Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đời người chỉ sống một lần. Tôi muốn ở lại để giúp đất nước mình đáng sống hơn.
Với tôi, sống phải cố gắng để làm được những điều mình thích như giúp đỡ mọi người mà không bị cho là lập dị, bị chính quyền ngăn cấm; được bày tỏ chính kiến của mình, v.v. Thế nhưng, tôi đang sống ở một quốc gia mà nhu cầu tối thiểu nhất là được ăn thực phẩm an toàn cũng bị tước đoạt.
Thím hàng xóm chết trên luống cày
Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Thanh Hoá. Với những đứa trẻ như tôi, lúc đó, chỉ cần mỗi đứa có một cục đá nước cầm trên tay để gặm ăn là đủ để cười khúc khích vì sung sướng rồi. Hơn 20 năm, nhưng đến giờ nghĩ lại vẫn thấy “ngộ”. Sao đá nước hồi đó lại ngon đến vậy? Ngon đến nỗi, xem bộ phim nào có tuyết, có băng là lũ nhỏ tụi tôi lại xôm tụ: không biết tuyết có ăn được không nhỉ? Ăn nó ra sao? Ước gì được trải nghiệm cảnh tuyết rơi.
Thật ra vì hồi đó dân làng tôi quá nghèo, cha mẹ chúng tôi chỉ lo kiếm sao cho ra ngày có hai bữa ăn cho cả gia đình, có tiền cho chúng tôi đóng học để đỡ bị thầy, cô giáo đuổi ra khỏi lớp, đỡ bị hạnh kiểm yếu, đỡ bị đứng góc lớp… Các thầy, cô gây đủ áp lực lên học sinh để thu tiền như vậy. Vì thế, hiếm có khi nào chúng tôi được ăn đồ ăn ngon hay bánh kẹo, cái vị giác nó thiếu thốn đến nỗi ăn đá nước cũng thấy lạ miệng, thấy ngon.
Vậy nhưng, trong làng còn nhiều nhà nghèo hơn gia đình tôi nữa, nghèo đến mức kiệt sức trên luống cày. Đó là gia đình thím S. Cả vợ chồng thím và bốn đứa con đều gầy tong như que củi.
Hôm đó, thím S. nhịn ăn sáng (nhường cơm cho con) đi cày ruộng. Đến khoảng trưa, thím kiệt sức và ngã người xuống luống cày. Hai ngày sau, thím tử vong mà trong bụng vẫn trống rỗng.
Mẹ chết, sức khoẻ của bố lại yếu nên con thím S. đành phải nghỉ học. Tương lai của chúng giờ buồn lắm. Mấy năm trước, con gái út thím S. mang bầu đứa con đầu lòng đã sáu tháng rồi mà còn bị sảy vì nó làm việc vất vả.
Tôi rất thương mấy đứa con thím, nhưng lại ngây ngô nghĩ tụi nó được nghỉ học thật là sướng. Đỡ bị thầy, cô bắt đứng góc bảng, phạt dọn hố tiêu hoặc nêu tên trên cột cờ trước cả trường nếu không thuộc bài cũ hoặc phạm phải quy định gì đó của trường. Nếu bị như vậy, kiểu gì cũng dính vài trận đòn của bố.
Cái nghèo nó thôi thúc tôi phải trở thành một “người như thế nào đó” để thay đổi cuộc sống của mình. Tôi ghét đi cuốc ruộng, đi cắt lúa hoặc đi cấy vào những buổi trời lạnh giá hoặc nắng chang chang.
Tôi may mắn tốt nghiệp đại học, nhưng không có duyên với quê mình mà phải lên Tây Nguyên làm việc.
Hơn 20 năm có gì khác?
Đã 20 năm trôi qua, những cái cảnh đói nghèo, vất vả mưu sinh ở quê tôi, mà tôi đã “nhốt” nó vào quá khứ thì giờ lại lồ lộ trước mặt tôi.
Những đứa trẻ tội nghiệp một buổi đi làm rẫy, một buổi đi bộ nhiều cây số đến trường. Chúng phải học một chương trình giáo dục đầy khiếm khuyết, khi tiếng phổ thông còn đang học nói thì phải học cả tiếng Anh, khi bụng chưa no mà phải ôm cả đống sách đi học. Kết quả, sau chín năm học nhiều em vẫn chưa thuộc hết bảng cửu chương, đọc còn chưa trôi chảy.
Còn phụ huynh, người thì tự tử vì đánh mất 800 nghìn tiền bán con heo, người thì chết vì không có tiền đi bệnh viện.
Cái cảnh tám mẹ con ăn chung một gói mì tôm, cả bảy đứa con đều mù chữ, đứa lớn phải đi chăn bò cho người ta để trả khoản nợ mà mẹ nó vay trước đó làm đám tang cho cha làm tôi nhớ đến tác phẩm Chị Dậu hơn là thím S. Nhưng có khác chút là, trong sự vụ này, Chủ tịch xã đã bị chính quyền huyện kỷ luật vì để báo chí biết thông tin, đưa lên mặt báo làm xấu hình ảnh địa phương.
Họ là những người Bahnar, J’rai, Xê Đăng… ở Bắc Tây Nguyên.
Và đầy rẫy những chuyện bất công khác mà tôi đồng hành cùng người dân như: công an đánh dân, dân oan mất đất, tiểu thương mất chợ và rất nhiều những chuyện trớ trêu khác của xã hội.
Một ngày nọ của năm 2014, tôi bắt đầu “hành trình” bị cơ quan kỷ luật, cùng với yêu cầu tôi nên có cái nhìn tốt về những sai phạm của chính quyền sở tại.
Áo mặc sao qua khỏi đầu. Cơ quan tôi chỉ là một thứ công cụ nằm trong cả một bộ máy sai phạm, tham nhũng và đứng trên luật pháp kia thì làm sao tôi không bị xử lý được?
“Ngày xưa xe đạp không có mà đi, bây giờ có xe máy, ô-tô đi là sướng quá còn gì? Không phát triển là gì?”- Nhiều người nói vậy.
Trời! Phát triển mà mang hết tài sản “rừng vàng, biển bạc”, tài nguyên khoáng sản, đất đai, biển đảo đi bán cho nước khác; rồi vay nợ về để bỏ túi. Thì có khác gì một đứa con được cha mẹ sinh ra khoẻ mạnh, đầy đủ các bộ phận cơ thể mà không chịu học hành, làm ăn để kiếm tiền mua sắm cho bản thân mà lại đi cắt từng bộ phận của cơ thể để bán, chích máu ra mà bán cho người khác để lấy tiền mua xe máy, mua điện thoại, rồi còn vay nợ để tiêu xài cho bản thân.
Đấy! Đất nước chúng ta phát triển vậy đấy! Con cá giờ cũng không sống nổi thì con người sống như thế nào? Đến đời con cháu mình sống như thế nào? Hơn một năm nay tôi không dám ăn cá biển, không dám ăn muối Việt Nam, không dám ăn uống thoải mái ngoài quán xá.
Hơn 20 năm trôi qua nhưng giờ còn tồi tệ hơn hồi thím S. hàng xóm nhà tôi chết. Lúc đó chưa có ô nhiễm môi trường, rừng còn, biển còn, thực phẩm an toàn.
Sếp thấy bà bầu quay vào nhà thắp hương
Đó là ông P., nguyên Tổng biên tập một tờ báo tỉnh. Buổi sáng nếu bước ra đường gặp bà bầu, ông sẽ vội quay vào nhà thắp nhang rồi mới đi làm. Nếu sáng nào cơ quan ông xuất hiện phụ nữ mang bầu ở nơi khác tới thì ông sẽ chửi thầm. Bởi, ông P. cho rằng phụ nữ mang bầu sẽ mang lại điều xui xẻo cho ông!
Vâng, chuyện sợ xui, chuyện mê tín là điều rất phổ biến ở đất nước chúng ta.
Bởi vì chúng ta đang sống ở một đất nước mà đạo đức con người ở mức báo động đỏ; những người có tiền, có quyền thì đứng trên luật pháp. Điều đó khiến bản thân mỗi người, kể cả những người có chức có quyền đều yếu đuối, đều không có điểm tựa, nên họ tìm tới thần linh cầu xin sự che chở, họ sợ những điều mà mình cho là xui xẻo. Chỉ vì họ đang sống ở đất nước mà ai cũng có thể vi phạm luật pháp được. Sự tôn nghiêm chỉ tồn tại ở bản thân cụm từ này.
Quốc gia đáng sống và tôi
Nhìn tổng quát tôi chưa bao giờ chán đất nước mình đến vậy. Thèm một quả dưa, tôi cũng không dám ra chợ mua về ăn vì sợ hoá chất. Là trang Facebook cá nhân nhưng cơ quan lại cấm chúng tôi không được bày tỏ chính kiến của mình về tình hình đất nước lên trang. Cái nhu cầu tối thiểu nhất cũng bị tước đoạt, vậy đến đời con tôi nó phải sống thế nào?
Tôi nghĩ đến Hà Lan, vì không còn ai phạm tội nên họ phải đóng cửa nhà tù; những căn nhà thơ mộng đầy hoa ở ven sông như chuyện cổ tích; các vấn đề về an sinh xã hội được đảm bảo; học sinh được học dưới những mái trường văn minh. Tôi thấy mình khao khát được sống ở Hà Lan.
Tôi nghĩ đến nước Nhật, nơi có những con người cần mẫn, tài giỏi, họ có thể xử lý những sự cố về thảm hoạ nhanh đến thần kỳ; nơi có những con người có danh dự, lòng tự trọng cao khi một Phó Thủ tướng đã từ chức vì trót lấy tiền vận động của cử tri đi mua mỹ phẩm.
Tôi nghĩ đến nước Mỹ vĩ đại, với thể chế chính trị vững mạnh; quyền con người được phát huy cao; một người dân có thể tự do chỉ trích bất kỳ vị lãnh đạo nào mà không sợ bị bắt bớ, đánh đập; và những cuộc biểu tình được cảnh sát bảo vệ.
Tôi nghĩ tới nhiều nước khác nữa, ở đó họ được tự do hội họp, được lập hội, được lập những tờ báo tư nhân; họ có kinh tế thị trường mà không hề có định hướng xã hội chủ nghĩa; họ có thể chế chính trị tam quyền phân lập.
Tôi từng nghĩ mình phải đến những nước này để sống. Được ở đó, tôi sẽ làm được những điều mình thích như khám phá thiên nhiên, được bày tỏ những chính kiến của mình một cách tự do mà không sợ bị bắt bớ, hành hung, được ăn uống ở bất cứ chỗ nào mà không phải nghĩ về thực phẩm bẩn.
Thế nhưng, để có được như ngày hôm nay, nước Nhật cũng từng trải qua cả nghìn năm phong kiến, cũng từng rơi vào những cuộc khủng hoảng. Nước Mỹ từng phân biệt chủng tộc sâu sắc, kinh tế cũng đi lên từ đói nghèo, thậm chí trong Hội nghị Lập hiến họ muốn thuê một Đức Cha về cầu nguyện cũng không có kinh phí để thuê.
Tự do, dân chủ cho một quốc gia quả là không dễ dàng.
Nên, nếu họ cũng tìm cách ra đi như mình bây giờ thì liệu rằng bây giờ có nước Mỹ, Nhật, Hà Lan… để mình ngưỡng mộ không?
Dubai họ còn trồng cây trên sa mạc được cơ mà. Rồi rất nhiều thể chế chính trị độc tài đã chuyển đổi thành công sang dân chủ như Nam Phi, Ba Lan.
Và vì, đời con người chỉ sống có một lần. Vì vậy, tôi đã từ bỏ ý định tìm cách đi định cư ở nước ngoài.
Kết nối đồng bào và kiến tạo tương lai bằng con đường ôn hoà, để xây dựng Việt Nam thành một quốc gia đáng sống như Hà Lan, Mỹ, Nhật.
—
Bạn có thể gửi bài tham gia diễn đàn “Quốc gia đáng sống” qua địa chỉ editor@luatkhoa.org đến hết ngày 31/8/2017. Thông tin chi tiết tại đây.