụ Jones kiện Clinton.
Linda Tripp quyết định không chờ ra tòa xử vụ Paula Jones mới đưa ra các tiết lộ động trời của mình. Bà quyết định cung cấp các thông tin mình có cho công tố viên độc lập Kenneth Starr, người lúc đó đã điều tra các cáo buộc bê bối của chính phủ Clinton được bốn năm nhưng chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Tháng 1/1998, Tripp gọi điện thoại cho văn phòng của Starr đề nghị chia sẻ các tiết lộ của Lewinsky.
Starr cử nhân viên FBI hỗ trợ Tripp lén ghi âm thêm các tâm sự và thú nhận từ Lewinsky để văn phòng của Starr có thể xác nhận độc lập các nội dung này.
Xác nhận nội dung xong, Starr bèn xin Bộ Tư pháp được bí mật mở rộng phạm vi điều tra sang cáo buộc Clinton quan hệ tình dục với Lewinsky. Tổng Chưởng lý Janet Reno của Bộ Tư pháp hội ý cùng ba vị thẩm phán trong ủy đặc biệt đã bổ nhiệm Starr và quyết định chuẩn y việc mở rộng điều tra.
Đồng thời, phiên tòa xử vụ Paula Jones đã tới bước lấy lời khai của các bên. Việc lấy lời khai này có tuyên thệ (under oath), nghĩa là người đưa lời khai phải thề không gian dối, nếu gian dối sẽ bị tòa xử tội coi thường tòa án (perjury).
Ngày 07/01/1998, Monica Lewinsky khai là cô chưa bao giờ có bất kỳ quan hệ tình dục gì với Tổng thống Bill Clinton.
Ngày 17/1/1998, phía Paula Jones lấy lời khai của Tổng thống Bill Clinton. Chuyện Lewinsky được đưa ra truy vấn kỹ càng. Clinton khai chưa bao giờ có quan hệ tình dục gì với Lewinsky.
Giữa tháng 1/1998, bắt đầu rộ lên các tin đồn trong công luận Mỹ về chuyện Lewinsky và Clinton.
Ngày 21/1/1998, công tố viên đặc biệt Kenneth Starr quyết định ngửa bài.
Ông công khai với báo giới là việc điều tra các bê bối của chính phủ Clinton sẽ được mở rộng sang điều tra cáo buộc Tổng thống Bill Clinton lén quan hệ tình dục với thực tập sinh Monica Lewinsky tại Nhà Trắng.
Tiết lộ động trời này lập tức trở thành câu chuyện bàn tán số một trên toàn quốc.
Bill Clinton đưa ra thông cáo phủ nhận là ông có bất kỳ “mối quan hệ không phù hợp” nào với Monica Lewinsky. Ngày 26/1/1998, trước ống kính truyền hình, Bill Clinton cáu bẳn nói những lời sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ: “Tôi đã không hề có quan hệ tình dục với người phụ nữ đó, cô Lewinsky”.
Phe ủng hộ Clinton lớn tiếng chỉ trích quyết định mở rộng điều tra của công tố viên đặc biệt Kenneth Starr là một hành vi mang màu sắc chiến tranh đảng phái, không công tư phân minh.
Đội ngũ tư vấn pháp lý của Clinton thì cuống cuồng nghĩ cách giải quyết vấn đề “há miệng mắc quai” của Bill Clinton: lời khai có tuyên thệ đã đưa cho phía Paula Jones bốn ngày trước đó không thể được rút lại hay “đính chính” gì cả.
Theo nhận định của mình, công tố viên độc lập Starr cho rằng Tổng thống Bill Clinton trong vụ Lewinsky đã có các biểu hiện nói dối trước tòa bất kể việc có tuyên thệ (lying under oath), đồng thời đã có biểu hiện cản trở công lý (obstruction of justice) khi tìm cách che giấu bằng chứng và cản trở việc điều tra vụ Lewinsky.
Dùng thẩm quyền công tố viên đặc biệt của mình, Kenneth Starr ra quyết định lập Đại Bồi thẩm đoàn (Grand Jury) để điều tra Tổng thống Bill Clinton về các cáo buộc liên quan đến Lewinsky.
Cơ chế Đại Bồi thẩm đoàn là một di sản kế thừa từ nền thông luật Anh trong luật hình sự Mỹ. Cơ chế này được quy định trong Tu chính án thứ Năm của Hiến pháp Mỹ, tạo điều kiện cho việc điều tra công bằng và kỹ càng các tội hình sự nghiêm trọng (“infamous crime”).
Tại Mỹ, các bồi thẩm đoàn thông thường trong các phiên xử án hình sự (chính ra là các Tiểu Bồi thẩm đoàn – petit jury) chỉ có từ sáu đến 12 thành viên (được tuyển chọn từ một nhóm ngẫu nhiên nhiều công dân Mỹ) và có nhiệm vụ quyết định kết án một người hay không sau khi đã nghe trình bày, bào chữa, và chứng cứ của tất cả các bên.
Các Đại Bồi thẩm đoàn không như thế. Họ có từ 16 đến 23 thành viên (cũng được tuyển chọn từ một nhóm ngẫu nhiên nhiều công dân Mỹ). Nhưng Đại Bồi thẩm đoàn không quyết định có kết tội một người hay không, mà quyết định có thống nhất nội dung cáo trạng chống lại một người hay không.
Tức là, công tố viên đặc biệt sẽ thu thập bằng chứng, triệu tập và tra hỏi nhân chứng, tra hỏi bị can – người đang bị điều tra. Đại Bồi thẩm đoàn sẽ nhìn vào bằng chứng, quan sát các phiên thẩm vấn, và cuối cùng quyết định là bị can sẽ phải đối mặt với các tội trạng nào khi được xử chính thức ở tòa hình sự.
Phải có ít nhất 12 thành viên trong Đại Bồi thẩm đoàn đồng thuận thì bản cáo trạng mới được ban hành. Các phiên thẩm vấn của Đại Bồi thẩm đoàn được giữ kín, không cho báo chí hay công chúng tham dự.
Suốt từ tháng 1 đến mùa hè năm 1998, công tố viên đặc biệt Starr cùng Đại Bồi thẩm đoàn trong vụ Clinton-Lewinsky liên tục triệu tập các nhân vật như Lewinsky, Tripp, các trợ tá, các thành viên nội các của Bill Clinton, và cả các nhân viên đặc vụ bảo vệ tổng thống, cũ mới có đủ, để thẩm vấn.
Ngày 26/7/1998, nhân vật chính, Tổng thống Bill Clinton, nhận được giấy triệu tập chính thức.
Đối mặt với công tố viên đặc biệt và các thành viên đại bồi thẩm ngày 17/8/1998, Bill Clinton có hai lựa chọn: cung khai đầy đủ khi được thẩm vấn, hoặc tận dụng nội dung Tu chính án thứ Năm về quyền im lặng, không phải đưa ra bằng chứng chống lại chính bản thân mình.
Bill Clinton, từng học và hành nghề luật trước khi làm chính trị, chọn phương án cung khai đầy đủ, kiên quyết giữ vững nội dụng đã khai có tuyên thệ là ông không hề có quan hệ tình dục với Monica Lewinsky.
Phần cung khai của Clinton được thu băng video lại để lưu trữ và tạo điều kiện cho các thành viên Đại Bồi thẩm đoàn nào không thu xếp có mặt tại phiên thẩm vấn được có thể theo dõi.
Trong buổi thẩm vấn ngày 17/8/1998, bên công tố truy hỏi Tổng thống Bill Clinton gắt gao về những gì ông đã khai có tuyên thệ từ trước về mối quan hệ giữa ông và Monica Lewinsky. Từng lời khai trước đó của Clinton được đem ra mổ xẻ
Trong nỗ lực tự thanh minh cho chính mình, Bill Clinton đã sử dụng một thứ ngôn ngữ, có thể nói nôm na là “chày cối pháp lý”.
Khi bên công tố chất vấn ông có trung thực không khi nói “hiện nay giữa chúng tôi thì là không có gì” (“there’s nothing going on between us”), Clinton đáp rằng lời nói đó không hẳn là giả dối vì:
“Tùy thuộc định nghĩa ‘thì là’ (is) là gì. Nếu như ‘thì là’ có nghĩa là không có và chưa bao giờ có, thì đó là một chuyện. Nếu nó có nghĩa là ‘hiện tại đây không có gì’, thì nó là một lời khai xác thực.”
“Quan hệ tình dục” (sexual relationship) tưởng là dễ hiểu nhưng cũng trở thành đề tài gây tranh cãi trong nội dung thẩm vấn.
Clinton thì cho rằng “quan hệ tình dục” phải bao gồm hành vi giao cấu (sexual intercourse) mà ông và Lewinsky thì không giao cấu nên việc giữa hai người, cho dù có “không đứng đắn” (inappropriate) đến đâu đi nữa, thì cũng không phải là quan hệ tình dục.
Vì thế nên theo Clinton khi ông khai có tuyên thệ là ông “không hề có quan hệ tình dục” với Lewinsky tức là ông đã nói thật chứ không phải dối trá.
Bất ngờ là ngay sau màn trả treo này, Bill Clinton lại… tự thú trước nửa đêm. Tối cùng ngày 17/8, Clinton xuất hiện trên truyền hình Mỹ và thú nhận là ông đã có một mối quan hệ “không đứng đắn” với Monica Lewinsky, rằng ông đã lừa dối nhiều người, bao gồm cả vợ ông, bà Hillary.
Tháng 9/1998, công tố viên độc lập Starr công bố báo cáo cuối cùng của ông về việc điều tra bê bối tình dục Clinton – Lewinsky.
Báo cáo Starr xác định Tổng thống Bill Clinton đã quan hệ tình dục với thực tập sinh Monica Lewinsky trong Nhà Trắng, và Tổng thống Clinton đã phạm tội hình sự: nói dối trước tòa dân sự (vụ kiện của Paula Jones) bất kể việc có tuyên thệ, nói dối trước Đại Bồi thẩm đoàn bất kể có tuyên thệ, và cố tình cản trở công lý (obstruction of justice) khi tìm cách che dấu bằng chứng và cản trở việc điều tra vụ Lewinsky.
Công tố viên Starr đề xuất việc tiến hành thủ tục luận tội phế truất (impeachment) Tổng thống Clinton dựa trên các nhận định nói trên. Starr cũng kết luận về các cáo buộc bê bối khác của chính phủ Clinton: không có sai phạm nào đáng kể hay đủ bằng chứng để luận tội.
Báo cáo Starr trở thành cơ sở duy nhất cho việc Quốc hội Mỹ tiến hành luận tội phế truất Clinton.
Vụ bê bối tình dục với Monica Lewinsky đã trở thành mũi tên duy nhất mà công tố viên đặc biệt Kenneth Starr bắn trúng mục tiêu Bill Clinton của mình.
Song song với việc tiến hành luận tội phế truất Tổng thống Clinton, Quốc hội Mỹ cũng có một quyết định khiến phe ủng hộ Clinton phải phản đối chỉ trích dữ dội: cho công khai toàn bộ băng ghi hình cuộc thẩm vấn Tổng thống Clinton trước Đại Bồi thẩm đoàn ngày 17/8/1998.
Những màn “trả treo”, “chày cối pháp lý” của Bill Clinton được công chúng Mỹ biết đến và nay đã trở thành những giai thoại quen thuộc hay mẩu chuyện hài hước nhiều người biết trong văn hóa đại chúng Mỹ.
Trong tranh biếm họa trên, cậu bé Bill Clinton bị mẹ hỏi có ăn vụng bánh nhân anh đào không.
Cậu bé “lý sự”: “Con có thể nói là con đã KHÔNG ăn cái bánh anh đào ‘tại đây’, nếu khi nói ‘tại đây’ con có ý là trong khu vực của cái bếp này. Giờ thì, mẹ có muốn nghe kế hoạch tám điểm về việc dọn phòng của con không ạ?”
Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ cuối cùng vẫn không phế truất được Tổng thống Clinton. Nhưng đó là một câu chuyện khác và sẽ được kể vào một dịp khác.
Tài liệu tham khảo: