‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Người Việt Nam chắc ai cũng biết câu chuyện cổ tích có gốc gác từ nền Phật Giáo Ấn Độ cổ đại: chuyện năm ông thầy bói mù xem voi.
Chuyện kể ngắn gọn là có năm ông thầy bói mù, cùng nhau đến xem một con voi lần đầu tiên, cho biết nó là cái giống gì. Ông thì sờ chân, rồi bảo con voi nó to như cái cột đình. Ông thì sờ vòi voi, rồi bảo con voi nó như con đỉa. Ba ông còn lại sờ ba bộ phận khác, thì khăng khăng là con voi nó như cái bộ phận mỗi ông sờ được.
Cuối cùng, các ông thầy bói không ai chịu ai, cãi nhau đánh nhau sứt đầu mẻ trán, làm bà con cười bể bụng.
Thực ra thì phiên bản nhiều người biết kể trên, chỉ là một dị bản của câu chuyện cổ nguyên gốc mà thôi.
Câu chuyện cổ nguyên gốc thực ra thế này: không chỉ có năm ông đâu mà có cả trăm ông thầy bói mù cùng đến sờ một con voi.
Và nói chung, các ông chia nhau ra sờ cho đủ mọi bộ phận của con voi từ chân lên đầu không chừa một cọng lông nào.
Dĩ nhiên, vì không có tinh thần đoàn kết giai cấp và không biết quán triệt tập trung dân chủ, nên hội nghị ‘voi thể học’ biến thành đại chiến ‘voi thể học’.
Cả trăm ông thầy nhào vô tẩn nhau một trận ra trò, các thể loại bổng pháp, Biên Bức Quyền gì gì đều đem ra thi thố hết. Đánh nhau long trời lở đất, giang hồ Hong Kong phải gọi bằng cụ.
Cuối cùng thì chiến thắng thuộc về một ông thầy bói mù, vừa khỏe nhất đám, lại lượm được ở đâu cái chủ trương nghị quyết thần kỳ, tăng gấp đôi thành công lực.
Con voi bây giờ chính thức là bộ phận cơ thể con voi mà ông thầy mù chiến thằng này sờ được.
Mấy ông thầy bói mù còn lại máu me thương tích đầy mình, vừa sợ vừa mệt, cũng chả dám cãi ông thầy bói mù khỏe nhất kia làm chi, thôi thì… mù tránh voi cũng chẳng xấu mặt nào.
Bẵng đi một thời gian, đột nhiên một ngày nọ, có hai ông thầy bói mù từ phương xa nào đến.
Hai ông thầy này cũng vào sờ sờ con voi, rồi phán con voi nó phải thế này, thế này.
Được cái, hai ông thầy này chả hiểu học ở đâu cái cung cách man di mọi rợ lạ lùng: sờ hai bộ phận khác nhau của con voi xong, thay vì đánh nhau rồi chửi nhau thì họ lại lịch sự bàn luận với nhau rằng: hay là con voi, nó là con vật có cả hai bộ phận chúng mình vừa sờ ta?
Nói rồi, hai ông thầy mù xứ lạ này la lớn lên cho cả trăm ông thầy bói mù nội địa cùng biết về phát hiện chấn động của họ.
Vừa gặp dịp, ông thầy bói mù khỏe nhất, chủ xị bao lâu nay tự nhiên chả hiểu biến đi đâu mất. Đám thầy bói mù bao lâu qua chịu nhịn, bèn chớp thời cơ ‘bung lụa’, cùng nhao nhao kéo nhau vào sờ lại con voi rồi hăng hái đóng góp tham luận cho đại hội ‘voi thể học’ lần thứ hai mở rộng.
Đến cao trào hội nghị, thôi thì cả trăm ông thầy bói mù nội địa, mỗi ông một cảm xúc!
Người thì dạt dào, nước mắt ngắn dài, cám cảnh hối tiếc bao nhiêu thương đau bạo lực hồi đại hội ‘voi thể học’ lần thứ nhất. Họ khóc than bao nhiêu thù hằn mất mát, tất cả chỉ vì không ai mường tượng được rằng con voi là một động vật đa bộ phận.
Người thì hừng hừng chí khí, thẳng thừng phê phán ông thầy bói mù khỏe nhất kia, bấy lâu nay thật là độc ác, chỉ biết dùng đòn roi vũ lực ép cả đám thầy bói mù im lặng chấp nhận u minh tăm tối bạc nhược. Lão ấy đã làm cho vài tên thầy bói mù nào còn muốn đánh nhau tiếp, cũng chỉ có thể thậm thà thậm thụt trong bóng tối mà choảng nhau. Vừa rít chửi qua kẽ răng, vừa cú đầu nhau, lại vừa vểnh tai nghe xem ý “ông trùm” mù thế nào.
Người thì mắt dù mù vẫn sáng bừng màu tương lai, xúc động nói lên niềm tin của mình vào một tương lai đoàn kết thống nhất. Cả hội thầy bói mù cùng tập tành một thói quen ngoại bang, mọi rợ: cùng ngồi xuống bình tĩnh luận bàn xem con voi đầy đủ nhất trông nó như thế nào, thay vì đè nhau ra đánh chửi cho đến khi “thống nhất cao” như hồi trước.
Người thì liến thoắng, luôn mồm khen ngợi hai ông thầy bói mù ngoại quốc can đảm tài năng, dám dấn thân cống hiến cho công cuộc ‘voi thể học’ – đã bao năm làm hội thầy bói mù nội địa phải lẳng lặng căm hờn, chia rẽ.
Lại có người nhếch mép cười khẩy, vừa vuốt lông cằm vừa nói to cho cả hội cùng nghe:
“Úi giời, phát hiện của mấy thằng cha mù ngoại quốc ấy có gì là lạ! Tôi đã biết tỏng từ lâu là con voi nó phải nhiều bộ phận rồi! Chả cần mấy cha mù ngoại quốc ấy nói làm gì.
Mà mấy chả thì cũng chỉ đi sờ có chọn lọc vài bộ phận mấy chả thích, hay tầm người đủ cao mà với tới để sờ thôi. Chứ có phải là phát hiện ra con voi có cánh đâu mà các bác cứ xoắn quẩy! Chỉ được cái xí xớn vọng ngoại!”
Chợt từ góc nào đó trong phòng hội nghị, có ông thầy bói mù nào đấy, giọng khàn đục văng tục, rồi xẵng giọng mắng:
“Mả cha mấy thằng nào đã mù còn tự nguyện câm lâu điếc dài có chọn lọc!”
Chợt cả hội nghị trăm người im bặt, không còn thầy mù nào lên tiếng.
***
Câu chuyện ngụ ngôn cải biên hiện đại nói trên, chỉ là một nỗ lực không thành công mấy trong việc, nói nôm na là, tóm tắt lại các diễn biến về các ý kiến công luận đang sôi động mấy ngày qua, liên quan đến bộ phim tài liệu nhiều tập “Chiến tranh Việt Nam” (The Vietnam War). Đây là tác phẩm của hai đạo diễn người Mỹ, Ken Burns và Lynn Novick, đang được kênh truyền hình Mỹ PBS phát trên mạng Internet.
Bộ phim này trước khi được lên sóng, đã được trình chiếu một phiên bản rút gọn dài 90 phút tại Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh. Phiên bản rút gọn này đã nhận được khá nhiều ý kiến khen ngợi. Một số người viết có tiếng sau khi xem xong, cũng đã viết bài đánh giá cao tác phẩm điện ảnh này.
Đáp lại, có thể dễ dàng nhìn ra những ý kiến phê bình phim ngay cả khi chưa xem. Họ cho rằng bộ phim chả mang lại cái gì mới, chỉ là một thứ “xét lại” nhằm giúp yên lòng những kẻ thất bại vẫn còn cay đắng.
Xét công bằng nhất, vì hai vị đạo diễn của bộ phim không phải là những nhà sử học chuyên nghiệp, nên muốn biết chất lượng tri thức của bộ phim tới đâu thì tốt nhất là phải xem cho hết, vừa xem vừa đối chiếu sử liệu và phân tích phê bình bằng kỹ năng nghiên cứu lịch sử đàng hoàng.
(Đã có ít nhất hai nhà sử học người Mỹ chuyên nghiên cứu về Việt Nam, Liam Kelley và Jerry Lembcke, phê bình một cách chi tiết và gay gắt những mặt kém chất lượng, đồng thời chất vấn mức độ “công tâm” của bộ phim.)
Nhưng nhìn chung, ngay cả khi còn chưa thể đưa ra kết luận về giá trị tri thức của bộ phim, chúng ta phải nhìn nhận rằng, bộ phim tài liệu dài tổng cộng 18 tiếng này có lẽ đã có một tác dụng chính trị quan trọng. Nó đã lấy được sự chú ý của số đông quần chúng (dĩ nhiên, chủ yếu vẫn là người dùng mạng Internet và trang Facebook tại Việt Nam) về một đề tài vẫn còn gây tranh cãi sâu sắc trong nước, là cuộc chiến tranh Việt Nam (1955-1975).
Câu chuyện ngụ ngôn cải biên hiện đại đầu bài viết này đã mỉa mai trạng thái im lặng, thụ động của chính người Việt Nam – có thể là một phương pháp không được công bằng lắm. Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa tìm cách tìm hiểu và đúc kết một cách chỉnh chu, đầy đủ, công tâm nhất về một cuộc chiến tranh vẫn còn đang chia rẽ con người của nhiều thế hệ.
Người Việt Nam phải đợi đến 40 năm sau cuộc chiến, và một “công cuộc 10 năm lùng sục các kho lưu trữ trên thế giới” của hai vị đạo diễn nước ngoài, mới được nhìn thấy một nỗ lực cung cấp vài cái nhìn đa diện về cuộc chiến đó, theo một cách hiện đại và bài bản (dù chưa chắc nội dung có chất lượng cao, và công tâm nhất có thể).
Vì sao người Việt Nam phải chờ đợi như thế?
Vì sao người Việt Nam không thể tự mình làm một bộ phim tài liệu truyền hình đa diện, công phu về một cuộc chiến mà kết cục của nó đã gây ra cảnh “triệu người vui, triệu người buồn”?
Tại sao người Việt Nam không được chỉ trích, phê bình, tranh cãi những võ đoán, những chủ quan lịch sử của chính mình, mà lại phải đi “mượn băng” những kẻ “cựu thù”, để rồi lại bị cuốn vào những vòng xoáy tranh cãi luẩn quẩn về tính chủ quan của những “cựu thù” đó?
Phải chăng người Việt Nam vẫn thụ động trong vấn đề này là có những lý do chính đáng của nó?
Nhiều người trong chúng ta biết “con voi nằm chình ình trong phòng” ở đây là gì: Chế độ kiểm duyệt và chính sách “độc quyền” lịch sử của nhà nước Việt Nam.
Chính những chế độ, chính sách đó đã bóp nghẹt mọi nỗ lực nghiên cứu nghiêm túc nhằm cung cấp càng nhiều càng tốt những cái nhìn đa chiều chất lượng về cuộc chiến tranh Việt Nam cho quảng đại quần chúng.
Ngày nay, nhờ có mạng Internet, bàn tay kiểm duyệt của chính phủ đã không còn hiệu quả như xưa.
Tuy nhiên, tác động của kiểm duyệt và tuyên truyền dựa trên chính sách “độc quyền” lịch sử vẫn thể hiện sắc nét qua một lượng lớn người Việt Nam không dám, hay không bao giờ chịu chấp nhận những phiên bản đa dạng của cùng một lịch sử.
Trên các trang mạng internet có chủ đề lịch sử Việt Nam, không bao giờ người ta tránh được việc phải đọc những lời comment chửi bới, hằn học và cay nghiệt mà tất cả các phe phái hăng hái dành cho nhau.
Cuộc chiến ý thức hệ vẫn tiếp diễn, ngay cả khi cuộc chiến súng đạn đã qua đi, và lịch sử đã bị buộc phải trở thành vũ khí.
Dịp chiếu bộ phim “Chiến tranh Việt Nam” lần này không chỉ là dịp để người Việt Nam tìm hiểu thêm về bản thân nội dung lịch sử của cuộc chiến đó.
Đây còn là dịp để họ nhìn nhận lại thái độ của mình trong các tranh luận trái chiều về lịch sử cuộc chiến đó, bằng cách tự đặt một số câu hỏi nhất định:
Tại sao trong thời đại hòa bình mà một người dân bình thường vẫn không thể dễ dàng công khai bày tỏ rằng người đó tin vào một phiên bản lịch sử khác với phiên bản “chính thức” của nhà nước, hay chí ít là thoải mái nghi ngờ phiên bản “chính thức” của nhà nước?
Tại sao các dữ kiện, chi tiết, thông tin lịch sử phải được dùng làm vũ khí trong một công cuộc gìn giữ tính chính danh của một chế độ chính trị?
Liệu có bao giờ, dù chỉ là trong một thời gian ngắn thôi, người Việt Nam có thể cùng bàn luận về cuộc chiến tranh Việt Nam đơn thuần để hiểu về nó một cách rõ ràng, tương đối khách quan nhất có thể, thay vì để “dìm hàng” hay “nâng bi” một thứ triết lý, tư tưởng chính trị, hay một nhóm chính trị nào đó?
Có lẽ, việc đặt chính trị lên trên nghiên cứu lịch sử, dùng chính trị áp đặt và quyết định lịch sử, cho dù được thực hiện bởi người cộng sản hay không cộng sản, cũng sẽ luôn là một việc làm sai lầm, ngớ ngẩn như thể đặt cỗ xe phía trước con bò vậy.
Thực hành đa nguyên trong nghiên cứu, thảo luận lịch sử không những sẽ giúp người Việt Nam dần dần tiệm cận nhất có thể tới sự thật lịch sử khách quan (bất kể sự thật lịch sử khách quan đó xa vời đến đâu). Việc thực hành đa nguyên đó còn là một bài thực tập quan trọng.
Chính cách người Việt Nam ứng xử với lịch sử của chính mình và cách họ ứng xử với nhau trong các đối thoại, tranh luận về lịch sử cho thấy rõ ràng nhất phong cách ứng xử của họ sẽ ra sao khi có đa nguyên chính trị.
Không thể có đa nguyên chính trị tại Việt Nam, chừng nào còn chưa có đa nguyên trong nghiên cứu lịch sử.