Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thoạt nhìn, đại diện chính trị có vẻ như là một khái niệm đơn giản: cứ vài năm một lần, người ta lại tổ chức một cuộc bầu cử cấp quốc gia. Tại đó, các công dân ở từng khu vực địa lý sẽ lựa chọn từ nhiều ứng cử viên – thường là công dân trưởng thành sống trong chính khu vực đó – để bầu ra vài người vào trong quốc hội (hay một số nơi còn gọi là nghị viện) nhằm đại diện cho mình. Những người này thường được gọi là đại biểu quốc hội hay nghị sĩ.
Tuy nhiên trong thực tế, đây là một vấn đề hết sức phức tạp, với nhiều cuộc tranh cãi đã diễn ra trong suốt hơn 200 năm qua song vẫn chưa ngã ngũ. Các cuộc tranh luận này xoay quanh ba câu hỏi chính: vai trò của người đại diện là gì, người đại diện có trách nhiệm với ai; và đâu là những ràng buộc cần thiết đối với người đại diện.
Tại sao cần có người đại diện
Trong lịch sử nhân loại, đã có thời người dân trực tiếp cai trị quốc gia. Đó là thời kỳ của các thành bang Hy Lạp cổ đại, mà nổi tiếng nhất là Athens. Ở thành bang này, mỗi khi quốc gia có vấn đề cần giải quyết, thì toàn thể người dân sẽ tập hợp lại để thảo luận và ra quyết định. Ngày nay kiểu thể chế cai trị này được gọi là nền dân chủ trực tiếp.
Athens được ca ngợi không chỉ vì ở đó người dân cai trị chính mình, mà còn vì chính nhờ thể chế như vậy đã giúp sản sinh ra một nền văn hóa rực rỡ làm nền tảng cho văn hóa phương Tây hiện đại, với các nhà tư tưởng lớn như Socrates, Plato, hay Aristote (dù các vị này đều kịch liệt phê phán nền dân chủ).
Tuy vậy, mô hình dân chủ trực tiếp này có một nhược điểm lớn. Nó chỉ phù hợp với các quốc gia nhỏ và ít dân như Athens ngày xưa hay Thụy Sỹ ngày nay. Trên thế giới hiện nay, phần lớn các quốc gia đều có diện tích và quy mô dân số rất lớn, nếu cứ lúc nào quốc gia có việc lại phải tập hợp toàn dân để mà biểu quyết thì vô cùng tốn kém và phiền toái.
Thay vào đó, con người trong nền dân chủ hiện đại đã áp dụng một mô hình dân chủ khác, ở đó người dân không trực tiếp cai trị quốc gia, mà họ bầu ra những người đại diện để thay họ làm điều đó. Ta gọi đây là nền dân chủ đại diện.
Tuy nhiên, khi nền dân chủ đại diện ra đời, lại nảy sinh nhiều vấn đề hóc búa về trách nhiệm của người đại diện. Trong cuốn sách The Concept of Representation [Khái niệm về đại diện] của mình, nhà chính trị học Hanna Fenichel Pitkin đã nêu lên câu hỏi đáng suy ngẫm:
“Rốt cuộc thì một người đại diện có nên (phải) làm theo những gì mà các cử tri của anh ta mong muốn, và bị ràng buộc bởi sự ủy nhiệm hay hướng dẫn từ họ; hay là anh ta nên (phải) được tự do hành động theo cái cách mà anh ta coi là tốt nhất cho các cử tri?“. [1]
Lý thuyết đại diện ủy nhiệm
Trong lý thuyết này, người ta thường coi một người đại diện “tốt” phải là người phản ánh được những mối quan tâm của cử tri, hoặc là người “cân đong đo đếm” được những nhu cầu phức tạp và xung đột của các cử tri. Về cơ bản, nền dân chủ đại diện được ưa chuộng nhờ các cuộc bầu cử công bằng và tự do, tại đó các công dân sẽ đánh giá một ứng cử viên có khả năng đại diện cho họ một cách “tốt” hay “tồi”, để rồi họ sẽ quyết định nên bầu cho ai. [2]
Theo Pitkin, quan điểm này đòi hỏi người đại diện buộc phải làm theo mọi đòi hỏi và ước muốn của cử tri. Nếu người đại diện tự do hành động theo chủ kiến cá nhân, tức là anh ta đã đi chệch ra khỏi vai trò của chính mình. Đôi khi người đại diện có thể tự do hành động, nhưng phải tham khảo ý kiến của cử tri trước khi làm một điều gì mới mẻ hoặc gây tranh cãi. Cùng lắm thì người đại diện có thể hành động theo cái cách mà anh ta coi là đúng, cho đến khi các cử tri của anh ta lên tiếng phản đối. Mà một khi họ phản đối thì anh ta phải nghe theo họ.
Lý thuyết đại diện ủy nhiệm có nhiều ưu điểm.
Thứ nhất, khi người đại diện phục tùng ý kiến của cử tri, thì quyền lợi trực tiếp của người dân sẽ được đảm bảo.
Thứ hai, khi người đại diện phản ánh được tiếng nói của cử tri, thì người dân sẽ cảm thấy chính quyền thuộc về họ, từ đó mang lại tính chính danh cho chính quyền để nó có thể vận hành một cách trôi chảy. Và trên hết, khi người dân có quyền ràng buộc, đề đạt ý kiến, và hướng dẫn cho những người đại diện của họ, thì họ sẽ quan tâm hơn đến các vấn đề chính trị, điều này giúp tạo ra tinh thần công dân tích cực, thứ vô cùng cần thiết cho một nền dân chủ lành mạnh.
Tuy nhiên, lý thuyết này cũng có những khiếm khuyết riêng của nó.
Thứ nhất, như Pitkin và nhiều nhà nghiên cứu chính trị đã nhận định, nhận thức và tầm nhìn của người dân thường là hạn hẹp.
Thứ hai, người dân thường bị chi phối bởi các lợi ích hẹp hòi, bởi đám đông, và dễ dàng bị thao túng bởi những kẻ mị dân (Pitkin gọi đây là “tính thờ ơ, thiếu hiểu biết, và dễ bị uốn nắn” [3]). Như vậy, nếu người đại diện lúc nào cũng phải phục tùng ý chí của cử tri, thì họ sẽ phải theo đuổi các chính sách ngắn hạn, tạm thời, và đôi khi sai lầm, thậm chí nhiều khi các chính sách này còn xung đột với lợi ích quốc gia. Điều này sẽ khiến cho chất lượng hoạt động của nền dân chủ bị giảm sút, và tính chính danh của chính quyền dần bị suy tàn.
Lý thuyết đại diện độc lập
Đối lập với quan điểm “đại diện ủy nhiệm” nêu trên là quan điểm về “đại diện độc lập” mà triết gia chính trị Edmund Burke là người đi đầu ủng hộ.
Trong bài diễn thuyết nổi tiếng trước các cử tri thành Bristol hồi năm 1774, khi Burke được bầu vào Nghị viện với vai trò là một thành viên Bristol, ông đã bày tỏ quan điểm “đại diện độc lập” rằng:
“Nghị viện không phải là một nghị trường gồm những vị đại sứ đại diện cho những nhóm lợi ích khác nhau và đối địch nhau, nơi mỗi nhóm phải bảo vệ cho lợi ích của mình, như kiểu một biện lý hay một luật sư bảo vệ chống lại các biện lý hay các luật sư khác; Nghị viện thực chất phải là một tập hợp tiếng nói của một quốc gia, với cùng một lợi ích – đó là lợi ích của toàn thể được dẫn dắt bởi chính thịnh vượng chung, chứ không phải là thiên kiến cục bộ, dựa trên lý lẽ chung của toàn thể. Quả thực là quý vị có bầu chọn một thành viên; nhưng một khi quý vị đã chọn ra ông ta, thì ông ta không còn là thành viên của Bristol, mà là một thành viên của Nghị viện.” [4]
Bài diễn văn này của Burke cho rằng người đại diện phải làm những gì mà anh ta coi là tốt nhất. Để được như vậy, thì anh ta phải được hoàn toàn tự do để hành động theo ý kiến của chính anh ta. Đồng thời, các cử tri không có quyền ràng buộc hay đòi hỏi gì ở người đại diện.
Khi lý giải quan điểm của Burke, Pitkin viết rằng “đại diện không phải là tuân theo những ước muốn của dân chúng, mà phải là thực thi lợi ích quốc gia bằng cách tạo ra một giới tinh hoa chọn lọc“. Theo đó, Pitkin cho rằng người đại diện không liên quan gì tới các cử tri của mình, và các cuộc bầu cử chỉ đơn thuần là cơ chế để xác định “tư cách tinh hoa” cho người đại diện. [5]
Lý thuyết “đại diện độc lập” này dựa trên cái giả định rằng những người đại diện có kiến thức và tầm nhìn tốt hơn các cử tri.
Như vậy, nếu người đại diện không bị ràng buộc bởi ý chí của cử tri, thay vào đó anh ta được tự do quyết định chính sách, thì anh ta sẽ đưa ra được những chính sách tốt hơn. Chính điều này sẽ quốc gia trở nên thịnh vượng hơn.
Tuy nhiên, việc áp dụng lý thuyết độc lập cũng chứa đựng một số rủi ro. Khi người đại diện xa rời ý muốn của cử tri, thì cử tri sẽ cảm thấy chính quyền không còn thuộc về họ. Từ đó, họ sẽ thờ ơ với các vấn đề chính trị, khiến cho nền dân chủ dễ bị suy đồi. Bên cạnh đó, khi được tự do hành động, người đại diện sẽ có khuynh hướng theo đuổi các lợi ích của mình thay vì phúc lợi của cử tri, từ đó có thể dẫn tới một chính quyền kém cỏi.
Rõ ràng cả hai lý thuyết trên đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Lý thuyết ủy nhiệm có thể gia tăng tính chính danh của nền dân chủ, song có thể làm giảm chất lượng của sự đại diện; còn lý thuyết độc lập làm gia tăng chất lượng đại diện, song có thể khiến cho nền dân chủ trở nên suy đồi khi không còn chịu sự kiểm soát của người dân. Ngày nay, các nhà nghiên cứu chính trị đang tìm cách kết hợp cả hai lý thuyết nhằm tận dụng điểm mạnh và triệt tiêu điểm yếu của chúng để mang lại một nền đại diện tốt lành.
Chú thích