Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tôi tin vào may mắn, vì nghĩ rằng có những số phận, cái mà họ thực sự cần là một chút may mắn.
Nhưng cuộc sống không đơn giản như vậy, may mắn nhiều khi quá xa vời. Số phận tưởng chừng như đã được sắp đặt từ trước. Điều đó không có nghĩa là dừng nỗ lực, bởi nỗ lực là lựa chọn duy nhất nếu không gặp may, để “vẫn có thể sống được”. Thầy giáo đã dạy tôi điều đó khi còn trên ghế nhà trường. Trớ trêu thay, lớn rồi tôi mới nhận ra, trong cuộc sống vẫn luôn có những người mà với họ nỗ lực thôi là chưa đủ. Chỉ để sống.
Những điều được chứng kiến tại Bangkok cách đây vài tháng làm tôi suy nghĩ về một ngày, khi không còn chút tiền, không người thân thích, khi mọi áo giáp bị cuộc đời tước bỏ và trở thành người dễ tổn thương, tôi sẽ sống ra sao? Thật ra, biên giới nào, quốc gia nào rồi thì cái mà một người như tôi mong đợi lúc ấy cũng chẳng khác nhau là bao: một giấc ngủ yên rồi một bữa ăn no. Thế là đủ để tiếp tục “chiến đấu” trên chặng đường dài.
Tôi cảm nhận được tất cả những điều ấy ở Bangkok. Tôi có một bữa cơm miễn phí tại Wang Pho. Điều đặc biệt so với những bữa cơm thiện nguyện tại nhiều chùa khác, ấy là bữa cơm này có thịt. Tôi không hiểu lắm về văn hóa tại những ngôi chùa ở Thái Lan, tuy nhiên một phần lý do có lẽ đến từ những vị khách chính của bữa cơm: những người vô gia cư và người lao động nghèo.
Các tuyến xe buýt ở đây khá xập xệ, tuy nhiên phần lớn là miễn phí. Đối với một thành phố có hệ thống giao thông đường bộ phát triển như ở Thái Lan, sự xập xệ và tồi tàn của những chiếc xe buýt có thể làm người ta thấy ái ngại. Dầu vậy, nó vẫn hiện diện như một phần không thể thiếu của thành phố. Rõ ràng họ có thể cải thiện nó bằng cách bán vé thu tiền, nhưng vì một lý do nào đó mà họ đã chấp nhận cái vẻ tồi tàn ấy, cho những ai không còn lựa chọn khác.
Điều ấy khiến tôi nghĩ, một quốc gia cũng giống như một gia đình, là nơi để người ta trở về và cảm thấy an toàn, dù tay trắng với đời. Đó cũng là nơi có thể cưu mang những kẻ cô độc nhất, yếu đuối nhất.
Ở đâu đó, người ta nói về sự phát triển thần kỳ của kinh tế, những phát minh vĩ đại, những thành tựu mang tầm quốc tế. Nhưng liệu điều đó có ý nghĩa gì với một người mà ngay cả sự sống tự nhiên cũng đang bị giành giật? Bạn không thể nghĩ gì nếu cái bạn phải đối diện khi ấy là đói, là cái rét và tệ hơn là sự cô độc trong chính ngôi nhà của mình.
Số phận có thể đưa bạn vào bi kịch ấy, nhưng bạn cũng xứng đáng được cưu mang nếu bạn có một quốc gia. Có thể may mắn chối từ bạn, nhưng một quốc gia đáng sống phải là nơi không chối từ bất kỳ công dân nào của nó. Nơi cái đói, cái nghèo của bạn được lưu tâm, được am hiểu để giúp bạn có một cuộc sống tốt hơn.
Sự cứu trợ trong những lần thiên tai địch họa.
Một lối đi để người khuyết tật di chuyển dễ dàng hơn.
Một người vô gia cư có thể yên tâm ngủ trên chiếc ghế công viên, chứ không phải là những rào sắt vô hồn mà nguồn gốc của nó là để nhằm ngăn cản mong muốn tự nhiên ấy khi đêm về.
Sự bảo vệ vô điều kiện khi đơn phương độc mã đối diện với hiểm nguy ở một quốc gia khác.
Hay nếu một ngày kia bạn không có gì cả, vì ai cũng có lúc ngã ngựa chùn chân.
Khi ấy, may mắn có thể giúp bạn trông chờ vào lòng tốt của một ai đó. Nhưng có một vòng tay khác, đó là quốc gia của bạn. Nó là tấm khiên giúp bạn chống chọi lại với số phận. Nó không tự nhiên đến, nó là sự lựa chọn cho những người không còn có thể lựa chọn. Và đó là sự lựa chọn của một quốc gia đáng sống. Khi ai ai cũng có một chốn để trở về.