Phụ nữ Mỹ đã giành được quyền bỏ phiếu vào năm 1920 như thế nào

Phụ nữ Mỹ đã giành được quyền bỏ phiếu vào năm 1920 như thế nào

Ngày 18/8/1920, sau khi tiểu bang Tennessee đồng ý thông qua Tu chính án số 19, quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ đã có đủ số tiểu bang (2/3 trên tổng số các bang) đồng thuận để Tu chính án này chính thức có hiệu lực trên toàn liên bang Hoa Kỳ.

Cuộc vận động lịch sử kéo dài hơn 70 năm (1848-1920) cho quyền chính trị và dân sự căn bản này của phụ nữ Hoa Kỳ – thường được biết đến với tên gọi là Phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ (Women’s Suffrage Movement) – đã có một cái kết tốt đẹp và mở ra một kỷ nguyên mới cho nữ quyền tại đây.

Hãy cùng tìm hiểu về một số vấn đề pháp lý thú vị xoay quanh phong trào này.

Phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ ủng hộ xóa bỏ chế độ nô lệ, nhưng lại phản đối thông qua Tu chính án số 14.

Từ trước khi cuộc Nội chiến 1861 – 1865 nổ ra, phong trào đòi xoá bỏ chế độ nô lệ tại Mỹ vốn là cái nôi đào tạo ra rất nhiều nhà hoạt động cho phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ sau này. Vào thập niên 1830, đã có nhiều nhà hoạt động nữ quyền tham gia làm thành viên của tổ chức chống lại chế độ nô lệ, American Anti-Slavery Society (AASS) do ông William Lloyd Garrison lãnh đạo.

Qua việc tham gia vào các tổ chức như AASS và các phong trào đòi xóa bỏ chế độ nô lệ, phụ nữ Mỹ có cơ hội phát biểu trước công chúng, tự viết các bài diễn văn, bài báo và tổ chức những buổi sinh hoạt với cộng đồng. Từ đó, nhiều người trong số họ, như các bà Angelica Grimké, Sarah Grimké, Lucretia Mott, Harriet Beecher Stowe, và cựu nô lệ Sojourner Truth, đã được trui rèn và đào tạo để trở thành những nhà lãnh đạo của các phong trào xã hội về sau.

Tượng ông Frederick Douglas, giữa (một cựu nô lệ và là nhà hoạt động nhân quyền) cùng các nhà hoạt động nữ quyền, bà Elizabeth Stanton, phải, và Susan B. Anthony, trái. Ảnh: Bảo tàng National Women’s Rights, New York.

Hai người phụ nữ được cho là linh hồn và tổ mẫu của phong trào nữ quyền tại Mỹ, Elizabeth Cady Stanton và Susan B. Anthony, còn là những nhà hoạt động hàng đầu của phong trào đòi hỏi xóa bỏ chế độ nô lệ tại đây.

Khi phe Liên bang (Union) giành được chiến thắng trong cuộc Nội chiến, Tu chính án số 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ đã được thông qua vào năm 1868. Tu chính án này đảm bảo các quyền công dân, trong đó có quyền được tham gia bầu cử cho nam giới là người Mỹ gốc Phi.

Vào lúc này, các nhà hoạt động nữ trong phong trào đòi quyền đi bầu cho nữ giới gặp phải một tình huống tiến thoái lưỡng nan. Họ cần phải quyết định xem có nên ủng hộ việc thông qua Tu chính án số 14 hay không.

Lý do là vì cho đến tận thời điểm bản dự thảo Tu chính án số 14 ra đời, Hiến pháp Hoa Kỳ vốn là một văn bản pháp lý trung tính (gender-neutral). Thật vậy, ngoại trừ khi các tổ phụ lập quốc nhắc đến chức vụ tổng thống với đại từ nhân xưng “ông ta/ông ấy” (“he”), còn toàn bộ văn bản hiến pháp đều dùng các từ trung tính, ví dụ như, “một người” (“person”), khi nói đến các vấn đề liên quan đến quyền của công dân.

Thế nhưng, Điều 2 của Tu chính án số 14 lại ghi rõ: “nếu chính quyền tiểu bang nào phủ nhận quyền bầu cử của bất kỳ một công dân nam giới nào (male inhabitant), thì con số đại diện cử tri tương ứng (proportional representation) cho tiểu bang đó (tại Quốc hội) cũng sẽ bị trừ giảm một cách tương xứng”. Đây chính là lần đầu tiên từ “nam giới” (male) xuất hiện trong Hiến pháp Hoa Kỳ.

Hai bà Elizabeth Stanton và Susan B. Anthony quyết định không ủng hộ Tu chính án số 14. Mà ngược lại, họ còn công khai chống đối rất dữ dội việc thông qua nó. Họ cho rằng, tu chính án này sẽ là lực cản rất lớn đối với công cuộc đấu tranh cho quyền phụ nữ ở Mỹ, nếu không được sửa đổi và sử dụng một từ trung tính thay cho từ “nam giới”.

Điều này đã khiến cho các vị thủ lĩnh của hai phong trào “không nhìn mặt nhau” trong hàng thập niên, khi những người đòi hỏi quyền bầu cử cho người da đen như ông Frederick Douglas, các bà Lucy Stone, Antoinette Brown Blackwell, và Julia Ward Howe thì cho rằng, cứ đòi quyền cho đàn ông Mỹ gốc Phi trước, rồi sau đó lại tiếp tục đòi nữ quyền.

Cuộc chiến xung quanh Tu chính án số 14 tiếp tục tại tòa án và lên đến Tối cao Pháp viện

Câu chuyện pháp đình liên quan đến quyền đi bầu của phụ nữ sau khi Tu chính án số 14 được thông qua khiến cho chúng ta phải khâm phục tầm nhìn xa trông rộng của hai bà Stanton và Anthony. Tòa án Hoa Kỳ đã liên tục sử dụng chính câu chữ – mà các bà đã phản đối kịch liệt – trong Tu chính án số 14 để từ chối quyền được bỏ phiếu của phụ nữ Mỹ.

Phụ nữ Hoa Kỳ tuần hành đòi quyền được bỏ phiếu. Ảnh: history.com

Năm 1872, bà Susan B. Anthony đã dẫn đầu một nhóm 16 người phụ nữ yêu cầu được đăng ký bầu cử tại thành phố Rochester, bang New York, và cả nhóm đã bị cảnh sát bắt giữ. Tuy nhiên, chỉ có bà Anthony là bị truy tố hình sự với tội danh vi phạm Tu chính án số 14, vì chính quyền bang New York cho rằng, quyền bầu cử chỉ được đảm bảo cho “công dân nam giới”.

Trong phiên xử, thẩm phán Ward Hunt đã không cho bà được tự bào chữa và phạt vạ bà 100 USD. Tuy nhiên, bà Anthony từ chối nộp phạt và yêu cầu tòa cứ tiếp tục giữ bà hoặc bỏ tù cũng được.

Thẩm phán Hunt đoán biết, nếu cho bà vào tù thì sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để bà có thể nộp đơn habeas corpus (writ of habeas corpus) lên thẳng Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Để cắt đứt các thủ tục pháp lý và tạm dừng câu chuyện, thẩm phán Hunt quyết định khép lại vụ việc và phóng thích bà Anthony.

Tuy bị “thua” tại tòa, tinh thần của bà Anthony đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà hoạt động nữ quyền khác. Một trong những người đó là bà Virginia Minor, cư ngụ tại bang Missouri.

Sau khi bị từ chối không cho đăng ký tham gia bầu cử năm 1872, bà Minor – với sự trợ giúp của chồng là luật sư Francis Minor – đã kiện để yêu cầu tiểu bang Missouri phải công nhận bà có quyền đi bầu. Bà Minor đã lập luận rằng, phụ nữ cũng là công dân Hoa Kỳ, và nếu Tu chính án số 14 đã đảm bảo quyền bỏ phiếu của tất cả công dân nam giới bất kể màu da, thì không có lý do gì để ngăn cấm phụ nữ được hưởng quyền đó.

Vụ kiện của bà Minor đã lên đến Tối cao Pháp viện. Hồ sơ Minor kiện Happersett đã trở thành một trong những án lệ kinh điển, nhưng cũng là một vết đen trong lịch sử án lệ Mỹ. Vì đúng như các bà Elizabeth Stanton và Susan B. Anthony đã tiên liệu, chính câu chữ của Điều 2 trong Tu chính án số 14 đã được các thẩm phán của Tối cao Pháp viện sử dụng để từ chối quyền được đi bầu của phụ nữ.

Theo phán quyết của vụ Minor kiện Happersett, Hiến pháp Hoa Kỳ không hề có bất kỳ bảo đảm nào cho quyền đi bầu của phụ nữ, cho dù họ có là công dân đi chăng nữa.

Sử dụng con đường lập pháp với sự giúp đỡ của Thượng nghị sĩ Aaron Sargent

Sau khi bị truy tố tại bang New York vì muốn đăng ký để bầu cử năm 1872, bà Susan B. Anthony đã tình cờ gặp Thượng nghị sĩ Aaron Sargent của bang California trên một chuyến tàu hỏa. Hai người họ đã quyết định sẽ đi theo con đường vận động lập pháp để đòi quyền đi bầu cho phụ nữ, sau khi nhận ra tòa án chưa chắc đã là con đường tốt nhất.

Thượng nghị sĩ Aaron Sargent. Ảnh: history.house.gov

Cần phải nói thêm, trong công cuộc đấu tranh đòi quyền đi bầu cho phụ nữ, không phải cứ là nam giới thì sẽ chống và phụ nữ thì sẽ ủng hộ.

Trong thực tế, có nhiều phụ nữ phản đối phong trào vì cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến trật tự của các giai cấp xã hội và làm lung lay vị trí cũng như quyền lợi mà họ đang có.

Ngược lại, cũng có rất nhiều nam giới ủng hộ mạnh mẽ phong trào, và Thượng nghị sĩ Sargent của bang California là một trong những người đó.

Cũng chính vì được cả hai phái ủng hộ nên từ năm 1869 cho đến 1918 phụ nữ vẫn có quyền được đi bầu ở gần 20 tiểu bang, đa số là các bang mới thành lập ở miền Tây và viễn Tây nước Mỹ.

Năm 1878, ông Sargent đã đưa ra bản dự thảo tu chính án đòi quyền đi bầu cho phụ nữ tại Thượng viện, nhưng nó không được ai quan tâm. Tuy nhiên, trong vòng 41 năm liên tục sau đó, những người ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ vẫn bền bỉ tiếp tục công cuộc đấu tranh của mình.

Sau khi tranh thủ được sự ủng hộ của nhánh hành pháp dưới thời các Tổng thống Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson, Tu chính án số 19 đã được thông qua vào năm 1920 với nội dung hệt như những gì ông Aaron Sargent đã chắp bút.

Tuy những người đặt nền móng cho văn bản pháp luật này, Thượng nghị sĩ Sargent, các bà Elizabeth Stanton và Susan B. Anthony, đều đã qua đời trước khi nó được chính thức thông qua, nhưng từng câu chữ của tu chính án đã nói lên tâm nguyện và khát vọng mà họ đã đấu tranh để đòi hỏi.

 

Tu chính án số 19: Quyền bỏ phiếu của công dân Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ không thể bị từ chối hoặc bị hạn chế bởi chính quyền liên bang hay của bất kỳ bang nào chỉ vì giới tính của họ. 


Tài liệu tham khảo:

7 Things You Might Not Know About the Women’s Suffrage MovementTu chính án số 1919th Amendment: Giving Women the Right to VoteA Vote for WomenWoman SuffrageWomen in Law: edited by Shimon Shetreet

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.