Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Sinh ra ở miền Trung nghèo khó, lên hai tuổi tôi cùng gia đình di chuyển vào một vùng kinh tế mới miền Nam. Tôi lớn lên với hình ảnh quen thuộc ngày hai buổi sáng chiều người dân tộc Stiêng đeo gùi đi làm rẫy trước cửa nhà, với những con suối nước dâng tràn bờ, chảy xiết sau giờ tan học mỗi mùa mưa và những cánh rừng thưa dần rồi mất hẳn.
Từ nhỏ, tôi được người Stiêng dạy cho những bài học quý giá về chữ tín. Cứ khoảng 2 lần mỗi tuần, tôi thường thức dậy sớm chạy vào nhà chú Rôm ở sóc cách nhà chừng sáu cây số để mua cám cho mẹ nuôi heo. Để mua được cám của chú, mẹ tôi cần phải báo chú trước loại cám và số lượng. Nếu không, dù thân quen cỡ nào chú vẫn sẽ bán cho người đã đặt trước. Chú bán các loại cám lau (loại cám rất mịn từ lớp lụa của vỏ gạo), cám thường loại nhỏ, cám thường loại lớn với giá khác nhau tuỳ theo chất lượng mỗi loại chứ không bao giờ trộn lẫn để kiếm thêm như các nhà máy xay xát khác vẫn làm.
Bởi quý mến nhau, vào ngày Tết của người Stiêng, chú sẽ ghé biếu ba mẹ tôi vài cái bánh tét. Còn nguyên tắc buôn bán của chú bao nhiêu năm vẫn bất di bất dịch. Không chỉ riêng chú Rôm, mà hầu hết mọi người trong cộng đồng Stiêng mà tôi biết đã họ luôn sống như vậy.
Tôi nghĩ, một quốc gia đáng sống là một xã hội mà mọi người có chữ tín, có lòng tin lẫn nhau. Chữ tín được hình thành khi chúng ta đối đãi với nhau thật thà, bán đúng giá với đúng chất lượng, thông tin về sản phẩm. Chúng ta kiếm lời trên việc cung cấp dịch vụ, làm hài lòng khách hàng chứ không phải làm giàu trên sự lừa gạt. Chúng ta ăn rau chúng ta bán và tự hào về cái chúng ta làm ra, chứ không phải rào thêm một mảnh đất nhỏ trồng riêng cho nhà ăn.
Một quốc gia đáng sống là nơi bạn thức dậy mỗi ngày, bước ra cửa nhà đi đến thẳng một tiệm đồ ăn nào đó để mua bánh mì, mua phở cho cả nhà mà không phải lo lắng pate có xuất xứ từ chợ Kim Biên hay bánh phở có ướp phoóc-môn hay không. Bạn có thể ghé bất cứ gian hàng nào ở chợ để chọn thức ăn phù hợp với túi tiền của mình mà không lo lắng đậu hũ có hàn the, tôm có dư lượng thuốc tăng trọng, thịt bò làm giả từ thịt heo, rau có xịt hoá chất bảo quản. Bạn mỉm cười hài lòng để trả tiền cho món thực phẩm bạn chọn mà không sợ người bán cân thiếu hay tráo đồ của bạn. Bạn không phải tính xem nên dừng ở trạm xăng nào uy tín nhất, hay đổ mức bao nhiêu thì người bán không lấy được tiền của bạn!
Vậy mà giờ đây, mỗi ngày đi làm về, tôi ghé siêu thị mua nguyên liệu nấu ăn vì không dám ăn ngoài. Tôi tự hỏi rằng nếu mỗi người chúng ta đi làm chỉ để đáp ứng cho nhu cầu căn bản nhất để tồn tại thì làm sao chúng ta có thể giải phóng bản thân mình để sáng tạo, để nghĩ những điều lớn lao hơn? Làm sao xã hội chúng ta phát triển?
Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu bạn không thể ăn món ăn mình yêu thích nữa? Hoặc là bạn sẽ thưởng thức nó trong sự mơ hồ sợ hãi rằng mình sẽ có thể bị bệnh và chết vài năm sau?
Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu mỗi ngày bước chân ra đường, bạn luôn phải đề cao cảnh giác?
Bạn có tính bạn đã mất bao nhiêu thời gian để tìm mua những nguồn thực phẩm sạch rồi tự tay chế biến cho gia đình mình thay vì ghé bất kỳ nơi nào gần nhất?
Chúng ta chưa có một thống kê nào về tổng chi phí và thời gian tiêu tốn của người Việt Nam trong việc mỗi cá nhân phải tự chống chọi chỉ riêng với nguồn thực phẩm bẩn. Nhưng rõ ràng chính vì nó mà chúng ta đã lãng phí một nguồn lực rất lớn.
Chúng ta có thể sẽ giàu có, và rất nhiều người đã rất giàu có ở đất nước chúng ta. Nhưng chúng ta có thật sự an yên nếu mỗi ngày chúng ta bước ra đường mà không biết nên tin ai, và tin vào điều gì?