Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đạo đức quốc dân là chìa khóa để giải quyết gốc rễ những bức bối xã hội.
Tây Du Ký có một đoạn rất ý nghĩa:
“Nhân thân nan đắc,
Trung Thổ nan sinh,
Chính Pháp nan ngộ,
Toàn thử tam giả,
Hạnh mạc đại yên”
(Thân người khó được, Trung Thổ khó sinh, Chính Pháp khó gặp, Được cả ba điều, May mắn lắm thay!)
Đó có thể coi là tuyên ngôn về “đáng sống” của nền văn minh thần truyền phương Đông. Đó là tiêu chuẩn “đáng sống” của người tu luyện.
Trong “Lễ Ký” có một câu chuyện như sau :
Khổng Tử đi qua bên núi Thái Sơn, có một người đàn bà khóc ở mộ rất bi thương. Phu tử tựa vào đòn ngang xe cúi mình xuống để nghe, sai Tử Lộ hỏi bà ta rằng: “Tiếng khóc của bà dường như có nhiều nỗi đau buồn?”. Người đàn bà bèn trả lời rằng: “Đúng thế. Ngày trước cha chồng tôi chết vì hổ, sau đó chồng tôi chết vì hổ, bây giờ con trai tôi cũng chết vì hổ”. Phu tử nói rằng: “Tại sao bà không bỏ đi?”. Người đàn bà đáp: “Ở đây không có chính sách hà khắc”. Phu tử nói rằng: “Các trò hãy ghi nhớ điều đó. Chính sách hà khắc còn tàn bạo hơn hổ”.
Hay một câu chuyện mà có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đã biết, đó là mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để người con của bà đến được đúng nơi nên đến. Đây hẳn cũng là nỗi lòng thấm thía của những vị phụ huynh đang tìm mọi cách cho con di cư với mong cầu hưởng đời sống cao, môi trường trong lành và nền giáo dục tiên tiến.
Qua ba ví dụ trên tôi muốn nhấn mạnh rằng tiêu chuẩn về “đáng sống” cũng không phải điều gì mới nảy sinh gần đây. Và khi người ta cứ liên tục hỏi nhau “thế nào là đáng sống” thì nhiều khả năng họ đang ở một nơi “không đáng sống”? Vậy đơn giản lắm, lật ngược cuộc đời mình lại, tự hỏi bản thân “đã sống như thế nào”, họ sẽ tìm ra câu trả lời.
Có điều, thế gian muôn hình vạn trạng, mỗi người sẽ có liễu giải khác nhau, mỗi người cũng có một chí hướng khác nhau.
Nếu nói với cá nhân tôi nơi nào đáng sống, thì tôi nói rằng đó là nơi quốc dân có đạo đức.
Đạo đức quốc dân là chìa khóa để giải quyết gốc rễ những bức bối xã hội. Đây là một vòng luẩn quẩn: nền văn hóa truyền thống và đạo đức bị phá hoại khiến quốc dân vô đạo đức, xã hội loạn lạc, luật pháp sinh ra hà khắc – nhưng người thực thi cũng vô đạo đức, đất nước ngày càng loạn lạc. Kết cuộc thế nào hẳn chúng ta cũng mường tượng được.
Con người nếu không có chuẩn mực đạo đức để yêu cầu chính mình thì cuộc sống sẽ trở nên căng thẳng và nguy hiểm, bởi con người sẽ không từ thủ đoạn nào để làm lợi cho mình. Ngược lại, nếu con người luôn luôn tự ước thúc bản thân theo những tiêu chuẩn đúng đắn và chân chính thì xã hội sẽ ổn định và an hòa, quan hệ giữa người với người cũng vì thế mà êm đẹp, đạo đức thăng thì đời sống cũng theo đó mà thăng hoa.
Nói đến đây, chúng ta hẳn nhận ra ý nghĩa và nội hàm của từ “hướng nội”, “hướng vào bên trong”. Thực sự mọi vấn đề của cuộc đời chúng ta, của đất nước chúng ta đều cần phải giải quyết từ tự thân nó.
Nếu bây giờ mà có ai bảo tôi: “vậy thế nào là đạo đức, đạo đức là do con người đặt ra” – thì tôi có thể khẳng định quốc gia đáng sống là nơi mà phần đông không nhận thức như vậy.
Tôi sẽ ví dụ tiếp thế này: nếu quý vị ngồi năm phút và nghĩ liên tục về những điều tốt đẹp, những mong ước tốt cho người khác, thì có lẽ quý vị cũng không gặp vấn đề gì. Nhưng thử thay đó bằng năm phút tràn ngập suy nghĩ bạo lực, dâm dục, hận thù thì sao? Chắc chắn phần đông con người ta sẽ không thể làm được.
Chúng ta phải ghi nhớ rằng nền văn hóa truyền thống, những bậc thánh hiền được tôn trọng trải qua bao năm tháng đằng đẵng đã mang đến cho chúng ta – một thứ được gọi là đạo đức. Đó chính là tiêu chuẩn làm người, một tiêu chuẩn không thể đánh lận và tùy tiện xóa nhòa. Nếu chúng ta xây dựng nên một Utopia đen – nơi thỏa mãn mọi dục vọng dơ bẩn của bất kỳ ai nêu ý kiến, thì số phận của nơi đó, sẽ tựa như Sodom, Gomorrah, Pompeii, và Hy Lạp cổ đại. Và dù cho xã hội có biết bao lập luận, thì thực tế vẫn đang chứng minh: người dân ở các nước văn minh sẽ không bầu một người không có ý niệm rõ ràng về tốt xấu lên làm người lãnh đạo của họ.
Người Việt Nam nhìn vào nước Mỹ hùng cường với não trạng: “họ thực dụng nên họ giàu”. Nhưng người Việt Nam cần phải biết nền tảng duy trì nước Mỹ là một bản Hiến pháp có tuổi đời 230 năm. Bản Hiến pháp đó tôn vinh Thượng đế và nhân quyền. Bản Hiến pháp đó thừa nhận vô điều kiện những tín điều đã được truyền xuất từ hơn hai nghìn năm trước.
Bây giờ tôi xin được nêu ý kiến về tư cách của quốc dân ở một quốc gia đáng sống.
Có một câu chuyện thế này:
Có hai căn phòng giống hệt như nhau, giữa phòng đều có một chiếc bàn lớn, trên bàn bày một số món ăn, ai ngồi quanh bàn cũng phải cầm một cái thìa rất dài – dài đến nỗi không dùng để xúc thức ăn đưa vào miệng được.
Nhưng có một căn phòng là phòng Thiên đàng, ai cũng vui vẻ; còn một căn phòng là phòng Địa ngục, người ta đói khát và khổ sở.
Tất cả đến từ việc, ở căn phòng Thiên đàng, người ta xúc thức ăn và đưa vào miệng người đối diện, còn ở căn phòng Địa ngục, người ta chỉ loay hoay tìm cách đưa vào miệng mình.
Đó là câu chuyện về lòng vị tha, hiểu theo nghĩa là quan tâm tới người khác.
Không thiếu người Việt Nam cho rằng bản thân mình là một công dân cao cấp và có thái độ hết sức khinh bỉ, thù ghét người Hồi giáo hoặc da màu. Họ thậm chí không thể hiểu và nói rằng các nước phương Tây thật ngu ngốc khi tiếp nhận người nhập cư.
Hãy nghĩ về điều này, khi quý vị có một nền tảng giáo dục tốt, sống với những giá trị đạo đức cốt lõi – thì vị tha là con đường mà quý vị sẽ đi, điều đó đến thật tự nhiên, thật tất yếu. Vị tha giống như một nghĩa vụ, nhưng cũng là một phần thưởng – làm người tốt tự nó đã là một phần thưởng.
Quốc gia đáng sống có những quốc dân với nền tảng đạo đức tốt đến mức mà họ không chỉ lo cho mình, mà sẵn sàng mở rộng vòng tay với những người phải lưu vong. Họ lắng nghe và ký tên vào bản thỉnh nguyện thư nhằm chấm dứt một cuộc đàn áp ở nơi cách đó hàng ngàn dặm. Họ lên tiếng cho chính những người đang tự hỏi “quốc gia đáng sống ở đâu”. Tựa như, quốc gia càng lớn trách nhiệm càng lớn, và nói ngược lại, muốn trở thành nước lớn thì càng phải thể hiện trách nhiệm lớn, một tư cách lớn. Một quốc gia với rất đông quốc dân có tư cách lớn – sẽ là một quốc gia lớn, và đương nhiên “đáng sống”.
Cũng phải nói lại rằng, cuộc sống của nhân loại rất phức tạp, nó đòi hỏi chúng ta xử lý những vấn đề xã hội một cách có lý trí. Nhưng chìa khóa của vấn đề, tôi muốn nhắc lại, sẽ luôn là thượng tôn giá trị đạo đức và việc tự điều chỉnh bản thân của quốc dân, của giới lãnh đạo, của quốc gia đó.
Một bộ phận người Việt Nam bị băng hoại đạo đức, với não trạng lệch lạc, dù có di cư đến đâu họ vẫn mang theo thứ văn hóa biến dị mà không tự biết – vì họ không biết đối chiếu tốt xấu và tìm lỗi nơi bản thân – nói nghiêm trọng ra, họ đang góp phần biến quốc gia đáng sống nơi mà họ di cư đến dần trở nên không đáng sống nữa.
Để kết bài viết này, tôi xin nói rằng thảm trạng kinh hoàng nhất mà nhân loại đang đối mặt đó là: những quốc gia không đáng sống có một chính quyền ngoài việc đày đọa người dân trong sự vô đạo đức còn – nguy hại hơn – biến người dân thành tòng phạm, đồng lõa trong những tội ác kinh khủng của mình.
—
Bạn có thể gửi bài tham gia diễn đàn “Quốc gia đáng sống” qua địa chỉ editor@luatkhoa.org đến hết ngày 31/8/2017. Thông tin chi tiết tại đây.