Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ba năm sau ngày Phong trào Dù vàng nổ ra, cả Hong Kong và giới hoạt động ở đây đã mang một dáng vẻ khác.
Mùa thu năm 2014, bức tường cạnh khoảng sân do sinh viên tự quản của Đại học Trung văn Hong Kong (CUHK) dán đầy những tấm biểu ngữ kêu gọi bãi khóa, dẫn đến một cuộc biểu tình lịch sử kéo dài 79 ngày, vốn vẫn được gọi là Phong trào Dù vàng (Umbrella Movement).
Hàng nghìn sinh viên đã biểu tình phản đối việc Beijing (Bắc Kinh) can thiệp vào cuộc bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong, cũng như đòi quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu thực sự cho người dân thành phố. Đó là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Hong Kong, và được nhiều người coi là một trong những cuộc biểu tình đẹp nhất, lãng mạn nhất lịch sử thế giới hiện đại.
Ba năm sau, đến tháng 9/2017, trong một mùa khai giảng mới, khoảng sân do sinh viên quản lý năm nào có vẻ đang trở thành một “sân khấu” chính trị mới.
Biểu ngữ lần này không phải để đòi dân chủ hay quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu nữa, một tấm băng-rôn màu đen được giăng giữa sân trong những ngày qua, kêu gọi độc lập cho Hong Kong.
Tấm biểu ngữ màu đen ba năm sau tại sân trường CUHK là một trong những hệ quả của Phong trào Dù vàng, nhưng cũng là điều mà không ai có thể tưởng tượng được vào năm 2014.
Một Hong Kong đầy chia rẽ
Một loạt đảng chính trị mới được thành lập sau Phong trào Dù vàng, với nhiều đảng trong số đó hướng đến việc kêu gọi độc lập hoặc quyền tự quyết cho người Hong Kong.
Trong nhiều năm trước đây, bức tranh chính trị của Hong Kong thường được chia làm hai nhóm, nhóm ủng hộ dân chủ và nhóm ủng hộ hệ thống quản lý hiện hành, nhưng cả hai đều đồng ý với quy chế “một quốc gia, hai chế độ”. Nhưng nay mọi việc đã khác.
Trong giai đoạn 2015 – 2016, đặc khu hành chính này chứng kiến sự ra đời của một số đảng như Hong Kong Indigenous, Hong Kong National Party. Tuy nhiên, các đảng phái này bị cấm tham dự cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp (Legislative Council) vì đường lối hoạt động bị cho là trái với quy định trong Luật Cơ bản (Basic Law, có thể coi là Hiến pháp của Hong Kong), rằng “Hong Kong là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc”.
Trong khi đó, hai đảng chính trị mới do sinh viên thành lập hậu Phong trào Dù vàng – Demosistō và Youngspiration – lại kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý. Họ cho rằng, hãy để người Hong Kong tự định đoạt số phận của mình sau năm 2047, thời điểm quy chế “một quốc gia, hai chế độ” hết hiệu lực.
Một cuộc khảo sát tiến hành giữa năm 2016 của Đại học Hong Kong cho thấy chỉ có một trên sáu người Hong Kong được hỏi cho biết họ muốn Hong Kong độc lập. Số người lạc quan về điều đó thậm chí còn ít hơn nữa.
Sự trỗi dậy của các nhà hoạt động yêu cầu độc lập cho Hong Kong, nói đúng hơn, đã phản ánh nỗi thất vọng của người trẻ đối với các chính trị gia ủng hộ dân chủ truyền thống, và cả với Phong trào Dù vàng.
“Khi Phong trào Dù vàng kết thúc và những người biểu tình không đạt được yêu cầu của họ về bầu cử phổ thông đầu phiếu, những người trẻ đã thất vọng và vỡ mộng, một số trở nên cực đoan.
Họ không tìm được lối ra và cảm thấy phải đẩy mọi thứ lên cao hơn, bắt đầu điều gì đó mới mẻ. Và phong trào kêu gọi độc lập ra đời”, Jason Y. Ng, một luật sư sống tại Hong Kong và là tác giả cuốn sách viết về Phong trào Dù vàng, Umbrellas in Bloom: Hong Kong’s Occupy Movement Uncovered, chia sẻ với Luật Khoa.
“Đó là một xu hướng đáng lo ngại, là thứ Bắc Kinh dùng để gây áp lực. Các nhóm thanh niên nhỏ lẻ, giận dữ càng cố chạm vào đó bao nhiêu, các lãnh đạo Bắc Kinh càng cố chặn đứng lại bấy nhiêu. Mọi chuyện trở thành một vòng luẩn quẩn sai trái”, luật sư Ng nhận định thêm.
Năm nay, vào dịp kỷ niệm 20 năm Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc, Chủ tịch Xi Jinping (Tập Cận Bình), trong chuyến thăm Hong Kong đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo, đã kêu gọi người dân tại đây “không vượt qua lằn ranh đỏ” bằng việc thách thức sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Trở lại với sân trường của Đại học CUHK, các lãnh đạo hội sinh viên hiện nay đang lao vào một cuộc khẩu chiến với lãnh đạo trường về việc cho phép hay không những hành động kêu gọi và thảo luận về độc lập cho Hong Kong, trong phạm vi trường.
South China Morning Post đưa tin, những tấm biểu ngữ to giăng giữa sân đã lập tức bị ban quản lý trường gỡ xuống, kéo theo đó là sự phản đối dữ dội từ hội sinh viên.
“Hong Kong có tự do ngôn luận, tại sao những cuộc thảo luận bị cấm chỉ vì chúng làm ai đó bực mình?”, Au Tsz-ho, Chủ tịch Hội sinh viên CUHK, phản ứng.
Dù vậy, lập luận của Au về vấn đề khoảng sân trường là do sinh viên tự quản, đã khiến một cuộc chiến khác bùng nổ: tranh luận giữa các sinh viên địa phương và sinh viên từ Trung Quốc về tự do ngôn luận.
Một số sinh viên đại lục đã tìm cách tháo các biểu ngữ kêu gọi độc lập, hoặc dán đè biểu ngữ khác lên. Họ tuyên bố “hội sinh viên không đại diện cho chúng tôi”. Sinh viên Hong Kong và đại lục nhiều lần to tiếng, đụng độ, thậm chí lăng mạ nhau để giành chỗ dán biểu ngữ trên bức tường thông báo.
Minnie Li Ming, một người gốc Thượng Hải và hiện là giảng viên tại Đại học CUHK cho biết, khi cô học ở đây vào năm 2008, “dẫu cho tôi có là một trong những sinh viên đại lục dán biểu ngữ trên tường để bày tỏ lòng yêu nước đối với Trung Quốc, các bạn bè Hong Kong cũng không nhảy xổ ra để cãi nhau với tôi”.
Giờ thì mọi chuyện đã khác.
Hố sâu ngăn cách còn được thể hiện qua việc nhiều người Hong Kong không còn xem tiến trình dân chủ ở Trung Quốc là việc cần phải quan tâm và tham dự nữa.
Tháng 6/2016, trước ngày diễn ra buổi thắp nến tưởng niệm nạn nhân của sự kiện Thiên An Môn, Liên hội Sinh viên Hong Kong (Hong Kong Federation of Students Union) tuyên bố rút khỏi sự kiện này.
“Họ cũng mang cơn tức giận trút lên các đảng chính trị thân dân chủ truyền thống, cho rằng họ đã không làm tròn bổn phận và mãi bám víu vào những công thức đã không còn hiệu quả. Lễ thắp nến ngày 4/6, được các nhóm ủng hộ dân chủ truyền thống tổ chức, vì vậy cũng bị ‘liên đới'”, Ng. nhận xét.
Làn hơi nóng đại lục
Năm 2017 đồng thời là dịp kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong được Anh trao trả về cho Trung Quốc. Sau 20 năm, chưa bao giờ người Hong Kong cảm thấy cuộc sống đại lục gần với họ đến thế.
Từ dòng người đại lục đổ xô đến Hong Kong mỗi ngày, đến việc các công ty Trung Quốc thay thế những công ty Anh ở quận tài chính Trung Hoàn (Central District).
Chính quyền đề xuất cho phép áp dụng luật lệ đại lục tại một trạm kiểm soát biên giới của Trung Quốc và Hong Kong. Đặc vụ Trung Quốc là người đứng sau vụ mất tích của những người bán sách “nhạy cảm” ở Hong Kong. Quan trọng nhất, người Hong Kong nhìn thấy bàn tay Bắc Kinh bắt đầu can dự vào hệ thống tư pháp độc lập tại đây.
Từ năm 2014, chính quyền trung ương tại Bắc Kinh đã công bố Sách Trắng (White Paper), yêu cầu các thẩm phán ở Hong Kong phải “yêu nước”, dù cho hệ thống tư pháp đặc khu này có nhiều thẩm phán là người Hong Kong.
Đến năm 2017, các thẩm phán ở đây liên tục phải đối mặt và xử lý những vụ kiện do chính quyền Hong Kong khởi xướng, nhắm vào các nghị sĩ có xu hướng đòi tự quyết trong Hội đồng Lập pháp và các cựu lãnh đạo phong trào biểu tình.
Sau vụ mất tích bí ẩn của năm người bán sách tại hiệu sách Causeway Bay Books (Vịnh Đồng La), nơi chuyên cung cấp những cuốn sách viết về chuyện “thâm cung bí sử” của giới lãnh đạo Trung Quốc, người Hong Kong nhận ra các đặc vụ Trung Quốc đã xuất hiện và hoạt động tại thành phố này.
Những phán quyết bất lợi liên tiếp xảy đến với các chính trị gia ủng hộ dân chủ và nhà hoạt động dân chủ làm dấy lên lo ngại rằng, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu can thiệp vào truyền thống tư pháp độc lập của Hong Kong. Mà đó là di sản của hệ thống thông luật Anh Quốc, vốn được người dân tại đây xem là một niềm tự hào.
Sau bản án tù dành cho ba cựu lãnh đạo Phong trào Dù vàng là Joshua Wong, Alex Chow và Nathan Law, tờ Guardian của Anh Quốc đã viết trong bài xã luận của họ rằng, “đây là giọng điệu của Bắc Kinh, không phải của công lý”.
Luật sư Ng chia sẻ, “Tôi nghĩ mình có thể nói hộ cho đa số người Hong Kong rằng, họ đang lo lắng. Những việc trên không phải các sự kiện riêng lẽ, mà là một chuỗi các cuộc tấn công có hệ thống vào quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí và tự do hội họp của Hong Kong. Hai mươi năm sau ngày được trao trả, các quyền tự do dân sự của chúng tôi đang bị đe doạ”.
Dù vậy, luật sư này không cho rằng việc kết tội các nhà hoạt động sinh viên là một biểu hiện trực tiếp để cho thấy nền tư pháp độc lập của Hong Kong đang bị xói mòn.
“Việc kết luận vội vàng về các thẩm phán của chúng tôi là không chín chắn. Là một luật sư, tôi vẫn có lòng tin vào tư pháp độc lập của Hong Kong. Người đưa các nhà hoạt động sinh viên vào tù không phải tòa án mà là Cơ quan Tư pháp đặc khu, một nhánh của cơ quan hành pháp. Họ đã liên tục truy đuổi các thủ lĩnh biểu tình một cách đầy thù địch. Khi họ không có được bản án họ muốn, họ tiếp tục kháng án, sử dụng tiền thuế của người dân, cho đến khi họ có được kết quả mong muốn”.
Những người ‘muôn năm cũ’
Năm 2016, trong ngày kỷ niệm hai năm Phong trào Dù vàng, Nathan Law, một trong những lãnh đạo sinh viên của phong trào, đã đăng tấm hình ngày mình trở về Civic Square (Quảng trường Dân sự), địa điểm đánh dấu sự khởi đầu của cuộc biểu tình. Khi ấy, Law đã trở lại với tư cách một nghị sĩ vừa trúng cử vào Hội đồng Lập pháp Hong Kong, và cũng là nghị sĩ trẻ tuổi nhất từng trúng cử.
Một năm sau, Law bị giam giữ tại Trung tâm Cải tạo Tong Fuk trên đảo Lantau, cùng với Joshua Wong và Alex Chow. Họ đều bị kết án vì tội “tụ tập trái phép” khi chiếm đóng Civic Square ba năm về trước. Vài tuần trước khi bị tuyên án, Law cũng bị tước tư cách nghị sĩ trong một vụ kiện khác. Chính quyền Hong Kong đã đâm đơn kiện những nghị sĩ mà họ cho là đã không tuyên thệ đúng cách.
Law và Chow là hai trong số năm lãnh đạo sinh viên đã đại diện người biểu tình gặp mặt lãnh đạo đặc khu trong cuộc thương lượng thất bại giữa Phong trào Dù vàng với chính quyền Hong Kong.
Hai tháng trước khi Law và Chow bị kết án, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), người đứng đầu nhóm đàm phán của chính quyền khi đó, đã trở thành đặc khu trưởng của Hong Kong. Bà Lam đứng trước Xi Jinping và tuyên thệ nhậm chức bằng tiếng Mandarin (Quan Thoại), ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc, thay vì tiếng Cantonese (Quảng Đông) của người Hong Kong.
Một nghị sĩ khác bước ra từ Phong trào Dù vàng là Yau Wai Ching của đảng Youngspiration. Tương tự Nathan Law, Yau, 25 tuổi, cũng bước từ cuộc biểu tình vào Hội đồng Lập pháp và sau đó phải ra đi vì bị tước tư cách nghị sĩ.
Yau chịu nhiều chỉ trích vì cách hành xử trẻ con và việc gọi tên Trung Quốc một cách xúc phạm trong lễ tuyên thệ. “Tôi xấu hổ khi nhìn lại sự kiêu căng và thiếu suy nghĩ của mình. Giờ thì tôi chịu trách nhiệm cho những gì mình đã gây ra”, Yau nói với South China Morning Post.
“Giờ thì tôi phải nhìn lại những sai lầm trong quá khứ và tiếp tục tiến lên trong một vai trò khác”.
Những người khác thì sao?
Trong cuốn sách viết về Phong trào Dù vàng của mình, luật sư Ng nói rằng rất nhiều người trẻ đã dọn dẹp những túp lều của mình trên đường phố, trở về nhà và đối mặt với gia đình, bạn bè họ như những kẻ thất bại. Họ trở thành những người đã bỏ đi trong 79 ngày, ngủ ngoài trời, trên đường, rồi ra về mà không hề có kết quả nào. Một số tuyệt vọng. Số khác cảm thấy họ bị những lãnh đạo của cuộc biểu tình phản bội.
Thế nhưng, ở một mặt khác, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra. Việc bỏ tù các lãnh đạo biểu tình hay vụ mất tích của những người bán sách vẫn kéo hàng nghìn người xuống đường. Hàng đêm, tại Mong Kok, một nhóm người vẫn mang dù vàng ra đây để nhắc nhở mọi người về việc các yêu sách của Phong trào Dù vàng vẫn chưa được đáp ứng. Giữa con phố mua sắm tấp nập, không nhiều người hưởng ứng lời kêu gọi của họ lắm.
“Mọi người đang mệt mỏi, nhưng tôi biết vào lúc cần thiết, họ sẽ lại tập hợp với nhau”, người đàn ông trong nhóm biểu tình cho biết.
* Ảnh bìa đầu bài: CNN.
Tài liệu tham khảo: