Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Tôi mơ về một đất nước mà mọi công dân đều có quyền thất bại.
Quốc gia đáng sống, với tôi, là nơi mọi nghề nghiệp đều có chỗ đứng đúng đắn trong xã hội; để sao cho mỗi chúng ta, tùy khả năng và niềm đam mê, đều có thể tự do theo đuổi mọi nghề nghiệp, phát huy tối đa khả năng của bản thân và trở nên hữu ích cho cộng đồng.
Tôi không sao quên được thời điểm đứng trước quyết định nghề nghiệp lần đầu tiên trong đời. Hôm nay hơn hai mươi năm sau, tôi buồn man mác khi thấy đa số các bạn trẻ vẫn còn phải làm bài toán loại suy như tôi hồi xưa.
Ngày đó, tôi không dám chọn học ngành tâm lý học vì sợ ra trường không có việc làm. Tôi thấy ba mẹ mình, cả hai đều quá vất vả khi làm nghề giáo. Tính cam chịu của ba và nỗi ấm ức của mẹ trong quá trình dạy học khiến tôi sợ phải theo nghề này. Khi xã hội lúc đó vẫn đang lưu truyền “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa”, khi mà “con gái mà học Bách Khoa khô người ra”, khi mà “thể lực không có thì dẫu đậu vào trường Y, liệu có học hết nổi sáu năm không”, khi mà “học Nha ư? khi ra trường nhà nghèo làm sao trang bị nổi máy móc mà hành nghề?”, để rồi tôi đành chọn Dược như một giải pháp an toàn.
Rồi khi có được học bổng du học thạc sĩ, hay khi tôi cố tìm tiếp học bổng tiến sĩ thì tất cả vẫn chỉ là do tinh thần hiếu học, ham nghiên cứu, chứ tôi cũng không có ý thức rõ ràng về nghề nghiệp hay sự nghiệp mà lẽ ra cần phải có để bản thân đặt ra mục tiêu đúng đắn và phấn đấu đúng mức. Khái niệm sự nghiệp nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đến nay có lẽ vẫn còn chưa có được vị trí phù hợp trong xã hội như ở các nước phát triển.
Tôi chỉ đơn cử trường hợp của chính mình như một ví dụ minh họa. Xã hội còn có vô vàn nghề nghiệp khác và lĩnh vực nào cũng cần có những chính sách phù hợp hơn để đất nước tận dụng được nguồn nhân lực, để xã hội vận hành như một guồng máy có nhiều bánh răng phối hợp nhịp nhàng với nhau tạo nên sự tương tác, hỗ trợ và cộng hưởng.
Tôi nhắm mắt mơ về một đất nước đáng sống.
Là nơi có thầy cô được toàn quyền dạy dỗ học trò, có đội ngũ nhà nghiên cứu khoa học vừa thỏa mãn được nhu cầu phát triển đất nước vừa bắt kịp tình hình thế giới.
Là nơi có những người thợ lành nghề tham gia vào nền kinh tế sản xuất lành mạnh, có những người nông – ngư dân biết sử dụng công nghệ để phát triển nông – ngư nghiệp, có những thương nhân cạnh tranh công bằng bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ.
Là nơi có những nhà nghiên cứu bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ dân tộc, có những nhà báo có quyền tự do ngôn luận, có những người nghệ sĩ tự do cất tiếng nói của con tim.
Là nơi có những tổ chức ban ngành hoạt động thực thụ và phối hợp với nhau vì mục đích phát triển con người và đất nước.
Và nhiều nữa.
Tôi mơ về một đất nước mà mọi công dân đều có quyền thất bại, mạo hiểm cuộc sống của mình để vượt qua chính bản thân. Dẫu mơ ước không thành, ta hẳn cũng sẽ tìm được một vị trí khác thích hợp hơn trong xã hội mà không bị phân biệt đối xử.
Tôi mơ về ngày mỗi chúng ta đều tự tìm được vị trí của mình, để sống hài hòa, để cháy hết mình vì mảnh đất và cộng đồng gắn bó. Khi đó, có lẽ không còn ai muốn vĩnh viễn đi ra khỏi quê hương của mình chỉ để mưu sinh.