Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
La Mã là một nền cộng hòa trứ danh trong lịch sử nhân loại.
Ban đầu đế chế này theo chế độ quân chủ. Kiểu cai trị tùy tiện và độc đoán của nhà vua đã gây căm phẫn trong giới quý tộc suốt nhiều năm. Giọt nước tràn ly khi hoàng tử nhà Tarquins cưỡng bức nàng Lucretia, người vợ đức hạnh của một quý tộc, khiến nàng phẫn uất mà tự tử. Giới quý tộc La Mã đã nhân cớ ấy để nổi dậy lật đổ chế độ quân chủ, thiết lập nên một chế độ mới mà họ gọi là “cộng hòa”.
Trong tiếng Latin, cộng hòa (res publica) có nghĩa là “công việc chung” – cụ thể ở đây là việc cai trị, một vấn đề của mọi công dân chứ không phải của riêng gì kẻ cầm quyền.
Nền cộng hòa này tồn tại trong suốt gần nửa thiên niên kỷ, từ năm 509 TCN đến 44 TCN khi nhà độc tài Caesar bị ám sát, và chấm dứt hoàn toàn khi Octavian nắm quyền lực tuyệt đối vào năm 27 TCN.
Theo sử gia Polybius viết trong bộ “The Histories”, nền Cộng hòa La Mã là một dạng “chính quyền hỗn hợp” bao gồm ba bộ phận quân chủ, quý tộc, và dân chủ. Trong đó, các Quan Chấp chính (Consules) đại diện cho bộ phận quân chủ, Viện Nguyên lão (Senatus) đại diện cho bộ phận quý tộc, còn Hội Đồng các Century (Comitia Centuriata) đại diện cho bộ phận dân chủ.
Kiểu chính quyền hỗn hợp này đã giúp La Mã trở thành một nền cộng hòa ổn định nhất so với mọi kiểu thể chế đương thời, thậm chí là so với nhiều thể chế về sau.
Vấn đề của các chính quyền đơn nhất
Theo Polybius, dựa vào số lượng người cai trị, ta có thể phân chia chính quyền thành ba dạng: quân chủ (do một người cai trị), quý tộc (do một nhóm người thuộc tầng lớp giàu sang cai trị), và dân chủ (do đa số dân chúng cai trị).
Ba dạng chính quyền này, theo thời gian, sẽ thoái hóa thành các dạng thức suy đồi sau: quân chủ sẽ hóa thành độc tài chuyên chế, quý tộc sẽ chuyển thành tập đoàn đầu sỏ, và dân chủ sẽ biến thành vô chính phủ.
Chế độ quân chủ có ưu điểm là linh hoạt và hiệu quả, vì thông thường nhà vua có toàn quyền quyết định chính sách mà không cần phải thông qua tranh luận. Tuy nhiên, chế độ này dễ dẫn đến lạm quyền cũng như hạn chế các quyền tự do chính trị của công dân.
Polybius cho rằng chế độ quân chủ chắc chắn sẽ bị thay thế bởi chế độ quý tộc, bởi khi mà giới giàu có không còn muốn sống dưới sự cai trị của một ông vua, họ sẽ thiết lập một nền cai trị do một tập thể của những công dân giàu có và ưu tú nhất lãnh đạo.
Tuy nhiên, chế độ quý tộc rồi cũng rơi vào suy đồi, khi người giàu thay vì phục vụ cho lợi ích của toàn xã hội thì lại chỉ theo đuổi lợi ích của chính họ. Do đó, Polybius khẳng định rằng chế độ quý tộc cuối cùng sẽ bị thay thế bởi chế độ dân chủ, nơi mà mọi công dân có quyền bỏ phiếu và tham gia vào việc cai trị.
Song, chế độ dân chủ vẫn sẽ lại suy đồi, khi những kẻ mị dân được dân chúng bầu lên nắm quyền và thực thi các chính sách thảm họa. Một khi dân chủ rơi vào cảnh vô chính phủ, thì tình trạng này chỉ có thể chấm dứt khi một kẻ đầy quyền lực khôi phục lại trật tự, thâu tóm mọi quyền hành và tự đặt mình làm vua.
Vòng tròn thay đổi chế độ lại lặp lại, chế độ quân chủ lại sẽ bị thay thế một lần nữa bởi chế độ quý tộc, rồi quý tộc bởi dân chủ, cứ như thế tiếp diễn. Đó chính là chu kỳ chuyển dịch giữa các dạng chính quyền.
Polybius cho rằng sự chuyển dịch này gây ra ảnh hưởng tai hại. Nó khiến quốc gia liên tục rơi vào các cuộc nội chiến, phải thay đổi thể chế và chịu đựng bất ổn dài hạn. Đây cũng chính là lý do khiến cho các thành bang Hy Lạp thất bại thảm hại trước quân Macedonia xâm lược dưới tay Philipos II (cha của Alexandre Đại Đế) hồi năm 338 TCN.
Tuy nhiên, Cộng hòa La Mã không gặp phải vấn đề như vậy nhờ hệ thống chính trị của họ. Họ đã thiết kế một thể chế có thể ngăn chặn được sự chuyển dịch này, và tạo ra sự ổn định chính trị trong nhiều thế kỷ. Đây chính là cơ sở để cho La Mã thống nhất bán đảo Ý, sau đó chinh phục và duy trì một cường quốc trên vùng Địa Trung Hải.
Về chính quyền hỗn hợp của La Mã
Theo Polybius, chìa khóa thành công của nền Cộng hòa La Mã chính là cơ chế phân quyền, với ba bộ phận quyền lực: Hội đồng các Century, Quan Chấp chính, và Viện Nguyên lão.
Hội đồng các Century (Comitia Centuriata)
Hội đồng các Century là cơ quan có quyền lập pháp tối cao của nền Cộng hòa, bao gồm toàn thể công dân La mã, được phân chia thành 192 đơn vị Century. Mỗi đơn vị Century có một phiếu bầu trong hội đồng. Một đơn vị Century có tối đa 100 công dân. Việc phân chia công dân vào mỗi Century tùy theo mức độ giàu có của công dân.
Hội đồng các Century họp hai lần mỗi năm tại Quảng trường Mars – để quyết định những vấn đề cơ bản của xã hội như tuyên chiến hay nghị hòa, bầu chọn quan Chấp chính và các quan chức khác, và thông qua các dự luật do quan chấp chính đề nghị.
Quan chấp chính (Consules)
Để ngăn chặn nguy cơ những kẻ tham vọng muốn khôi phục chế độ quân chủ, Hội đồng các Century bầu lên hai quan Chấp chính với nhiệm kỳ một năm. Họ có các nhiệm vụ như điều hành hoạt động nhà nước, đứng đầu quân đội, thực thi luật pháp, triệu tập Hội đồng, cũng như trình các dự luật cho Hội đồng này thông qua.
Mỗi quan Chấp chính còn có quyền đề ra các sắc lệnh có hiệu lực như luật, nhưng quan Chấp chính kia có thể bác bỏ những sắc lệnh này bằng cách sử dụng quyền phủ quyết. Khi cả hai quan Chấp chính cùng có mặt ở trong nước, thì họ thực thi thẩm quyền của mình tuần tự mỗi người một tháng và cứ thế xoay vòng. Trong thời chiến, thông thường một người sẽ nắm quân đội ngoài chiến trường, còn người kia ở lại trong nước để cáng đáng công việc quốc gia.
Khi quốc gia lâm nguy, một trong các quan chấp chính (hoặc một người khác) có thể được Viện Nguyên lão bổ nhiệm thành một nhà độc tài. Anh ta, với quyền lực hợp nhất từ cả hai quan chấp chính, có toàn quyền hành động theo những gì được cho là cần thiết để bảo vệ quốc gia. Tuy nhiên anh ta chỉ được phép nắm quyền trong vòng tối đa là sáu tháng. Sau khi vấn đề đã được giải quyết, anh ta phải trả lại quyền lực cho nền cộng hòa.
Viện Nguyên lão (Senatus)
Viện Nguyên lão gồm các thành viên có nguồn gốc quý tộc với nhiệm kỳ suốt đời. Về mặt chức năng, đây là một cơ quan tư vấn cho các quan Chấp chính và người dân. Tuy nhiên, theo thời gian thì thẩm quyền và ảnh hưởng của Viện Nguyên lão tăng lên. Viện Nguyên lão có quyền thảo luận và định hình các dự luật trước khi các quan Chấp chính trình chúng cho Hội đồng các Century. Viện nguyên lão cũng chi phối các chính sách tài chính, quyết định quỹ nào được sử dụng cho chiến tranh và quỹ nào cho công trình công cộng, đây chính là nguyên nhân khiến nó thực sự kiểm soát nhà nước.
Vì các Nguyên lão thường tại vị suốt đời, nên Viện Nguyên lão uy thế hơn hẳn so với các quan Chấp chính, những người chỉ nắm giữ quyền lực trong một năm.
Kiểm soát và cân bằng
Cộng hòa La Mã đã phân chia quyền lực thành ba bộ phận chính như trên. Chính kiểu thể chế này đã cho phép mỗi nhánh của chính quyền có thể kiểm soát các nhánh khác.
Các quan Chấp chính có thể kiểm soát lẫn nhau thông qua quyền phủ quyết của mình. Viện Nguyên lão có thể kiểm soát các quan Chấp chính bằng cách không phê duyệt ngân sách. Người dân (thông qua Hội đồng các Century) có thể kiểm soát quan Chấp chính bằng cách không thông qua các đề nghị bổ nhiệm, hoặc kiểm soát Viện Nguyên lão bằng cách từ chối chấp nhận các dự luật mà Viện Nguyên lão muốn thông qua.
Tuy nhiên, người dân cũng phải hợp tác với các Quan chấp chính và Viện nguyên lão để có thể thụ hưởng các lợi ích đến từ việc làm và chi tiêu công. Bên cạnh đó, vì các quan chấp chính thường là thành viên Viện Nguyên lão trước khi được bầu chọn, và trở lại Viện Nguyên lão sau khi hết nhiệm kỳ chấp chính, nên mối quan hệ giữa Viện Nguyên lão và các quan Chấp chính rất gần gũi.
Khi nền cộng hòa đối mặt với mối đe dọa, cả ba nhánh chính quyền cùng hợp tác để bảo vệ quốc gia. Đồng thời nếu một nhánh trở nên quá mạnh, hai nhánh kia có thể hợp tác để kiểm soát quyền lực của nó.
Bằng cách kết hợp theo kiểu kiểm soát và cân bằng của ba bộ phận quân chủ, quý tộc, và dân chủ như vậy, Cộng hòa La Mã đã khiến cho quyền lực không bị lạm dụng, lợi ích chung được đảm bảo, và từ đó nền cộng hòa đi vào ổn định. Cơ chế này giúp cho La Mã tránh được vòng xoáy chuyển đổi thể chế liên tục và đầy bạo lực – tình trạng mà các kiểu chính quyền đơn nhất luôn bị cuốn vào do thiếu kiểm soát quyền lực.
Cộng hòa La Mã đã để lại nhiều bài học cho thế hệ sau trong việc xây dựng một chính quyền. Một trong những bài học trung tâm của nó chính là: để chống lạm quyền, quốc gia cần phải có cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực.
Trong các bản hiến pháp dân chủ ngày nay, việc kiểm soát và cân bằng được thực hiện nhờ ba nhánh hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Ý tưởng ấy có thể được coi là bắt nguồn từ cơ chế phân quyền với ba bộ phận quân chủ, quý tộc, và dân chủ của La Mã hai ngàn năm trước đây.
Kỳ tới: Cộng hòa La Mã: Bài học cho nước Mỹ
Tài liệu tham khảo