Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Một quốc gia đáng sống, theo tôi, là một quốc gia có thể đáp ứng được những nhu cầu của người dân một cách đầy đủ và lâu dài. Sở dĩ có những người muốn di cư từ quốc gia này sang quốc gia khác là vì họ chưa được thỏa mãn về một số nhu cầu nào đó, và họ cho rằng quốc gia họ đang tìm đến sẽ giúp họ đạt được những mơ ước đó của mình. Người ta cũng sẽ tìm cách từ bỏ những quốc gia nào có chiến tranh, có sự bất công, có nạn tham nhũng, có sự nghèo đói và những nguy hại khác ảnh hưởng đến quyền lợi và sự an toàn của cá nhân họ.
Theo Abraham Maslow, mọi người đều có các nhu cầu được sắp xếp tăng dần theo năm mức độ từ thấp đến cao. Trước hết là các nhu cầu về sinh lý như thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục. Kế đến là nhu cầu an toàn: con người cần có cảm giác yên tâm về thân thể, sức khỏe, tài sản của mình. Đó là hai nhu cầu căn bản nhất. Tiếp theo, chúng ta có nhu cầu về xã hội, được chấp nhận và thuộc về một cộng đồng nào đó. Và rồi, con người sẽ hướng đến nhu cầu được quý trọng, yêu mến. Cuối cùng là nhu cầu về tự thể hiện bản thân: tối ưu và khai thác tối đa tài năng, tiềm lực của mình.
Quốc gia nào có thể đáp ứng các nhu cầu ấy cho người dân ở mức càng cao thì đó là quốc gia càng đáng sống. Nhìn lại mức lương khởi điểm hiện tại của một viên chức có trình độ đại học với hệ số 2,34 (khoảng 3,04 triệu đồng), và cứ ba năm lại được tăng thêm hơn 400 ngàn đồng thì chúng ta chắc chắn rằng họ không thể nào thỏa mãn những nhu cầu cơ bản nhất của cá nhân và gia đình họ được. Hệ lụy của việc thu không đủ chi là sinh ra những tệ nạn, các hành động phạm pháp và các hình thức tiêu cực trong đủ mọi lĩnh vực và ở khắp mọi nơi. Đây là điều rõ ràng trước mắt mà chúng ta không thể chối cãi được.
Là một giáo viên đã làm việc trong trường công gần 20 năm, người viết đã chứng kiến nhiều trường hợp tiêu cực liên quan đến thi cử và điểm số, đến dạy thêm – học thêm, đến việc xét tuyển học sinh cũng như tuyển dụng giáo viên và nhân viên. Muốn vào một vị trí công chức với mức lương không đủ sống như thế, người ta phải tốn khoảng trăm triệu chi phí “bôi trơn”. Người ta có thể dùng nhiều lý do để biện hộ cho nạn tham nhũng này, nhưng có lẽ một phần lý do là cũng do mức thu nhập của họ chưa đủ đế đáp ứng nhu cầu cần thiết, vì vậy ngoài giờ làm việc họ tìm mọi cách để làm thêm kể cả chính đáng lẫn không chính đáng.
Cho nên, nếu như mọi chi phí không đột ngột tăng một cách bất thường, nếu như nghề nghiệp của một người được trả công đủ cho nhu cầu cơ bản của họ thì đó sẽ là một nơi mà nhiều người sẽ an tâm sinh sống và làm việc. Thêm vào đó, nếu có chế độ phúc lợi, y tế và an sinh xã hội tốt thì người dân sẽ cảm thấy an toàn để tiếp tục phát triển nhằm đạt được những mơ ước lớn hơn của mình.
Cùng với đó, quốc gia nào hạn chế được mức cao nhất những hình thức phân biệt đối xử sẽ là một quốc gia đáng sống, vì mọi người sẽ cảm thấy thoải mái để đóng góp những gì thuộc về mình một cách tự nguyện. Khi tham gia một tập thể không có sự phân loại, người ta cảm thấy được chấp nhận và được thuộc về một cách trọn vẹn hơn, được tôn trọng và kính mến một cách thật sự. Từ đó, họ sẽ có thêm động lực để phát triển chính mình và sống có ý nghĩa hơn.
Cuối cùng, một quốc gia được xem là đáng sống nếu ở đó con người có thể khai thác tài năng của bản thân để thể hiện chính mình. Quốc gia đó phải có các phương tiện giáo dục thích hợp để cung cấp những thông tin, những kiến thức đúng đắn và đầy đủ về tất cả mọi lĩnh vực.
Như vậy, một quốc gia là đáng sống khi nó tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng cho mỗi người dân đạt được những nhu cầu của mình từ vật chất cho đến tinh thần. Mỗi con người dẫu được sinh ra như thế nào, có hoàn cảnh ra sao thì cũng cần được tiếp cận với những điều kiện tốt nhất để được nuôi dưỡng, được giáo dục, và được sống đúng với khả năng và sở thích của họ.
Khi mỗi người dân có thể thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, họ sẽ nghĩ đến lòng bác ái, sự vị tha, tình yêu thương và hòa bình, thay vì cứ luôn tranh đấu với chính mình và với người khác. Cuối cùng, chính đất nước đó sẽ hưởng lợi từ người dân của mình khi mỗi người hết lòng đóng góp vào sự phát triển chung của quốc gia.