Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Dư luận và truyền thông trong những ngày vừa qua đã có khá nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề biểu diễn đường phố tại Việt Nam, sau khi một thiếu niên 15 tuổi không được kéo violin tại khu bờ hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội vì chưa được cho phép.
Trong bài báo Biểu diễn nghệ thuật nơi công cộng vẫn cần xin phép của hai tác giả Nguyên Vân-Ngọc An, báo Thanh Niên gần đây, chúng ta đọc được một số thông tin ghi nhận rằng, việc quy định biểu diễn ở các nước bạn “rất nghiêm ngặt”. Nhưng nghiêm ngặt là nghiêm ngặt thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Biểu diễn đường phố: Kinh tế, Nghệ thuật và Chính trị
Biểu diễn đường phố (Street performing/Busking) không đơn thuần chỉ là câu chuyện độc quyền của nghệ thuật. Nó thường được định nghĩa là hoạt động mà các cá nhân trình diễn những tiết mục âm nhạc hoặc phi âm nhạc tại các khu vực công cộng và có thể nhận quyên góp của những người qua đường. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, có rất nhiều ý nghĩa xung quanh hoạt động này.
Trong một nghiên cứu viết về nghệ thuật biểu diễn đường phố và mối tương quan của nó với xã hội, chính quyền năm 2011, Tiến sĩ Paul Simpson của Đại học Plymouth, Anh Quốc đã trích dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu Jon McKenzie, người cho rằng biểu diễn đường phố (dù có chủ ý hay vô ý) là một phương thức biểu đạt sự kháng cự, chống trả và thách thức các giá trị xưa cũ của xã hội.
Còn theo Sally Harrison-Pepper, biểu diễn đường phố là sự can thiệp và thay đổi không gian đô thị xưa cũ. Với sự năng động của các tiết mục biểu diễn, chúng có thể tác động lên cộng đồng dân cư về các yếu tố như ‘mật độ, sự tụ hội, quá trình và thời điểm, sự phân tán và lưu lượng’.
Đối với Susie J. Tanenbaum, thì biểu diễn đường phố là một ‘nghi thức thành thị’ (urban ritual), thách thức những quy phạm chúng ta hiểu về không gian công cộng bằng cách thúc đẩy sự tương tác, tụ họp, tinh thần dân chủ, và cả những cuộc gặp gỡ thân tình trong những môi trường xa cách và thường nhật nhất.
Nghệ sĩ Mstislav Rostropovich đã ngẫu hứng biểu diễn kéo đàn ngay tại Bức tường Berlin hai ngày sau khi nó chính thức sụp đổ. Ảnh: Classic FM
Với những tính chất trên, không có gì bất ngờ khi phần lớn lịch sử của sự can thiệp vào môi trường công cộng bằng hình thức nghệ thuật này thường được ghi nhận bởi chính những quy định hạn chế và ngăn cấm nó.
Thế nên, đây không còn là vấn đề trắng đen, nơi mà chúng ta là đen còn các quốc gia phương Tây là trắng. Tuy nhiên, sự minh bạch, cởi mở và dám bàn luận về những quy định kiểm soát biểu diễn đường phố là những thứ khiến họ khác biệt với chúng ta.
Chỉ trích giới chính quyền cấm biểu diễn đường phố là những kẻ độc tài, ngu xuẩn; hay ngược lại, chụp mũ những người ủng hộ biểu diễn đường phố là bọn thích gây náo loạn, phản động, lợi dụng môi trường công cộng, v.v., đều chỉ khiến cho hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng hạn chế hơn.
Thiết nghĩ, chúng ta cần phải tìm hiểu chính sự cần thiết và sự cởi mở của những quy định tương tự ở các nước khác.
Pháp luật nước ngoài: Quản lý phù hợp với địa phương
Một trong những điểm cần chú ý trước tiên của các hệ thống quy định liên quan đến quản lý biểu diễn đường phố ở nước ngoài, đó là các hệ thống này thường do mỗi địa phương tự quy định. Điều này giúp cho các quy định có tính phù hợp với tình hình giao thông, nhu cầu nghệ thuật của từng khu vực cũng như các vấn đề cục bộ khác.
Ví dụ, tại thành phố Bath, Anh Quốc, một trong những Di sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1987, nhu cầu sử dụng nghệ thuật đường phố để tạo ‘trải nghiệm Bath’, sự hòa hợp của thắng cảnh, thực phẩm, không gian thân thiện và con người xứ Bath rất được coi trọng. Hội đồng thành phố Bath và Đông Bắc Somerset đã xây dựng bản Nguyên tắc ứng xử (Code of Conduct), dựa trên tham vấn với các hội nhóm người biểu diễn đường phố.
Một ví dụ khác là New York, sự rộng lớn và phức tạp của thành phố này khiến Metropolitan Transit Authority (MTA) cũng có những quy định riêng của mình về vấn đề này tại các khu vực ga tàu điện ngầm, chủ yếu vì lý do an ninh và giải quyết các tranh chấp không đáng có. Sự khác biệt thậm chí chia theo từng ga. Các ga công cộng đông đúc người sẽ yêu cầu giấy phép, trong khi một số ga khác vắng vẻ hơn thì không yêu cầu.
Nghệ sĩ đường phố New York hòa tấu bài La Marseillaise, Quốc ca Pháp để tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố tại thành phố Nice năm 2016. Ảnh ClassicFM
Tại Úc, sự khác biệt cũng theo từng thành phố. Tại Melbourne, khung quy định về ‘Giao dịch thương mại trên đường phố và các sự kiện đặc biệt’ (Street Trading and Special Events) ghi nhận:
‘Nhằm quản lý và củng cố hoạt động thương mại và biểu diễn đường phố có trách nhiệm tại các khu vực công cộng, đồng thời tăng cường sự thu hút và tạo ra bầu không khí dễ chịu tại các địa điểm này; những hoạt động nhằm thu hút tiền, quà tặng, hoạt động văn nghệ và các hoạt động tương tự sẽ được quản lý’.
Ở thành phố Sydney, các quy định về việc biểu diễn cũng được ghi nhận tương đối rõ ràng và dễ tiếp cận tại trang nhà của chính quyền thành phố. Trong đó liệt kê đầy đủ các yêu cầu, loại hình biểu diễn, số điện thoại liên lạc hay hoạt động nào cần có bảo hiểm.
Nước ngoài quản lý biểu diển đường phố “nghiêm ngặt” ra sao?
Nghiêm ngặt là một tính từ dùng cho các quy định có mục tiêu kiểm soát chặt chẽ hay hạn chế những hoạt động nhất định.
Như vậy rõ ràng là đối với hầu hết các thành phố nước ngoài có quy định về biểu diễn đường phố, thì việc theo đuổi mục tiêu mong muốn xây dựng một không gian nghệ thuật có sức hút, đồng đều và tạo thêm sức sống cho đô thị của họ không thể nào đồng hành cùng việc áp dụng các quy định “nghiêm ngặt” được. Điều này được thể hiện khá rõ qua hệ thống nguyên tắc và phương pháp cung cấp thông tin của các hội đồng thành phố.
Trở lại với hệ thống tàu điện ngầm New York, có hai phương thức để người biểu diễn có thể sử dụng không gian công cộng này.
Một là hoạt động độc lập. Những người có nhu cầu sẽ tự tìm những không gian được thiết kế sẵn cho hoạt động biểu diễn đường phố mà chưa có người nào sử dụng. Hai là hoạt động dưới danh nghĩa của nhóm nghệ sĩ Âm nhạc dưới lòng New York (Music Under New York). Tiện ích của việc tham gia nhóm nghệ sĩ này là họ có thể gọi cho một số điện thoại cố định để đặt chỗ trước, như chúng ta đi nhà hàng ăn món thịt nướng vậy, nhưng nhóm nghệ sĩ này thì có một số yêu cầu cao hơn.
Ảnh bìa Quy định về Biểu diễn đường phố tại Bath do thành phố ấn hành năm 2016. Nguồn: bathnewseum.com
Tại thành phố Bath, với tư cách là một thành phố Di sản văn hóa thế giới, các quy định về hoạt động văn hóa lại càng dễ dàng hơn. Người biểu diễn có thể biểu diễn ở mọi địa điểm, nhưng không được vi phạm vào bán kính 50m của khu vực biểu diễn khác. Cũng có giới hạn về thời gian, mà cụ thể là người biểu diễn chỉ có thể sử dụng địa điểm đó trong vòng một giờ, và không được tiếp tục sử dụng cùng địa điểm trong vòng hai giờ kế tiếp. Điều này khiến cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở Bath rất dễ dàng và công bằng cho mọi nghệ sĩ đường phố.
Quản lý “nghiêm ngặt” kiểu Việt Nam
Theo quy định của Điều 15 của Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật:
“Khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng, không phải đề nghị cấp giấy phép nhưng phải thực hiện các quy định như khi tổ chức trong khu dân cư, trong nội bộ nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cơ sở do người tổ chức chịu trách nhiệm; khi tổ chức ngoài phạm vi nội bộ, phải thông báo bằng văn bản về mục đích, phạm vi, nội dung chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn với Sở VH-TT-DL nơi biểu diễn ít nhất 5 ngày làm việc trước ngày biểu diễn”.
Như vậy, mục tiêu của thủ tục hành chính này là thông báo. Nhưng sao trong suốt các ví dụ được đưa ra trong bài báo nói trên, Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long hay Giám đốc Lê Hữu Luận của Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM đều cho rằng, hoạt động này phải xin phép?
Vậy cuối cùng, người biểu diễn phải xin phép hay thông báo?
Tại sao biểu diễn cá nhân lại bị đánh đồng với một hội nhóm đông đảo có liên kết với Trung tâm văn hóa thể thao Quận Hoàn Kiếm?
Tại sao phố đi bộ – một con đường được tạo ra để nâng cao khả năng tiếp cận các hoạt động văn hóa nghệ thuật của người dân – lại bị so đo với các trạm tàu điện ngầm vô hồn và không cảm xúc?
Trong so sánh giữa những thực tế khó hiểu này tại Việt Nam, với tình trạng tại các quốc gia mà bài viết đã nhắc qua, phải đặt câu hỏi: liệu các quy định pháp luật của các quốc gia đó còn có thể bị gọi là “nghiêm ngặt” hay không?
***
Bộ môn Pháp luật so sánh (comparative law) có lợi ích rất lớn trong xã hội. Việc so sánh sâu sắc, có sự phản tỉnh giúp cho các quốc gia đang phát triển ‘đứng trên vai người khổng lồ’ để từ đó hoàn thiện mình hơn. Nhưng sử dụng pháp luật so sánh một cách sơ sài nhằm bao biện cho thiếu sót và các mục đích kiểm soát khác của mình và không chấp nhận sửa đổi là vô cùng không nên. Không những chính quyền, mà các nhà báo và cả dân thường chúng ta, ai cũng phải tránh.
Tài liệu tham khảo: