Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Cần có nhiều yếu tố để một quốc gia trở nên đáng sống, nhưng yếu tố quan trọng nhất có lẽ là lòng khoan dung. Một quốc gia khoan dung là một quốc gia đáng sống.
“Khoan dung” (tolerance) như định nghĩa của UNESCO chính là “sự tôn trọng, chấp nhận, và coi trọng”[1] tính đa dạng của thế giới và là nỗ lực sống hòa hợp trong khác biệt”[2]. Khoan dung được xem là nền tảng của tình anh em và là phẩm chất để tạo nên hòa bình, cũng như thay thế văn hóa chiến tranh bằng văn hóa không tiếng súng.
Khoan dung không chỉ là một phẩm hạnh của cá nhân, mà còn là một tính chất của cộng đồng và trách nhiệm của một quốc gia.
Một quốc gia khoan dung sẽ cởi mở với các quan điểm, hay tính đa dạng. Trong một quốc gia khoan dung không tồn tại sự khác biệt vì tính đa dạng khiến cho từ ngữ “khác biệt” trở nên vô nghĩa. Mỗi cá nhân trong cộng đồng, quốc gia đó đã là một bản thể độc lập, duy nhất, và đầy màu sắc. Ở quốc gia đó, màu da không còn quá quan trọng, văn hóa đa dạng trở thành niềm thích thú của con trẻ, ngôn ngữ khác nhau là cơ hội để học hỏi, và quan điểm trái chiều chính là rường cột của sự phát triển.
Khoan dung là đỉnh cao của tôn trọng nhân quyền, là cơ sở để đạt đến tự do tuyệt đối, cho dù là tự do cá nhân hay tự do của cộng đồng.
Đây không phải là một quan điểm mộng tưởng hay mơ hồ. Từ năm 1995, bằng Tuyên ngôn về Lòng khoan dung, UNESCO đã đề ra những phương thức để một quốc gia hay một cộng đồng trở nên khoan dung. Một quốc gia khoan dung theo định nghĩa của UNESCO phải làm được ba yêu cầu sau:[3]
Điều này có nghĩa là các quốc gia phải chấp nhận đa nguyên. Đa nguyên ở đây không chỉ là đa nguyên văn hóa, đa nguyên ngôn ngữ, mà còn là đa nguyên tư tưởng, đa nguyên ý thức hệ.
Kẻ thù của đa nguyên chính là chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa cực đoan, và khuynh hướng toàn trị. Chúng đều là kẻ thù của khoan dung và do đó, là kẻ thù của một quốc gia đáng sống. Có ai thực sự muốn sống trong một quốc gia của sự giáo điều, của cực đoan, của độc tài?
Giới hạn của lòng khoan dung
Nhưng đâu sẽ là giới hạn của lòng khoan dung? Có phải một quốc gia khoan dung sẽ chấp nhận cả những tư tưởng cực đoan? Nói cách khác, có nên khoan dung với sự không khoan dung?
Bertrand Russell từng đưa ra một định nghĩa về giới hạn của khoan dung, đó là: “Khoan dung với các tư tưởng nghĩa là không trừng phạt sự tồn tại của các tư tưởng đó cho đến khi nó gây ra một tội phạm”[4]. Vì tự do tư tưởng là một quyền tự do tuyệt đối nên không thể viện dẫn bất cứ lý do gì để ngăn cản cả. Tuy nhiên, nếu tư tưởng đó dẫn đến các hành vi phạm tội thì đó sẽ là giới hạn của lòng khoan dung.
Nhưng liệu có ai đó sẽ sử dụng luận điểm này để nói rằng những hành vi như ngôn luận chống lại nhà nước là một hành vi phạm tội, do đó không cần khoan dung? Liệu quốc gia như vậy có còn là một quốc gia đáng sống? Tính pháp quyền có khả năng bị lợi dụng hay không?
Chúng ta không thể quên câu nói nổi tiếng của Martin Luther King rằng “những gì Hitler làm đều đúng pháp luật, và những gì các chiến sĩ tự do của Hungary đấu tranh đều là bất hợp pháp”. Nhìn vào đó để hiểu rằng giới hạn của lòng khoan dung không thể chỉ dừng ở các điều luật vô nghĩa. Pháp luật thành văn chưa bao giờ là thước đo của lòng khoan dung cả, mà chỉ có thể là tinh thần dân chủ và lòng yêu tự do.
Nếu một ai đó chống lại các đạo luật được thông qua một cách dân chủ, minh bạch, bởi các cử tri thực sự có thông tin, thì lòng khoan dung sẽ không vươn tới họ. Trái lại, khi đó, tinh thần khoan dung buộc chúng ta theo đuổi đấu tranh đến cùng để chống lại sự vi phạm đó. Nhưng nếu một đạo luật được đưa ra một cách phi dân chủ, phi tự do, bởi những cử tri không có lựa chọn đúng nghĩa trong các cuộc bầu cử, thì lòng khoan dung buộc chúng ta phải chống lại chính đạo luật đó.
Cốt lõi cuối cùng của lòng khoan dung chính là giúp mỗi con người được tự hào về bản thân, bản dạng, sự khác biệt của mình, và hạnh phúc với cuộc đời họ. Không ai có thể hạnh phúc nếu phải sống cuộc đời của người khác, hoặc phải sống như người khác áp đặt. Và pháp luật trong một quốc gia khoan dung cũng đi theo con đường đó.
Như vậy, giới hạn của lòng khoan dung không gì khác hơn là các hành vi chống lại chính lòng khoan dung đó. Đó là gì nếu không phải là những hành vi phản tự do, phản nhân quyền, phản dân chủ? Không ai được phép khoan dung với những điều phản tự do đó. Một quốc gia khoan dung cởi mở với khác biệt nhưng không bao giờ yếu mềm trước kẻ thù của lòng khoan dung.
Giáo dục như chìa khóa để mở ra lòng khoan dung
Kẻ thù lớn nhất của lòng khoan dung chính là sự giáo điều. Giáo điều (dogmatism) đóng sập các cánh cửa của sự đa dạng, ép buộc những thứ khác biệt trở thành đồng dạng dựa trên một hệ tư tưởng, một ý chí của một nhóm người nào đó.
Có rất nhiều ví dụ về chủ nghĩa giáo điều và hậu quả của nó với tự do mà lịch sử có thể kể ra. Giáo điều không cho phép con người đặt câu hỏi, tước bỏ quyền phản biện với hệ tư tưởng đó.
Hậu quả nhánh của giáo điều chính là tệ sùng bái thần tượng. Một người Nga sống dưới thời Stalin sẽ cho ta biết tệ sùng bái thần tượng đã giết chết tự do và khiến cuộc sống của người này tồi tệ thế nào. Một người Trung Quốc trong thời Cách mạng Văn hóa cũng có trải nghiệm tương tự khi đứng trước chân dung Mao Chủ tịch. Trong các quốc gia đó không có lòng khoan dung. Con người hoặc phải chấp nhận thất bại trước sự đồng dạng, hoặc chấp nhận bị thể chế trừng phạt.
Cần lưu ý rằng không phải cứ ca ngợi tự do là con người sẽ trở nên tự do. Khoan dung là một trạng thái con người chấp nhận sự phản biện liên tục của cái mới. Những gì “hợp thời đại” ngày hôm nay có thể lỗi thời ngày mai.
Như Isaiah Berlin đã gửi gắm trong lá thư cuối cùng ông cho nhân loại, sự cuồng tín dù là cho một lý tưởng tốt hay một lý tưởng tồi tệ, đều đem đến hậu quả cho nhân loại. Nhân danh chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng, hay nhân danh tự do, để khinh thường sự khác biệt, để bịt miệng đối lập, để đàn áp phản biện (cả về tinh thần, trí tuệ, lẫn bằng vũ lực) đều là bất khoan dung. Khoan dung do đó đòi hỏi những quốc gia thực hành nó cởi mở ngay cả với những gì bạn không đồng ý, như cách Voltaire đã nói: “Tôi có thể không đồng ý với những gì anh nói nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền được nói của anh”.
Vậy làm thế nào để mở ra được lòng khoan dung trong một thế giới thiếu khoan dung? Câu trả lời đó chính là khoan dung không đến một cách tự nhiên mà là thông qua giáo dục. Giáo dục ở đây không phải là một nền giáo dục tạo ra những con người phục vụ chế độ một cách mù quáng. Giáo dục phải thực sự phát triển một con người toàn diện, khai phóng.
Hãy lấy ba tiêu chí của lòng khoan dung mà UNESCO đã đưa ra để làm thước đo cho một con người hoàn thiện và một quốc gia đáng sống: (1) bắt đầu bằng việc tôn trọng tính đa dạng, (2) tiếp nối bằng việc chấp nhận khác biệt như một phần không thể thiếu của nhân loại, và (3) kết thúc bằng nỗ lực cảm nhận cái đẹp trong chính điều khác biệt đó. Tất cả những điều này, đều có thể, và chỉ có thể đạt được nhờ vào một nền giáo dục phục vụ lòng khoan dung.
***
Hãy thử tưởng tượng về một quốc gia như vậy, một nước cộng hòa khoan dung. Chẳng phải đó là một đất nước đáng sống? Mà, chẳng phải nếu khoan dung phủ bóng toàn thế giới thì địa cầu càng trở nên đáng sống hơn?
Thomas More từng mô tả một xã hội của lòng khoan dung như vậy trong quyển sách “Utopia” nổi tiếng của mình. Đến chết, ông cũng một mực buộc nhà vua nước Anh phải thực hành khoan dung trong tôn giáo. Những gì More viết quá thần tiên, quá mơ tưởng đến mức người ta đã lấy tên quyển sách của ông để đặt cho chủ nghĩa không tưởng (utopianism).
Nhưng đó là câu chuyện của thời đại của More, cách đây 500 năm. Thế giới đã trải qua quá nhiều sự kiện và nhân loại đã trưởng thành hơn rất nhiều kể từ khi More viết Utopia. Những đại diện ở UNESCO khi soạn thảo Tuyên ngôn về Lòng khoan dung năm 1995 chắc hẳn đã là những người thực sự mơ mộng. Họ mơ về một thế giới không còn chiến tranh và hòa bình lên ngôi cùng với khoan dung. Đó sẽ là một thế giới thực sự đáng sống.
Hãy tin rằng đó là những điều có thể đạt được. Chớ quên rằng quốc gia của bạn với tư cách là một thành viên của UNESCO đã công nhận những giá trị được nêu trong bản tuyên ngôn tưởng chừng mơ mộng đó. Những gì được đưa ra tuy khó nhưng hoàn toàn có thể, nếu tất cả mọi người cũng thực hành khoan dung ở cấp độ cá nhân. Từ những cá nhân khoan dung, các cộng đồng khoan dung sẽ được hình thành. Từ các cộng đồng khoan dung, các quốc gia khoan dung sẽ xuất hiện. Từ các quốc gia khoan dung, một thế giới khoan dung sẽ hiện ra.
Chú thích:
[1] Điều 1, Tuyên ngôn của UNESCO về Lòng khoan dung.
[2] Như trên
[3] Điều 2,Tuyên ngôn của UNESCO về Lòng khoan dung.
[4] Trích trong Evgeny Abramyan – Civilization in the Twenty First Century, 4th Edition, trang 45
—
Bạn có thể gửi bài tham gia diễn đàn “Quốc gia đáng sống” qua địa chỉ editor@luatkhoa.org đến hết ngày 31/8/2017. Thông tin chi tiết tại đây.