Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Mấy con drone chết tiệt!” – Tiếng bố mình cáu kỉnh vang lên từ phía bên kia căn hộ.
Mình vừa nhìn qua cửa phòng làm việc của bố và thấy ông đang quay cuồng giữa một cơn bão tí hon của những tờ giấy lả tả tung bay.
Bố hay có thói quen mở cửa sổ khi làm việc. Và khi bạn để cửa sổ mở trên tầng 82 cuả một cao ốc chung cư thấp tè 120 tầng, thì bạn thỉnh thoảng sẽ phải giật mình vì những bầy drone đưa thư chuyển hàng bận rộn đen xen trên bầu trời Sài Gòn ngày càng chật chội. Một con drone nào đó đã vút qua sát cửa sổ phòng làm việc của bố mình và thổi vào đó vài cơn gió phá bĩnh.
Thú thực chắc mình không bao giờ hiểu được vì sao bố mình vẫn thích dùng sách vở giấy tờ, những thứ cổ xưa để ghi chép làm từ vỏ cây hay nguyên liệu tái chế nào đó mà người ta đã không còn dùng nữa mấy thập niên nay rồi.
Nhưng mà mình lạc đề rồi nhỉ? Phải rồi, bạn đang hỏi mình: thế nào là một quốc gia đáng sống?
Ừmmmmmmm… Mà sao bạn hỏi khó thế!!! Mình chưa bao giờ nghĩ đến một vấn đề cao siêu như vậy.
Mình mường tượng là một quốc gia đáng sống sẽ như là… nơi mình đang sống chăng?
Thật là khó trả lời sao cho chuẩn vì mình thật sự chưa bao giờ sống lâu dài bên ngoài đất nước mình cả.
Mình hay cùng đám bạn học nhảy máy bay sang Đài Loan, Nhật Bản, hay Hàn Quốc chơi mỗi buổi chiều nào chúng mình có tiết tự học vốn luôn dễ cúp thoải mái. Chúng mình thường cũng chỉ đi loăng quăng vài tiếng rồi lại hộc hơi chạy ra ga bắt máy bay về lại Sài Gòn cho kịp bữa tối.
Cuối tuần cả nhà mình thường lại cùng nhau xuôi về phía Nam, cắm trại và ngắm bình minh tại Ayers Rock. Tuần nào chịu chơi hơn thì nhà mình bay chếch chếch phía mặt trời lặn một chuyến, để có thể nằm trong tuyết ngắm cực quang phương bắc tại Kakslauttanen, hay lại lang thang trong những khu chợ trời Morocco nóng nực, một trong số ít những nơi bố mình vẫn còn có thể tìm thấy những gian hàng sách giấy yêu thích của ông. Thỉnh thoảng có kỳ nghỉ dài thì cả nhà có thể sang Mỹ thăm chị gái mình tại bang Montana xanh thẳm. Rồi cả nhà có thể cùng nhau rong ruổi trên những chuyến bay jetpack đường dài quanh nước Mỹ.
Thế giới của mình xoay quanh những chuyến đi như thế.
Thú thật là qua những chuyến đi và kỳ nghỉ, mình không cảm thấy có một nơi nào khác đáng sống hơn Sài Gòn của mình.
Không có thứ gì Sydney, hay London, hay Bắc Kinh, hay Seattle có mà Sài Gòn không có cả (chắc không ít phần nhờ vào công những chiếc máy bay siêu tốc và những chú drone luôn chăm chỉ như những bầy ong mật.)
Môi trường hay khí hậu cũng không phải là vấn đề quan trọng với mình. Nhờ các nỗ lực làm sạch môi trường và khí quyển toàn Trái Đất sau mấy cái thảm họa hạt nhân cách đây vài thế kỷ mà bây giờ chất lượng môi trường và không khí trên toàn Trái Đất đều rất ổn.
Vậy nên, thật là khó để mình có thể cho bạn một câu trả lời có ý nghĩa cho câu hỏi rằng thế nào là một quốc gia đáng sống.
Tuy nhiên, câu hỏi của bạn lại gợi mình nhớ đến một kỷ niệm khó quên.
Đó là lần mình đi bộ đường dài thám hiểm dãy núi Trường Sơn với bố mình. Đoàn thám hiểm của bọn mình đi dọc một tuyến đường cổ đã có từ hơn nghìn năm trước.
Một hôm nọ trên đường, cả đoàn dừng lại tại một địa phương tên là Jơ Linh. Ở đó có một phế tích nổi tiếng: một bãi đất đền đài bỏ hoang với hàng nghìn những ngôi mộ rêu phong đổ nát.
Lúc đoàn mình ghé nơi ấy là buổi sáng nắng, trời mát lành. Vậy mà mình cùng nhiều người trong đoàn vẫn có cảm giác lành lạnh, rờn rợn sống lưng khi ghé khu mộ đền ấy.
Giữa hoang tàn nứt đổ, vẫn còn dấu vết của vài con đường thẳng tắp xen giữa những hàng mộ. Khu mộ đền này lúc nguyên trạng chắc rộng lớn hơn nhiều. Các bia mộ xám đen nhuốm màu xanh rêu nhấp nhô nhoi lên giữa những cơn sóng bụi cỏ cây và hoa dại đủ sắc màu.
Những chữ viết trên đền đài và bia mộ đều đã phai đi. Trải qua bao sương gió dãi dầu, mấy cuộc kháng chiến chống người ngoài hành tinh, và vài vụ thảm họa nguyên tử, bạn biết đấy.
Cậu robot cao dong dỏng lóng lánh đen màu thép, hướng dẫn viên của đoàn, vừa đi vừa giải thích cho đoàn về lịch sử của khu di tích này, bằng một chất giọng thiếu niên chả ăn nhập gì với vóc dáng khổng lồ của cậu ta.
Khu mộ đền ấy hóa ra là nơi chôn cất hàng nghìn (có thể là nhiều hơn) người lính đã ngã xuống trong một cuộc chiến tranh hơn nghìn năm trước. Người ta chỉ có thể suy ra thân phận những người nằm trong mộ bằng cách phân tích chút vụn xương cốt còn lại và chụp soi laser những vết lằn còn nổi trên các mặt bia mộ.
Cuộc chiến tranh mà những người lính ấy tham gia vẫn còn là một bí ẩn. Không còn có ghi chép nào về cái tên, hoàn cảnh, hay nguyên nhân của nó.
Một cảm giác thật là lạ lùng khi đứng trước di hài của hàng nghìn con người, đã chết vì một lý do nào đó mà những đồng loại đời cháu chắt của họ không còn nhớ.
Đó là cái giá mà loài người chúng ta phải trả qua những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược ngoài hành tinh. Có rất nhiều dữ liệu, ghi chép đã bị đánh mất.
Chiều hôm đó khi đoàn đã cắm trại, mình và bố mình có một cuộc chuyện trò dài về… cuộc đời.
Mình hỏi bố mình nhiều về những cuộc chiến tranh của quá khứ.
Bố mình kể rằng trước khi loài người trở nên đoàn kết như hiện nay họ đã từng suốt ngày gây chiến đánh nhau vì vô số những lý do khác nhau.
Con người từng giết nhau vì những gì họ tin tưởng. Con người hiện đại chúng ta bàn luận và chấp nhận những tư tưởng khác biệt của nhau. Những con người thời xưa thì không. Họ sẵn sàng giết những ai không có chung niềm tin vào một điều gì đấy với họ. Thật kỳ lạ.
Con người từng giết nhau vì họ xâm lấn lãnh thổ của nhau. Con người hiện đại chúng ta chỉ có duy nhất một lãnh thổ: Trái Đất. Không có gì làm điều đó rõ ràng hơn những trận oanh tạc thảm khốc trong quá khứ của những binh đoàn xâm lược từ vũ trụ.
Quốc gia, cái khái niệm chia cắt các nhóm người khác nhau sống trên các lãnh thổ khác nhau, đã từng là một cái gì đó rất đỗi thiêng liêng. Đến mức con người giết nhau vì nó.
Ngày nay, chúng ta chỉ đơn thuần xem quốc gia như cách phân biệt các vùng lãnh thổ khác nhau trên địa cầu. Lạ nhỉ.
Con người từng giết nhau vì thù hận truyền đời. Phải, kỳ lạ cực! Con người từng truyền những oán thù và căm ghét của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cứ như thể nếu những thế hệ sau không có cùng những căm ghét, oán thù của họ, thì họ sẽ bỗng nhiên tan biến vào màn đêm lịch sử.
Lạ lùng hơn là có những thế hệ sau rất sẵn sàng nhận lấy những oán thù và căm ghét của thế hệ trước đó. Mặc cho việc họ chưa bao giờ phải cầm súng chiến đấu. Và họ ôm khư khư lấy những thù hận, cứ như thể nếu không có những thù hận ấy, họ sẽ chẳng còn là ai, sẽ chẳng biết mình sống vì gì.
Vậy nên có những cuộc chiến tranh từ ngàn xưa không bao giờ kết thúc, cho dù thế gian đã im tiếng súng bao kiếp người.
Bố mình vừa trầm ngâm kể, vừa rít những hơi thuốc lá hoa nhi li, thứ hoa trắng tinh mọc dại khắp nơi trên địa cầu, nghe bảo là đã rơi xuống trái đất theo chân một giống loài xâm lược ngoài hành tinh nào đó không còn được nhớ tên. Hơi thuốc hoa nhi li thơm nồng bủa vây lấy hai bố con mình rồi lững lờ như sương sớm trôi lên nền trời tím ngắt.
Bố cười bảo “Con nên cảm thấy may mắn. Thời đại của chúng ta đáng sống hơn nhiều.”
“Chúng ta được là chính mình, được vun trồng những ước mơ của chính mình. Chúng ta không phải sống bằng những ký ức và hận thù của kẻ khác.”
“Chúng ta biết mình là ai, từ đâu đến. Ừ dĩ nhiên thì cũng tương đối thôi vì bao nhiêu đứt gãy quá khứ. Nhưng ít ra chúng ta chưa bao giờ phải mang nặng những oán thù xưa cũ. Chúng ta cũng có trong mình một khả năng đã được bao nhiêu thế hệ con người vun đắp: khả năng tha thứ và bước tới.”
Mình nghĩ, đúng thật là chúng ta may mắn được sống trong thời đại này, trên một “hạt bụi” bay xuyên không gian, cách mặt trời 149 triệu cây số.
Đó là nơi đáng sống nhất với mình, bạn ạ.
Trên “hạt bụi” xưa cũ sứt sẹo nhưng vẫn nguyên vẹn hình hài đó, chúng ta đang được sống với chính những ước mơ, và ký ức của mình.