Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trong những tháng vừa qua, một làn sóng biểu tình của sinh viên đã trỗi lên tại các trường đại học Mỹ, nhằm phản đối những buổi diễn thuyết của các diễn giả thuộc cánh cực hữu. Một số trường hợp tiêu biểu có thể kể đến là cuộc biểu tình ở Đại học Berkeley, bang California tháng 2/2017, Đại học Middlebury ở bang Vermont tháng 3/2017, và Đại học Claremont McKenna, bang California tháng 4/2017.
Ngày 13/7/2017, tạp chí TIME đã đăng bài xã luận của Trưởng khoa luật trường Đại học Yale, Heather Gerken. Trong đó, bà chia sẻ quan điểm không đồng tình với các cuộc biểu tình của sinh viên nói trên. Trưởng khoa Gerken cho rằng, các sinh viên phải tập lắng nghe và thấu hiểu những quan điểm khác biệt với mình chứ không phải dùng biểu tình để ngăn chặn các diễn giả phát biểu.
Bà Gerken còn đặc biệt biểu dương các sinh viên luật nói chung, và sinh viên luật Yale nói riêng. Theo bà, sinh viên luật sẽ không làm ra những hành vi như thế vì họ hiểu rõ “vấn đề”. Sinh viên luật được huấn luyện phải đặt mình vào vị trí của đối phương để suy nghĩ và lập luận vì đó là một kỹ năng tối cần thiết cho nghề luật.
Một luật sư sẽ có những lúc phải bảo vệ thân chủ và đưa ra những lập luận mà bản thân không thích, hoặc còn có thể là trái ngược với các giá trị của mình.
Vì vậy, đối với bà Gerken, các sinh viên luật đã biết thực hiện điều này qua việc chấp nhận những diễn giả cánh cực hữu xuất hiện tại các trường đại học. Và như thế, họ sẽ giúp hàn gắn những chia rẽ và mâu thuẫn trong xã hội để mang lại thay đổi, như người Mỹ đã từng làm trong thời kỳ Phong trào Dân quyền những năm 1960.
Bà Heather Gerken, Trưởng khoa luật trường Đại học Yale. Ảnh: Momikin.com
Bài viết của Trưởng khoa Gerken ngay lập tức đã bị phản bác. Đầu tháng 8/2017, một nhóm bảy sinh viên luật tại chính Đại học Yale – Will Bloom, Wally Hilke, Bethany Hill, Amit Jain, Andrés López-Delgado, Maya Menlo, và Joseph Meyers – đã ‘bật‘ lại vị giáo viên đứng đầu trưởng luật của mình với những lời lẽ khá mạnh dạn.
Những sinh viên này không hề cảm thấy hãnh diện khi được Trưởng khoa của mình “khen”. Ngược lại, họ viết:
“Chúng tôi từ chối lời kêu gọi ‘bảo vệ tự do ngôn luận’ của Trưởng khoa Gerken trong cái khung mà các diễn giả bảo thủ như Charles Murray đã tuyên truyền. Bởi vì họ đâu chỉ đòi hỏi quyền được phát biểu cho bản thân. Cái họ muốn là quyền được ép chính những kẻ mà họ đang tìm cách đàn áp phải ngồi nghe những gì họ muốn nói.
Chúng tôi không có hứng thú đối thoại với một kẻ dè bỉu khả năng tư duy của phụ nữ và người da màu. Những người như Murray đã liên tục, và với một thái độ không ăn năn hay hối hận gì, rao giảng những bài diễn thuyết mang đầy tính phân biệt chủng tộc. Họ cũng mặc kệ việc những quan điểm đó cũng đã liên tiếp bị những người khác bác bỏ một cách đầy thuyết phục.
Vì vậy, họ không xứng đáng được mời đến diễn thuyết tại các trường đại học ở Hoa Kỳ. Mời một người (như Murray) đến diễn thuyết không đơn giản là chỉ mời một diễn giả đến để cùng đối thoại, mà đó là một hành vi công kích nhắm vào chính những nhóm người bị ông ấy bỉ bôi – phụ nữ và người da màu.”
Thế nên, nhóm sinh viên đã nêu lên một điều mà, theo quan điểm riêng của nhóm bọn họ, mới thật sự là cốt lõi của lý do vì sao họ phải biểu tình.
Lý do đó là, các sinh viên biểu tình chống những buổi diễn thuyết mà bà Gerken nhắc đến trong bài xã luận, vì họ muốn lên tiếng về một thực tế rất đáng quan ngại ở Mỹ: Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (racism) vẫn tồn tại trong xã hội. Mà tệ hại hơn, chủ thuyết đó hiện đang trên đà trỗi dậy.
Theo các sinh viên, vấn đề không chỉ đơn giản là do nhiều sinh viên không biết lắng nghe, không biết chấp nhận ý kiến trái chiều như bà Gerken đã viết.
Các sinh viên cho rằng có những người khoác cho mình danh xưng “cực hữu” hoặc “bảo thủ” để che dấu việc họ thật ra đang rao giảng về “vị trí thượng đẳng của người da trắng” (white supremacist) – đây cũng chính là giá trị chung của tổ chức phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan và những kẻ tin vào chủ thuyết phát xít (Nazism)
Sinh viên Đại học Yale biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tháng 11/2015. Ảnh: ABC News.
Bảy sinh viên luật Yale này mạnh mẽ phản đối bà Trưởng khoa Gerken vì họ cho rằng, học luật không chỉ là biết đứng về phía đối lập để tư duy và chấp nhận quan điểm khác biệt.
Đối với họ, trường luật còn dạy, “sự lịch sự và nhã nhặn nào thì cũng có giới hạn của nó. Đôi khi, xã hội cần những người dám gây ra sự xáo trộn bằng sức sáng tạo của những cuộc biểu tình. Cũng như có những lúc, bất tuân pháp luật chính là cách làm vừa chính đáng, vừa cần thiết để tạo ra thay đổi“.
Nếu chỉ trau dồi các kỹ năng và “tập trung chuyên môn” nghề luật mới có thể mang đến thay đổi xã hội như bà Gerken đề nghị, và bà đã dùng cuộc đời của Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Thurgood Marshall để bảo vệ quan điểm của mình, thì đó chỉ là một nửa vấn đề. [Thẩm phán Marshall là thẩm phán người Mỹ gốc Châu Phi đầu tiên của Tối cao Pháp viện. Ông đã được cho phép tham gia Đoàn Luật sư bang Maryland trong thời kỳ vẫn còn phân biệt chủng tộc tại Mỹ, và ông đã dùng cơ hội đó để đấu tranh cho quyền lợi của người da màu].
Tuy nhiên, việc dùng tòa án để mang đến thay đổi chỉ là một trong nhiều con đường dẫn đến sự thành công của các cuộc cách mạng xã hội.
Nhóm sinh viên Yale đã chỉ ra, ngay khi Thẩm phán Marshall đang dùng nghề luật để bảo vệ thân chủ tại tòa, thì ngoài cửa tòa án vẫn tràn ngập những kẻ vị chủng sẵn sàng dùng tư hình để đe dọa, thậm chí là đe dọa xử tử bằng cách treo cổ (lynching) những người mang màu da khác họ.
Theo các sinh viên, lập luận của bà Gerken đã bỏ sót một điều: Những nhà hoạt động của Phong trào Dân quyền tại Mỹ trong thập niên 1960 không chỉ mang đến thay đổi trong xã hội bằng con đường tòa án, mà họ còn xuống đường biểu tình, cũng như can đảm đối mặt với các chính sách kỳ thị một cách trực diện.
Xa hơn, nhóm sinh viên còn cho rằng, khi bà Gerken bóng gió là những cuộc biểu tình của sinh viên tại các trường đại học làm suy yếu mục đích đấu tranh của chính họ và làm hại đến các cuộc thảo luận trong môi trường học thuật, thì quan điểm đó cũng không khác gì với việc đa số người Mỹ đã từng làm trong thập niên 1960.
Vào giai đoạn đó, 57% dân Mỹ cũng cho là, những hành vi bất tuân dân sự của người Mỹ đen gây ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc đấu tranh cho Dân quyền vì chúng gây ra quá nhiều những xáo trộn trong xã hội.
Theo các sinh viên thì thực tế đã chứng minh, sở dĩ những quan ngại này xuất hiện vốn không phải là vì đa số người Mỹ ủng hộ bãi bỏ phân biệt chủng tộc mà trở nên lo lắng. Mà thật ra, nó được dùng để che dấu cho việc họ không muốn người Mỹ đen được hưởng các quyền bình đẳng.
Các sinh viên kết luận, đấu tranh chống phân biệt chủng tộc đòi hỏi một người phải đối đầu trực tiếp với nó, và đó là một điều tuy hết sức khó khăn nhưng sẽ mang đến thành công.
Và vì thế, những luận điểm kêu gọi dùng “phép lịch sự” đối với những kẻ đang rao giảng và cổ xúy phân biệt chủng tộc về bản chất, chính là kiểm soát quyền tự do ngôn luận của những sinh viên biểu tình, khi đặt điều kiện là họ phải nói gì và nói như thế nào. Mà đến cuối cùng, nó làm chúng ta quên đi vấn đề quan trọng nhất: chiến đấu chống lại chủ thuyết “vị trí thượng đẳng của người da trắng”.
“Cho dù việc học luật và hành nghề luật là một phương pháp đấu tranh tỉnh táo, điều đó không có nghĩa là sinh viên phải bỏ đi quyền được phản đối và quyền biểu tình của mình. Chúng tôi – những sinh viên luật – nhất định sẽ sử dụng tất cả những bài học từ trường luật để đấu tranh chống lại sự bất công ở bất kỳ nơi nào và lúc nào chúng tôi đối mặt nó”.
Tài liệu tham khảo: