Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ngồi cà phê chém gió, tôi hỏi bạn bè tôi rằng, theo mọi người một quốc gia đáng sống là quốc gia như thế nào?
Anh bạn kĩ sư nói rằng anh muốn Việt Nam được như Úc hay mấy nước châu Âu, nơi có phúc lợi xã hội tốt và chính phủ luôn tạo điều kiện cho người dân theo đuổi đam mê của mình. Dù ở lứa tuổi nào họ cũng có thể tiếp tục tìm hiểu bản thân mình, biết được mình là ai và biết được mình thích gì. Không có việc làm thì có bảo hiểm thất nghiệp. Con cái sinh ra thì cũng chẳng lo chạy từng bữa cơm, lo chạy từng tháng đóng tiền học.
Có đứa nói quốc gia đáng sống với nó là quốc gia con người được cân bằng giữa vật chất và tâm linh, là nơi con người có một niềm tin tốt để có thể sống một cuộc đời dù khốn khổ hay giàu sang cũng không bị cuốn theo những điều xấu xí.
Đứa bạn vừa tốt nghiệp đạo diễn cũng nói đùa theo: với tao nước đáng sống là quốc gia cho phép phát triển nền công nghiệp phim sex. Nói xong cả đám phá lên cười.
Như vậy quốc gia đáng sống là gì? Quốc gia đáng sống có phải là quốc gia trong mơ của mỗi người?
Với tôi, quốc gia đáng sống là quốc gia có phúc lợi xã hội tốt, đặc biệt là giáo dục và y tế. Quốc gia mà ở đó những đứa trẻ được đến trường mà không cần biết bố mẹ chúng là ai, những ông bà cụ già không còn phải chắt mót dành dụm tiền đi bệnh viện lúc gần đất xa trời.
Nói về giáo dục và y tế, có thể nói chính xác tôi là nạn nhân của giáo dục và y tế Việt Nam. Ngày tôi còn nhỏ, cuộc sống ở quê nghèo vùng sông nước, việc học hành quá đỗi khó khăn, làm tôi vẫn thường ước mơ sau này sẽ trở thành một cô giáo để trở về quê cống hiến, giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn như tôi. Nhưng cuộc đời thường không như mong muốn.
Tôi bỏ học năm lớp 9 vì quá nhiều vấn đề. Suốt những năm học cấp II, buổi chào cờ nào hai anh em tôi cũng phải đứng trước cột cờ vì cái tội không có tiền đóng tiền học phí. Tôi còn nhớ như in cái năm 2004, học phí ở quê chỉ có 40.000 đồng và vì gia đình có sổ hộ nghèo nên tôi chỉ phải đóng 20.000 đồng. Thời gian nghỉ hè thì chúng tôi phải đi mót lúa, nhổ cỏ để kiếm tiền mua tập sách. Mọi thứ quá khó khăn với ba đứa trẻ mồ côi cha và gần như cả mẹ như anh em tôi.
Rồi giấc mơ khép lại từ đó khi chúng tôi phải dừng việc học và trở thành công nhân ở tuổi 15. Cuộc sống là một chuỗi những vòng xoay và cuối cùng giấc mơ của tôi thật sự chỉ là giấc mơ.
Năm tôi mới 10 tuổi, ba tôi mất ở tuổi 37, chúng tôi không có tiền, thậm chí để đưa ông đi khám. Tôi không biết ba bị bệnh gì, càng không thể tưởng tượng nếu lúc đó tôi có tiền để đưa ông đi khám thì chi phí chữa trị là bao nhiêu, khi mà 20.000 đồng tiền đóng học phí cũng không có. Đó là khoảng thời gian kinh hoàng nhất của đời tôi. Ông mất bên cạnh ba đứa con nhỏ cùng một màu đen mù mịt ở tương lai.
Đó là lí do, nếu nói về một quốc gia đáng sống thì nguyên tắc để tôi đánh giá đầu tiên là phúc lợi về y tế và giáo dục. Có lẽ đó là ý kiến cá nhân, nhưng với những gì đã trải qua, tôi thật sự không muốn ai phải trải qua nữa cả.
Tôi lên Sài Gòn với ước mơ kiếm tiền và có một cuộc sống khác hơn. Tôi tìm hiểu nhiều nơi để đi xuất khẩu lao động. Chỉ mong đi ra nước ngoài để kiếm tiền rồi tìm một người chồng ngoại quốc nào lấy cho xong. Nhưng cái tình yêu nước, yêu đồng bào của tôi đã trỗi dậy thật mạnh mẽ, khi tôi nhận ra dân tộc tôi không còn là một dân tộc đáng tự hào với những trang sử hào hùng, con cái tôi sau này sẽ không có một tuổi thơ đúng nghĩa, và hơn hết là dân tộc tôi đang trên đà diệt vong. Tôi không cho mình cái quyền mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mà bỏ hết trách nhiệm của mình với thế hệ tương lai.
Rồi tôi quyết định trở thành một nhà hoạt động xã hội. Thay vì đặt mục tiêu tiền bạc là đích đến, tôi tìm mọi cách để trở thành một người giàu kiến thức và tình yêu.
Mỗi năm có hơn 100 nghìn người Việt tìm đường bỏ nước ra đi, một con số đáng buồn. Có người ra đi vì nhìn trước được viễn cảnh Việt Nam trong tương lai, có người ra đi vì cuộc sống khó khăn, có người khác ra đi vì lí do chính trị.
Mỗi người có một lựa chọn, nhưng tôi biết rằng đâu đó trên đất nước này vẫn có những người thật sự muốn ở lại, muốn đất nước sẽ có một ngày thay đổi. Có người mang hai quốc tịch, nhưng họ vẫn cố gắng làm mọi cách để từ bỏ quốc tịch nước ngoài ở lại đấu tranh cho Việt Nam. Có những tù nhân chính trị thà sống trong tù mười mấy năm chứ không chấp nhận ra đi rồi mãi mãi không được trở về quê hương. Tôi hiểu, có thể với nhiều người, Việt Nam không đáng sống, nhưng với tôi, với họ, Việt Nam là nhà.
Có lẽ có rất nhiều lí do để đánh giá một quốc gia đáng sống, nếu xét về mong muốn, ước mơ của tôi thì Việt Nam chưa phải là một quốc gia như vậy.
Một quốc gia đáng sống là nơi mà những người dân sống ở đó không ai muốn ra đi, từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Quốc gia đáng sống là quốc gia dù nhiều người phải tìm đường mưu sinh, họ ra đi vẫn đau đáu muốn trở về.