Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Một thông điệp của vị cựu tổng thống cánh hữu gửi cho kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy.
Ngày 19/10/2017, cựu Tổng thống Mỹ, George W. Bush đã có bài diễn văn mới nhất trong buổi tọa đàm “Tinh thần của tự do: Ở Mỹ và trên toàn thế giới” (Spirit of Liberty: At Home, In The World) tại thành phố New York, Hoa Kỳ.
Tuy toàn bộ bài diễn văn không hề nhắc đến tên của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, nhưng Bush đã thẳng thừng đả phá toàn bộ các cương lĩnh chính trị mà phe ủng hộ Trump theo đuổi từ mùa bầu cử năm 2016 đến nay. Ngoài ra, Bush cũng không ngần ngại cho rằng, khi dân chủ bị xem là thoái trào hay suy thoái, thì đó không phải là lỗi của bản thân nó, mà lỗi là ở những kẻ vốn được trao cho trọng trách bảo vệ và duy trì dân chủ nhưng đã không làm tròn nhiệm vụ.
Trước hết, ông Bush nhận định, người Mỹ không hề thuộc về chỉ một chủng tộc “thượng đẳng”, và nước Mỹ cũng chưa bao giờ cổ xúy cho một loại dân tộc chủ nghĩa nào cả. Vì thế, Bush kêu gọi mỗi người Mỹ phải nhận lấy nghĩa vụ tiếp tục theo đuổi tất cả những giá trị dân chủ và tự do đã định hình nên Hoa Kỳ ngày nay.
“Căn tính quốc gia của người Mỹ – không như rất nhiều quốc gia khác – vốn không phải được định nghĩa bằng khoảng cách địa lý hay chủng tộc, bằng đất đai hay bằng dòng máu. Để trở thành một nguòi Mỹ, một người cần phải ôm ấp những lý tưởng cao đẹp và một tinh thần trách nhiệm công dân.
Chúng ta trở thành hậu duệ của Thomas Jefferson qua hành động chấp nhận lý tưởng về phẩm giá của con người trong Bản Tuyên ngôn Độc lập. Chúng ta trở thành hậu duệ của James Madison khi hiểu được bản Hiến pháp Hoa Kỳ là thông tuệ và có giá trị đến mức nào. Chúng ta là hậu duệ của Martin Luther King, Jr. bởi vì chúng ta đã nhận thức người đối diện không bằng màu da, mà bởi nội hàm của tính cách.
Có nghĩa là một người, bất kể tôn giáo, chủng tộc, sắc tộc, hay xuất thân đều có cơ hội trở thành những người Mỹ chân chính. Điều đó cũng có nghĩa là bất kỳ hình thức cuồng tín hay tôn thờ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng nào thì cũng đều là các hành vi báng bổ đến đức tin chung của Hoa Kỳ.”
Bush đồng ý là các giá trị tự do và dân chủ đang bị đe dọa khi mà ngày càng có nhiều người mất lòng tin vào năng lực của chúng. Khi những thử thách kinh tế, chính trị và an ninh quốc gia leo thang, cùng với xu hướng trở mặt hoàn toàn với toàn cầu hóa để tập trung hướng nội của người điều hành quốc gia, đã khiến cho tinh thần dân chủ ở Mỹ ngày một suy yếu hơn. Nhưng cũng chính vì vậy mà nhiệm vụ vực dậy tinh thần đó trong mỗi công dân là vô cùng cấp thiết.
Tổng thống Bush còn khẳng định, Hoa Kỳ chỉ đứng vững ở vị trí lãnh đạo thế giới khi tiếp tục giúp đỡ các quốc gia khác trở thành những đất nước tự do. Ông nhấn mạnh Hoa Kỳ không những có nghĩa vụ phải chống lại các thể chế độc tài, mà quan trọng hơn, nước Mỹ không thể trở thành một phần của làn sóng đàn áp dân chủ, tự do trên toàn thế giới.
“Từ sau Thế chiến thứ Hai, Hoa Kỳ đã luôn khuyến khích, cũng như nhận được lợi ích từ việc toàn cầu hóa thị trường tự do, từ sức mạnh của các đồng minh dân chủ, và từ những tiến bộ của các xã hội tự do. Ở một mức độ nào đó, điều này rõ ràng là một việc làm có tính toán.
Thế kỷ 20 đã từng là thời khắc mà nhân loại chứng kiến những giây phút lịch sử khủng khiếp nhất mà các kẻ cai trị độc tài đã tạo ra. Trong khi đó, các nhà nước tự do ít khi phải đe dọa và gây hấn với nhau, và tự do mậu dịch đã giúp Hoa Kỳ trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu.
70 năm qua, mỗi vị tổng thống Hoa Kỳ – bất kể là từ đảng nào – đều tin rằng, an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ có một mối tương quan trực tiếp với thành công trong việc kiến tạo nên một thế giới tự do. Và ngược lại, mỗi người họ đều nhận thức được nước Mỹ cần lãnh đạo thế giới để đạt được điều đó. Nhiệm vụ này được tiếp nhận như một điều rất tự nhiên, bởi vì nó vốn được nằm trong tế bào DNA định hình nên lý tưởng chung cho quốc gia Hoa Kỳ.”
Do đó, tuy làn sóng đàn áp các tư tưởng dân chủ và tự do có vẻ như đang trỗi dậy trên toàn thế giới, và ngay cả tại quốc gia của mình, ông Bush vẫn khẳng định niềm tin vào người dân Hoa Kỳ:
“Tận cùng trong tư tưởng, mỗi người Mỹ hiểu rằng, đàn áp không thể nào trở thành xu hướng chung trong tương lai. Chúng ta hiểu được nỗi khát khao tự do vốn không phải là tư tưởng của một nền văn hóa nhất định, mà đó là một phần của niềm hy vọng vốn khắc sẵn trong định nghĩa chung của nhân loại.
Chúng ta biết chắc rằng các thể chế tự do là mô hình duy nhất có thể đảm bảo kẻ mạnh sẽ hành xử công chính và người yếu phải được tôn trọng. Và chúng ta cũng hiểu rõ, khi xã hội đang mất đi phương hướng, cũng như bỏ qua những giá trị và các lý tưởng ấy, thì lỗi không phải là ở dân chủ. Đó là lỗi của những kẻ vốn được trao cho trọng trách bảo vệ và duy trì dân chủ”.
Bush không hề bỏ qua những giai đoạn lịch sử mà dân chủ tưởng chừng như không thể vượt qua được những thử thách và trở ngại. Ông nhắc nhở mọi người về những mâu thuẫn chính trị và xã hội trong quá khứ đã từng khiến cho người ta tưởng rằng quốc gia Hoa Kỳ sẽ bị hủy hoại. Nhưng cũng chính niềm tin vào lý tưởng tự do trong mỗi người dân đã vực dậy quốc gia này. Thế nên, tinh thần tự do đã vượt qua ranh giới giữa các tư tưởng chính trị để thúc đẩy cải cách xã hội và khiến cho nó tiến bộ hơn.
“Tự do chưa bao giờ là một chọn lựa chính trị hoặc chỉ là một chính sách ngoại giao thời thượng của nước Mỹ. Mà tự do là một cam kết rõ ràng của Hoa Kỳ, và là hy vọng của thế giới.
Sức quyến rũ của tự do không chỉ gói ghém trong niềm hy vọng của người dân khắp nơi, mà nó còn được thể hiện ngay ở thói đạo đức giả của những kẻ độc tài. Không có nền dân chủ nào phải tự nhận mình là một thể chế bạo quyền, nhưng hầu như tất cả chính thể độc tài và bạo quyền thì đều giả dạng là những nền dân chủ.
Dân chủ tiếp tục định nghĩa tính chính danh cho chính trị. Đó là một điều chưa bao giờ thay đổi, và sẽ không bao giờ thay đổi.”
Để cho dân chủ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và tiếp tục phát triển trong tương lai, Bush kêu gọi hãy để người trẻ được có tiếng nói và tham gia chính trị một cách có hữu hiệu hơn. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh rằng các thiết chế dân chủ, trong đó bao gồm một nền truyền thông độc lập và minh bạch, là vô cùng cần thiết để giúp lấy lại lòng tin của công chúng.
Bởi vì hiện nay, các chính thể độc tài trên thế giới đang tìm mọi cách để lung lạc niềm tin vào dân chủ của người dân. Bush chia sẻ:
“Mười năm trước, tôi đã tham gia Hội nghị về Dân chủ và An ninh tại Prague, Cộng hòa Czech. Mục tiêu của hội nghị đó là phải đặt nhân quyền và các quyền tự do làm trọng tâm trong tất cả các mối quan hệ với những nhà nước độc tài.
Hiến chương Prague (Prague Charter) đã được những nhân vật đi đầu trong việc cổ xúy tự do như Vaclav Havel, Natan Sharansky, Jose Maria Aznar tham gia ký kết, nhằm kêu gọi cách ly và tẩy chay bất kỳ thể chế nào vẫn tiếp tục dùng vũ lực để đe dọa và đàn áp những tiếng nói đối lập ôn hòa.
Có điều là khi ấy, tất cả chúng tôi đều không thể ngờ rằng, chỉ một thập niên sau đó, cơn khủng hoảng niềm tin đã nổi lên ngay trong lòng các quốc gia đứng đầu của khối dân chủ. Cũng chính cơn khủng hoảng ấy đã gửi ra thông điệp là tự do đang bị hạn chế và sẽ bị tiêu trừ. Chúng tôi đã không thể ngờ rằng, các thể chế độc tài sẽ ra sức chia rẽ các xã hội Tây phương với nhau, và hạ thấp tính chính danh của những cuộc bầu cử.”
Rất xứng đáng là một cựu tổng thống Hoa Kỳ, bài diễn văn của ông Bush đã kết thúc bằng một niềm tin mãnh liệt vào tinh thần tự tái sinh của chủ nghĩa tự do Mỹ, ngay khi họ đang phải đối mặt với các thử thách đầy cam go.
“Những kẻ độc tài luôn đối đầu với chúng ta, và cả những kẻ luôn hoài nghi về dân chủ ngay trong lòng nước Mỹ, đã hiểu sai về một điều hết sức quan trọng. Ưu điểm vĩ đại nhất của các xã hội tự do chính là khả năng tự thích ứng với những thử thách mà không cần một chính quyền trung ương nào hướng dẫn. Hoa Kỳ là một đất nước với bề dày lịch sử được kiến tạo nên bởi ý chí kiên cường và là thiên tài trong việc tự vươn lên để tái sinh”.
Ngay lúc này, Bush hiểu rõ là lòng tự tin của chính người Mỹ vào các thiết chế dân chủ đang bị thiếu hụt trầm trọng, và đó cũng là vấn nạn quốc gia to lớn nhất mà Hoa Kỳ đang đương đầu. Tuy nhiên, ông tin rằng chính nhờ công cuộc đấu tranh vì tự do của họ, dù là ở ngay tại Mỹ hay là trên thế giới, sẽ chứng minh được niềm tin và công sức mà họ trao ra là xứng đáng.
“Công cuộc đấu tranh ấy đã từng truyền cảm hứng cho rất nhiều người ở những nơi cùng cực, đen tối nhất trên thế giới, và nó sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho một thế hệ mới đang trỗi dậy. Tinh thần Mỹ không bao giờ là kiểu, ‘chúng ta rồi sẽ làm được thôi’, hay ‘chúng ta sẽ làm tốt nhất’ – mà là: ‘Chúng ta sẽ chiến thắng'”.