Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Chưa từng có tổng thống Mỹ nào bị truy tố. Nhưng không có nghĩa là không thể.
Người Mỹ đang ồn ào tranh cãi xem liệu họ có thể truy tố Tổng thống Donald Trump được không. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được đem ra mổ xẻ.
Ngày 17/8/1998, Bill Clinton trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên phải ra làm chứng trước một Đại Bồi thẩm đoàn (grand jury), sau khi Công tố viên độc lập Kenneth Starr tiến hành một cuộc điều tra liên quan đến vợ chồng ông. Trong đó, có hồ sơ dự án bất động sản Whitewater cùng các vụ quấy rối tình dục trước khi Bill Clinton trở thành tổng thống.
Cuộc điều tra của Kenneth Starr không chỉ khiến cho Bill Clinton bị Quốc hội Mỹ đưa ra luận tội (impeachment) vào cuối năm 1998. Vụ việc này còn khơi lại một cuộc tranh cãi khá gay gắt, là liệu Hiến pháp Hoa Kỳ có bảo vệ một tổng thống đương nhiệm bằng quyền tạm miễn tố (immunity) trước những vụ kiện dân sự và cả nguy cơ bị truy tố hình sự hay không?
Vào tháng 7/2017, tờ The New York Times công bố một tài liệu nghiên cứu luật hiến pháp dài 56 trang do Kenneth Starr chỉ đạo thực hiện để tìm cách truy tố hình sự Bill Clinton. Lần này, Tổng thống Donald Trump nằm trong tầm ngắm. Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã được bổ nhiệm để điều tra Tổng thống Trump và các cáo buộc liên quan đến việc Nga can dự vào cuộc bầu cử năm ngoái tại Mỹ.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề pháp lý này.
Tổng thống Mỹ dù đang tại chức vẫn có thể bị kiện dân sự
Trong hai nhiệm kỳ của mình, các vụ bê bối cá nhân của Bill Clinton đã giúp định hình rõ hơn các lập luận pháp lý về quyền được tạm miễn tố đối với một tổng thống đương nhiệm tại Hoa Kỳ.
Trước hết, chúng ta cần xem xét các vấn đề pháp lý liên quan đến các vụ kiện dân sự mà tổng thống là bị đơn, vì đó chính là một trong những trường hợp mà quyền được tạm miễn tố của tổng thống bị ảnh hưởng.
Một trong những vụ bê bối chính trị ầm ĩ nhất của Bill Clinton ngay sau khi ông vừa nhậm chức nhiệm kỳ thứ nhất xảy ra vào năm 1994, khi bà Paula Jones – một cựu nhân viên của Clinton khi ông còn là Thống đốc bang Arkansas – đã đâm đơn kiện ông về hành vi quấy rối tình dục.
Vì không muốn hình ảnh của Tổng thống bị ảnh hưởng, các luật sư đại diện cho Bill Clinton đã nộp đơn kiến nghị lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ để ngăn chặn vụ việc tiếp diễn.
Họ đã đề nghị tòa diễn giải Hiến pháp theo hướng một tổng thống đương nhiệm có quyền được tạm miễn tố. Các luật sư của Clinton lập luận rằng, để đảm bảo nhánh hành pháp có thể hoạt động ổn định và hữu hiệu thì tòa không nên cho phép một vụ kiện dân sự được tiếp tục trong thời gian ông Clinton vẫn còn tại chức.
Vụ kiện dân sự của Paula Jones đã mở ra một cánh cửa truy tố hình sự đối với một tổng thống Mỹ đang tại chức. Ảnh: Jamal Wilson/AFP/Getty Images.
Thế nhưng, vào tháng 5/1997, Tối cao Pháp viện đã bác bỏ lập luận của phe Clinton khi đưa ra phán quyết trong vụ Clinton kiện Jones. Các thẩm phán tuyên bố, không có bất kỳ điều khoản nào của Hiến pháp Hoa Kỳ có thể giúp bảo vệ một tổng thống đương nhiệm không bị khởi kiện dân sự, khi những hành vi bị cáo buộc vốn không liên quan trực tiếp đến quyền hành và phạm vi của cương vị hiện thời.
Vì vậy, tòa cho phép các thủ tục pháp lý trong vụ kiện của bà Jones – với mục đích điều tra về những cáo buộc Clinton đã quấy rối tình dục bà trước đây – được tiếp tục tiến hành cho dù ông hiện đang là tổng thống Mỹ. Vụ kiện này kết thúc vào tháng 1/1999, khi Tổng thống Clinton đồng ý hòa giải và bồi thường cho bà Paula Jones 850.000 USD.
Tuy nhiên, vụ án dân sự này không còn đơn thuần là mâu thuẫn giữa hai cá nhân, mà nó đã có một tác động trực tiếp đến quyền được tạm miễn tố của một tổng thống Hoa Kỳ đang tại chức. Khi phán quyết Clinton kiện Jones cho phép một công dân được kiện tổng thống ra toà dân sự thì nó đã mở hé cánh cửa cho phép truy tố hình sự một tổng thống trong tương lai.
Truy tố hình sự tổng thống Mỹ? Có thể.
Tháng 9/1998, công tố viên độc lập Kenneth Starr chuyển toàn bộ hồ sơ điều tra Tổng thống Clinton đến Quốc hội, và vào tháng 10/1998, quá trình luận tội (impeachment) Clinton bắt đầu.
Kenneth Starr kết luận rằng, Tổng thống Clinton đã nói dối trước Đại Bồi thẩm đoàn (perjury) về quan hệ giữa ông và cựu thực tập sinh Monica Lewinsky, cũng như cho đó là hành vi cản trở tư pháp (obstruction of justice). Đây là hai tội hình sự theo luật liên bang Hoa Kỳ.
Kenneth Starr thực ra còn định tiến xa hơn một bước, ông đã từng muốn truy tố hình sự (indict) Tổng thống Clinton.
Đó chính là lý do mà văn phòng của ông đã thực hiện tài liệu nghiên cứu dài 56 trang về quyền truy tố tổng thống vào năm 1998. Dựa vào kết quả nghiên cứu, Kenneth Starr tin rằng, một công tố viên độc lập hoàn toàn có cơ sở pháp lý để truy tố hình sự một tổng thống đương nhiệm.
Tài liệu này do một Giáo sư Luật Hiến pháp khá bảo thủ, Ronald Rotunda, phụ trách nghiên cứu và đã đưa ra kết luận như sau: “Một Đại Bồi thẩm đoàn liên bang (federal grand jury) hoàn toàn có quyền đưa ra quyết định truy tố một tổng thống đương nhiệm nếu người này phạm những tội hình sự nghiêm trọng, không nằm trong và hoàn toàn trái ngược với các nghĩa vụ của một tổng thống.”
Tổng thống Bill Clinton trong băng ghi hình lời khai của ông trước Đại Bồi thẩm đoàn, ngày 17/8/1998. Ảnh: dailymail.co.uk, nydailynews.com
Tối cao Pháp viện có ý kiến gì?
Cho đến nay, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vẫn chưa có một phán quyết nào trực tiếp trả lời câu hỏi: liệu một tổng thống có thể bị truy tố hay không.
Trước hết, Hiến pháp Hoa Kỳ không có điều khoản nào ngăn cấm việc truy tố hình sự một tổng thống đang tại chức.
Nhưng mặt khác, đây lại là một chủ đề gây ra tranh cãi gay gắt giữa các chuyên gia luật hiến pháp Hoa Kỳ kể từ vụ bê bối Watergate trong nhiệm kỳ của Tổng thống Richard Nixon, đầu những năm 1970.
Những người không ủng hộ truy tố tổng thống đã luôn dựa vào lập luận do cựu Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Robert G. Dixon, Jr., đưa ra vào tháng 9/1973. Dixon lập luận rằng, một tổng thống đương nhiệm có quyền được tạm miễn truy tố vì đó là những nguyên tắc căn bản để nhánh hành pháp có thể thực hiện toàn bộ chức năng của họ theo đúng Hiến pháp.
Theo Dixon, nếu tổng thống và là người đứng đầu nhánh hành pháp bị mang ra truy tố hình sự trong khi đang tại chức, thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của toàn bộ một nhánh quyền lực của chính phủ. Vì vậy, tuy Hiến pháp không có quy định tạm miễn truy tố, nhưng để đảm bảo cho chính phủ được vận hành trôi chảy, thì khi còn tại chức, tổng thống không nên và không thể bị truy tố.
Thế nhưng, đến năm 1997, phán quyết của Tối cao Pháp viện trong hồ sơ Clinton kiện Jones như đã nói ở trên, đã cho phép các thủ tục pháp lý của một vụ kiện dân sự được tiếp tục tiến hành cho dù bị đơn là một tổng thống đang tại chức.
Giáo sư Rotunda đã viết trong bản tài liệu nghiên cứu của văn phòng Kenneth Starr, là phán quyết của Clinton kiện Jones đã đưa ra một tiền án lệ quan trọng về quyền tạm miễn tố của một tổng thống đương nhiệm.
“Nếu Hiến pháp và các nguyên tắc của chính sách công đã cho phép công dân khởi kiện dân sự một tổng thống đang tại chức, về những hành vi không liên quan đến các quyền hành và nghĩa vụ chính thức của tổng thống (và ngoài phạm vi những nghĩa vụ đó)… thì chúng ta có thể nhận thấy rằng, việc truy tố một tổng thống cũng được Hiến pháp cho phép vì mức độ ảnh hưởng đến quyền lợi của công chúng trong những vụ án hình sự là lớn hơn rất nhiều.”
Rotunda cũng phản bác lại các quan điểm dựa vào giả thuyết của Dixon. Theo Rotunda, nếu Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép tổng thống có thể được tạm miễn truy tố hình sự khi đang tại chức, thì các tổ phụ của nước Mỹ đã có thể đưa điều khoản đó vào nội dung Hiến pháp.
Thứ hai, không có chuyện nếu tổng thống bị truy tố hình sự khi đang tại chức thì cả nhánh hành pháp sẽ sụp đổ. Tu chính án số 25 đã có những điều khoản để giúp xử lý các trường hợp tổng thống bị mất khả năng lãnh đạo đất nước vì lý do sức khỏe hoặc bất kỳ lý do nào khác.
Quan trọng nhất, tài liệu nghiên cứu của giáo sư Rotunda kết luận rằng, nếu một tổng thống không thể bị truy tố hình sự khi đang tại chức và phải chờ đến khi mãn nhiệm, thì có khả năng là thời hiệu truy tố (statute of limitations) tội danh đó đã hết. Như thế có nghĩa là tổng thống đã đứng trên pháp luật và thoát tội.
***
Theo Văn khố Quốc gia Hoa Kỳ (National Archives, có nơi dịch là Cục Lưu trữ Quốc gia), văn phòng công tố viên độc lập Kenneth Starr đã từng bắt đầu viết cáo trạng (indictment) đối với Tổng thống Bill Clinton. Tuy nhiên, đến cuối cùng Kenneth Starr đã chọn cách để Quốc hội thực hiện quyền luận tội tổng thống.
Mặc dù vậy, giá trị pháp lý của tài liệu nghiên cứu mà Kenneth Starr và các đồng sự của mình thực hiện gần 20 năm về trước vẫn mang tính thời sự cho đến tận ngày nay.
Giá trị đó nằm ở một nguyên tắc cho rằng “tại đất nước Hoa Kỳ, không một ai, cho dù là tổng thống, có thể đứng trên pháp luật.”
Ngày này năm xưa: Monica Lewinsky và lời tự thú trước nửa đêm của Bill Clinton
Tài liệu tham khảo: