Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Để tiếp tục chuỗi bài dịch các tiểu luận của nhà văn bất đồng chính kiến người Trung Quốc Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba), Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu tiếp đến bạn đọc một bài tiểu luận khác của ông, Imprisoning People for Words and the Power of Public Opinion, nói về đàn áp tự do ngôn luận ở Trung Quốc.
***
Trung Quốc là một quốc gia có truyền thống lâu đời trong việc ngược đãi bức hại người dân vì ngôn từ của họ. Nạn nhân của chính sách cai trị này xuất hiện xuyên suốt lịch sử Trung Hoa, bắt đầu từ thời vị hoàng đế đầu tiên của nhà Tần (259-210 T.C.N) và vụ án “đốt sách, chôn sống nho sinh”, kéo dài đến Phong trào Phản hữu (Ant-Rightist Campaign 1957) và Cách mạng Văn hóa (Cultural Revolution 1966-1969) của Mao Zedong (Mao Trạch Đông).
Ngày nay, 30 năm sau khi áp dụng lời kêu gọi thực hiện chính sách “Mở cửa và Đổi mới”, vẫn có ít nhất 80 nhà báo và blogger đang nằm trong các nhà tù rải rác khắp nơi ở Trung Quốc. Thế vận hội “rực rỡ” Beijing 2008 đang kề cận, nhưng thông tin về những con người đang bị bỏ tù vì ngôn luận kia thì hoàn toàn mất hút trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Thế nhưng, cho dù lệnh cấm được chính quyền áp dụng, thông tin về những bản án đó vẫn được loan truyền trên mạng Internet. Tôi xin trích dẫn một số ví dụ như sau.
I. Bọn côn đồ địa phương và những gì chúng đã làm
Tháng 8/2006, anh Qin Zhongfei (Tần Trung Phi), một nhân viên thuộc bộ phận quản lý nhân sự của Ủy ban Giáo dục Huyện tự trị Pengshui (Bành Thủy), tỉnh Chongqing (Trùng Khánh) đã viết một bài thơ phổ theo vần điệu bài thơ “Thấm Viên Xuân Bành Thủy” để chế giễu các quan chức địa phương.
Anh Qin đã gửi bài thơ này đến bạn bè qua tin nhắn từ điện thoại di động của mình, và như thế là đủ để Bí thư huyện ủy Lan Qinghua (Lam Thanh Hoa) và Chủ tịch huyện Châu Vĩ (Zhou Wei) bỏ tù anh với tội “tung tin đồn thất thiệt và phỉ báng lãnh đạo huyện”. Sau khi công chúng phản đối ầm ĩ và được sự giúp đỡ tận tình của các luật sư nhân quyền, anh Qin đã được trả tự do và được bồi thường 2.125,70 nhân dân tệ vì đã bị bỏ tù oan.
Vào tháng 4/2007, ba nhân viên kỹ thuật huyện Jishan (Tắc Sơn) là Nan Huirong (Nam Huệ Dung), Xue Zhijing (Tiết Trực Kính), và Yang Qinyu (Dương Khánh Du) của huyện Jishan, tỉnh Shanxi (Sơn Tây) đã viết một bài báo bày tỏ sự thất vọng với tình hình của Jishan. Họ đặc biệt phê phán sự lãnh đạo của Bí thư huyện ủy Li Runshan (Lý Nhuận Sơn) về một số vấn đề, với nhiều bằng chứng vững vàng để bảo vệ lập luận của mình. Họ đã gửi bài báo này đến 37 cơ quan hành chính khác nhau, và 10 ngày sau đó công an đã ập đến bắt họ.
Cũng lại là tội “tung tin đồn thất thiệt và phỉ báng lãnh đạo”. Nhưng trong vụ này, viên Bí thư huyện ủy còn đi xa hơn một bước khi triệu tập hơn 500 cán bộ từ cấp lãnh đạo phòng ban trở lên, tham gia buổi họp liên ngành “cảnh cáo công khai”. Tại buổi họp đó, ba tác giả của bài báo trên đã bị còng tay áp giải đến, và bị ép tự phê bình bản thân cùng thú tội trước mặt toàn thể người tham dự.
Tháng 7/2007, hai giáo viên họ Li (Lý) và Liu (Lưu) đã công khai phản đối quyết định của chính quyền thành phố Danzhou (Đam Châu), tỉnh Hainan (Hải Nam), đòi chuyển toàn bộ học sinh lớp 12 từ trường trung học Nada (Na Đại) Số hai đến chi nhánh Dongpo (Đông Ba) của trường trung học Hainan (Hải Nam).
Hai người giáo viên đã sáng tác và phát tán một bài hát theo làn điệu dân ca của tiếng địa phương Danzhou, bày tỏ sự bất bình đối với việc chuyển trường. Công an địa phương đã giam giữ hành chính hai vị giáo viên đó 15 ngày vì “nghi ngờ họ có ý đồ tấn công và phỉ báng danh dự lãnh đạo thành phố”.
Tháng 12/2006, Dong Wei (Đổng Vĩ), Wang Zifeng (Vương Tử Phong), Hu Dongchen (Hỗ Đông Thần), và một số người khác ở huyện Gaotang (Cao Đường), tỉnh Shandong (Sơn Đông), đã đăng tải một số lời bình phẩm về chính quyền địa phương Gaotang trên trang mạng Baidu. Sau đó, ba người họ đã bị bắt vì bị “nghi ngờ là đã mạ lị và phỉ báng Bí thư huyện ủy Sun Lanyu (Tôn Lan Vũ)”. Trong vụ này, người dân địa phương cũng làm ầm lên và những người bị bắt cũng được các luật sư nhân quyền giúp đỡ, nên vào ngày 21/1/2007, họ đã được trả tự do.
Sau đó, họ đã nộp đơn kiện đòi bồi thường về việc bị bắt giữ và tống giam tùy tiện, và mỗi người được nhận 1.700 nhân dân tệ.
Tháng 12/2007, sáu nông dân ở thành phố Mengzhou (Mạnh Châu), tỉnh Henan (Hồ Nam) đã báo cáo về việc gian lận công quỹ tại một nhà máy bia rượu của xã. Họ đã in một cuốn sách bỏ túi dưới tên gọi Lời khẩn cầu cho Công lý, trong đó, họ đã nghiêm khắc phê bình phó thị trưởng thành phố Mengzhou, cựu phó chủ tịch Mặt trận của Ủy ban Huyện ủy Mengzhou, cùng một số quan chức khác.
Lời khẩn cầu cho Công lý của sáu vị này không được ai đoái nghe, ngược lại bản thân họ thì phải nghe một vị quan tòa địa phương tuyên phán họ mỗi người sáu tháng tù vì tội “phỉ báng”. Tệ hại hơn, họ đã bị rong đi diễu phố vì tội lỗi của mình khắp huyện, không phải một mà là hai lần – hệt như cái kiểu sỉ nhục công khai, vốn là chuẩn mực của hình pháp thời phong kiến ở Trung Hoa.
Ngày 1/1/2008, tạp chí Dân Luật, một ấn phẩm của tờ Nhật báo Pháp luật do nhà nước xuất bản tại Beijing (Bắc Kinh), đã đăng một bài phóng sự điều tra của Zhu Wenna (Châu Văn Nã). Bài báo đó đã chỉ trích Zhang Zhiguo (Trương Chí Quốc), Bí thư huyện ủy thành phố Tieling (Thiết Lĩnh), huyện Xifeng (Tứ Phong), tỉnh Liaoning (Liêu Ninh).
Ngày 4/1, nhân viên an ninh từ Tieling đã ập đến văn phòng của Nhật báo Pháp luật ở Beijing để bắt giam Zhu với lý do “nghi ngờ đã làm ra hành vi phỉ báng lãnh đạo”.
Sau đó, vì phản ứng của công chúng quá mạnh mẽ, nên công an huyện Tieling đã phải thả người, hủy bỏ tội danh và công khai xin lỗi Zhu. Đảng ủy huyện Tieling cũng tuyên bố là việc Bí thư Zhang chỉ đạo cho công an huyện đến tận Beijing để bắt giữ cô Zhu đã cho thấy sự yếu kém về khả năng lãnh đạo, cũng như sự kém hiểu biết về pháp luật của ông ta.
Ngày 4/2/2008, Bí thư Zhang đã bị buộc phải nhận trách nhiệm về hành vi của mình. Ông ta đã viết một bản tự kiểm điểm gửi đến Đảng ủy huyện Tieling rồi từ chức.
II. Chúng ta thấy gì qua những lần đảng bỏ tù người dân?
Những ví dụ mà tôi vừa nêu ở trên cho thấy, người dân đã bị bắt bớ và giam cầm khi thực thi quyền tự do ngôn luận vì hai nhân tố sau: 1) tình trạng cơ cấu rất sơ khai của nền chính trị Trung Quốc, và 2) sự suy thoái về chất lượng nhân sự của những quan chức trong cái cơ chế ấy.
Chế độ chính trị chuyên quyền đã kéo dài thời gian cai trị của nó trong hàng thiên niên kỷ qua tại Trung Quốc, và cho đến ngay tại lúc này, hầu như chẳng có thay đổi đáng kể nào về mặt bản chất.
Trong thời kỳ cổ đại, người “nhận mệnh từ Trời” là vị hoàng đế đứng trên mọi người trong thiên hạ, và những kẻ dám thách thức tính chính danh của “con trời” đều sẽ không có cơ hội thấy được ngày mai. Đương nhiên, cũng có vài vị hoàng đế có được chút tinh thần “khai minh” trong suốt mấy nghìn năm đó và bãi bỏ các luật lệ xem ngôn luận là tội phạm. Ví dụ như Hán Văn Đế (Emperor Wen of Han 202-157 BCE), người đã bãi bỏ tội “vu oan dùng ma thuật trù ếm” (black magic libel).
Trong thời đại chuyên quyền ngày nay, đảng Cộng sản chính là nơi “nhận mệnh từ Trời”, và sự cai trị của đảng có khi còn hà khắc hơn những chế độ chuyên quyền trong lịch sử cận đại. Phiên bản Mao chủ nghĩa quá khích tỏ ra cay nghiệt nhất trong việc xem ngôn luận là tội phạm.
Và ngày nay, ngay cả sau khi tiến hành “cải cách” trên dưới 30 năm, hầu như chẳng có gì thay đổi đáng kể về cái nguyên tắc: bằng mọi giá phải giữ vững vị thế lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng sản.
Ở mọi ban ngành chính phủ, vị trí lãnh đạo tối cao không có ngoại lệ chính là Bí thư đảng ủy. Mỗi khi các vị này ra quyết định, thì toàn dân ở đấy phải vỗ tay tung hô. Bài vè dân gian này đã miêu tả rất chính xác điều đó:
‘Đảng chỉ đường soi sáng
Dân nhất nhất “xin vâng”
Lãnh đạo chốt cái gì
Toàn dân chỉ biết “dạ”!’
Quan chức địa phương luôn luôn dựa vào việc ép buộc người dân phải “tuyệt đối trung thành” như là cách cai trị tối ưu nhất. Và trong những năm trở lại đây, họ ngày càng hung hăng và tùy tiện hơn trong cơn nghiện lạm dụng tư hình.
Họ tiến hành thi công những công trình xây dựng hoành tráng – mà thực chất nó là cái vỏ bọc cho những phi vụ làm ăn tham nhũng, đục khoét ngân sách quốc gia – để lấy điểm cho “biểu hiện chính trị” của bản thân.
Cơn điên cuồng mưu cầu sự lãng phí kinh khiếp này của lãnh đạo còn kéo theo việc họ phải hao tâm tổn sức để tìm mọi cách bịt miệng những kẻ dám lên tiếng. Vì thường xuyên, cái nhiệm vụ gọi là “làm giàu cho một địa phương” dần trở thành “phát cuồng ở địa phương” và cuối cùng là “gây thảm họa cho địa phương”.
Vì vậy, bất kỳ kẻ nào dám hó hé phản ảnh những vụ tham nhũng của chính quyền đều bị gom vào rọ và bỏ tù. Ngay cả trong những vụ án mà các quan chức tham nhũng bị bỏ tù, thì kẻ đứng ra phơi bày vụ việc, thông thường cũng chẳng nhận lãnh được kết cuộc gì tốt đẹp cả.
Những thói quen hành xử côn đồ của quan chức địa phương xảy ra, bởi vì họ độc quyền mọi thứ tài nguyên ở nơi ấy. Truyền thông không độc lập, tòa án cũng không độc lập nốt, và công an địa phương thì chỉ biết tuân lệnh “thủ trưởng đầu đàn”.
Hiến pháp của chúng ta bảo đảm mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, nhưng Điều 105 của Bộ luật Hình sự lại quy định “kích động âm mưu lật đổ chính quyền” là một tội hình sự. Và khi hai nguyên tắc trên đụng độ, thì Điều 105 BLHS mới là chân lý của nền tư pháp nước ta.
Điều này dẫn đến một hậu quả nhãn tiền, đó là bất kỳ chỉ trích nào đối với đảng Cộng sản và những lãnh đạo các cấp của đảng đều trở thành một màn biểu diễn cáp treo lơ lửng đối với người cầm bút, và nhà tù Trung Quốc sẽ luôn đảm bảo đủ số lượng tù nhân lương tâm.
Ngay cả một ông Bí thư huyện ủy ở một cái huyện bé như hạt đậu cũng là một tiểu hoàng đế ở địa bàn cai trị ấy, hoàn toàn có thể một tay che trời để làm bất kỳ cái gì mà ông ta muốn. Làm phật ý vị tiểu hoàng đế này là bạn sẽ vào tù ngay.
Vì những lý tưởng của người Cộng sản đã trở thành những điều sáo rỗng trong suốt những năm “cải cách”, đảng Cộng sản ngày nay đã hoàn toàn biến dạng thành một liên minh của những nhóm lợi ích.
Quan chức thì tham nhũng và chất lượng quản trị nhà nước thì xuống cấp không phanh. Cuộc hôn nhân giữa chính quyền và các tay tài phiệt đã trở thành vĩnh kết đồng tâm. Tệ hơn nữa, chúng ta còn nhìn thấy một liên danh ma quỷ giữa chính quyền và thế giới băng đảng ngầm.
Đã có những nơi mà liên danh này đã quá thân mật, gần gũi đến mức không còn có thể phân biệt đâu là đâu nữa. Xã hội đen mua chuộc quan chức bằng hối lộ, và chính quyền thì dùng xã hội đen để trấn áp “bọn quấy rối”.
Quan chức đảng Cộng sản ngày càng hành xử như các đại gia xã hội đen khi không thể chấp nhận bất kỳ chỉ trích hay quan điểm bất đồng nào. Họ có thể tùy nghi chọn lựa giữa sử dụng quyền lực nhà nước để chặn họng bạn hoặc dùng côn đồ để cắt cổ bạn.
III. Quyền lực của ý kiến quần chúng (public opinion) trong những vụ việc “ít nhạy cảm”
Trong vòng 18 năm sau khi thảm sát Thiên An Môn xảy ra, chúng ta liên tục nhìn thấy các vụ án “văn tự ngục” nhan nhản khắp đất nước này, và nó xảy ra ở mọi cấp của chính quyền. Nạn nhân của những vụ án này thường là người bất đồng chính kiến hoặc là những người bảo vệ nhân quyền.
Đây là hai loại hồ sơ hết sức “nhạy cảm” tại Trung Quốc. Vì thế, thông tin về những vụ việc này ít khi xuất hiện trên truyền thông đại chúng, và nạn nhân hầu như rất khó nhận được bất kỳ sự trợ giúp gì.
Con số những người tù nhân chính trị được trả tự do lắt nhắt đây đó thường là những người khá nổi tiếng, được các nước Tây phương quan tâm đến và thường xuyên lên tiếng cho họ. “Ngoại giao mặc cả con tin” (hostage diplomacy) giờ đã trở thành chuẩn mực trong quan hệ quốc tế của chính phủ Trung Quốc.
Sự kiên cố của những nhà giam tù nhân chính trị ở Trung Quốc có lẽ khiến chúng ta tuyệt vọng đôi chút. Thế nhưng, cũng có một ít tia sáng cuối đường hầm trên đất nước này.
Trung Quốc đã thoát khỏi thời kỳ “nhất thanh nhất thể” (one voice fits all – ND: một tiếng nói chung của đảng đại diện cho tất cả) của Mao từ rất lâu rồi.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại “hậu toàn trị” (post-totalitarian), nơi mà các giá trị trở nên đa nguyên hơn và các tiếng nói khác nhau đang đồng loạt xung phong vang lên mỗi ngày.
Người dân ngày càng ý thức được về quyền con người, xã hội dân sự đang phát triển, không gian biểu đạt ý kiến, quan điểm đang được nới rộng, và những hành động bảo vệ quyền con người một cách cụ thể đang ngày càng nhiều.
IV. Sức mạnh của Internet giúp thúc đẩy quyền tự do ngôn luận của người dân
Ngày nay, chúng ta có mạng Internet, vừa giúp truyền tải thông tin, vừa là một diễn đàn cho người dân bình thường được bày tỏ quan điểm mà trước đây chưa từng có. Và vì thế, xã hội ngày nay cũng có một sự khát khao to lớn trong mỗi con người muốn được kể ra câu chuyện của mình. Nó khiến cho bất kỳ một khe nứt nhỏ hẹp nào, khi mà ý kiến quần chúng hợp về một mối, đều có thể trở thành cơn sóng thần mạnh mẽ cuốn xoáy xã hội.
Trong những năm gần đây, công chúng tại Trung Quốc đang dần định hình một sự đồng thuận. Đó là, bỏ tù người dân vì quyền tự do ngôn luận là một việc làm sai trái của chính quyền. Tự do ngôn luận, từ vị trí của một tiêu đề vốn chỉ được giới trí thức và nhà báo quan tâm đến, đã trở nên có chỗ đứng ở những nơi khác trong xã hội, khi mà quan điểm cá nhân của người dân ngày càng được bày tỏ mạnh mẽ.
Những hành vi quá quắt của quan chức địa phương (như trong một số vụ việc mà tôi nêu ở trên) có thể đã giúp cho người dân tìm được sự nhất trí trong quan điểm đối với việc bỏ tù ngôn luận.
Sự nhất trí đó được hình thành, vì những vụ việc này thường chỉ liên quan đến các vấn đề ở địa phương, với những nạn nhân là người thân quen với họ. Chứ không phải là những tên tuổi bất đồng chính kiến hay những người đấu tranh nhân quyền có tiếng – những kẻ dễ bị gắn mác “thế lực thù địch” và không ai muốn dính líu gì đến.
Những nạn nhân “địa phương” có thể là anh nhân viên chính phủ quèn, hoặc một trong hàng nghìn phóng viên ngoài kia, hay là bất kỳ một công dân tầm thường nào đó, và những chỉ trích của họ không động chạm đến cả cái đảng Cộng sản hoặc các vị lãnh đạo cấp cao. Mà họ chỉ phản ánh những vụ bê bối của các ông quan huyện ở chính quyền sở tại.
Trong khi muốn lên tiếng về những người bất đồng chính kiến thì người dân phải “nhảy qua Vạn lý tường lửa” để né sự kiểm duyệt Internet của nhà nước, và cũng chỉ có thể phàn nàn về những vấn đề này trên những trang báo nước ngoài.
Ngược lại, trong các vụ việc địa phương, thì vì sự nhạy cảm chính trị tương đối thấp, nên chúng có thể trở thành lý do để người dân trút tất cả sự oán giận của họ đối với giai cấp cai trị vào đó. Hơn thế, họ có thể làm như vậy trong phạm vi quản lý của “bức tường lửa” mà chẳng gặp trở ngại gì.
Khi người dân bắt đầu có những phản ứng như thế, một điểm có lợi khác cũng hiển hiện rõ hơn. Đó là, câu hỏi đúng sai về việc bỏ tù một người vì bày tỏ quan điểm và thực thi tự do ngôn luận không còn là một vấn đề nhạy cảm gì nữa, mà nó trở nên bình thường hơn trong xã hội.
Nếu nhìn xa và rộng ra, thì đây là một điều có lợi cho cả những người bất đồng chính kiến nổi tiếng. Bởi vì công chúng đang dần chuyển đổi tư tưởng của họ để tuyên bố rằng, văn tự ngục trong thời nay là một điều hoàn toàn sai trái, không cần biết là ở cấp độ nào.
Tất cả những điều này sẽ không bao giờ xảy ra nếu như Internet chưa bao giờ xuất hiện. Bởi vì thế giới mạng chính là nơi mà những người Trung Quốc sẽ tìm đến nếu họ muốn biết là điều gì đã “thật sự” xảy ra khi họ đọc một câu chuyện mà báo chí nhà nước loan tải.
Và Internet cũng là nơi người dân tìm đến nếu họ muốn lên tiếng về một vụ việc gì đó. Không có một sự kiện lớn nào trong thời gian vừa qua ở Trung Quốc mà có thể thoát khỏi những lời bình luận thẳng thắn của thế giới mạng.
V. Internet đã bắt buộc ngay cả các cơ quan truyền thông và báo chí nhà nước phải thay đổi
Trong những lần mà dư luận làm ầm ĩ vì một vụ việc như tôi có nhắc đến ở phần đầu của bài tiểu luận này, tất cả sẽ không bao giờ xảy ra nếu như không có Internet. Từ sự phản đối của dân chúng, những câu chuyện đó được viết thành các bài báo hay bài bình luận đầy đủ và chi tiết trên những tờ báo mang hơi hướm cởi mở của truyền thông nhà nước.
Ví dụ như Nhật báo Nam phương Đô thị (Southern Metropolitan Daily), Nam phương cuối tuần (Southern Weekend), hay báo Thanh niên Trung Quốc (China Youth Daily). Ngay cả một trong những cái loa tuyên truyền của chính phủ, Tân hoa xã (Xinhuanet) cũng đã từng viết những câu rất sắc bén phê phán việc hình sự hóa tự do ngôn luận.
Khi bài viết “Tại sao những kẻ thủ ác bị nêu trong các vụ án ‘văn tự ngục’ đều là Bí thư huyện ủy?” của tác giả Wang Ping (Vương Bình) được đăng trên trang nhà của Tân hoa xã, đã có rất nhiều các trang mạng khác lập tức đăng ngay lại. Thử dùng mạng Baidu để tìm những bình luận với cụm từ khóa “quan chức địa phương và văn tự ngục” đã cho hơn 100.000 kết quả. Chỉ riêng bài viết của Wang Ping thôi, đã nằm trong 5.580 của con số đó.
Trong bất kỳ vụ án “văn tự ngục” nào, bất kỳ chi tiết gì đều khiến cho cơn bão bình luận nổi lên nếu nó được giới truyền thông quan tâm đến. Và như thế, nạn nhân của vụ án có được một sự bảo vệ nhất định từ công chúng. Sự bảo vệ này chắc chắn không phải là sự bảo đảm gì cho an toàn của họ cả, đương nhiên rồi. Và nó cũng chẳng khiến những kẻ thủ ác phải đền tội trước pháp luật. Thế nhưng, nó có thể làm được một số điều tốt đẹp khác.
Nó có thể giúp nạn nhân thoát một chuyến vào trại giam nằm vài năm. Và trong một số trường hợp, còn có thể giúp họ đòi được bồi thường – như vụ án Bài thơ Pengshui và Lời bình trên mạng Gaotong nói trên. Đôi khi, nó còn có thể bắt buộc những cấp cao hơn của chính phủ phải trừng phạt những quan chức gây ra tội. Còn như trong vụ án của cô Zhu Wenna, bí thư huyện ủy Zhang Zhiguo đã bị bắt phải từ chức.
Sự kềm kẹp của chính quyền đối với quyền tự do ngôn luận nơi công cộng đã bị nới lỏng rồi thắt chặt một cách luân phiên tại Trung Quốc, nhưng áp lực từ phía người dân đối với quyền này chưa bao giờ thay đổi. Ngược lại, nó ngày càng trở nên lớn mạnh hơn.
Trong những năm 1990, đơn khiếu nại phản đối những vụ bắt giam vì “văn tự ngục” chỉ nhận được dăm chục chữ ký hoặc ít hơn. Thì một thập niên sau, nhờ ơn Internet, mà những thư kiến nghị kiểu ấy đã có hàng trăm hoặc hàng nghìn chữ ký.
Trong năm 2004, một lá thư ngỏ như thế đã được đăng tải trên mạng trong vụ việc “Nam phương Đô thị” – khi một số biên tập viên của tờ báo này đã bị đuổi việc và bị cáo buộc phạm tội hình sự khi điều tra và viết bài về một vụ tham ô của quan chức. Và lá thư đó đã nhận được trên 3.000 chữ ký chỉ mới từ những người làm việc trong mảng truyền thông.
Tiếp theo, sức ép của công chúng – bao gồm cả sức ép quốc tế – ngày càng gia tăng trong vụ việc này, đến mức chính quyền phải trả tự do cho hai trong số bốn nạn nhân, Deng Haiyan (Đặng Hải Yến) và Cheng Yizhong (Thành Nhất Trung), vì “không đủ chứng cứ”. Còn các cáo trạng đối với hai người khác – Li Minying (Lý Mẫn Anh) và Yu Huafeng (Dụ Hoa Phong)- thì cũng được giảm nhẹ và hình phạt dành cho họ cũng ngắn đi rất nhiều. Li được thả vào năm 2007 và Yu thì vào năm 2008. Tất cả những việc này sẽ không bao giờ diễn ra theo chiều hướng trên, nếu như công chúng không lên tiếng và gây sức ép đối với chính quyền.
Làn sóng phản đối văn tự ngục đang lan rộng trong công chúng đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc trỗi dậy của phong trào “duy quyền” (rights defense movement).
Theo lẽ thường tình, thì dĩ nhiên là phản đối văn tự ngục là một việc liên quan trực tiếp đến quyền tự do ngôn luận. Thế nhưng, tầm quan trọng của vấn đề này còn sâu xa hơn thế. Đó là vì, khi ý kiến quần chúng thật sự được bày tỏ, thì đó không chỉ là một việc tốt, mà nó còn là một công cụ để chúng ta mưu cầu tất cả những điều khác trong phong trào duy quyền.
Dân quyền trong một thể chế độc tài đương nhiên không được luật pháp hay thiết chế hành pháp nào bảo vệ cả. Và vì thế, vai trò của ý kiến quần chúng trở thành tối quan trọng.
Không cần biết đây là một cuộc chiến chống lại một đạo luật ghê tởm nào đó chỉ ảnh hưởng đến quyền của một cá nhân duy nhất. Nhưng tác dụng phụ của một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội sẽ dẫn đến kết quả sau: chính là cái quyền đấy của mọi người dân sẽ nhận được sự quan tâm đúng mức của công chúng.
Đây chính là lý do vì sao bước đầu tiên trong công việc của những ai đấu tranh bảo vệ quyền con người là phải phơi bày ra ánh sáng toàn bộ câu chuyện mà họ đang theo đuổi, để cho tất cả dân chúng biết rằng ai cũng có quyền lên tiếng bình luận về vụ việc đó.
Việc làm đơn giản này sẽ mang lại những kết quả rất quan trọng trong những vụ việc “không nhạy cảm” ở cấp địa phương. Mà ngay cả trong các vụ việc hết sức nhạy cảm, ví dụ như những vụ án của Liu Di (Lưu Địch), Du Daobin (Đỗ Đạo Bân), Sun Danian (Tôn Thái Liên), và báo Freezing Point (Băng Điểm), nó cũng sẽ mang lại một số điều khả quan.
Chính quyền Trung Quốc đã làm tất cả mọi thứ có thể kiểm soát mạng Internet. Họ thường xuyên ban hành các điều luật và quy định, bỏ ra hàng đống tiền để xây dựng “Vạn lý tường lửa” để lọc hết tất cả thông tin “chống phá Trung Quốc”, mướn hàng nghìn người vào đội quân an ninh mạng, và cả rót thêm tiền cho những đội quân “dư luận viên” chuyên đi viết những lời bình hay post mang đầy chỉ thị của đảng và nhà nước.
Thế nhưng, bỏ mặc tất cả những sự cố gắng đó, họ đang thua.
Họ không thể nào bức tử được những mầm non của các trang mạng tư nhân ngày càng sinh sôi và nảy nở. Những nhà trí thức với tư tưởng cởi mở và tự do đã đặc biệt biết cách sử dụng mạng Internet theo ý của mình, qua việc mở các trang mạng chính thức hoặc bán chính thức để bàn luận về rất nhiều vấn đề.
Ngay cả những trang mạng được xem là “chính thống” của nhà nước – “Xây dựng một Trung Quốc cường thịnh”, “Diễn đàn Tân Trung Quốc”, “Mạng lưới Thanh niên Trung Quốc”, “Nam phương Truyền thông”, và một số khác – cũng có đầy sự chỉ trích đối với chính quyền và những quyết sách sai lầm của giới lãnh đạo chóp bu.
VI. Một không gian xã hội dân sự trên mạng đang được hình thành, mặc kệ chính quyền có muốn hay không.
Hơn thế, những nỗ lực cản trở các trang mạng nước ngoài từ phía chính phủ cũng đang thua nốt. Trong những năm gần đây, người dân ngày càng dễ dàng tìm được các loại phần mềm vượt tường lửa, và vì vậy, họ có thể tiếp cận được một lượng thông tin lớn hơn trước đây rất nhiều.
Những quan điểm quốc tế cũng bắt đầu gây ảnh hưởng đến cái nhìn của dân chúng Trung Quốc theo một cách vô tiền khoáng hậu. Ngay cả những tư tưởng của những người bất đồng chính kiến cũng đã tiếp cận được người dân ở Trung Quốc hơn trước kia, vì chúng đã được các trang mạng quốc tế truyền tải “ngược” về.
Những quan chức khôn khéo thì nhìn thấy được sự tiện ích của mạng Internet trong việc xây dựng hình ảnh trước công chúng, và đã bắt đầu sử dụng nó để tô điểm cho bản thân ra vẻ “thương dân như con” hơn.
Đơn cử một ví dụ, trong cơn bão tuyết của mùa đông năm 2008, hàng trăm nghìn người dân đã bị kẹt tại phía ngoài của nhà ga tàu hỏa Guangzhou (Quảng Châu), và sự việc nhanh chóng được truyền thông và các trang mạng loan tải.
Ngày 3/2, trong một cử chỉ xoa dịu cơn phẫn nộ của dân chúng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Guangdong (Quảng Đông) là Wang Yang (Uông Dương) và Chủ tịch tỉnh là Huang Huahua (Hoàng Hoa Hoa) đã dùng một trang tin mạng (Olympics First Net) để đăng một lá thư ngỏ đến “đồng bào và các bạn thân mến, những cư dân mạng tại Guangdong”.
Lá thư ấy đã dùng một luận điệu ôn hòa chưa từng có, và thậm chí là chấp nhận những lời chỉ trích từ cộng đồng mạng về chính quyền, mang theo một chút hơi hướm của lối văn chương mạng bóng bẩy.
Lá thư viết, những cư dân mạng chính là những người “đầy hiểu biết, tư duy tốt, nhiệt tình và có tâm”. Chính các bạn đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp quý báu về phương pháp giải quyết thiệt hại của một trận bão tuyết lịch sử. Những ý kiến đấy đã trở thành nền tảng quan trọng cho các quyết định mà chúng tôi đưa ra. Chúng tôi sẵn sàng “đọc rap” với các bạn về những vấn đề mà tất cả chúng ta đều quan tâm. Và nếu các bạn cảm thấy chúng tôi có sai sót gì trong những quyết sách và công việc, thì hy vọng rằng các bạn hãy cho chúng tôi được “lạc trôi” một tý.
Bởi vì hệ thống chính trị tại Trung Quốc vẫn luôn thiếu minh bạch nên rất khó có thể đong đếm được sự trỗi dậy của ý kiến quần chúng trên mạng xã hội đã thật sự ảnh hưởng đến mức độ nào, đối với các quyết định của chính phủ.
Năm 2007, mạng Internet đã gọi đó là một năm lên ngôi của ý kiến quần chúng Trung Quốc vì một số vụ việc có tiếng đã được giải quyết theo hướng cho thấy, những sức ép từ phía công chúng đã có một vị trí khá quan trọng đối với chính phủ.
Đó là vụ án về một gia đình nhất quyết không chấp nhận việc cưỡng chế và thu hồi đất. Cư dân mạng đã gọi đó là vụ “cây đinh lỳ lợm nhất” (Toughest Nail House Case). Một vụ nữa về cưỡng bức lao động nô lệ tại lò nung gạch (Brick Kilns Slave Labor Case), hay vụ án Nie Shubin (Nhiếp Thụ Bân), một người thanh niên bị tử hình oan. Vụ án công an đánh chết người đàn ông Wei Wenhua (Ngụy Văn Hoa) vì đã ghi hình lại nhân viên công vụ lạm dụng bạo lực. Và cả phong trào đòi hủy bỏ chế độ lao động cải tạo nữa.
Tại Trung Quốc ngày nay, cả sự kiểm soát tự do ngôn luận bởi một chính quyền độc tài lẫn áp lực mở rộng không gian xã hội đa nguyên là hai trạng thái thực tế song song. Do đó, nếu chúng ta bỏ sót bất kỳ bên nào thì đều là một sai lầm to lớn .
Trong những nỗ lực thúc đẩy tự do tại đây, có những hành động đầy dũng cảm thách thức lại quyền cai trị của chính phủ, nhưng chúng thật sự rất ít.
Thường thấy hơn là sự chống chọi của dòng chính trong xã hội, với những đòi hỏi giản dị, nhưng thực tế đang diễn ra khắp nơi. Chúng đến từ những người dân đang cố gắng tạo ra sự thay đổi, dù là nhỏ nhất.
Những người này đều có tư duy tôn trọng quyền tự do ngôn luận, nhưng phương pháp hoạt động của họ thì lém lỉnh hơn một chút.
Họ biết làm thế nào để đạt được mục đích nhưng đồng thời cũng có thể tự bảo vệ bản thân. Họ biết rất rõ là bộ máy chính trị sẽ không thay đổi trong một thời gian gần, và vì vậy họ làm tất cả những gì có thể để tạo ra được một môi trường chuyển tiếp phù hợp. Đối với những người hoạt động dân chủ và nhân quyền thuần túy thì họ bị xem là đã thỏa hiệp quá nhiều với chính quyền. Nhưng không ai có thể phủ nhận những đóng góp to lớn của họ vào công cuộc chung.
Niềm hy vọng lớn lao nhất cho tương lai quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào con đường phát triển của xã hội dân sự trên mạng Internet, bằng cách của tằm ăn rỗi mỗi ngày, từng chút từng chút gặm vào sự kiểm soát tuyệt đối của chính quyền.
Nói chung, quyền lực của ý kiến quần chúng tại Trung Quốc ngày nay đã lớn mạnh hơn trong thập niên 1990 rất nhiều. Thiết nghĩ, cũng chẳng nên bàn quá nhiều về thời của Mao nữa, vì Trung Quốc chắc sẽ không bao giờ trở lại thời kỳ mà chỉ có chính quyền được phép nói, còn tất cả phải ngậm miệng.
Thế nhưng, chúng ta phải nhìn nhận rằng, sức mạnh của ý kiến quần chúng vẫn chưa là một phần chính thức của hệ thống chính trị tại đây.
Nó có thể được xem trọng ở một vài nơi, tại một vài thời điểm – mỗi ngày nhiều hơn một chút – nhưng vẫn là những biểu hiện tự phát bên ngoài hệ thống, như nó vốn thế từ trước đến giờ.
Chính quyền vẫn có thể tùy ý “tuyên bố” một hoạt động nào đó là hành vi vi phạm pháp luật, bất cứ lúc nào họ muốn. Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng ta phải cố nhìn đến tương lai, đến một ngày mà những quyền hiến định của mọi công dân dân đều được đảm bảo.
Ngày ấy nhất định sẽ đến.
Viết tại nhà ở Beijing, ngày 19/2/2008
Xuất bản lần đầu trên tạp chí Ren yu ren quan (Nhân ngữ nhân quyền) tháng 3 năm 2008.
Dịch sang tiếng Anh bởi Louisa Chiang.
Bài được đăng trong sách “Không có kẻ thù, không có hận thù: Tuyển tập thơ và tiểu luận của Liu Xiaobo” (No Enemies, No Hatred: Selected Essays and Poems by Xiaobo Liu) do Nhà xuất bản Đại học Harvard phát hành năm 2012. (Ảnh minh họa và cách dòng là của Luật Khoa Tạp Chí)