Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu đến bạn đọc của Chuyên mục Café Luật Khoa một bài tiểu luận ngắn của nhà văn bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), On living with Dignity in China. Bài được đăng trong sách “Không có kẻ thù, không có hận thù: Tuyển tập thơ và tiểu luận của Liu Xiaobo“ (No Enemies, No Hatred: Selected Essays and Poems by Xiaobo Liu) do Nhà xuất bản Đại học Harvard xuất bản năm 2012.
Lời tựa của Nhà Xuất bản:
Lưu Hiểu Ba đã viết đoạn văn ngắn này vào cuối năm thứ hai trong lần đi tù thứ ba, và nó có vẻ như là một bước ngoặt lớn trong tư tưởng của ông. Từ giai đoạn này trở đi, ông Lưu bắt đầu đặt nặng vấn đề nhân phẩm, cũng như cho rằng bổn phận của mỗi người là phải luôn trung thành với các giá trị của nó, như các ông Václav Havel, Martin Luther King Jr., Mohandas K. Gandhi, và cả Chúa Giê-su đã từng làm.
Chúng ta cũng có thể thấy được lời xưng tụng Thiên Chúa trong Lưu Hiểu Ba trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng không giống như những người bạn trẻ tuổi hơn của ông là Yu Jie và Wang Yi, những tín đồ Thiên Chúa Giáo, Liu chưa bao giờ tuyên xưng đức tin đối với bất kỳ tôn giáo nào.
***
Trong một nhà nước toàn trị, mục tiêu của chính trị là quyền lực và chỉ có quyền lực.
“Quốc gia” và người dân được nhắc đến nhằm tô vẽ thêm cho tính chính danh của giới cai trị, để họ có thể áp dụng quyền lực.
Người dân đã đánh mất đi giá trị tồn tại của mình khi chấp nhận kiểu sống cho qua ngày như thế. Và đó là một hằng số bất biến trong đời sống người dân Trung Quốc. Những kẻ đã từng bị dối gạt trong quá khứ bởi bao lời ngoa ngữ của người cộng sản, và vẫn bị dụ dỗ đến tận hôm nay với các hứa hẹn về một cuộc sống hòa bình, thịnh vượng.
Bao lâu nay, người dân chúng ta đã tồn tại ở một vùng đất hoang tàn không có dấu hiệu của sự sống.
Chúng ta sống mà không có lấy được một chút nhân phẩm nào cả. Giá trị của chúng ta bị đánh đồng như là các món đồ vật, có thể dùng để cầm cố trong một chế độ cai trị bằng nỗi sợ hãi.
Mao Trạch Đông đã trở nên rất nổi tiếng với lời phát biểu tại cuộc Tọa đàm Văn nghệ ở Diên An năm 1942, khi lập lại lời của Lenin và hô hào người dân Trung Quốc hãy hiến dâng thân mình để trở thành “những mắc xích trong cỗ máy cách mạng”.
Và cho dù thái độ của người dân ngày nay đã thay đổi từ việc ôm ấp tinh thần cách mạng dưới thời kỳ cai trị của Mao, trở sang trốn tránh nó trong những ngày Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền. Thì với cả hai trường hợp, họ vẫn chấp nhận làm những mắc xích của guồng máy.
Chấp nhận sinh tồn cùng chủ nghĩa cơ hội, là chấp nhận đắm chìm trong sự đồi bại mà không còn cảm thấy xấu hổ vì nó nữa.
Chấp nhận sống với thói đạo đức giả, là chấp nhận hy sinh tính chính trực để đổi lấy nhưng mưu toan vô sỉ.
Chấp nhận sống trong vô cảm, là đồng ý làm quen với thói ích kỷ thụ động.
Chấp nhận quỳ gối mà sống, là để mặc kẻ khác dàn xếp và ban phát cho ta một chút của bố thí.
Chấp nhận sống hời hợt, là tự tìm quên trong những trò hề và thú tiêu khiển rẻ tiền.
Chấp nhận nuốt lệ để an phận sống kiếp tủi nhục, là tự dập tắt năng lực đạo đức của bản thân trong lặng thinh.
Chấp nhận phủ phục trong nỗi bất lực để mà sống, là tự đánh mất đức tin vào quyền năng của những nguyên tắc và lòng công chính.
Chấp nhận nhẫn nhục sống để mà thỏa hiệp, là ta đã mặc cho chủ nghĩa cơ hội nuốt chửng các nguyên tắc của bản thân.
Chấp nhận dùng mánh khóe để đạt được mục đích sống, là đã bán rẻ lương tâm, là phản bội lại những tấm gương anh hùng đại diện của lương tri, và dần mất đi cảm giác tự biết xấu hổ.
Vậy thì đã sao? Một cá nhân hay một quốc gia chỉ tồn tại mà không tự biết xấu hổ có thể cũng sẽ sống tốt thôi. Phải không?
Chính cái thói tự biện bạch cho những lối sống như thế đã hủy diệt không gian tâm linh của con người, khiến cho họ phát sốt trong thú tính của mình và đắm chìm trong chủ nghĩa vật chất, để rồi họ tự hạ mình xuống cùng hạng với loài thú.
Khi đức tin và những gì thiêng liêng đều bị mất đi giá trị của chúng, thì con người sẽ để mình bị mị hoặc bởi những đam mê đầy nhục dục.
Khi bị lột sạch lòng trắc ẩn và ý thức về công lý, thì con người chỉ còn là những cá thể kinh tế đầy nhẫn tâm, đầy toan tính, mưu cầu hạnh phúc bằng một kiểu sống an nhàn.
Giằng co trong mâu thuẫn giữa cuộc sinh tồn của xác thịt và nhân phẩm của tâm hồn, nếu chỉ vì muốn bảo vệ bản thân mà chọn thái độ hèn nhát, thì chúng ta đã trở thành những thây ma biết đi, mặc kệ là đã tự tô trát cho bản thân bằng tài sản giàu có đến mấy đi chăng nữa.
Nhưng nếu ta dám đứng thẳng để bảo vệ nhân phẩm của mình, thì chúng ta sẽ sống một cách cao thượng cho dù có phải đối đầu với bao nhiêu nguy hiểm, và chịu biết bao khổ đau.
Người Trung Quốc thường hay tự hỏi, tại sao phải cần nhân phẩm, lương tâm, lý tưởng, lòng trắc ẩn, tính chính trực, và một cảm giác tự biết xấu hổ?
Họ cho rằng, nếu nói cho vuông, thì những giá trị đó có ăn được đâu, có mang lại tiền bạc của cải gì cho họ đâu. Mà một cái dạ dạy trống rỗng thì sẽ làm suy yếu lợi ích quốc gia. Vùi đầu vào đống cát, hay thậm chí là sử dụng đến tột cùng lòng dạ tàn độc của bản thân, thì họ vẫn khẳng định đó là những biện pháp duy nhất để tồn tại.
Đúng vậy, lòng công chính thì yếu đuối nếu không có quyền lực nào bảo vệ cho nó. Nhưng, nếu chỉ có quyền lực mà trống rỗng lòng công chính thì đó chính là cái Ác. Nếu càng có nhiều người chọn bỏ phiếu cho vế sau, thì cái Ác sẽ vĩnh viễn săn lùng nhân loại cho đến ngày tận thế, như loài hổ sói săn lùng bầy cừu non.
Thế nhưng, cũng chính là thứ lòng công chính tay không tấc sắt, nhưng được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương sẽ chiến thắng mọi thứ quyền lực và vũ khí. Đó chính là những phép màu chiến thắng mà Chúa Giê-su, Gandhi, và Martin Luther King đã đạt được bằng những phản kháng phi bạo lực của họ.
Tôi luôn nghĩ, Chúa Giê-su là hình mẫu của những người dám chết cho đức tin của mình, vì Ngài đã vượt qua những cám dỗ của quyền lực, của cải, những quyến rũ phù du để luôn giữ vững tinh thần ngay cả khi bỏ mình trên thập giá.
Mà quan trọng hơn hết, Chúa Giê-su đã minh chứng cho thái độ phản kháng mà không cần dùng đến lòng hận thù hay nỗi khát khao trả thù kẻ khác. Trái tim của Ngài được lấp đầy bởi yêu thương.
Viết trong Trại cải tạo Dalian, tháng 8/1998
Xuất bản lần đầu trên báoDajiyuan (Đại Kỷ nguyên) 18 tháng 7 năm 2004.
Dịch sang tiếng Anh bởi Susan Wilf