Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Người dân luôn muốn tuân thủ pháp luật, miễn là họ có lòng tin rằng điều đó là đủ cho một cuộc sống an bình.
Tôi đã từng xem những người Việt Nam tìm cách định cư ở nước ngoài là “trốn chạy”, hay thậm chí gọi những du học sinh ở lại sau khi học là “phản bội”. Được nuôi dạy để yêu đất nước như là nghĩa vụ, tôi từng không chấp nhận từng “tài sản” của quốc gia chảy sang nước ngoài.
“Là người Việt Nam, ai cũng có nghĩa vụ phải xây dựng Tổ quốc” – tôi được dạy như vậy.
Nhưng khi chính bản thân mình đối mặt với câu hỏi “ở lại hay về nhà” sau khi kết thúc việc học ở nước ngoài, tôi mới hiểu rằng người ta chọn rời bỏ quê hương vì một lý do đơn giản: tìm kiếm một nơi nào đó đáng sống hơn.
Không ai thống kê được có bao nhiêu người Việt ở khắp nơi trên thế giới đang muốn rời bỏ quê hương mình để xây dựng cuộc sống ở nơi khác, nhưng tôi tin là rất nhiều. Một con số đáng lưu tâm hơn đó là người Việt Nam bỏ ra ba tỷ đô-la một năm để mua nhà ở Mỹ. Chưa có một con số khác được đưa ra cho Canada, Úc, New Zealand, hay châu Âu, những điểm đến ưa thích của người Việt Nam.
Nhiều người bạn trẻ của tôi cũng xem việc định cư ở nước ngoài như mục tiêu của tuổi trẻ, như bước đệm cho tương lai, và đôi khi là như một khoản bảo hiểm cho tương lai của gia đình họ. Nhưng vì cớ gì mà đất nước chúng ta lại chứng kiến hiện tượng này? Điều gì khiến Việt Nam trở thành một quốc gia không đáng sống bằng Canada, Mỹ, Úc?
Vì việc làm ư? Tôi không nghĩ vậy.
Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ cho những cơ hội nghề nghiệp và tiến thân. Cầm một tấm bằng thạc sĩ trong tay, bạn khó mà có thể tìm được việc làm tốt ở nước ngoài vì tính chất cạnh tranh và nạn phân biệt chủng tộc. Nhưng khi về nước, bạn sẽ được trọng vọng, được săn đón, cơ hội sẽ mở ra. Rất nhiều ngành nghề đã cũ ở phương Tây trở nên mới mẻ ở quê nhà. Quá trình phát triển chậm hơn của Việt Nam so với phần còn lại của thế giới cũng có nghĩa là chúng ta có nhiều cơ hội và không gian để phát triển hơn. Vậy khó mà nói rằng người ta ra đi vì việc làm. Cơ hội việc làm không khiến Canada đáng sống hơn Việt Nam.
Vì văn hoá ư? Cũng có thể.
Những du học sinh trở về thường sẽ chịu cú shock văn hoá ngược ngay chính quê hương mình. Tính thiếu trật tự, không tổ chức, và có phần hỗn loạn của xã hội và văn hoá Việt Nam khiến những ai đã quen với nề nếp của phương Tây trở nên hụt hẫng. Chính bản thân những người hàng xóm, những họ hàng thọc mạch không coi trọng quyền riêng tư cũng làm cho những người trở về ngột ngạt.
Nhưng tất cả những thứ đó cũng không giải thích được tại sao những người vốn đã sống và thành công ở Việt Nam lại ra đi. Đối với nhiều người, chính cái hỗn loạn đó tạo nên độ “chất” (exotic) của trải nghiệm Việt Nam, và không phải ai cũng đau đớn vì điều đó. Đằng nào thì văn hoá Việt Nam cũng cổ vũ cho sự bao cấp tài chính và nó đánh bại hết những đòi hỏi về quyền riêng tư hay dân chủ kiểu phương Tây của khá nhiều người. Tôi tin rằng người ta sẽ đánh đổi cảm giác “sống như Tây” để có được cái bao cấp tài chính đó.
Vậy thì điều gì khiến con người ra đi?
Kì lạ rằng điều đó lại khó mà gọi tên rõ ràng được. Đó là môi trường, là hơi thở, là ánh nhìn của chúng ta.
Có người bạn của tôi ra đi vì tin rằng Canada có môi trường sống tốt hơn Việt Nam. Việt Nam là nơi bạn phải đeo khẩu trang hàng ngày và cứ định kỳ ba tháng một lần thì lại có bệnh về phổi. Ở Canada, bạn sẽ không lo sợ một Formosa xả thải vô tội vạ ra môi trường.
Có người bạn khác của tôi chảy nước mắt khi thấy rằng bầu trời nước ta không xanh bằng bầu trời Đức quốc vì ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Có người ra đi vì môi trường. Môi trường trong sạch khiến một quốc gia đáng sống hơn quốc gia còn lại.
Nhưng dần dần, tôi nghiệm ra một điều còn đau đớn hơn cả môi trường sống, đó là lòng tin và sự an tâm. Lòng tin rằng miễn chăm chỉ làm việc, con người sẽ có cuộc sống tốt và an tâm rằng khi rủi ro đến, pháp luật sẽ ở bên bạn để bảo vệ bạn. Con người cho dù mơ ước cao xa, kì vọng phi thường, thì cuối cùng cũng mong có một cuộc sống bình yên vô lo. Họ lao động và mong rằng thành quả lao động của họ được bảo vệ thoả đáng khỏi những rủi ro. Đó là nguyện vọng chính đáng của một con người.
Nhưng một khi cái nguyện vọng đó không được đáp ứng, hoặc bị xâm phạm một cách quá dễ dàng, con người sẽ trở nên bi quan. Hãy nghĩ đến một ngày, khi thành quả lao động của bạn bị xâm phạm, bạn sẽ nghĩ gì?
Nhiều người sẽ bảo tôi rằng ở đâu cũng có rủi ro, ở đâu cũng có thể mất trắng thành quả lao động chỉ sau một đêm. Hãy nhìn nước Mỹ và cách mà nó đã khiến hàng vạn người lao động của quốc gia này mất trắng cả nhà, xe, và công việc làm sau một trận khủng hoảng tài chính. Việt Nam chưa bao giờ trải qua một cuộc khủng hoảng như vậy. Thế thì tại sao lại tin rằng Mỹ đáng sống hơn Việt Nam vì lẽ đó?
Điều đó đúng. Nơi nào cũng có rủi ro, và ở phương Tây, những scandal của nó còn lớn hơn Việt Nam gấp bội. Nhưng điểm khác nhau chính nằm ở đó. Ở những quốc gia tạm gọi là “đáng sống” kia, rủi ro đến là những rủi ro thực sự to lớn, thực sự rúng động và thủ phạm thường là những định chế to lớn. Đó có thể là một ngân hàng rất to, hoặc một chính phủ, hoặc một tay tỷ phú lừa đảo. Khi rủi ro xảy ra, nó kéo sập những giấc mơ của nhiều người nhưng đồng thời cũng đủ lớn để xã hội thức tỉnh và làm việc sao cho nó không lặp lại nữa. Những đạo luật mới ra đời. Những thiết chế bảo vệ được củng cố. Và người dân có thể tiếp tục quay trở lại với cuộc sống bình thường, tin rằng rủi ro kia thực sự chỉ xui xẻo xuất hiện một lần trong đời.
Còn ở Việt Nam, những rủi ro diễn ra ngay chính trong căn nhà của bạn, tại hàng xóm của bạn, ở ngay giữa những tiếp xúc thông thường nhất.
Người bán phở đầu đường nhà bạn một ngày nào đó cũng có thể trở thành kẻ lừa đảo lấy hết tài sản của bạn. Hay anh hàng xóm hoà nhã cũng có thể trở thành kẻ trộm lẻn vào căn nhà mà bạn đáng sống.
Đặc biệt hơn nữa, những người cán bộ địa phương vốn dĩ là người dân bình thường khi có chút quyền lực cũng có thể cửa quyền khiến nhân phẩm của bạn bị tổn hại. Hãy thử nghĩ xem chúng ta đang phải nén lòng tung hô bao nhiêu vị “hoàng đế cởi truồng” hàng ngày?
Điều đáng sợ hơn đó là gì? Đó là những rủi ro đó quá nhỏ, quá thông thường, diễn ra hàng ngày, đến mức không ai để ý, không ai có nhu cầu bảo vệ cho bạn. Nó thông thường đến mức ai đó sẽ bảo đây là điều tất yếu của cuộc sống nơi này và phải chấp nhận.
Ai sẽ dốc lòng để điều tra một vụ lừa đảo hay bội tín chỉ đáng giá 100 triệu đồng? Ai sẽ xử lý kỷ luật một cán bộ xã nhũng nhiễu dân nếu báo chí không ra tay giúp đỡ?
Câu trả lời ở những quốc gia đáng sống đó chính là nền pháp quyền. Pháp quyền đòi hỏi chính quyền phải có trách nhiệm và tận tuỵ bảo vệ người dân khi họ có yêu cầu. Ở Việt Nam, nền pháp quyền non trẻ chỉ mãi đang thảo luận với nhau về thiết chế và những điều lớn lao mà quên mất rằng mục tiêu cao nhất của pháp quyền là tạo ra một xã hội yên bình dựa trên luật pháp, nơi con người có thể tự bảo vệ tài sản, trí tuệ, và nhân phẩm của bản thân bằng pháp luật. Một chương trình cải cách đúng nghĩa không nên chỉ bắt đầu từ thượng tầng kiến trúc mà còn phải bắt đầu từ chính các cán bộ địa phương, những người lưu giữ niềm tin của quốc dân hàng ngày.
Tôi tin rằng đó chính là cốt lõi để một quốc gia trở nên đáng sống. Suy cho cùng người dân luôn muốn tuân thủ pháp luật, miễn là họ có lòng tin rằng điều đó là đủ cho một cuộc sống an bình. Chẳng có gì tệ hơn nếu ngay cả khi đã tuân thủ pháp luật mà người dân vẫn phải chịu những rủi ro từ tính thụ động, vô trách nhiệm của chính quyền. Không thể tự bảo vệ được bản thân, hoặc không biết được phải làm gì để có một cuộc sống bình yên, người ta sẽ phải tìm đến những nơi an toàn hơn, và gọi đó là một quốc gia đáng sống.
Và họ ra đi, để lại kí ức về một quê nhà đáng lẽ đã có thể tốt hơn.
—
Bạn có thể gửi bài tham gia diễn đàn “Quốc gia đáng sống” qua địa chỉ editor@luatkhoa.org đến hết ngày 31/8/2017. Thông tin chi tiết tại đây.