Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trong một năm vừa qua, cuộc xung đột đầy bạo lực giữa chính quyền Burma (Myanmar – Miến Điện) và cộng đồng hơn một triệu người theo đạo Islam – Rohingya – tại bang Rakhine, đã ngày càng leo thang.
Đặc biệt là từ sau khi sự kiện chín viên cảnh sát của bang Rakhine bị giết chết vào cuối năm 2016, các lực lượng an ninh quốc gia – với mục đích truy đuổi các phiến quân khủng bố – đã tiến vào khu vực của người theo đạo Islam.
Từ đó, những cáo buộc về vi phạm nhân quyền của nhà nước Burma – bao gồm các cáo buộc sát hại thường dân, hãm hiếp phụ nữ người Rohingya – cũng bắt đầu xuất hiện.
Trong khi các nhà lãnh đạo quốc tế từng bày tỏ thái độ kính trọng đối với bà Aung San Suu Kyi – cố vấn tối cao của chính phủ Burma – trong việc bà đã giúp cải thiện quan hệ ngoại giao của nước này với Hoa Kỳ, thì các tổ chức dân sự nước ngoài lại chỉ trích bà ta, khi bà Suu Kyi phủ nhận những cáo buộc về vai trò và trách nhiệm của quân đội Burma trong các cuộc thảm sát tín đồ đạo Islam người Rohingya.
Các nhóm này cho rằng, bà Aung San Suu Kyi lặng lẽ tán đồng công cuộc thanh trừng chủng tộc người Rohingya đang diễn ra ở Burma.
Nhưng nếu muốn thật sự hiểu vì sao bà Suu Kyi lại nhất quyết giữ im lặng về vấn đề của người Rohingya trong những thời gian qua, thì chúng ta trước hết cần hiểu rõ hai lực lượng cử tri chính trị lớn nhất ở Burma: quân đội và các tín đồ Phật giáo dân tộc chủ nghĩa (Buddhist nationalists).
Phong trào đẩy mạnh dân tộc chủ nghĩa của một nhóm tín đồ Phật giáo đang ngày càng nhận được sự ủng hộ của những người dân Burma theo đạo Phật tại đây, tức là đại bộ phận dân số nước này. Cũng chính phong trào này đã bị xem là phải chịu trách nhiệm cho tư tưởng bài xích người Rohingya ở Burma.
Thêm vào đó, mặc dù chính quyền quân đội đã tình nguyện chuyển giao quyền lực cho bà Aung San Suu Kyi sau khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy – gọi tắt là NLD) thắng cử vào cuối năm 2015, nhưng lực lượng tướng lĩnh vẫn thu tóm rất nhiều quyền hành trong việc quản trị đất nước. Và vấn đề người Rohingya chính là một nguyên tố giúp cho họ càng có thể tận thu lợi ích trong việc gây dựng quyền lực.
Đúng là các lời chỉ trích nhắm vào bà Suu Kyi rất có lý lẽ, vì bà đã không thể đưa ra một giải pháp ôn hòa để chấm dứt việc quân đội sử dụng vũ lực đàn áp người Rohingya.
Tuy nhiên, cái khoảng không thinh lặng mà bà ta đã và đang dùng để đáp trả lại chất vấn của cả thế giới về vấn đề này cho thấy, Aung San Suu Kyi vốn chẳng phải là một kẻ ngờ nghệch mang lòng thù ghét người Rohingya.
Ngược lại, nó đã chứng tỏ thái độ cân nhắc đầy toan tính để giữ vững thế chân vạc cho quyền lực cá nhân của bà Suu Kyi, đối với phe quân đội và nhóm Phật tử dân tộc chủ nghĩa ở Burma.
Sức ép từ những Phật tử dân tộc chủ nghĩa
Phật giáo là tôn giáo lớn nhất ở Burma. Đối với rất nhiều tín đồ Phật giáo tại đây, thì người Rohingya theo đạo Islam luôn bị xem là những kẻ “không mời mà đến”, cũng như bị toàn xã hội hắt hủi từ lâu.
Việc xa lánh người Rohingya được cho là đã bắt nguồn từ quan niệm họ vốn là người di dân bất hợp pháp đến từ Bangladesh, và đã sinh sống ở Myanmar trong thời kỳ đô hộ của thực dân Anh vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Phong trào 969, một phong trào Phật giáo dân tộc chủ nghĩa được các nhà sư lãnh đạo, đã ngày càng trở nên lớn mạnh tại Burma. Phong trào này bị quy trách nhiệm cho làn sóng tẩy chay người theo đạo Islam trong dân chúng tại đây.
Ngoài việc kêu gọi tẩy chay các cửa hàng của người theo đạo Islam, 969 còn kích động việc sử dụng bạo lực để chống lại các nhóm tín đồ Islam như người Rohingya.
Năm 2013, các nhà sư đã dẫn đầu một nhóm bạo dân đốt các khu phố mà người theo đạo Islam sinh sống ở Meiktila – Trung bộ Burma – và đã khiến cho 40 người Islam thiệt mạng.
Trong một quốc gia mà 90% dân số là Phật tử, thì một tín đồ Phật giáo như bà San Suu Kyi sẽ không dám liều lĩnh lên án những người theo phong trào Phật giáo dân tộc chủ nghĩa, để rồi khiến mình bị cả xã hội xa lánh và cách li.
Bởi vì bà ta không chỉ gặp phải chỉ trích của các nhóm Tây phương – do thái độ im lặng trước vấn đề Rohingya – mà bà cũng từng bị các lãnh đạo của Phong trào 969 lên án. Ví dụ như nhà sư Ashin Wirathu, người đã cho rằng, chính quyền dân sự của bà Suu Kyi đang ngày càng biến ông thành “kẻ thù số một” của họ.
Rắc rối hơn cho bà Suu Kyi, là có rất nhiều thành viên chính phủ bày tỏ sự thông cảm cho phong trào này, trong đó có cựu Tổng thống Thein Sein.
Năm 2015, chính quyền Thein Sein đã thông qua bốn đạo luật về “tôn giáo và chủng tộc” nhắm đến kiểm soát các sắc tộc thiểu số trong các vấn đề như cải đạo và chuyện hôn nhân giữa những người có tôn giáo khác nhau.
Ông Thein Sein cũng từng lên tiếng bảo vệ sư Wirathu và tuyên bố rằng, Wirathu không thể nào là một người cổ xúy và kích động bạo lực giữa các tôn giáo.
Tuy không liên quan đến Phong trào 969, bà San Suu Kyi vẫn luôn “giữ im lặng”, và tránh nói đến vấn đề chủ nghĩa dân tộc đang bị một số tăng sư Phật giáo đẩy mạnh ở Burma. Rõ ràng là bà không muốn làm mích lòng các vị lãnh đạo Phật giáo, lẫn những người trong nội các chính phủ của mình.
Quân đội Burma vẫn nắm thực quyền
Bản Hiến pháp hiện hành của Burma chính là một công cụ pháp lý hữu hiệu để vô hiệu hóa Nội các của bà Aung San Suu Kyi. Theo đó, không những Tatmadaw (tên gọi của lực lượng quân đội Burma) có 25% số ghế tại Quốc hội – mà Tổng tư lệnh quân đội còn có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.
Nếu bà San Suu Kyi có bất kỳ hành động đối kháng với lực lượng quân đội, thì bà ta rất có thể phải đối mặt với việc các tướng lĩnh sẽ nổi dậy và lật đổ chính quyền dân sự.
Đứng trước lựa chọn giữa việc phải dựa vào quân đội nhằm củng cố quyền lực hầu có đủ sức kềm giữ nhóm Phật giáo dân tộc chủ nghĩa, hay tìm cách giúp đỡ một nhóm người thiểu số bị cả xã hội kỳ thị có hệ thống như người Rohingya, bà Suu Kyi đã chọn vế đầu.
Rất nhiều tướng lĩnh quân đội trong thời kỳ thiết quân luật tại Burma hiện vẫn nắm giữ nhiều vai trò quan trọng trong việc điều hành đất nước. Ba Bộ của chính phủ – Quốc phòng, Nội vụ, và Biên giới – là do các tướng lĩnh trực tiếp nắm giữ. Ngoài ra, quân đội vẫn sắp xếp được các vị tướng vào các chức vụ ở những Bộ khác.
Vì vậy, lực lượng này vẫn có đầy đủ quyền lực để chống lại bất kỳ hành động nào từ phía Lập pháp, trong trường hợp những vị đại biểu Quốc hội này có ý bảo vệ quyền cho người Rohingya.
Và, phe quân đội vẫn thừa sức để đe dọa ngay chính bà Aung San Suu Kyi.
Ngoài ra, việc chủ nghĩa dân tộc trở nên có sức ảnh hưởng ngày một lớn trong những Phật tử Burma, vốn có một mối tương quan trực tiếp với những nỗ lực cố níu giữ quyền lực của nhóm tướng lĩnh quân đội vào những năm trước đây.
Trước khi các cuộc bầu cử tự do được cho phép vào năm 2012, phe quân đội đã gặp phản đối rất dữ dội từ các nhà sư trong cuộc “Cách mạng Cà sa” (Saffron Revolution) – một phong trào dân sự, sử dụng biểu tình ôn hòa để phải đối tính chính danh của quân đội.
Với mong muốn chấm dứt tình trạng chống đối đến từ các nhà sư và để mở rộng cơ sở ủng hộ, nhóm quân đội đã lợi dụng những bất mãn xã hội – vốn hiện hữu từ trước – đối với các nhóm sắc tộc thiểu số, và ủng hộ những nhóm Phật giáo kêu gọi chủ nghĩa dân tộc ở Burma.
Mặc dù đến cuối cùng, lực lượng quân đội không thể trụ lại vị trí tối cao để cai trị đất nước như trước đây. Thế nhưng, việc họ khuyến khích chủ nghĩa dân tộc phát triển trong Phật giáo đã khiến cho tư tưởng ngày càng được số đông dân chúng ủng hộ.
Tuy lực lượng quân đội – Tatmadaw – có đến 90% tín đồ Phật giáo, nhưng quyết định truy bức người Rohingya của họ thì không chỉ là vì lý do tôn giáo, mà đó còn là lý do chính trị. Bằng việc phỉ báng người Rohingya là những di dân bất hợp pháp, Tatmadaw hy vọng rằng, họ có thể trung lập hóa và kiếm được sự ủng hộ từ phe nhóm hiện đang là mối đe dọa chính trị lớn nhất đối với lực lượng quân đội: các nhà sư.
Do đó, ngoài việc tích cực cổ xúy các tư tưởng bài xích người Rohingya trong xã hội, lực lượng quân đội đã từng cài đặt người của họ vào những cộng đồng sư sãi, như họ đã từng làm qua chiến dịch “Thanh tẩy Sangha” trong thập niên 1980, để “trong sạch hóa” cộng đồng này.
Và mặc cho chính quyền quân đội trước đây đã thất bại, cũng như không thể tống khứ các nhà sư ủng hộ dân chủ hóa ra khỏi cộng đồng các tăng sư, thế nhưng, họ lại thành công với vấn đề bài xích người Rohingya. Những vị tăng sư mang tư tưởng ủng hộ người Rohingya, đa số đều bị cộng đồng này xa lánh.
Đối với những người thiểu số Rohingya, thì họ đã trải qua những cuộc tàn sát thảm khốc trong thời gian quân đội cầm quyền. Thế nên đối với họ, ngày nào phe quân đội – trong thực tế – vẫn đang nắm giữ quyền lực ở Burma, thì ngày đó quyền con người của người Rohingya sẽ còn bị tùy nghi chà đạp.
Đến cuối cùng, thể chế “dân chủ” hiện thời ở Burma hoàn toàn phụ thuộc vào việc hợp tác giữa bà Aung San Suu Kyi và phe tướng lĩnh, và đó có thể là một cách giải thích cho thái độ im lặng của bà trong vấn đề người Rohingya.
Chính phủ dân sự hiện nay đã thất bại trước vấn nạn Rohingya
Việc truy bức người Rohingya vốn không phải là một tình trạng mới xảy ra sau khi phe bà Suu Kyi nắm quyền điều hành đất nước.
Từ cuộc đảo chính năm 1962 của phe quân đội, chấm dứt một thời kỳ dân chủ ngắn ngủi ở Burma, chính quyền quân phiệt đã từ chối công nhận những người Rohingya là công dân nước này thông qua Đạo luật Công dân 1982. Đạo luật này cũng cấm người Rohingya được tham gia vào các vị trí công chức nhà nước. Đến nay, Đạo luật Công dân 1982 vẫn được áp dụng.
Việc chính quyền đàn áp người Rohingya đã dẫn đến hàng loạt các báo cáo về những vi phạm nhân quyền ở Burma. Những cáo buộc này vốn rất khó có thể xác minh, vì phía quân đội Burma đã nghiêm cấm phóng viên tiến vào bang Rakhine với lý do “an ninh”.
Tuy nhiên, vẫn có các lời khai của người tị nạn Rohingya được công bố, và hình ảnh vệ tinh đã xác nhận có những làng mạc bị tàn phá để che đậy những hành vi bạo lực do các lực lượng vũ trang của chính phủ gây ra.
Thế mà – Zaw Htay – người phát ngôn cho tổng thống Burma vẫn kiên quyết rằng, những cáo buộc vi phạm nhân quyền là một phần của chiến dịch “tung tin giả” được các nhóm tín đồ Islam – trong đó có người Rohingya – sử dụng làm công cụ tuyên truyền.
Đúng là bà Suu Kyi đã có cố gắng làm ra một vài biểu hiện để cho thấy bà ta có ý tìm kiếm những mối quan hệ hòa bình cho người dân. Nhưng những nỗ lực của bà, phần lớn vẫn chỉ là lời nói cho có.
San Suu Kyi cho thành lập một “Ủy ban Trung ương trong việc thực thi hòa bình và phát triển ở bang Rakhine” gần đây, với nguyện vọng “thúc đẩy thấu hiểu và niềm tin” giữa người Burma và người Rohingya. Đáng tiếc là nó chẳng mang lại hòa bình cho bất kỳ ai.
Trong khi việc tạo ra ủy ban này có vẻ cho thấy bà Suu Kyi muốn tìm giải pháp cho tình trạng của người Rohingya, thì chính nó cũng chẳng có bao nhiêu người Rohingya trong ban đại diện và cũng chẳng làm được gì để cải thiện các mối quan hệ.
Rồi bà Suu Kyi lại lập ra “Ủy ban Cố vấn bang Rakhine”, với người đứng đầu là cựu Tổng thư ký LHQ, ông Kofi Annan, cho mục đích “yểm trợ nhân đạo, giúp phát triển, và bảo vệ các quyền căn bản, và những quyền an ninh”. Nhưng ủy ban này đã gặp sự phản đối gay gắt từ những Phật tử dân tộc chủ nghĩa, vì họ cho rằng, để người nước ngoài tham gia vào ủy ban là một sự đe dọa đối với “anh ninh quốc gia”.
Sau khi những vị dân biểu đại diện cho bang Rakhine – đa số theo đạo Phật – đã bỏ phiếu chống lại tính chính danh của Ủy ban Cố vấn, cả hai ủy ban do bà Suu Kyi lập ra hiện giờ đều hoàn toàn bất lực trong việc chặn đứng các vụ bạo lực ở bang này.
Cũng không thể đổ lỗi cho một mình bà Aung San Suu Kyi khi Burma đã không thể giải quyết rốt ráo những vụ đàn áp người Rohingya.
Thái độ dè dặt, và có phần lãnh đạm của bà ta là một nước cờ đầy tính toán nhằm giảm thiểu tối đa việc đối đầu gay gắt với phe quân đội – vốn là những kẻ vẫn nắm giữ quyền lực quan trọng của quốc gia – và cả với phe Phật tử dân tộc chủ nghĩa, là những nhóm cử tri có sức ảnh hưởng chính trị không hề nhẹ đối với nhánh Lập pháp.
Một hoàn cảnh bi đát cho người Rohingya
Tại một đất nước vẫn chưa thể thoát khỏi sức ảnh hưởng của lực lượng quân đội, Aung San Suu Kyi không đủ sức để ngăn chận những thảm họa mà người Rohingya đang gánh chịu.
Nếu bà ta lên tiếng phản đối hay có hành động chống lại những kẻ thủ phạm, Aung San Suu Kyi sẽ bị cô lập hoàn toàn bởi lực lượng quân đội và cả các nhóm Phật tử dân tộc chủ nghĩa, là hai lực lượng chính trị chủ đạo ở Burma.
Không có sự hợp tác của phe quân đội, bà Suu Kyi không thể mong đợi bản thân có thể giải quyết được các mối quan ngại liên quan đến người Rohingya. Bà ta cũng cần sự hỗ trợ của các nước láng giềng trong việc tiếp nhận những người tị nạn Rohingya đang chạy trốn khỏi Burma.
Còn ngay tại quê hương, nơi mà họ đang bị lòng thù hằn chủng tộc có hệ thống truy bức, thì những người Rohingya lại chẳng thể hy vọng gì vào một giải pháp tức thì trong thời gian sắp tới.