Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Báo chí tự do và nền dân chủ đang chết dần ở Vương quốc Cambodia.
Ngày 1/9, tờ nhật báo tiếng Anh The Cambodia Daily đăng bài “Forever Foreign” về thân phận bị hắt hủi của người Việt Nam ở Cambodia. Và đó là một trong những bài báo cuối cùng của họ.
Chỉ ba ngày sau, họ bị buộc phải đóng cửa dưới sức ép của chính quyền Thủ tướng Hun Sen. Đây là cái kết của một chiến dịch mà chính quyền đã tiến hành cả tháng qua.
Trong suốt 24 năm tồn tại của mình, The Cambodia Daily đã luôn là một tờ báo độc lập hiếm hoi ở một đất nước mà vị Thủ tướng Hun Sen đã tại vị đến hơn 30 năm nay. Nền dân chủ còn đầy khiếm khuyết của Cambodia ít khi cho ai cơ hội thách thức quyền lực của ông, nhưng The Daily lại làm chính cái việc đó mỗi ngày.
Một tháng trước đây, sở thuế Cambodia cáo buộc tờ The Cambodia Daily biển thủ hơn sáu triệu đô-la tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) trong nhiều năm qua. Họ ra tối hậu thư cho tờ báo phải trả khoản thuế này trong vòng một tháng. Thủ tướng Hun Sen ngay sau đó đã gọi The Cambodia Daily là “kẻ trộm” và yêu cầu họ “cuốn gói ra đi” nếu không trả đủ thuế đúng hạn.
Điều đáng chú ý là chính quyền Hun Sen không tiến hành bất kỳ một cuộc kiểm toán nào theo luật định trước khi đưa ra kết luận này, cũng như không cho tờ báo này một cơ hội nào để kháng cáo.
Các hợp đồng quảng cáo lập tức bị huỷ bỏ. Độc giả cũng ngừng đặt báo dài hạn.
Trong thông báo đóng cửa đăng ngày 3/9, The Cambodia Daily cáo buộc chính quyền đã bức tử họ, và rằng họ có thể đối soát từng đồng tiền thuế VAT họ đã thu từ khách hàng và nộp cho ngân sách để chứng minh họ đã nộp đầy đủ thuế theo luật định.
“Một ai đó đã viết một bài về The Daily mấy hôm trước và nói rằng The Daily đang chết, và tôi nghĩ điều đó cũng đúng với nền dân chủ và báo chí tự do [ở Cambodia]”, bà Jodie DeJonge, Tổng biên tập của The Daily cho đài VOA Khmer biết.
“Sứ mệnh của The Daily đã luôn luôn là đưa tin cho người Cambodia và đào tạo nhà báo cho Cambodia. Chúng tôi đã luôn cố gắng viết về Cambodia cho người Cambodia lẫn viết về Cambodia cho thế giới biết. Nhà báo ở Cambodia đã luôn luôn trông cậy vào The Daily để biết chính xác chuyện gì đang xảy ra trên đất nước này. Chúng tôi đóng cửa đồng nghĩa với việc mất đi thông tin, các phóng sự điều tra và các bản tin phân tích mà The Daily đã luôn cung cấp”, bà cho biết.
Bà Jodie DeJonge (giữa), Tổng biên tập của The Cambodia Daily, làm việc với các phóng viên ngày thứ Năm tuần trước. Ảnh: Omar Havana/The New York Times.
The Cambodia Daily được nhà báo người Mỹ Bernad Krisher sáng lập năm 1993, sau khi Vương quốc Cambodia được tái lập sau thảm hoạ diệt chủng Khmer Đỏ và 10 năm chiếm đóng của quân đội Việt Nam (1979-1989). The Daily cũng đồng thời là một trong số hai tờ nhật báo tiếng Anh duy nhất của Cambodia, bên cạnh tờ The Phnompenh Post.
Ông Krisher có mối quan hệ thân tình với nhà vua Norodom Sihanouk (1922 – 2012) từ những năm 1990, và The Daily hoạt động dưới sự bảo trợ của nhà vua.
“Đây là C.I.A. của tôi”, nhà vua nhận xét về tờ The Daily trong một cuộc phỏng vấn năm 2008. “Đây là cách duy nhất để tôi biết chuyện gì đang xảy ra vì chẳng ai nói cho tôi biết gì cả”.
Trong 24 năm qua, tờ báo này đã là vườn ươm cho một thế hệ nhà báo trẻ của Cambodia, nơi báo chí độc lập hãy còn là một điều gì đó rất mới mẻ.
Slogan của The Cambodia Daily là “Đưa tin không sợ hãi hay thiên vị” (All the News Without Fear or Favor).
“Đó là một trải nghiệm đã thay đổi cách nhìn và cách sống của tôi trên thế giới này”, ông Robin McDowell, một trong những phóng viên đầu tiên của The Cambodia Daily cho biết. “Nó đã là bệ phóng cho sự nghiệp của tôi và cả nhiều phóng viên nước ngoài nữa trong nhiều năm qua. Trên hết, nó đã là nơi đào tạo ra một thế hệ nhà báo bản xứ”.
Trong ngày làm việc cuối cùng của mình, The Cambodia Daily có tất cả 34 phóng viên, biên tập viên, một nửa trong số đó là người Cambodia, số còn lại là người nước ngoài. Các cựu phóng viên của tờ báo này giờ đây cũng đang làm việc cho nhiều tờ báo và hãng thông tấn lớn như The New York Times, AP, National Public Radio. Rất nhiều phóng viên hàng đầu của Cambodia hiện nay đã khởi đầu sự nghiệp ở tờ The Daily này.
Hannah Hawkins (trái), một biên tập viên, và Ben Sokhean, một phóng viên, đang chuẩn bị cho số báo cuối cùng của The Cambodia Daily vào thứ Năm tuần trước ở Phnom Penh. Ảnh: Omar Havana/The New York Times.
“Tôi thấy rất tệ, vì sau khi The Daily đóng cửa, chúng tôi sẽ không còn tin tức độc lập để đọc nữa”, ông Aun Pheap, một phóng viên kì cựu vừa giành một giải thưởng báo chí năm nay cho biết.
“Sau khi họ đóng cửa hết những tờ báo hay đài phát thanh độc lập, sẽ không còn ai đủ khả năng đưa tin trung thực về cuộc bầu cử sắp tới nữa”.
Nỗi lo ngại này của Aun Pheap là có căn cứ, vì tất cả những diễn biến đàn áp báo chí mới nhất của chính quyền Hun Sen diễn ra sau khi đảng của ông hứng chịu thiệt hại lớn trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 6 vừa qua. Ông hiển nhiên không muốn điều đó lặp lại trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc vào tháng 7 năm tới.
Để chấn chỉnh lại tình hình, chính quyền Hun Sen đã ra lệnh cho 15 đài phát thanh trên toàn quốc phải đóng cửa hoặc dừng phát thanh các chương trình của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America) và đài Á châu Tự do (Radio Free Asia), vốn là những đài của Mỹ cung cấp thông tin độc lập.
Không những thế, cuối tháng 8 vừa qua, chính quyền còn yêu cầu các nhân viên nước ngoài của tổ chức phi lợi nhuận Viện Dân chủ Quốc gia (National Democratic Institute) phải rời khỏi Cambodia trong vòng bảy ngày. Đây là một tổ chức cổ xuý dân chủ có quan hệ với đảng Dân chủ Mỹ.
Và đỉnh điểm của chiến dịch trấn áp phe đối lập là việc bắt giam lãnh đạo Kem Sokha của đảng Cứu quốc Cambodia chỉ một ngày trước khi The Daily đóng cửa.
“Họ đang cố bịt miệng tất cả những tiếng nói độc lập”, bà Jodie DeJonge, Tổng biên tập của The Daily cho biết.
“Các phóng viên của tôi đã mạo hiểm làm công việc này mỗi ngày. Tôi không chắc liệu họ có xin được việc nữa hay không, hay họ có được an toàn hay không”, bà lo ngại.
Leng Len, một phóng viên 25 tuổi mới làm việc cho The Daily được hai tháng, cho biết: “Tôi yêu tờ báo này vô cùng. Tôi chia sẻ niềm tin chung với các đồng nghiệp bản xứ lẫn nước ngoài của mình. Chúng tôi rất thèm khát thông tin”.
“The Daily cho tôi cơ hội để không còn sợ hãi nữa”, cô chia sẻ.
Gretchen Peters, trưởng ban biên tập của The Daily giữa những năm 1990 cho biết: “Tôi đau đớn vì tờ báo đóng cửa, nhưng tôi không cho là Hun Sen thắng. Tôi ngờ rằng The Daily sẽ trở lại theo một cách nào đó và còn gây nhiều rắc rối cho Hun Sen hơn là phiên bản hiện tại”.
Lược dịch và tổng hợp từ: The Cambodia Daily to Close (After Chasing One Last Big Story) – The New York Times, và các nguồn đã dẫn.