Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Vứt tấm áo sũng nước vào chậu, cô nằm vắt tay lên trán nhìn trần nhà chăm chăm. Đường Phan Huy Ích hôm nay ngập nặng quá. Mới vào mùa lụt được có đôi bữa, mà chiếc điện thoại 1280 của cô ít gì cũng bị tắm mưa trên dưới mươi lần, cô e là nó sẽ không trụ nổi tới hết năm nay. Nhưng cũng bởi mấy trận lụt ngập tận bẹn này mà chai nhựa nổi lềnh bềnh, bà cụ già lom khom (đến nỗi cái mũi bà sắp chạm xuống đám rác trôi) bình thản lội dọc dòng nước nâu để nhặt mấy cái vỏ chai bỏ vào túi, bất chấp đám ô tô biển xanh chạy văng nước tung tóe lên tóc bà và một lũ xe cảnh sát bấm còi hù hụ chạy trước mở đường. Một bao nilon bự đấy, bán chắc tầm được mươi nghìn chăng.
Cô đang nghĩ xem động lực nào khiến bà cụ ấy chịu sống một cuộc sống như vậy. Chỉ một chút dơ bẩn của cái lụt Sài Gòn cũng đủ cho cô càu nhàu muốn bỏ xứ mà đi, một thái độ khó ưa của cái lão già bên hải quan cửa khẩu ngoài cảng cũng khiến cô hằm hằm quay lại văng vài lời chát chúa theo kiểu “đúng là người Việt!”, và mấy tin tức chính trị hằng ngày cũng làm đám bạn cô giật mình khi cô hét toáng lên: “tao đi chết đây!”.
Cô khi còn là một con bé mười lăm tuổi đã nghĩ rằng, bước ra khỏi cái làng nhỏ nơi cô sinh ra sẽ là một thế giới đẹp đẽ và tuyệt vời biết mấy. Ban tối dành để ôn thi, còn ban ngày vừa theo cha má làm rẫy vừa mộng mơ rằng nỗ lực của mình sẽ được đền đáp bằng những thư viện to sình sầu nơi thành phố, một câu lạc bộ triết học nơi có những người bạn yêu mến Thoreau giống cô, và những buổi hòa nhạc mà ở đó cô sẽ được nghe bản Solveig’s Song của ngài Edvard Grieg. Ngôi làng nhỏ chẳng thể nào thỏa cho cô đôi ba ước mơ nghe chừng giản dị ấy. Nhưng rồi, thành phố cũng chẳng khác gì.
Con bé ấy mơ rằng trong thư viện rộng lớn kia, sẽ có những cuốn sách hay ho dày sắp lớp như trong phim Harry Potter vậy. Thành phố làm cô thất vọng ư, chẳng sao, cô sẽ dịch sách, thật nhiều sách. Lần đầu gửi thư hỏi nhà xuất bản về ý định dịch cuốn Capitalism And Freedom của Milton Friedman, nhà xuất bản trả lời phũ phàng rằng cuốn đấy có chuyên gia dịch rồi, nhưng chưa được phép xuất bản ở Việt Nam. Giờ đây làm đôi chút trong ngành, cô chép miệng thở dài khi hết cuốn này bị kiểm duyệt rồi cuốn kia bị thu hồi.
Con bé ấy mơ rồi đây sẽ được gặp gỡ nhiều bạn bè cùng sở thích, sẽ ngồi với họ thảo luận về văn chương, triết học. Ai ngờ, những buổi cà phê nhỏ cũng khiến những người của PA25 đến tận nơi “hỏi thăm”, những buổi hội thảo bị cắt điện giữa chừng. Thậm chí năm ngoái, ngồi trong quán ăn, cô vui miệng kể đôi ba tin tức về kỳ bầu cử, thằng bạn cô đã vội gạt đi “thôi mày, chỗ đông người đừng nói chuyện chính trị”.
Con bé ấy cũng mơ tới những bản nhạc réo rắt và giọng ca cao vút cất lên dưới ánh đèn nhà hát rực rỡ mỗi đêm. Nhưng mà, lương làm việc ở cửa hàng tiện lợi vào ca đêm là mười chín ngàn một giờ, và cô phải làm liên tục hai đêm thì mới đủ chi trả cho một lần đi nghe nhạc. Cô thừa biết rằng mình bị bóc lột sức lao động, nhưng ai lắng nghe tiếng nói của cô? “Không thỏa thì nghỉ việc thôi” – tư duy của họ chỉ đến vậy.
Khi xưa buồn chán làng quê, cô hay lẩm nhẩm bài hát Somewhere Over the Rainbow trong phim Phù thủy Xứ Oz, và ngắm nhìn lên bầu trời, nghĩ về “Ở một nơi nào đó bên kia cầu vồng, trên cao kia / Có một vùng đất mà ta có lần nghe đến trong lời hát ru / Nơi nào đó bên kia cầu vồng, bầu trời xanh / Và giấc mơ mà ta dám mơ, sẽ trở thành hiện thực”. Nhưng giờ đây, cái đập vào mắt cô mỗi ngày là mấy người bán vé số đang lê lết qua cây cầu Bình Triệu để về nhà khi đường xá ban trưa đã vơi xe và những anh trai trẻ gầy gò nằm chỏng chơ dọc các trạm buýt khi chiều tối – những hình ảnh ấy khiến cô cúi gằm mặt bước đi, chẳng còn đủ can đảm để nhìn lên xem liệu trên cao kia có cầu vồng để cô bước qua không nữa.
Cô đã thong dong miền này và xứ khác khắp đất nước, hòng tìm kiếm lý do để níu tâm mình lại với quê hương. Dĩ nhiên cô chẳng tìm thấy được gì nhiều nhặn. Thế mà cô vẫn nghĩ tới nó mỗi ngày! Vì mảnh đất thơm mùi cỏ, vì gió cao nguyên mát lành, hoặc cũng có thể vì cha má cô chăng? Thì bà cụ ấy, cũng có thể vì mảnh đất thơm của bà, ngọn gió của bà, những đứa con của bà, mà tiếp tục cuộc sống ấy chăng?
Vậy là cô hiểu. Có thể nơi cô đang sống đây thật chẳng đáng sống tẹo nào, nhưng cô vẫn chọn sống vì nó, dẫu có đi đâu chăng nữa. Nếu bước qua cầu vồng kia để tìm kiếm những thú vui cho riêng mình, bỏ lại những niềm thương và cả mộng ước ngây thơ thuở bé, cô không nỡ. Cô nhất định phải làm gì đó, một thứ gì đó, cho mảnh đất này. Cô nghĩ, ừ, một quốc gia đáng sống có lẽ cần có những người mang những nỗi niềm như cô. Cô cùng họ, bất kể ở nơi đâu, sẽ tìm mọi cách để biến quốc gia của mình trở thành một nơi đáng sống.