Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Vào ngày này cách đây đúng 43 năm, 8/8/1974, Richard Nixon trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử từ chức, khi đang ở giữa nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Chỉ không đầy hai năm trước đó, ông giành được một chiến thắng oanh liệt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chiếm được 60% lá phiếu của cử tri toàn quốc. Điều gì đã dẫn ông đến cảnh thân bại danh liệt này?
Ảnh: bethelatwar.org.
Ngày 5/11/1968, Richard Nixon trở thành vị tổng thống thứ 37 của nước Mỹ. Với phương châm đem lại hòa bình, ổn định và hàn gắn một nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc vì vấn đề cuộc chiến tranh Việt Nam, Nixon, một ứng cử viên của đảng Cộng hòa, đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Hubert Humphrey một cách sít sao.
Daniel Ellsberg. Ảnh: phawker.com; thestar.com; pulitzer.org.
Ngày 13/6/1971, tờ The New York Times bắt đầu đăng bài về “Hồ sơ Lầu Năm Góc” (Pentagon Papers), một tài liệu tuyệt mật nghiên cứu chi tiết quá trình can thiệp chính trị và quân sự của chính phủ Mỹ tại Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1967. Bộ hồ sơ này cho thấy sự thật là chính phủ Mỹ qua các thời kỳ đã không trung thực với người dân về mức độ can thiệp, về các chính sách hiếu chiến và can thiệp thô bạo của họ tại Việt Nam.
Tài liệu này được Daniel Ellsberg (góc phải), một chuyên gia nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ tuồn ra cho báo giới. Là một người chống chiến tranh Việt Nam, Ellsberg cho rằng công chúng Mỹ phải được biết rằng chính quyền của họ đang che giấu những bí mật kinh khủng gì về cuộc chiến này.
Ảnh: thenarrativetimes.org
Bê bối để lộ tài liệu tuyệt mật trên báo chí Mỹ này khiến chính phủ Nixon “mất mặt”.
Riêng với Nixon, chuyện để lộ tài liệu này không chỉ là một vấn đề trị an phải giải quyết của chính phủ Mỹ. Nixon cho rằng có những thành phần bên trong chính phủ đang âm mưu chống lại ông, và việc để lộ tài liệu chỉ là một trong vô số những trò bẩn mà “phe hắc ám” đó đang sử dụng.
Nixon lập tức ra lệnh bắt cấp dưới phải tìm ngay cách điều tra các khe hở để lộ tài liệu trong chính phủ, và quan trọng hơn, phải “bằng mọi cách” tìm cách kiểm soát thiệt hại từ vụ để lộ “Hồ sơ Lầu Năm Góc”.
Tháng 7/1971, được đích thân Nixon cho phép, các trợ tá của ông đã tập hợp được một nhóm nhỏ các nhân viên đặc biệt bao gồm một số luật sư và cựu nhân viên tình báo. Nhóm này sau này được gọi bằng hỗn danh đội Thợ Sửa Ống Nước Nhà Trắng (White House Plumbers), có nhiệm vụ xử lý “rò rỉ” thông tin.
Ảnh: Michael Brennan/Getty Images; Wikipedia.org; thestar.com
Ngày 22/7/1971, Charles Colson, cố vấn đặc biệt của Nixon, viết thư mật cho John Ehrlichman, Trợ tá Nội vụ của Nixon. Colson thông báo rằng ông đã giao cho một thành viên của đội Thợ Sửa Ống Nước Nhà Trắng, E. Howard Hunt, nhiệm vụ tìm hiểu cách xử lý Ellsberg. Hunt là một cựu nhân viên tình báo có 21 năm kinh nghiệm làm việc cho Cục Tình báo Trung ương (CIA).
Hunt viết ghi chú báo cáo lại cho Colson các biện pháp có thể dùng để chống lại Ellsberg, bao gồm điều tra tiết lộ tất cả các thông tin có hại cho danh tiếng của Ellsberg. Thêm nữa, Hunt đề nghị đột nhập vào văn phòng của bác sỹ tâm lý cho Ellsberg để đánh cắp hồ sơ bệnh lý tâm thần, sau đó dùng hồ sơ này cho việc tấn công, bôi nhọ cá nhân Ellsberg trên truyền thông đại chúng. Hunt sau đó đột nhập được vào văn phòng bác sỹ của Ellsberg nhưng không tìm thấy hồ sơ của Ellsberg ở đây.
Nhiệm vụ này tuy không thành công nhưng nó là bước đầu xác định ranh giới cho phạm vi hoạt động của đội Thợ Sửa Ống Nước Nhà Trắng: họ sẵn sàng vi phạm pháp luật nhân danh một tổng thống Mỹ để phục vụ cho mục đích chống lại “kẻ thù” của vị tổng thống đó.
Ảnh: nixonfoundation.org
Sang năm 1972, mối quan tâm của Nixon không còn là Ellsberg và việc để lộ thông tin chính phủ nữa. Ông sắp hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên và phải vận động tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai.
Danh sách bí mật các “kẻ thù” của Nixon giờ đây không chỉ bao gồm những kẻ để lộ tin tức chính phủ mà đã từ từ mở rộng sang các đối thủ chính trị, bao gồm cả đảng Dân chủ và các ứng cử viên của đảng này.
Trong khi Nixon và đội ngũ tranh cử của ông tích cực hoạt động tranh cử công khai thì trong bóng tối, các cựu thành viên đội Thợ Sửa Ống Nước Nhà Trắng cũng bắt đầu các “nhiệm vụ đặc biệt” của họ cho Nixon.
Toà nhà Watergate và năm tên trộm. Ảnh: historyonthenet.com; theblackvault.com.
Đi đêm lắm có ngày gặp ma.
Rạng sáng ngày 17/6/1972, năm tháng trước ngày bầu cử tổng thống, một nhân viên bảo vệ của tòa nhà văn phòng Watergate (thủ đô Washington D.C) phát hiện ra có nhiều mảnh băng keo dính trên vài then cửa trong khu văn phòng (để giữ cho cửa không bị khóa lại khi đóng). Nhân viên bảo vệ này báo cho cảnh sát.
Cảnh sát Washington D.C có mặt tại hiện trường và phát hiện năm người đàn ông đã lẻn vào lục soát văn phòng trụ sở tổng hành dinh của đảng Dân chủ trong khu Watergate. Năm người này mang găng tay phẫu thuật và dụng cụ phá khóa. Họ cũng có trong người các thiết bị camera và thiết bị nghe trộm phức tạp. Nhóm năm người này lập tức bị bắt với tội trộm cắp (burglary) ở mức đại hình (felony).
Điều thú vị là một trong năm người, James McCord, là một cựu nhân viên CIA, lúc đó lại còn đang là trưởng bộ phận an ninh cho ủy ban tranh cử của Nixon!
Ngày 19/6, Trưởng ủy ban tranh cử của Nixon là John Mitchell, cựu Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ, tuyên bố là ủy ban này không hề liên quan gì đến vụ trộm ở Watergate. Cùng lúc đó, Cục Điều tra Liên bang (FBI) vào cuộc.
G. Gordon Liddy. Ảnh: usnews.com.
Vài ngày sau hôm 17/6, FBI lần ra được là nhóm năm tên trộm đã hoạt động dưới sự điều hành của G. Gordon Liddy (ảnh), chuyên viên tư vấn tài chính cho chiến dịch tranh cử của Nixon, và E. Howard Hunt. Cả hai đều là cựu thành viên đội Thợ Sửa Ống Nước Nhà Trắng hồi năm 1971.
Bên cạnh vai trò của Liddy, FBI xác định ngay là Hunt có mối quan hệ trực tiếp với Charles Colson, lúc đó vẫn là cố vấn đặc biệt của Nixon. Liddy và Hunt cùng bị bắt vì có liên quan đến vụ trộm Watergate.
Nhà Trắng của Nixon vẫn thẳng thừng từ chối mọi liên quan. Phát ngôn viên Nhà Trắng tuyên bố không có ai trong Nhà Trắng kể cả cố vấn Colson có dính líu gì tới vụ trộm, “một vụ trộm hạng ba” không đáng để tâm, theo ngôn từ của Nhà Trắng.
The Washington Post là tờ báo đi đầu trong việc điều tra vụ Watergate. Ảnh: lewinskygate.files.wordpress.com; Wikipedia.org.
Từ tháng 7 đến tháng 10/1972, với sự hỗ trợ của nhiều nguồn tin bí mật từ bên trong chính quyền Mỹ, tờ The Washington Post vào cuộc với một loạt bài điều tra chi tiết, lần theo manh mối vụ đột nhập và đặt đường dây nghe trộm tại toà nhà Watergate.
Tháng 8/1972, The Washington Post phát hiện một tờ ngân phiếu trị giá $25,000 xuất phát từ ủy ban tranh cử của Nixon trong tài khoản ngân hàng của một trong những tên trộm vụ Watergate.
Tháng 9/1972, The Washington Post cáo buộc John Mitchell (ảnh), Trưởng ủy ban tranh cử của Nixon, đã từng điều hành một quỹ bí mật của đảng Cộng hòa chuyên dùng cho các chiến dịch tình báo chống lại đảng Dân chủ ngay từ khi Mitchell còn giữ chức Tổng Chưởng lý trong chính phủ Nixon.
Tháng 10/1972, FBI xác định với giới báo chí Mỹ rằng vụ Watergate chỉ là một trong rất nhiều vụ đột nhập diễn ra trong một chiến dịch tình báo chính trị và phá hoại chính trị có vẻ mang tính quy mô.
Ảnh: rarenewspapers.com; famousfix.com.
Những lùm xùm liên quan đến vụ Watergate không thật sự ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử thành công của Nixon.
Ngày 7/11/1972, ông giành được tới hơn 60% số phiếu phổ thông trên toàn nước Mỹ và theo đó chiến thắng một cách thuyết phục trước ứng cử viên đảng Dân chủ George McGovern.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi mà FBI và báo chí Mỹ đang dần dần khép vòng vây điều tra vụ việc Watergate.
Ngày 7/2/1973, dưới áp lực từ công luận, Thượng viện Hoa Kỳ tranh luận và bỏ phiếu 100% chấp thuận việc thành lập Ủy ban Watergate (Senate Watergate Committee), đặc trách điều tra vụ việc này.
Tuy nhiên, chìa khóa đưa vụ việc đi tiếp những bước dài lại đến từ một nơi khác: tòa án.
Ảnh: pressherald.com; theunredacted.com.
Đầu năm 1973, các trợ tá của Nixon có liên quan đến vụ Watergate là G. Gordon Liddy và James McCord ra tòa và đều bị kết án các tội chủ mưu ăn trộm và nghe trộm, cùng với năm kẻ trộm đã bị bắt trong vụ việc.
Những tưởng chỉ cần các trợ tá này im lặng đi tù thì những rắc rối của Nixon sẽ chấm dứt tại đây. Nhưng không.
Thẩm phán của vụ việc là John Sirica (hình trái), một thẩm phán liên bang có 21 năm trong nghề. Mặc dù là một người ủng hộ đảng Cộng hòa, ông quyết tâm không tỏ ra dễ dãi với những biểu hiện phạm pháp của một tổng thống thuộc đảng này.
Sirica truy vấn các bị cáo một cách kỹ càng, đồng thời dọa các bị cáo trong vụ việc là họ sẽ phải nhận mức án tù cao nhất có thể (lên đến 30-40 năm) nếu như họ không thành khẩn khai báo ai thật sự đứng đằng sau chiến dịch tình báo chính trị quy mô này.
Cuối cùng cũng có một nhân vật phải sợ hãi mà lên tiếng: James McCord (hình phải).
Ảnh: quotesgram.com.
Ngày 23/3/1973, trong phiên tòa tuyên án các bị cáo vụ đột nhập Watergate, thẩm phán Sirica đọc công khai trước tòa (có công chúng và báo giới theo dõi) một lá thư bị cáo McCord gửi cho ông để tường trình thêm về vụ việc nhằm xin giảm án tù.
MrCord tiết lộ trong lá thư là CIA không hề có liên quan đến vụ đột nhập tại Watergate, rằng là có những “áp lực chính trị” từ một số nơi buộc các bị cáo trong vụ việc phải nhanh chóng nhận tội và im lặng về những lý do sâu xa phía sau vụ việc, rằng một số nhân chứng ra tòa trong các phiên xử vụ trộm Watergate trước đó đã gian dối trước tòa (perjury).
McCord đồng thời cho biết ông ta cảm thấy không an tâm nếu phải tiết lộ các thông tin này cho FBI, cho Bộ Tư pháp, hay cho “bất kỳ một đại diện chính quyền nào khác”.
Lối nói úp mở này cho thấy ông ta e ngại chính nhánh hành pháp nằm dưới quyền Tổng thống Nixon, cho dù Bộ Tư pháp và FBI tương đối độc lập với Nhà Trắng.
Thẩm phán Sirica kết thúc phần tuyên án của mình bằng cách đề nghị các bị cáo sau này phải chịu khó hợp tác tích cực với cuộc điều tra của Ủy ban Watergate của Thượng viện.
Ủy ban Watergate của Thượng viện Hoa Kỳ. Ảnh: senate.gov; historyonthenet.com.
Ủy ban Watergate của Thượng viện Hoa Kỳ được thành lập ngày 7/2/1973 bao gồm bảy thượng nghị sỹ (TNS): bốn thuộc đảng Dân chủ đối lập và ba thuộc đảng Cộng hòa cầm quyền.
Chủ tịch Ủy ban là TNS Sam Ervin thuộc đảng Dân Chủ, một cựu chánh án Tòa Thượng thẩm bang North Carolina. Phó Chủ tịch Ủy ban là TNS Howard Baker của đảng Cộng hòa.
Ủy ban có nhiệm vụ điều tra rõ ràng vụ Watergate cũng như điều tra cáo buộc về việc chính phủ Nixon đã tìm cách che đậy vụ này. Các TNS trong ủy ban có quyền triệu tập và lấy lời khai của bất kỳ công dân nào có liên quan đến vụ việc, thông qua các phiên điều trần công khai được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia.
Ủy ban đã không hề bỏ qua những nội dung được tiết lộ trong phiên tòa tháng 3/1973 của thẩm phán Sirica.
Ngày 17/5/1973, phiên điều trần đầu tiên của ủy ban bắt đầu.
Ảnh: townnews.com; biography.com.
Trong khi đó, những tiết lộ “nóng” từ phiên tòa ngày 26/3 của thẩm phán Sirica đã bắt đầu làm Nhà Trắng “rúng động”.
Một loạt các trợ tá của Nixon có liên quan đến vụ Watergate bắt đầu lung lay. Họ bí mật tìm luật sư tư vấn riêng, hay tìm cách liên lạc riêng với các công tố viên để “mặc cả” tiết lộ thông tin.
Ngày 30/4/1973, hai cố vấn đặc biệt có thâm niên phục vụ Nixon là H. R. Haldelman và John Ehrlichman cùng từ chức. Cùng ngày, Nixon cách chức cố vấn John Dean.
Nghiêm trọng hơn nữa là Tổng Chưởng lý (tức là chức đứng đầu Bộ Tư pháp đồng thời là cố vấn pháp luật chính cho tổng thống) Richard Kleindienst cũng từ chức.
Trong các tháng tiếp theo sau đó, các cựu cố vấn và cựu nhân viên Nhà Trắng sau khi bị sa thải bắt đầu lục tục kéo nhau ra các phiên điều trần của Uỷ ban Watergate để tiết lộ những gì họ biết về vụ bê bối này.
Ảnh: Wikipedia.org; Ernie Leyba/The Denver Post.
Trong bối cảnh khủng hoảng quốc gia, Bộ Tư pháp không thể thiếu người đứng đầu.
Tháng 5/1973, trong khi Ủy ban Watergate vẫn đang làm việc thì Thượng viện Hoa Kỳ cũng đồng thời xem xét bổ nhiệm Tổng Chưởng lý mới cho chính phủ Nixon.
Elliott Richardson (bên trái), người đang làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Nixon đề cử làm Tổng Chưởng lý mới. Trong phiên điều trần bổ nhiệm, Richardson xác nhận với Thượng viện rằng ông sẽ bổ nhiệm ngay một công tố viên đặc biệt (Special Prosecutor) để phụ trách một cuộc điều tra hình sự riêng của Bộ Tư pháp nhằm vào vụ Watergate.
Archibald Cox (bên phải), một giáo sư luật, từng giữ chức Phó Tổng Chưởng lý trong chính phủ Kennedy và Johnson trước đây, được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt ngay sau khi Richardson nhậm chức.
Alexander Butterfield. Ảnh: The New York Times.
Tháng 7/1973, một cựu nhân viên Nhà Trắng, Alexander Butterfield, đưa ra một tiết lộ khá “động trời” trong một phiên điều trần của Ủy ban Watergate, đó là văn phòng Tổng thống Nixon có thu âm lại các cuộc hội thoại của Nixon và các thành viên nội các.
Ủy ban Watergate bèn ra yêu cầu bắt Nixon phải cung cấp các băng thu âm này cho ủy ban. Công tố viên đặc biệt Archibald Cox đồng thời cũng gửi yêu cầu tương tự tới văn phòng Nixon.
Văn phòng Nixon cương quyết từ chối cả hai yêu cầu này với lý do đặc quyền hành pháp (executive privilege).
Cox bèn làm đơn xin thẩm phán John Sirica dùng thẩm quyền tòa án liên bang phát trát yêu cầu bắt buộc Nixon phải tiết lộ các băng ghi âm bí mật để phục vụ cho việc điều tra hình sự.
Nhóm luật sư của Cox và nhóm luật sư riêng của văn phòng Nixon phải ra tòa mấy lần để cãi nhau về việc này. Vừa đánh vừa đàm, Cox tiếp tục gây áp lực bắt Nixon đưa băng.
Nixon tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng Watergate bằng các quyết định nhân sự của mình. Ảnh: trbimg.com.
Tháng 10/1973, dường như không còn chịu nổi “nhiệt” từ công tố viên đặc biệt Archibald Cox, Nixon bèn đưa ra một quyết định có vẻ nóng giận và chỉ đẩy ông tới bờ vực thẳm nhanh hơn: bắt Tổng Chưởng lý Richardson phải sa thải công tố viên đặc biệt Cox và bãi bỏ hoàn toàn chức vụ công tố viên đặc biệt.
Tổng Chưởng lý Richardson, người đã ở trong nội các Nixon nhiều năm, phản đối quyết định này. Richardson thẳng thừng từ chức thay vì tuân lệnh. Người lên thay Richardson là Robert Bork thực hiện theo yêu cầu của Nixon và sa thải Cox.
Tuy nhiên, hành động “không ăn được thì đạp đổ” này của Nixon khiến các thành viên đảng Cộng hòa phải ngạc nhiên và tức giận. Phe Cộng hòa trong Thượng viện thì lớn tiếng cảnh báo Nixon: Họ sẽ không bảo vệ cho ông nữa.
Buộc vào đường cùng, Nixon lại phải kêu Quyền Tổng Chưởng lý Bork bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt khác. Bork bổ nhiệm Leon Jaworski.
Nhậm chức, Jaworski tức thì… tiếp tục cuộc chiến pháp lý đòi Nhà Trắng tiết lộ các băng ghi âm mật.
Tổng thống Richard Nixon giữa mưa tên bão đạn. Ảnh: nydailynews.com.
Thất thế tại Quốc hội và vướng phải một cuộc chiến bất định tại tòa án, Nixon quay qua tìm sự ủng hộ từ quần chúng Mỹ. Hơn 60% trong số họ đã bầu ông làm tổng thống chỉ không đầy một năm trước đó.
Trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp vào tháng 11/1973, Nixon tuyên bố, liên quan đến vụ Watergate: “Tôi không phải kẻ dối trá” (I’m not a crook).
Áp lực từ công luận và Quốc hội Mỹ vẫn không buông tha vấn đề băng ghi âm bí mật, khiến cho Nhà Trắng đành phải chọn việc “tiết lộ có chọn lọc” vào năm sau đó.
Cuối tháng 4/1974, Nhà Trắng nộp cho Thượng viện 1,200 trang tốc ký ghi lại nội dung các cuốn băng ghi âm hội thoại trong văn phòng Nixon. Các bản tốc ký này đã được hiệu đính. Thượng viện dĩ nhiên không chấp nhận cách làm này và nhắc lại yêu cầu Nixon phải nộp chính các băng ghi âm.
Các thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong thời kỳ diễn ra vụ Watergate. Ảnh: potus-geeks.livejournal.com; ourpresidents.tumblr.com.
Tranh cãi pháp lý về việc đặc quyền hành pháp (executive privilege) để bảo mật các băng ghi âm của Nixon cuối cùng lên đến Tối cao Pháp viện
Và Nixon cuối cùng vẫn không thoát: Ngày 24/7/1974, cả tám thẩm phán Tối cao Pháp viện tham gia nghị án đều tuyên Nixon không có cơ sở pháp lý đòi bảo mật các băng ghi âm đó.
Nhận định rằng bản chất của đặc quyền hành pháp mà phía Nixon đưa ra rất chung chung, không hề dựa vào việc bảo vệ bí mật quân sự hay bí mật ngoại giao có tầm quan trọng quốc gia, các thẩm phán đưa ra phán quyết rằng Nhà Trắng phải cung cấp tất cả các cuốn băng ghi âm bí mật đang được bên công tố yêu cầu.
Trong tám vị thẩm phán quyết định vụ này, có đến ba thẩm phán do Nixon bổ nhiệm.
Người thẩm phán thứ chín của Tối cao Pháp viện không tham gia nghị án là William Rehnquist, một thẩm phán được Nixon bổ nhiệm năm 1972 và từng làm trợ lý Tổng Chưởng lý trong chính phủ Nixon. Vì từng làm việc cho nội các Nixon, Rehnquist xin rút, không tham dự vụ này. Rehnquist sau này trở thành Chánh án Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Cuối tháng 7/1974, Nhà Trắng tiết lộ các băng ghi âm bí mật.
Một cuốn băng ghi lại một đoạn hội thoại hồi tháng 6/1972 giữa Nixon và các trợ tá mà trong đó Nixon đồng ý phải yêu cầu FBI dừng điều tra vụ Watergate vì “lý do an ninh nội địa”. Đây được xem là bằng chứng khả dĩ cho hành vi “cản trở công lý” (obstruction of justice) của Nixon.
Một cuộc biểu tình đòi luận tội cách chức Nixon. Ảnh: biography.com.
Tháng 7/1974 có lẽ là tháng “ác độc” nhất trong cuộc đời Nixon. Ông đánh mất sự ủng hộ của cả đa số quần chúng và của hệ thống chính trị Hoa Kỳ.
Trước đó, cuối tháng 6/1974, Ủy ban Watergate của Thượng viện đã công bố kết quả điều tra với những nhận định và đề xuất không hề có lợi cho Nixon.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện ngày 24/7 và tiết lộ từ các băng ghi âm bí mật chỉ làm cho Quốc hội Mỹ chắc chắn hơn về sai lầm chính trị và pháp lý của Nixon.
Nhóm họp trong ba ngày 27, 29, và 30/07, Ủy ban Tư pháp Hạ viện (House Judiciary Committee) bắn phát súng mở màn cho tiến trình luận tội cách chức (impeachment) đối với Nixon.
Các thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội cách chức Nixon vì ba tội: cản trở công lý (obstruction of justice), lạm dụng quyền lực (abuse of power), và xem thường Quốc hội (contempt of Congress).
Bước tiếp theo, Hạ viện sẽ bỏ phiếu quyết định xem có luận tội Nixon hay không. Nếu có, Nixon sẽ bị Thượng viện xét xử trong một phiên toà đặc biệt.
Người dân đọc tin từ chức của Nixon bên ngoài Nhà Trắng. Ảnh: US News.
Ngày 8/8/1974, thay vì đối mặt với phiên luận tội ở Hạ viện, Richard Nixon trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử từ chức khi còn tại nhiệm. Phó Tổng thống Gerald R. Ford cũng thuộc đảng Cộng hòa lên nắm quyền.
Hơn hai năm sau vụ đột nhập Watergate và chưa đầy hai năm sau khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình với một chiến thắng vinh quang, Nixon rời Nhà Trắng trong tư cách một con người vô tội về mặt pháp lý, mặc cho bao nhiêu điều tiếng và dị nghị liên quan đến vụ bê bối Watergate.
Tròn một tháng sau, Tổng thống Ford quyết định miễn truy cứu vô điều kiện đối với mọi tội danh liên bang mà Nixon có thể đã phạm phải trong thời gian làm tổng thống.
Nixon cương quyết cho rằng ông vô tội và không có liên quan gì đến vụ đột nhập Watergate cho đến tận khi ông qua đời năm 1994.
Tài liệu tham khảo: